Hotline 24/7
08983-08983

Tranh luận sôi nổi chuyện gắp mời người khác khi ăn

Khi ăn chung mâm, có nên dùng đũa của mình để gắp thức ăn cho người khác?

Ảnh minh họa 

Có người cho rằng việc không gắp thức ăn cho người khác thể hiện sự lịch sự và vệ sinh trong ăn uống, giao tiếp. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng đây là một nét văn hóa của người Việt, cần phải được lưu truyền.

Văn minh hay văn hóa?

Bạn đọc Robert cho biết trong một bàn tiệc, anh không bao giờ lấy đũa của mình gắp đồ ăn cho người khác, kể cả đối với phụ nữ vì “tôi tôn trọng sở thích cá nhân của họ.

Ví dụ như họ đang muốn ăn xôi thì mình lại gắp cho họ một chén đầy món lẩu mà họ không thích, chả lẽ đổ đi thì mất lịch sự, vì thế đành nhịn đói ngồi nhìn”.

Một bạn đọc khác cho biết mình thường bỏ món lẩu khi ăn đám cưới vì “có người lấy đũa ngoáy trong đó”. Có bạn đọc phản ứng gay gắt chuyện có người cứ lấy đũa chấm mút nước mắm trong chén mắm ăn chung.

Bạn đọc khác khẳng định: "Cái hay cần phải học tập, không vì do văn hóa Việt Nam mà chúng ta không tiếp thu. Nên chúng ta hãy bắt đầu từ bữa ăn gia đình, tập thói quen cho trẻ nhỏ thì sau này ra xã hội trẻ sẽ hình thành thói quen. Hãy làm từ từng gia đình thì xã hội sẽ tốt đẹp lên".

Bạn Nguyễn Như Linh (TPHCM) cho rằng việc gắp thức ăn cho người khác cũng thể hiện sự quan tâm của mình với người đó. Tuy nhiên, gắp thức ăn nên dùng đũa riêng và phải hỏi trước xem người ta có thích món mình định gắp hay không.

Ảnh minh họa

Chị Kim Hiền (Cần Thơ) cho biết mình rất hạn chế việc gắp thức ăn cho người khác trên mâm cơm hay tiệc chung. “Nếu có gắp thì mình cũng dùng đũa khác để đảm bảo vệ sinh”, chị Hiền nói.

Theo bạn đọc Châu Giang, việc gắp thức ăn cho người khác hay người lớn trong bàn là hành vi tôn trọng người trên kẻ dưới của văn hóa phương Đông.

Bạn đọc Châu Giang nói: "Có lẽ là do thói quen sống của xã hội từ xưa đến nay, chỉ đơn thuần là họ muốn thể hiện sự quan tâm đến người khác. Đó dường như đã là cái nếp khó thay đổi".

Bạn đọc Nguyễn Anh Tuấn phân tích: Nếu xét trên quan điểm về vệ sinh ăn uống và an toàn thực phẩm thì có thể nói là hợp lý. Nếu đứng trên quan điểm về văn hóa thì đây là một nét văn hóa của nước ta, thể hiện sự tôn trọng. Và trong một gia đình thì có thể dùng chung nồi canh, đĩa rau cũng không sao.

Kết hợp giữa văn hóa và văn minh

Trao đổi về vấn đề này, BS Phan Quốc Bảo (Bệnh viện ĐH Y dược TPHCM, cơ sở 2) cho rằng có những nguy cơ lây nhiễm bệnh thật sự khi dùng chung đũa, muỗng, nước chấm…

Những bệnh có thể lây lan qua đường tiếp xúc nước bọt như nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori hoặc các bệnh truyền nhiễm như cảm cúm, quai bị.

“Những bệnh này khi bị nhiễm, đôi khi lại không có biểu hiện ngay lập tức nên nhiều người vẫn chủ quan”, BS Bảo nói.

Chia sẻ thêm về những nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng đũa, muỗng mình đang ăn để gắp cho người khác, BS Trần Ngọc Lưu Phương (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM) cho biết khoang miệng của mỗi người chứa gần 80 triệu vi khuẩn khác nhau, trong đó có những vi khuẩn gây bệnh.

"Viêm gan A, viêm gan E, viêm loét dạ dày... có thể lây lan qua đường ăn uống chung", BS Phương nói. 

Theo BS Phan Quốc Bảo, nhiều người vẫn biết rằng việc dùng chung đũa hoặc dùng đũa của mình gắp thức ăn cho người khác là làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh nhưng để thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt của cả cộng đồng thì không phải ngày một ngày hai mà làm được.

“Khi dự tiệc, người khác tiếp thức ăn cho mình thì cũng khó từ chối. Cũng khó yêu cầu chủ nhà cho mình xin một chén nước chấm riêng khi mọi người đều dùng chung một chén nước chấm…”, BS Bảo nói.

Ảnh minh họa

BS Phan Quốc Bảo cho rằng cách hay nhất để thay đổi thói quen là thay đổi từ chính gia đình của mỗi người.

“Ở nhà, dù chung mâm cơm nhưng hãy dùng bát đũa riêng, nước chấm riêng. Khi cần gắp cho người khác thì dùng đôi đũa, cái thìa riêng dành cho việc phân chia thức ăn để gắp”, BS Bảo khuyến cáo.

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Nhã cho biết: “Các cụ ngày xưa cũng văn minh lắm. Khi bắt đầu ăn, những người nhỏ sẽ gắp thức ăn cho các bậc cao niên, trưởng bối bằng đôi đũa sạch, chưa ai dùng đến. Khi đang ăn mà muốn gắp cho ai thì họ cũng trở đầu đũa trước khi gắp”.

TS Nguyễn Nhã còn cho rằng cha mẹ không nên dùng đũa, muỗng chấm rồi mút thức ăn trong bữa cơm gia đình vì con trẻ sẽ rất dễ bắt chước làm theo.

Đồng tình với ý kiến của TS Nguyễn Nhã, BS Đào Thị Yến Thủy (Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM) cho biết khi ăn uống nên có sự riêng biệt nhất định.

“Chén, đũa của mình thì chỉ nên dùng riêng cho mình. Nếu gắp thức ăn chung ngoài bàn thì phải trở đầu đũa hoặc dùng đũa chung để gắp”, BS Yến Thủy đưa ra lời khuyên.

Theo BS Yến Thủy, “việc gắp thức ăn cho người khác (khi biết rõ sở thích của họ) là điều hay nhưng vẫn phải đảm bảo vệ sinh để cả người gắp và người được gắp đều vui vẻ tiếp nhận”.

“Nếu cứ gắp mà không biết người ta có ăn được không thì đôi khi gây phiền cho người được gắp. Vì khi họ ăn không được mà bỏ đi thì lại sợ phụ tấm lòng của mình”, BS Yến Thủy chia sẻ thêm.

“Phải kết hợp giữa văn hóa và việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm”, đó là ý kiến của TS Nguyễn Nhã về việc làm thế nào để giữ được nét văn hóa kính trên nhường dưới và quan tâm lẫn nhau trên bàn ăn mà vẫn không lây nhiễm bệnh.

“Trên mâm cơm hay bữa tiệc nên có một bộ muỗng, đũa chuyên dùng để gắp thức ăn cho mọi người. Khi mời cơm khách trong gia đình, chủ nhà muốn thể hiện sự hiếu khách bằng cách tiếp thức ăn thì nên dùng đũa riêng biệt. Kết hợp giữa văn hóa và vệ sinh được như vậy thì tốt!”, TS Nguyễn Nhã nói.

Theo Võ Hương - Trà My - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X