Hotline 24/7
08983-08983

Trận mưa lịch sử tối 19/5, TPHCM chỉ có 10 đường ngập?

Đó là thông tin mà đại diện Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP nói trong buổi cung cấp thông tin cho báo chí về kết quả thực hiện một số nhiệm vụ do Sở GTVT TP tổ chức sáng 22/5.

Hơn 22g ngày 19/5 ngập vẫn bủa vây Hồ Học Lãm, Q.Bình Tân - Ảnh: T.T.


Theo Sở GTVT TP trận mưa ngày 19/5 là trận mưa lịch sử nhưng chỉ có 10 tuyến đường ngập từ 0,1 đến 0,25m, còn 22 tuyến đường khác chỉ tụ nước.

Trả lời liệu số điểm ngập và chiều sâu điểm ngập sau trận mưa có quá "lạc quan" hay không?, ông Đỗ Tấn Long - trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước mưa Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP cho biết tiêu chí đánh giá điểm ngập được tính theo qui định của Bộ Xây dựng.

Theo đó, sau khi dứt mưa khoảng 30 phút, các đơn vị mới đo tại các tuyến đường để thống kê, kiểm đếm các các vị trí ngập hoặc tụ nước.

Nếu dứt mưa khoảng 30 phút mà đường còn ngập sâu hơn 0,1m thì gọi là điểm ngập. Vị trí tụ nước với độ sâu trung bình ≤ 0,1m sau khi dứt mưa 30 phút không được gọi là ngập.

Theo ông Long, việc đo độ sâu không thể đo tại chỗ trũng được mà phải đo lấy độ sâu trung bình trên một tuyến đường.

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải TP, trận mưa chiều tối 19/5, lưu lượng mưa đạt từ 36,9mm đến 119,3mm kết hợp với triều cường dẫn đến một số tuyến đường ngập.

Theo đó, địa bàn TP có 10 tuyến đường ngập, với chiều sâu ngập từ 0,10m đến 0,25m; thời gian rút nước trung bình sau mưa từ 30 phút đến 3h: gồm các tuyến: Ung Văn Khiêm, Đinh Bộ Lĩnh, đường số 26, Cây Trâm, Phan Huy Ích, Nguyễn Xí, Quốc Hương.

Cá biệt các tuyến đường gồm: Huỳnh Tấn Phát, An Dương Vương, Phan Anh thời gian nước rút khoảng 5h khi kết thúc mưa.

22 tuyến đường tụ nước sau mưa gồm: Mai Thị Lựu, Tô Hiến Thành, Trường Sơn, Lê Quang Sung, Tôn Thất Hiệp, Phạm Văn Chiêu, Lê Đức Thọ, Lê Văn Thọ, Kha Vạn Cân, Hồ Văn Tư, Dương Văn Cam, Quốc lộ 1A, Hồ Học Lãm, An Dương Vương, Chánh Hưng, Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Quá...

Ông Đỗ Tấn Long - trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước mưa - Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP cho biết hiện nguồn vốn chống ngập cho TP.HCM đang gặp khó khăn.

Theo kế hoạch chương trình giảm ngập từ 2016 - 2020, TPHCM cần tới 96.329 tỉ đồng trong đó có nhiều nguồn vốn khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay một số nguồn vốn đang gặp khó khăn. Trung tâm và các đơn vị sở ngành cũng đang tích cực tìm kiếm các nguồn vốn để triển khai.

"Chương trình, giải pháp chống ngập chúng ta có rất nhiều và đầy đủ nhưng phải đầu tư từ từ cho đúng tiềm lực của TP. Cho nên vấn đề chống ngập không thể thực hiện trong 1-2 năm là xong được mà phải có thời gian", ông Long cho biết.

Theo ông Long, thống kê trên địa bàn có khoảng 8.590 tuyến đường trục và hẻm nhưng còn tới hơn 3000 tuyến chưa có cống. Khu vực chưa có cống tập trung tại vùng ven như các quận huyện như: Thủ Đức, Bình Chánh, Q.12, Nhà Bè. Về kế hoạch, Trung tâm đã rà soát với các quận huyện tuyến nào chưa có chống hoặc có cống mà xuống cấp để phân kỳ đầu tư từng giai đoạn.

Theo Đức Phú - Ngọc Ẩn - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X