Hotline 24/7
08983-08983

Trầm cảm vì áp lực phải đỗ đại học

Áp lực phải thi đỗ đại học kiến nhiều học sinh lo lắng phải mất ăn mất ngủ... Và khi bị căng thẳng thì có bao câu chuyện đau lòng xảy ra.

BS Nguyễn Thị Hương Xuân, Trưởng khoa tâm thần trẻ em, BV tâm thần Trung ương I cho biết: Trước và sau kỳ thi ĐH, CĐ bệnh viện phải tiếp nhận cả chục trường hợp do gặp phải áp lực thi đại học, chủ yếu là các em nữ (vốn có tinh thần, thể chất nhạy cảm, yếu đuối hơn các em nam).

BS Xuân cho biết: "Tôi rất đau lòng khi gặp phải những trường hợp như vậy. Các em còn quá non nớt, ngây thơ, con đường tương lai mới chỉ bắt đầu mà đã gặp phải những cú sốc lớn vì sự thiếu hiểu biết của người lớn".

Đến bây giờ, chị vẫn nhớ mãi hình ảnh một cô bé tên là L (nhà ở Thường Tín, Hà Nội) rất xinh xắn, trắng trẻo phải nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, lúc thì nói nói cười cười, lảm nhảm một mình; lúc thì khóc lóc, vật vã, thảm thương.

Khi gặp áp lực trong cuộc sống, không phải bạn trẻ nào cũng đủ bản lĩnh để vượt qua
 
Ở thời điểm nhập viện thì L đang bước vào giai đoạn chuẩn bị thi tốt nghiệp. Bố mẹ L cho biết, gia đình chỉ có 2 người con nên rất kỳ vọng vào cháu, muốn cháu thi đậu vào một trường đại học tốt. Vì vậy, ngay từ khi còn học cấp 3, L đã phải ôn luyện rất nhiều.

Nhà ở tận Thường Tín nhưng ngoài giờ học ở lớp, bố mẹ còn tạo điều kiện để con đến luyện thi ở các Trung tâm trong nội thành. Không biết có phải vì học nhiều quá mà tự nhiên L bị mất ngủ, không ăn uống được gì, lúc nào cũng có tâm trạng hoảng hốt. Triệu chứng cứ ngày một nặng hơn, khiến L mất dần nhận thức về các sự việc xung quanh.

"Đối với trường hợp này, trước tiên chúng tôi phải cho cháu dùng thuốc an thần, nhưng quan trọng nhất là phải thường xuyên an ủi động viên cháu. BS điều trị cũng phải "làm cả cuộc cách mạng để thay đổi nhận thức" đối với từng thành viên trong gia đình để họ không vô tình tạo thêm áp lực cho con", Bác sỹ Xuân giải thích.

Điều trị 1 tháng thì L được xuất viện. Đây là trường hợp chị nhớ rõ nhất vì mỗi bước trưởng thành sau này của L chị đều được gia đình thông báo lại. Bác sỹ Xuân kể, sau này L được gia đình đưa sang Nga với họ hàng và một thời gian thì lập gia đình, sinh con đẻ cái, sống cuộc sống bình thường, mà không đặt lại mục tiêu bước chân vào giảng đường đại học.

"Những trường hợp đã điều trị và được xuất viện, nếu gia đình không biết cách động viên, giảm bớt áp lực thì triệu chứng rối loạn vẫn có thể tái phát. Theo tôi, con người ta có rất nhiều cách để sống vui vẻ, hạnh phúc, có một công việc tốt mà không nhất thiết cứ phải là đại học", bác sỹ Xuân nói.

Khi gặp phải áp lực trong cuộc sống, nhất là đứng trước ngưỡng cửa quan trọng quyết định đến cả tương lai sau này, không phải bạn trẻ nào cũng đủ bản lĩnh để vượt qua. Cá biệt có một số em vì quá tuyệt vọng đã dẫn đến những hành động tiêu cực như tự tử.

Những câu chuyện đó khiến người ta phải đau lòng, suy nghĩ, trăn trở. Ví như em Cao Thị Xuân T (ở Phú Nhuận, TP.HCM) chỉ vì bị mẹ chì chiết vì không làm tốt bài thi ĐH đã liều lĩnh uống hơn 10 viên Valium (thuốc ngủ) loại 5mg để kết liễu cuộc đời...

Tuy em may mắn thoát chết vì được phát hiện kịp thời nhưng sau đó lại phải điều trị trong BV tâm thần vì bị rơi vào trạng thái không nhận thức được sự việc, hoảng loạn, nguy cơ tự tử tái phát rất cao. Và đáng thương hơn nữa là trường hợp của em H (ở Nam Định) đã thắt cổ tự tử sau khi trượt thi đại học. Tất cả những câu chuyện đó, khiến chúng ta một lần nữa phải cân nhắc trước khi hướng nghiệp cho con em.

Đại học không phải cánh cửa duy nhất

Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội (nổi tiếng vì được biết đến như ngôi trường của những học sinh có "thành tích đặc biệt") chia sẻ với ĐS&PL: Nhiều người cứ thắc mắc tại sao trường Đinh Tiên Hoàng lại có đủ "dũng khí" để nhận những em có lý lịch đáng nể như bị đuổi học, chơi bời, phá phách... thậm chí còn từng bị dính dáng đến pháp luật.

Một số học sinh phát điên do thi trượt đại học

"Càng những em có đạo đức, có kiến thức chưa tốt lại càng cần được giáo dục. Giáo dục những em như thế cũng phải có cách thức khác vì học lực của các em không giỏi, tỷ lệ các em đậu đại học thấp: Tất cả các học sinh từ cuối năm học lớp 11, đầu học kỳ 1 lớp 12 sẽ được tư vấn về nghề nghiệp (được văn phòng tư vấn đánh giá năng lực, sở trường), cộng với nguyện vọng của các em, nhà tư vấn sẽ xem sự lựa chọn của các em đã phù hợp chưa, các em còn có mục tiêu nào khác và ngược lại các em có thắc mắc gì sẽ được trả lời rất cụ thể", thầy Lâm cho biết.

Cách thức này đã được triển khai từ vài năm nay và rất có hiệu quả. Nhiều em tự nhận thấy không đủ trình độ thi đại học thì chuyển sang thi cao đẳng, trung cấp, có em mạnh dạn đi học nghề và ra kinh doanh ngay. Sau đó, nhiều em có những công việc rất tốt mà không phải đào tạo từ con đường Đại học.

Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình cũng cho biết ông cũng được nghe nhiều câu chuyện buồn từ hệ quả của áp lực phải đỗ đại học. Nhiều em bị trầm cảm, phát ốm vì bị bố mẹ la rầy khi có kết quả thi không tốt; có em xấu hổ vì thi trượt đã phải bỏ nhà đi bụi, thậm chí chọn cách giải quyết bằng tự tử vì không muốn đối mặt với gia đình.

"Theo tôi, hiện nhiều bậc ca mẹ vẫn có quan niệm nặng về thành tích, bằng cấp và kỳ thi ĐH, CĐ vẫn là một trong những gánh nặng ghê gớm nhất với mỗi em trước khi bước vào đời. Một số vụ việc các em phát điên, tự tử do trượt đại học cũng là sự cảnh báo cho cuộc sống có quá nhiều áp lực, đồng thời là bài học nhắc nhở các bậc phụ huynh không nên gây sức ép quá lớn cho con em trong việc học hành, thi cử", TS Trần Hòa Bình cảnh báo.

 
AloBacsi.vn
Theo Minh Lý - Người đưa tin

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X