Hotline 24/7
08983-08983

Trải lòng của bác sĩ trực trong đêm giao thừa

“Trong lúc hầu hết mọi người đang gửi tin nhắn chia tay năm cũ và gọi điện thoại chúc mừng năm mới, thì những nhân viên y tế trực tết vẫn làm việc chăm chỉ trong bệnh viện, để đảm bảo sự an toàn cho những người không may mắn phải vào viện” - lời tâm sự của bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội.

Các bác sĩ trong một ca trực. Ảnh: H.G.

Những người không có đêm giao thừa

“Không phải ai cũng được ở bên gia đình, người thân, vui vẻ tiệc tùng khi đồng hồ điểm 12 tiếng giữa đêm giao thừa. Ngày cuối cùng của năm cũ đối với tôi hay bất cứ ai cũng vậy, đó là một ngày rất quan trọng. Đặc biệt là trong đêm giao thừa với nhiều phong tục truyền thống, có những phong tục không thể thiếu mang đậm nét văn hóa của người Việt. Chẳng ai muốn đi làm đêm giao thừa, nhưng những người làm nghề y chúng tôi thì không có sự lựa chọn. Từ khi bước chân vào Đại học Y Hà Nội cho đến tận hôm nay, tôi liên tục phải trực giao thừa”,- bác sĩ Phúc tâm sự.

Anh cho biết, năm nay anh phải trực cả ngày 31 tháng 12 dương lịch và ngày 30 âm lịch. Trong khi mọi người đếm ngược thời gian và chờ đợi bắn pháo hoa ở các trung tâm vui chơi thì bác sĩ Phúc "cũng đếm ngược thời gian" với số lượng bệnh nhân tăng dần trong bệnh viện.

Nhưng theo bác sĩ Phúc, làm việc như vậy vẫn được coi là tương đối yên tĩnh. Và theo người bác sĩ có kinh nghiệm trực giao thừa, những ngày Tết chắc chắn sẽ vất vả đối với những người mặc áo blouse. “Khi các nhà hàng, quán bar bắt đầu mở, các lễ hội bắt đầu, nhiều người uống rượu, say xỉn, ăn uống không đúng cách, tai nạn, đánh nhau… và rồi kéo nhau vào viện. Khi ấy, bận rộn là “giai điệu vĩnh cửu” với người trực cấp cứu”, bác sĩ Phúc nói.

Chuẩn bị cho những ngày nghỉ lễ và tết, khoa cấp cứu xây dựng kế hoạch, quy trình triển khai cấp cứu, rà soát danh sách các ê kíp trực tại viện, trực thường trú, thành lập ê kíp trực cấp cứu ngoại viện, ê kíp trực cấp cứu thảm họa.

“Riêng đội cấp cứu thảm họa, phải lựa chọn những người trẻ khỏe và có kĩ năng, có luyện tập cẩn thận từ trước, lên phương án cho các tình huống giả định cụ thể, đảm bảo sau khi nhận lệnh triệu tập 10 phút phải có đủ quân số, thuốc men và các phương tiện cấp cứu, nhanh chóng lên đường làm nhiệm vụ. Tôi cũng đã tham gia trực cấp cứu thảm họa nhiều năm trước”, bác sĩ Phúc chia sẻ.

Tết thường có lễ hội bắn pháo hoa. Các bác sĩ rất sợ trực cấp cứu thảm họa bắn pháo hoa. Bởi vì đội trực cấp cứu sẽ được tập kết tại địa điểm bắn kể từ lúc pháo hoa bắt đầu lắp đặt, chỉ được phép trở về nhà khi lễ hội đã tan, thường kéo dài khoảng 1,5 - 2 ngày. Trực thảm họa trong những lễ hội lớn như bắn pháo hoa, các bác sĩ phải ăn cơm hộp tại chỗ, ngủ tại chỗ, đương nhiên không có tắm giặt, cũng không được tiếp xúc với người ngoài hay tham gia bất kì trò vui nào của lễ hội.

Còn với những bác sĩ trực chuyên môn tại viện thì công việc bắt đầu từ 7g30 sáng nhận trực, bàn giao và làm công tác báo cáo tua trực xong vào khoảng 8g30 sáng mùng 1. Hơn 24 tiếng đồng hồ không ngủ nghỉ, thậm chí không được ăn, trở về nhà vào sáng hôm sau…

Trong các phòng cấp cứu, suốt 24/24 giờ luôn có một ê kíp nhân viên y tế, họ quá bận rộn, từ sơ cấp cứu ban đầu cho đến tổ chức phẫu thuật...

Ở khu vực hồi sức cấp cứu, đối ngược với những bước chân vội vã khẩn cấp cùng sự bận rộn dữ dội, là những âm thanh buồn tẻ của máy thở, tiếng bíp bíp của máy monitor theo dõi các chỉ số sinh tồn, tiếng máy báo động của màn hình nhỏ giọt...

Tết luôn là thời gian bận rộn nhất với khoa hồi sức cấp cứu. Giường bệnh luôn vượt quá công suất, bác sĩ phải đau đầu với quyết định chuyển bớt bệnh nhân đỡ nặng về các phòng cấp cứu của khoa lâm sàng. Bệnh nhân hồi sức không thể để người nhà chăm sóc. Vì thế mà điều dưỡng phải làm mọi thứ, từ tắm rửa, gội đầu, lau chùi vệ sinh, cạo râu, cắt tóc, bấm móng tay, xoa bóp... cho bệnh nhân.

Bác sĩ Trần Văn Phúc

“Chỉ cần nhớ rằng chúng tôi là bác sĩ”

Bác sĩ Phúc kể, trong nhiều năm công tác, anh nhận thấy những đồng nghiệp quanh mình làm việc bất kể ngày đêm. Gặp những ca bệnh khó, họ trăn trở gọi hỏi đồng nghiệp để trao đổi kết quả chẩn đoán và điều trị, họ chẳng thể yên tâm khi những băn khoăn chuyên môn chưa được làm sáng tỏ.

“Chỉ cần nhớ rằng chúng tôi là bác sĩ, như thế là quá đủ, quá đủ để chúng tôi quên đi rằng đằng sau chúng tôi vẫn có gia đình, có cha mẹ, có anh chị em, có vợ chồng con cái đang cần chúng tôi, đang muốn chúng tôi trở về nhà trong những đêm giao thừa”, bác sĩ Phúc tâm sự.

Trực tết, các bác sĩ khá bận rộn, không thể có thời gian và điều kiện tổ chức ăn uống đặc biệt. Bác sĩ Phúc kể, bữa trưa 30 Tết dương lịch, những người trực trong khoa vẫn mang cơm từ nhà, hơn 12 giờ mọi người phân chia công việc cho nhau, người tiếp tục làm việc, người quay cơm trong lò vi sóng chuẩn bị bữa ăn vội.

“Những năm trước tôi cố gắng mang theo một chai rượu vang. Không có ly, cốc, tôi dùng chén uống nước trà thay cho ly, rót cho mỗi người một ít đủ che phủ kín đáy chén nhỏ, đủ để chạm vào môi và cảm thấy chút hương vị của mùa xuân đang đến. Chúng tôi sẽ nói với nhau những lời chúc tụng, chia sẻ những ước muốn trong năm mới”, bác sĩ Phúc chân tình chia sẻ.

Theo Thạch Hương - Thế giới tiếp thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X