Hotline 24/7
08983-08983

Trả lời chùm câu hỏi về đột quỵ, tai biến mạch máu não

Những ngày giao mùa tháng 9, nhiệt độ giảm đột ngột là nguyên nhân khiến các ca đột quỵ, tai biến tăng cao. Liên tục trong những ngày qua, AloBacsi nhận được rất nhiều câu hỏi về căn bệnh "sát thủ" này. Dưới đây là những câu hỏi - đáp thường gặp nhất.

Tai biến mạch máu não (TBMN) hay còn gọi là đột quỵ là biến chứng xảy ra đột ngột khi sự tưới máu não bị giảm. Não hay óc là trung tâm của ý thức, giúp ta nhận biết, suy nghĩ và hành động. Não cần được nuôi sống để làm việc.
 
Não được nuôi dưỡng nhờ 4 mạch máu hợp thành vòng đai ở đáy não. Khi sự cung cấp máu bị cản trở, phần não do mạch máu tương ứng nuôi dưỡng bị hủy hoại gây ra tai biến mạch não. Tình trạng xảy ra đột ngột có thể gây tử vong hay tàn phế như bị liệt nửa người.
 
Hỏi: Bà con thường nói “trúng gió”, vậy trúng gió có phải là tai biến mạch não không?

Đáp:
Trúng gió là một từ mà dân gian dùng để chỉ những tình trạng nguy kịch kèm theo bất tỉnh. Trúng gió có thể bao gồm TBMN và ngất xỉu do cơn đau tim cấp. Chữ trúng gió rộng và mơ hồ, ngụ ý “trúng gió độc” khiến cho bất tỉnh, điều đó không đúng.
 
Có những chữ mà dân chúng tin và quen dùng từ ngàn năm khi chưa có khoa học như “trúng gió” cho rằng bệnh tật do yếu tố bên ngoài khiến cho người không may thì bị bệnh giống như bị sét đánh, trong khi bệnh tật ở trong cơ thể và ta có thể phát hiện, điều trị và phòng ngừa được. Ta cần dùng chữ đúng và suy nghĩ theo khoa học.

Hỏi:
Vậy làm sao biết là bị TBMN?

Đáp: Đặc tính của TBMN là xảy ra đột ngột: Bệnh nhân đột nhiên bất tỉnh, té quỵ xuống, có khi không bất tỉnh nhưng đột ngột liệt nửa người, méo miệng, không nói được hoặc nói ngọng; có khi bị tê nửa người hoặc không nhìn được một bên hoặc một phần; hoặc đột ngột mất thăng bằng, lảo đảo đi không vững hoặc nhức đầu dữ dội, ói mửa hoặc co giật.
 
Bệnh tiến triển có thể nặng dần gây tử vong, một số bị liệt với nhiều mức độ khác nhau, một số có thể phục hồi gần hoàn toàn. Những người đã bị TBMN dù đã hồi phục vẫn dễ bị tái phát và khi bị tái phát thì có thể bị nặng hơn trước.
 
Hỏi: Tại sao bị TBMN?

Đáp:
Như những chữ TBMN cho thấy, đó là tai nạn ở não do bệnh của mạch máu. Mạch máu nuôi dưỡng não bị nghẹt hoặc bị vỡ khiến cho não bị hư hoại. Trong xơ vữa động mạch, chất cholesterol đọng vào thành mạch máu làm hẹp lòng động mạch, dần dần làm tắc động mạch, máu không lưu thông được.
 
Có trường hợp một mảng xơ vữa tróc khỏi thành mạch, theo dòng máu làm tắc một động mạch ở dưới dòng, cũng có trường hợp một cục máu động từ tim bơm ra làm tắc mạch. Cao áp huyết lâu ngày làm vỡ mạch máu, máu chảy vào mô não hoặc có dị tật ở mạch máu khiến cho mạch máu bị vỡ.
 
Hỏi: Những ai dễ bị TBMN?

Đáp:
Những người có tuổi, càng nhiều tuổi càng dễ bị TBMN, những người cao áp huyết, tiểu đường, cao mỡ trong máu, hút thuốc lá, mập dễ bị TBMN.
 
Hỏi: Cần làm gì khi có người bị TBMN?

Đáp:
TBMN là một tình trạng khẩn cấp, cần gọi cấp cứu. Đừng để mất thời gian, vì trong một số trường hợp, nếu dược cấp cứu trong 3 giờ đầu có thể dùng thuốc làm thông động mạch bị hẹp do đó hạn chế tổn thương.
 
Trong khi chờ xe cấp cứu, cần để bệnh nhân nằm yên, nới rộng quần áo, theo dõi sắc diện, nhịp thở. Nếu bệnh nhân ói mửa, cần để đầu nghiêng sang một bên, dùng tay lấy các chất ói mửa từ mũi và miệng bệnh nhân.
 
Nếu bệnh nhân co giật, cũng cần để bệnh nhân nằm nghiêng, đề phòng bệnh nhân cắn vào lưỡi bằng cách dùng khăn vải quấn quanh một chiếc đũa hay cán muỗng đặt giữa hai hàm răng của bệnh nhân.
 
Hỏi: Bà con quen nặn chanh, cạo gió, làm như vậy có lợi gì không?
 
Đáp: Cạo gió chẳng có lợi tuy cũng chẳng làm hại, chỉ mất thì giờ và gây bầm tím ở da. Nặn chanh vào miệng là điều cần tránh vì người hôn mê không nuốt được, dễ bị sặc và hít vào phổi gây sưng phổi hoặc có phản xạ làm cho ngưng thở. Thậm chí có thể gây hại vì nguyên nhân gây bệnh là tắc mạch máu hoặc chảy máu ở trong óc.
 
Hỏi: Có thể làm gì để tránh bị TBMN?

Đáp: Cần giảm các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch:
- Cần phát hiện cao áp huyết sớm và chữa cao áp huyết tốt, nhất là ở những người trên 40 tuổi, có tiền sử gia đinh cao áp huyết và bệnh tim mạch;
- Cần giảm cholesterol trong máu, ăn ít chất béo, nhiều rau trái cây;
- Ăn giảm muối;
- Phát hiện và chữa tiểu đường tốt;
- Không hút thuốc lá; không uống rượu, hoặc uống rượu vừa phải;
- Không dùng các chất ma túy như cocaine;
- Năng vận động, tập luyện.

Hỏi: Có cách nào ngừa TBMN?

Đáp:
Có nghiên cứu chứng tỏ rằng aspirine giảm tỉ lệ TBMN và đau tim ở những người cao áp huyết.
 
Hỏi: Uống aspirine có sợ bị đau bao tử không?

Đáp:
Aspirine liều nhỏ 81 mg/ngày theo thống kê có lợi hơn có hại. Có thể có một số ít người bị biến chứng chảy máu ở bao tử hoặc ở não nhưng số người tránh được TBMN và đau tim nhiều hơn nên nhìn chung mà nói những người bị cao áp huyết uống aspirine có lợi hơn là không uống.
 
Ta dùng aspirine đúng đối tượng, không dùng aspirine nếu bị loét bao tử, suy gan, suy thận, bị các bệnh chảy máu, đang dùng thuốc chống đông hoặc bị dị ứng với aspirine. Nên tham khảo với bác sĩ gia đình về việc dùng aspirine để ngừa bệnh tim mạch cho phù hợp với từng trường hợp.
 
Hỏi: Có thể làm gì để giúp những người đã bị TBMN?

Đáp:
TBMN làm cho 20% bệnh nhân bị chết, một số nhỏ có thể phục hồi gần hoàn toàn, phần lớn bị liệt trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Sau điều trị nội khoa cần làm vật lý trị liệu sớm để giúp bệnh nhân phục hồi lại các khả năng sinh họat như tập nói cho những người không nói được, tập đi, tập cách dùng gậy hoặc xe lăn, tập cách mặc quần áo... để bệnh nhân có thể sống độc lập
 
Hỏi: Có thể nào biết trước TBMN?

Đáp: Không thể biết trước được ai sẽ bị TBMN. Có những trường hợp gọi là “Cơn thoáng thiếu máu não”: Bệnh nhân có triệu chứng giống TBMN nhưng rất nhẹ thường chỉ kéo dài 5-10 phút rồi tự chấm dứt thí dụ bỗng nhiên bị lẫn lộn, nói không rõ hoặc nghe không hiểu, yếu nhẹ hoặc tê nửa người hoặc một chi, không nhìn thấy hoàn toàn hay một nửa thị trường.
 
Một số người bị cơn thoáng thiếu máu não có thể sẽ bị TBMN nhất là trong 48 giờ do đó cơn thoáng thiếu máu não có thể là dấu báo hiệu của TBMN.
 
Hỏi: Vậy phải làm gì nếu bị cơn thoáng thiếu máu não?

Đáp: Thoáng thiếu máu não cũng là trường hợp khẩn cấp. Nếu mới bị, cần đi cấp cứu. Bệnh nhân không được tự lái xe, phải được thân nhân hoặc xe cấp cứu chở đi. Nếu cơn thoáng thiếu đã xảy ra từ 1-2 ngày trước, bệnh nhân cần được khám ngay tại phòng khám hay tại cấp cứu. Trong mọi trường hợp, bệnh nhân cần được khảo sát để xác định chẩn đóan, tìm nguyên nhân và điều trị loại trừ nguyên nhân để tránh tai biến mạch não.

Tóm lại, TBMN là một biến chứng nguy hiểm nhưng có thể tránh hay giảm bớt được nếu ta sống lành mạnh, điều trị cao áp huyết, tiểu đường, cao mỡ trong máu tốt. Tại các nước kinh tế phát triển, số người bị TBMN đã giảm rõ rệt trong ba chục năm qua, điều này cho thấy lợi ích của sự điều trị cao áp huyết tích cực cũng như tầm quan trọng của sự săn sóc sức khỏe toàn diện và vai trò của bác sĩ gia đình.

Bắt đầu từ 1/6 đến hết tháng 12/2018, AloBacsi phối hợp với nhãn hàng NattoEnzym của Công ty Dược phẩm Hậu Giang mở chuyên đề “Không còn nỗi lo đột quỵ” với tiêu chí: tư vấn - giải đáp câu hỏi hàng ngày, tổ chức các chương trình truyền hình trực tuyến, livestreams trò chuyện với bác sĩ về các vấn đề đột quỵ và tổ chức các sự kiện thực tế tại các TP lớn như TPHCM, Hà Nội, Cần Thơ...

Mời bạn đọc có các thắc mắc về bệnh tim mạch, nội thần kinh, đột quỵ, tai biến... gửi câu hỏi về email: tuvan@alobacsi.vn để được TS.BS Trần Chí Cường, TS.BS Lê Văn Tuấn và ThS.BS Bùi Diễm Khuê tư vấn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X