Hotline 24/7
08983-08983

TP.HCM: Hơn 24.700 ca mắc sốt xuất huyết, 5 ca tử vong

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn thành phố ghi nhận 24.768 ca mắc sốt xuất huyết, 5 trường hợp tử vong.

Tương tự mùa dịch năm trước, từ những tuần đầu tháng 6 khi mùa mưa bắt đầu, số ca sốt xuất huyết ở TP. Hồ Chí Minh gia tăng hàng tuần. Trong tháng 6 vừa qua có 2.329 ca sốt xuất huyết được báo cáo, trong đó có 2 trường hợp tử vong.

Tính từ đầu năm tới nay, đã có 24.748 ca, tăng 176% so với số ca bệnh cùng kỳ năm 2018. Trong đó, có 5 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Tại khu vực phía Nam, TP. Hồ Chí Minh là nơi phát hiện nhiều bệnh nhất, tiếp theo là tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước.

Phun hóa chất, giữ gìn vệ sinh nơi ở, sinh hoạt, ngủ màn là biện pháp quan trọng phòng chống dịch sốt xuất huyết.

Những kiến thức cần nắm để ứng phó kịp thời với dịch sốt xuất huyết đang hoành hành

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP. Hồ Chí Minh, tại Thành phố phòng bệnh luôn là vấn đề ưu tiên thường xuyên hàng đầu. Các hoạt động kiểm soát điểm nguy cơ và truyền thông được triển khai tại tất cả các quận, huyện, phường xã.

Để tăng cường và đẩy mạnh cho hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết tại Thành phố ngay từ khi mùa mưa chưa bắt đầu, từ giữa tháng 5/2019, Sở Y tế đã phát động Chiến dịch hưởng ứng ngay ASEAN phòng chống sốt xuất huyết năm 2019 trên toàn Thành phố và 24 quận, huyện đều tổ chức phát động ra quân trong tháng 5 và tháng 6.

Trước tình hình dịch bệnh đang gia tăng nhanh, ngành y tế Thành phố đã đề nghị các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể cùng chung tay hành động để xử lý triệt để các nguy cơ sốt xuất huyết trong cộng đồng, tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhận, tổ chức không thực hiện diệt lăng quăng theo hướng dẫn của y tế và chính quyền địa phương.

Ngành y tế cũng khuyến cáo mỗi người, mỗi nhà chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết bằng biện pháp đơn giản như phòng tránh muỗi đốt, diệt muỗi, diệt lăng quăng trong chính ngôi nhà của mình.

Theo các chuyên gia y tế, sốt xuất huyết lây từ người bệnh sang người lành qua muỗi vằn Aedes aegypti hút máu. Bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Giai đoạn sốt thường có biểu hiện sốt cao đột ngột, liên tục, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau bụng. Da xung huyết, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

Giai đoạn nguy hiểm thường rơi vào ngày thứ 3-7 của bệnh. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Một số biểu hiện dễ gặp tràn dịch màng phổi, gan to, li bì, tụt huyết áp. Người bệnh thường có xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, tiểu máu, xuất huyết nội tạng như tiêu hóa, phổi, não. Trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim.

Giai đoạn hồi phục kéo dài 48-72 giờ. Người bệnh hết sốt, thể trạng tốt lên, thèm ăn, huyết động ổn định và tiểu nhiều. Phần lớn bệnh nhân sốt xuất huyết được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm khi có sốc xảy ra để xử trí kịp thời.

Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh. Biện pháp chủ yếu là tránh muỗi đốt, diệt loăng quăng, diệt muỗi trưởng thành, ngủ trong màn chống muỗi, kể cả ban ngày.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh về phía người dân, ngoài các biện pháp quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch của ngành Y tế, mỗi người dân cần chủ động, có ý thức dọn nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ, thoáng mát, không treo nhiều quần áo để làm chỗ cho muỗi trú đậu, loại bỏ các vật chứa nước đọng… Đây là cách thiết thực, hiệu quả nhất trong công tác phòng chống dịch và giúp đẩy lùi nguy cơ lây lan ra cộng đồng.

Hàng loạt công trình bị xử phạt vì để đọng nước chứa lăng quăng

Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM cho biết, 6 tháng đầu năm nay, đã có 64 biên bản của 22 quận, huyện xử phạt các đơn vị không phối hợp phòng chống sốt xuất huyết.

Tại các đô thị, nguyên nhân là có sự xuất hiện của các yếu tố nguy cơ mới như công trình xây dựng. Trong khi đó, ngoài đường, dọc theo đại lộ Nguyễn Văn Linh, TP.HCM, những bãi phế liệu dang dở bỏ hoang là những nguy cơ chứa lăng quăng.


Còn ở phường 24, quận Bình Thạnh, những hố nước tại các công trình dang dở đã trở thành nơi trú ngụ của lăng quăng. Điều này lý giải vì sao tại khu vực này đã trở thành điểm nóng sốt xuất huyết khi có chùm ca bệnh. 10 công trình như thế đã bị chính quyền địa phương lập biên bản chỉ trong một phường.

Mỗi mùa sốt xuất huyết đến, các bệnh viện đều lên tiếng cảnh báo khi nhiều người nhập viện. Không có lăng quăng là không có sốt xuất huyết. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn còn thờ ơ với dịch bệnh khiến sốt xuất huyết vẫn tiếp tục bùng phát.

Theo Afamily

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X