Hotline 24/7
08983-08983

TPHCM: Cấp cứu thành công hai ca phình mạch máu não khổng lồ

Trong hai ngày 19 và 20/7, BV Thống Nhất và BV Nhi đồng 2 tiến hành can thiệp thành công cho 2 trường hợp bị phình mạch máu não khổng lồ nguy cơ vỡ, kích thước lên đến 30mm (gấp 10 lần mạch máu bình thường).

Những ca phẫu thuật ngàn cân treo sợi tóc

 

Mở đầu câu chuyện với AloBacsi chiều 20/7, TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM cho biết, ông và các đồng nghiệp của BV Thống Nhất và BV Nhi đồng 2 vừa trải qua 2 “cơn ác mộng” khi can thiệp phẫu thuật túi phình mạch máu não khổng lồ cho bệnh nhân T.K.H (60 tuổi) và bệnh nhi 15 tuổi.
 
Đây là cuộc chiến cân não giữa các bác sĩ và “tử thần” vì cả 2 trường hợp đều có kích thước túi phình quá lớn, nguy cơ có thể vỡ bất kỳ lúc nào sẽ khiến người bệnh bị nhồi máu não, tử vong hoặc yếu liệt cơ thể.

Tại thời điểm nhập viện, 2 bệnh nhân đau đầu dữ dội, nôi ói, lơ mơ, mờ mắt. Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân không có chấn động mạnh, lại thường xuyên bị đau đầu lâu nay. Với kết quả chụp MRI, phát hiện người bệnh có túi phình khổng lồ. Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành can thiệp nội mạch, đặt stent và coil (dây xoắn) loại bỏ túi phình, tái tạo mạch máu.
 
Túi phình mạch máu não của 2 bệnh nhân kích thước lên đến 25-30mm trước khi phẫu thuật có thể vỡ bất cứ lúc nào. Ảnh: BSCC
 
BS Cường cho biết: “Thông thường, túi phình chỉ khoảng 3mm-5mm nhưng trường hợp của bà H. lên đến 30mm và bé 15 tuổi 25mm. Cả 2 trường hợp đều được gọi là phình mạch máu não khổng lồ, có thể vỡ bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, khi thực hiện 2 ca phẫu thuật này, thực sự áp lực rất lớn không chỉ với riêng tôi mà các đồng nghiệp trong ê-kíp. Bởi chi phí phẫu thuật lớn từ 100-150 triệu mà tỷ lệ thành công chỉ nằm ở mức 50/50. Thật may mắn, sau ca phẫu thuật, 2 người bệnh đã hồi tỉnh, không bị liệt và không để lại di chứng”.

BS Đặng Ngọc Dũng và BS Nguyễn Pi Danh - khoa Ngoại thần kinh - BV Nhi đồng 2 tham gia trong ê-kíp với BS Trần Chí Cường cho hay, trường hợp bé 15 tuổi phẫu thuật tại bệnh viện trong thời gian 3 tiếng, dài hơn ca bệnh nhân H. bởi trong phẫu thuật phình mạch máu ở trẻ em thường gặp nhiều khó khăn và phức tạp hơn. Đó là do mạch máu trẻ em nhỏ, việc đưa ống vào khó và khả năng hợp tác kém, hơn nữa việc dùng thuốc gây mê cũng có thể tạo ra các biến chứng, việc sử dụng thuốc cũng cần phải tính toán rất kỹ lưỡng…

Hiện tại, sức khỏe của 2 người bệnh đang tiến triển tốt. Sau phẫu thuật 1 năm, người bệnh cần chụp lại mạch máu não để phát hiện tồn dư hoặc tái phát phình mạch mà có thể cần được điều trị.

Đau đầu kéo dài, cứng cổ, coi chừng bị phình mạch mãu não khổng lồ


BS Cường cho biết, 2 trường hợp trên khá may mắn khi phát hiện và can thiệp kịp thời bởi có rất nhiều trường hợp phình mạch máu não nhập viện khi mạch máu đã bị vỡ, gây chảy máu não hoặc chảy máu gần não và hầu như là “vô phương cứu chữa”, tử vong.

Đến nay, cơ chế chính xác gây nên túi phình động mạch vẫn chưa được hiểu một cách cặn kẽ. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu, 3 nguyên nhân lớn nhất gây phình ở trẻ em đa số do khiếm khuyết bẩm sinh, chấn thương đầu (chấn thương sọ não) và nhiễm trùng (biến chứng tim mạch trong các bệnh nhiễm trùng, viêm nội tâm mạc…).

Đối với người lớn, người ta thấy rằng sự hình thành túi phình là một quá trình thoái hóa mạch não, trong đó có các yếu tố liên quan đến bệnh như: hút thuốc lá, xơ vữa mạch máu, tăng huyết áp, người uống nhiều rượu, tiếp xúc hóa chất độc hại, kim loại nặng, bệnh nhân bị chấn thương hoặc tổn thương mạch máu, biến chứng từ một số loại bệnh nhiễm khuẩn máu. Mặt khác, những người bị béo phì, thừa cân hay tiểu đường thì nguy cơ có túi phình mạch máu não cũng tăng.

“Phình mạch mãu não là bệnh lý nguy hiểm có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, với tỷ lệ mắc khoảng 1-2% trong cộng đồng. Khi chưa bị vỡ thì hầu như không có triệu chứng gì, khi kích thước túi phình đủ lớn có thể gây đau đầu đột ngột, dữ dội, kéo dài, nôn ói, cổ cứng cúi xuống không được, một số trường hợp có thể bị sụp mi 1 bên… Nếu xuất hiện các triệu chứng này thì không nên chủ quan, cần gặp bác sĩ ngay để tìm nguyên nhân và đưa ra hướng điều trị. Bởi nguy cơ bị vỡ có ở tất cả các bệnh nhân phình mạch não nhưng không biết sẽ xảy đến lúc nào, mối nguy hiểm luôn rình rập” - BS Cường khuyến cáo.

Khoa Ngoại thần kinh - BV Nhi đồng 2 là 1 trong những trung tâm Ngoại thần kinh hàng đầu của Việt Nam chuyên về nhi. Khoa hiện có 8 bác sĩ, chuyên điều trị các bệnh lý ngoại thần kinh ở trẻ như u não, dị tật sọ mặt, não úng thủy, chấn thương sọ não, dị dạng mạch máu não…

Phương Nguyên
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X