Hotline 24/7
08983-08983

TPHCM: Ca sốt rét ở Củ Chi có xuất xứ…“ngoại lai”

Khi đang làm việc tại tỉnh Gia Lai, bệnh nhân Kh. thấy mệt mỏi, sốt cao, nghi bị tái phát sốt rét nên trở về nhà ở TPHCM.

 
Ngày 5/8, BS Tô Thị Tuyết Mai, Giám đốc trung tâm Y tế dự phòng huyện Củ Chi cho biết, kết quả điều tra dịch tễ cho thấy, bệnh nhân Trương Minh Kh. (20 tuổi, ở thị trấn Củ Chi) bị bệnh sốt rét từ tỉnh Gia Lai, rồi về TPHCM để điều trị, chứ không phải mắc bệnh tại TPHCM.
 
Được biết, bệnh nhân Minh Kh. có tiền sử sốt rét từ năm 2000, nên ngày 2/8, khi đang làm việc (tại tỉnh Gia Lai) bệnh nhân này thấy mệt mỏi, sốt cao, nghi bị tái phát sốt rét nên trở về nhà ở TPHCM để khám và điều trị.
 
Sau khi nằm điều trị tại BV Đa khoa Củ Chi 1 ngày, thì đến 3/8 bệnh nhân này đã được chuyển lên BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM. Tại đây các bác sĩ đã làm xét nghiệm và phát hiện bệnh nhân bị sốt rét. Hiện bệnh nhân này đang được theo dõi và điều trị.
 
TS.BS Nguyễn Hoan Phú - Phó khoa Nhiễm Việt Anh, BV Bệnh Nhiệt Đới TPHCM cho biết, sốt rét là bệnh truyền nhiễm, gây ra bởi ký sinh trùng sốt rét trong máu, được lây truyền thông qua vết đốt của muỗi sốt rét.
 
Bệnh sốt rét có thể phòng và chữa được, nếu người mắc sốt rét được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời thì khỏi bệnh sẽ là 100%.
 
Tuy nhiên, nếu chẩn đoán bệnh sốt rét bị bỏ sót hoặc chẩn đoán lầm với bệnh khác nên không được điều trị sớm, thì khả năng bị tử vong rất cao nhất là nếu mắc phải loại ký sinh trùng sốt rét ác tính. 
 
Điều trị sốt rét ác tính tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM

Biểu hiện sốt rét là sốt, sau đó lạnh run, vàng da vàng mắt sau vài ngày, nếu do Plasmodium vivax thì bệnh nhân chỉ bị sốt cơn, nhưng nếu do Plasmodium falciparum thì bệnh nhân có thể rơi vào sốt rét ác tính, tử vong cao.

Phòng chống sốt rét cũng chính là điều trị sốt rét trong vụ dịch. Tất cả bệnh nhân bị sốt rét phải được uống thuốc để diệt ký sinh trùng và tránh truyền bệnh cho người khác qua muỗi trung gian là Anophene epiroticus.
 
Song song đó cần phải diệt ổ loăng quăng, xịt thuốc diệt muỗi và ngủ mùng để tránh bị muỗi đốt. Khi bị sốt, rét run từng cơn, bệnh nhân nên đến ngay trạm y tế địa phương để được thử máu tìm ký sinh trùng sốt rét và uống thuốc nếu bị bệnh.

Bệnh nhân khi bị bệnh sốt rét là nên ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, vitamin, ăn lỏng nếu khó tiêu, đầy bụng, nhất là khi bị nhiễm Plasmodium falciparum thể gan mật gây vàng da, gan to, đau. Nên ăn cháo, uống sữa, tránh ăn nhiều thịt cá gây khó tiêu vì gan đã bị sưng to do ký sinh trùng, gây tiêu hóa kém. 

Bệnh nhân cũng lưu ý, nếu có triệu chứng ớn lạnh, sốt, vã mồ hôi cộng với việc có tiền sử đi vào vùng có bệnh sốt rét lưu hành từ 7 đến 30 ngày trước đó, thì nên đến cở sở y tế gần nhất để khám và xét nghiệm lam máu hoặc thử test nhanh chẩn đoán sốt rét và lưu ý là phải báo cho bác sĩ biết về việc bệnh nhân có đi vào vùng sốt rét trước đó.

Các chuyên gia cảnh báo, có nhiều loại ký sinh trùng sốt rét gây bệnh cho người và mỗi loại có chu kỳ gây sốt và gây tái phát khác nhau.
 
Do đó, để cắt cơn sốt hoàn toàn và tránh tái phát những cơn sốt rét về sau này, thì dù là hết sốt và cảm thấy khỏe hơn thì vẫn phải tuân thủ đảm bảo liều lượng và thời gian uống thuốc kéo dài do thầy thuốc yêu cầu.

Theo Phong Lan - Khoa học và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X