Hotline 24/7
08983-08983

Top 7 bệnh tim mạch phổ biến: Các xét nghiệm cần làm và hướng điều trị

7 bệnh tim mạch thường gặp hiện nay là gì? Các xét nghiệm cần làm để chẩn đoán bệnh? Phương pháp điều trị nào mới nhất? Để hiểu rõ các vấn đề này, mời bạn đọc theo dõi phần hướng dẫn của ThS.BS Đoàn Vĩnh Bình - Tổ trưởng Tổ tim mạch - khoa Nội - Bệnh viện Gia An 115.

Những năm gần đây, nhiều tiến bộ trong y khoa đã thay đổi hẳn quan điểm và tiên lượng trong điều trị bệnh tim mạch. Trong số đó phải kể đến vai trò nổi bật của ngành phẫu thuật, Tim mạch học can thiệp đã giải quyết được khá nhiều bệnh lý tim mạch mà trước đây hoặc phải mổ hoặc bó tay. Vậy những bệnh tim mạch nào phổ biến ở Việt Nam hiện nay và làm sao để phát hiện bệnh tim cần phẫu thuật?

Đây là vấn đề được ThS.BS Đoàn Vĩnh Bình - Tổ trưởng Tổ tim mạch - khoa Nội - Bệnh viện Gia An 115, vị chuyên gia có 15 năm kinh nghiệm tư vấn, giải đáp tại hội thảo “Điều trị bệnh tim mạch: Các phương pháp kỹ thuật cao và những tiến bộ trong phẫu thuật” diễn ra vào sáng ngày 8/6/2019.

Theo BS Bình, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, van tim, tim bẩm sinh, rối loạn nhịp tim, suy tim và bệnh cơ tim… là top 7 các bệnh lý tim mạch thường gặp hiện nay. Trong đó, phẫu thuật đóng vai trò quan trọng khi điều trị các bệnh mạch vành, van tim và tim bẩm sinh.


1. Tăng huyết áp

Theo số liệu thống kê, tỷ lệ người dân Việt Nam mắc bệnh tăng huyết áp (THA) chiếm khoảng 25%, nghĩa là cứ 4 người lớn thì có 1 người bị THA và dự kiến con số này sẽ ngày càng tăng.

Huyết áp cao nguy hiểm ở chỗ nó là một trong những yếu tố chính dẫn đến bệnh tim mạch và đột quỵ - hai trong số những nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới. Ngoài ra, nó còn có thể gây biến chứng ở thận, mắt…

Theo BS Bình, không có bệnh nào chẩn đoán dễ như THA, có thể đo huyết áp với những chiếc máy thông dụng, hiện đại ngay tại nhà hoặc đo Holter huyết áp tại bệnh viện với trường hợp huyết áp biến thiên, cao thấp thất thường.

Nếu huyết áp đo được từ 140/90mmHg trở lên được coi là THA. Bệnh THA được coi là “kẻ giết người thầm lặng” bởi nó không có những triệu chứng điển hình. Không phải lúc nào người bệnh cũng thấy khó chịu, thậm chí một số người có triệu chứng lâm sàng như: Chóng mặt, đau đầu, ù tai... Tuy nhiên, rất nhiều người THA lại không có biểu hiện này.


Đo Holter huyết áp 24 giờ hoặc đo huyết áp với những chiếc máy thông dụng tại nhà là phương pháp đơn giản nhất để kiểm tra tình trạng tăng huyết áp trên mỗi người

Ngoài ra, nghịch lý thường gặp đối với THA là bệnh dễ phát hiện nhưng thường bị bỏ sót. Hiện có tới hơn 50% số người bị THA nhưng khi được đo huyết áp lần đầu không biết mình mắc bệnh từ bao giờ. Thứ nữa, dù là căn bệnh dễ điều trị nhưng lại không được quan tâm đúng mức. Hiện có khoảng hơn 30% bệnh nhân được phát hiện THA không được điều trị. Nghịch lý cuối cùng, hiện có nhiều thuốc hiệu quả nhưng có từ 60% không đạt đích điều trị.

Hiện nay, kiểm soát huyết áp là chìa khóa để ngăn ngừa các biến chứng của THA. Do đó, BS Bình khuyến cáo, khi người bệnh THA có chỉ định của thầy thuốc cần uống thuốc đều, lâu dài ngay cả khi không có triệu chứng và con số huyết áp được hạ xuống mức bình thường. Bên cạnh đó, kết hợp chế độ ăn uống hợp lý như giảm muối, ăn nhiều rau, hoa quả, hạn chế rượu bia, không thuốc lá, vận động thể lực nhiều, duy trì cân nặng phù hợp.

Thuốc là phương pháp điều trị chủ yếu của tăng huyết áp. Phẫu thuật không đóng vai trò quan trọng, chỉ cần khi có nguyên nhân hoặc biến chứng như u tuyến thượng thận, hẹp eo mạch máu…

2. Bệnh mạch vành


Bệnh lý này được chia làm 2 nhóm cấp (nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực không ổn định) và mạn (thiếu máu cơ tim). Nguy cơ bệnh động mạch vành tăng khi tuổi tác càng cao. Bệnh là nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở người cao tuổi và cũng là bệnh lý ảnh hưởng đến tuổi thọ nhiều hơn bất kỳ bệnh lý tim mạch nào khác.

Cơn đau thắt ngực khi gắng sức là dấu hiệu cơ bản và quan trọng nhất để nhận biết bệnh động mạch vành. Sau khi thăm khám với bác sĩ, người bệnh sẽ được chỉ định làm những xét nghiệm cơ bản như điện tim, siêu âm tim hoặc nâng cao hơn là xét nghiệm gắng sức, CT, xạ hình, thông tim… để giúp bác sĩ nhận biết được kích thước, vùng hẹp, vị trí hẹp… Từ đó sẽ đưa ra hướng điều trị cụ thể.

Tuy nhiên, theo BS Bình không phải ai cũng gặp triệu chứng này. Do đó, với người lớn tuổi, cách tốt nhất là nên khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện.



Phương pháp điều trị bệnh mạch vành bao gồm dùng thuốc, điều trị các yếu tố nguy cơ xơ vữa mạch máu như huyết áp, tiểu đường, thuốc lá… Ngoài ra, hiện nay có nhiều kỹ thuật tiên tiến trong điều trị đã mang đến cơ hội sống cho người bệnh. Có thể kể đến kỹ thuật can thiệp mạch vành qua da (đặt stent mạch vành) nhằm tái lưu thông động mạch vành, thời gian thực hiện thủ thuật trong một giờ, người bệnh về nhà sau 1-2 ngày.

Thủ thuật này được thực hiện khi mảng xơ vữa tiến triển làm hẹp lòng mạch trên mức 50-70%, động mạch vành không đủ khả năng cung cấp đủ oxy cho cơ tim, nhất là khi vận động, tập thể dục hay làm việc gắng sức.

Bên cạnh đó, nếu trường hợp hẹp nặng động mạch vành hoặc có biến chứng hở van tim, thông liên thất… thì phẫu thuật bắc cầu mạch vành là phương pháp hữu hiệu nhất giúp cải thiện đáng kể lượng máu cung cấp cho cơ tim và chấm dứt các triệu chứng đau ngực.

3. Bệnh van tim

Cấu tạo van tim

Trái tim bình thường gồm có 4 van tim: van hai lá, van ba lá, van động mạch phổi và van động mạch chủ. Các van tim giữ vai trò rất quan trọng trong hoạt động bơm máu của tim, chúng giống như những cánh cửa đóng mở nhịp nhàng, giúp máu chỉ lưu thông theo một chiều nhất định. Hai bệnh van tim thường gặp nhất là hẹp van tim và hở van tim. Siêu âm tim là kỹ thuật có thể xác định chính xác độ hẹp hở van tim trong đa số các trường hợp.

Hở van tim được chia thành 4 cấp độ, từ 1/4 - 4/4. Theo BS Bình, thông thường với mức độ hở van tim nhẹ (1/4 hay 2/4) và chưa có triệu chứng, thì chưa cần sử dụng thuốc mà chỉ cần định kỳ tái khám và theo dõi. Riêng đối với van động mạch chủ thì dù hở nhẹ - hở 1/4 cũng do bệnh lý và cần được theo dõi thường xuyên và điều trị.

Với những trường hợp hở van tim mức độ nặng từ 3/4 trở lên, chức năng tim bị suy giảm nghiêm trọng khiến người bệnh khó thở, mệt mỏi thường xuyên ngay cả khi nghỉ ngơi, không còn đáp ứng với thuốc điều trị, suy tim, tăng áp phổi, loạn nhịp… thì cần phải can thiệp hay phẫu thuật để sửa chữa hoặc thay thế van tim (sinh học, kim loại) mới.

Hiện nay, những tiến bộ nổi bật nhất phải kể đến trong bệnh lý van tim là những kỹ thuật can thiệp qua da. Nong van hai lá bằng bóng qua da đã trở thành phương pháp điều trị được lựa chọn hàng đầu cho bệnh nhân bị hẹp van hai lá. 

Ngoài ra, thay van động mạch chủ qua da theo đường ống thông từ đường mạch máu lớn ở đùi đưa lên đang là vấn đề khá thời sự hiện nay. Đây là một hướng điều trị rất khả quan trong tương lai cho bệnh nhân bị bệnh van tim mà không cần phải mổ.

4. Tim bẩm sinh


Theo thống kê, tỷ lệ trẻ em Việt Nam mắc bệnh tim bẩm sinh chiếm 0,5% trẻ sinh ra. Nghĩa là trong 200 trẻ, bắt buộc sẽ có một bé phải đối mặt với căn bệnh này. Tuy vậy, với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, rất nhiều bệnh tim bẩm sinh đã được phát hiện kịp thời và được chữa trị một cách rất hiệu quả, trong nhiều trường hợp có thể khỏi hoàn toàn.

Khi nghi ngờ trẻ bị tim bẩm sinh, kỹ thuật chẩn đoán hiệu quả cần nghĩ đến là siêu âm tim. Một số trường hợp cần làm thêm CT, thông tim chụp máu mạch để đánh giá mạch máu nuôi tim.


Đa số các trường hợp cần phẫu thuật để sữa chữa các bất thường ở tim bởi thuốc chỉ hỗ trợ, không trị dứt điểm bệnh tim bẩm sinh. Thậm chí, với những ca phức tạp có thể phải phẫu thuật 2 lần hoặc hơn.

Sau khi làm các xét nghiệm cận lâm sàng, trẻ sẽ có chỉ định phẫu thuật khi tổn thương nặng hoặc phức tạp, ảnh hưởng đến tim (tăng áp phổi, suy tim…), sự phát triển của trẻ.

Trong đó, can thiệp bằng dụng cụ mang lại hiệu quả điều trị cao như: Đóng thông liên nhĩ, thông liên thất, ống động mạch bằng dụng cụ qua đường ống thông. Đây là một loại thiết bị đặc biệt bằng lưới kim loại Nitinol nhớ hình, có hình dáng hai dù áp vào nhau và nối với nhau bởi một eo. Phương pháp này giúp tránh được cuộc mổ trên tim hở mà vẫn cho kết quả tương tự.

Một số bệnh lý bẩm sinh khác cũng có thể được điều trị qua đường ống thông khá hiệu quả như: nong van động mạch phổi bị hẹp qua da, nong van động mạch chủ bị hẹp qua da, nong hẹp eo động mạch chủ, đóng một số lỗ dò bất thường của động mạch vành hoặc các động mạch khác cúng theo đường ống thông mà không cần phải mổ...

5. Rối loạn nhịp tim

Các kỹ thuật giúp chẩn đoán bệnh lý rối loạn nhịp tim

Có nhiều dạng rối loạn nhịp tim bao gồm rối loạn nhịp tim nhanh, chậm, không đều. Khi có triệu chứng nghi bị rối loạn nhịp tim, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán bằng việc thu thập các thông tin và tình trạng tim gồm: Hỏi về triệu chứng bệnh, lịch sử y tế; Khám lâm sàng; Theo dõi bằng Điện tim Holter (điện tim 24 giờ) để ghi lại hoạt động suốt cả ngày của tim; Điện tâm đồ: phát hiện hoạt động điện của tim; Siêu âm tim: theo dõi hình ảnh về cấu trúc, kích thước và chuyển động của tim; Test gắng sức; Máy ghi điện tâm đồ cấy dưới da…

Tùy vào nguyên nhân và từng loại rối loạn nhịp tim mà bác sĩ đưa ra phương pháp khác nhau. Đó có thể là: Thuốc để kiểm soát và khôi phục nhịp tim bình thường; Cấy máy phá rung tự động trong buồng tim (ICD); Cấy máy tạo nhịp đồng bộ điều trị suy tim… Phẫu thuật thường có vai trò hạn chế trong điều trị rối loạn nhịp tim.

6. Suy tim và bệnh cơ tim

Suy tim là đích đến cuối cùng của các bệnh tim mạch và một số bệnh khác, có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, kể cả trẻ nhỏ. Càng lớn tuổi thì tỷ lệ suy tim càng cao.

Trong điều trị, ngăn ngừa suy tim, trước hết phải loại bỏ được nguyên nhân gây ra căn bệnh này. Bệnh nhân mắc các bệnh nói trên cần phải được điều trị tốt để tránh dẫn đến giai đoạn bị suy tim. Cụ thể, với người mắc bệnh van tim cần phải được phát hiện sớm và điều trị phù hợp, phẫu thuật đúng thời điểm. Với người đã bị tăng huyết áp thì cần điều trị lâu dài và kiểm soát huyết áp ổn định. Với bệnh lý mạch vành thì cần được điều trị và theo dõi nhằm tránh nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Mục tiêu điều trị bệnh suy tim mạn tính không phải là chữa khỏi, mà chỉ có thể là kiểm soát và giảm nhẹ triệu chứng, giúp cho bệnh nhân kéo dài thời gian sống và cải thiện tối đa chất lượng sống. Bác sĩ có thể chỉ định thuốc để giảm gánh nặng cho tim, tái đồng bộ cơ tim bằng máy tạo nhịp 3 buồng và phẫu thuật khi suy tim hoặc bệnh cơ tim có nguyên nhân, ghép tim khi suy tim nặng không hồi phục.

Tăng huyết áp nhẹ có cần uống thuốc suốt đời? Đây là câu hỏi nói lên nỗi lòng của đông đảo khách tham dự. Để giải đáp thắc mắc này, ThS.BS Đoàn Vĩnh Bình đã đưa ra khuyến cáo mới năm 2018 của châu Âu.

Trong trường hợp huyết áp trên 160/100 mmHg phải bắt buộc điều trị ngay từ đầu. Nếu huyết áp từ 140 - 160 mmHg mà không kèm các yếu tố nguy cơ như tiểu đường, thận mạn thì không bắt buộc điều trị bằng thuốc mà cần được theo dõi, điều chỉnh lối sống như giảm ăn mặn, béo phì thì cần kiểm soát cân nặng, vận động, tập thể dục phù hợp. Nhưng nếu có kèm các yếu tố nguy cơ trên với chỉ số huyết áp này thì vẫn cần điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Trong quá trình điều trị, nếu huyết áp đạt ở mức 140/90 mmHg (một số trường hợp còn bắt buộc đưa về 130/80mmHg) thì duy trì liều thuốc như hướng dẫn của bác sĩ. Giả sử khi điều trị huyết áp không đạt như trên thì cần thăm khám với bác sĩ để có chỉ định thay đổi liều lượng phù hợp.


Phương Nguyên
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.com

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X