Hotline 24/7
08983-08983

Tôi có nên chuyển sang ăn gạo lứt để ngừa bệnh tiểu đường?

(AloBacsi) - Theo nghiên cứu ở Mỹ thì gạo trắng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, vậy tôi có nên chuyển sang ăn gạo lứt?

 

Thưa BS Tuyết Hoa,

 

Tôi đọc thông tin trên mạng thấy nội dung sau:

 

“Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Harvard nói, gạo trắng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường vì làm tăng hàm lượng đường trong máu.

 

Nghiên cứu trên 200.000 người Mỹ cho thấy, những người ăn gạo trắng đều dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2.

 

Các nhà nghiên cứu đưa ra kết luận: Những người ăn nhiều hơn 150g gạo trắng mỗi tuần sẽ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường nhiều hơn những người ăn gạo lứt trong một tháng khoảng 17%. Mặc dù chỉ 2% số người trong nghiên cứu sử dụng gạo trắng nhưng kết quả này rất quan trọng.

 

Nhưng nghiên cứu trên những người ăn gạo lứt lại cho ra kết quả ngược lại, họ không có dấu hiệu của bệnh tiểu đường loại 2.

 

Giống như nhiều loại ngũ cốc khác, gạo lứt có nhiều chất xơ và làm giảm năng lượng dần dần. Trong khi đó, cám và các vi khuẩn có lợi trong gạo trắng đã bị loại bỏ trong quá trình xay xát.

 

Điều này khiến cho gạo trắng có tỉ lệ Glycemic (GI) cao hơn, đây là nhân tố làm tăng hàm lượng đường trong máu”.

 

Tôi xin hỏi, nếu theo nghiên cứu trên thì người Việt Nam có nguy cơ mắc tiểu đường rất cao phải không BS, vì chúng ta ăn một ngày đến 2-3 bữa cơm? Vậy tôi có nên chuyển sang ăn gạo lứt không? Mong BS Tuyết Hoa cho ý kiến, tôi xin cảm ơn!

 

Thanh Hải - Bình Chánh, TPHCM

 

Nhiều nơi người dân ăn nhiều cơm gạo và khoai tây nhưng lại không béo phì
hoặc đái tháo đường - Ảnh: internet
 
Chào anh,

 

Gạo trắng thuộc nhóm carbohydrate có chỉ số đường (GI >70), cao hơn so với gạo lứt (# 60). Do gạo lứt (lức) còn có lớp vỏ bên ngoài, đây chính là chất xơ giúp chậm hấp thu đường, do vậy đường huyết ngay sau ăn 1 chén gạo trắng  sẽ tăng cao hơn đường huyết sau ăn 1 chén gạo lứt.

 

Những nghiên cứu gần đây ghi nhận người có chế độ ăn với thức phẩm có GI thấp trong nhiều năm thì nguy cơ mắc ĐTĐ típ 2 và bệnh mạch vành thấp hơn nhiều so với ăn nhóm thực phẩm có GI cao.

 

Tuy nhiên, những vùng như châu Á và Peru, nơi người dân ăn cơm gạo và khoai tây (vốn có chỉ số GI cao) nhưng lại không béo phì hoặc ĐTĐ nhiều hơn các dân tộc khác, có lẽ do thói quen ăn nhiều trái cây và rau cải góp phần tích cực giảm tác động lên đường huyết ở họ.

 

Khi chọn thực phẩm ăn uống, giới y học luôn khuyến cáo chúng ta hãy quan tâm đến nhóm có chỉ số GI thấp nhưng chính tổng lượng carbohydrate trong khẩu phần hàng ngày mới là yếu tố quan trọng nhất và mạnh nhất có ảnh hưởng đến những bệnh mạn tính này (nghĩa là số gam carbohydrate ảnh hưởng lên mức đường huyết nhiều hơn là chỉ số GI).

 

Ngoài ra còn nhiều yếu tố chi phối sự ảnh hưởng của chỉ số GI trong thức ăn với đáp ứng đường huyết.
 
Ví dụ, GI thay đổi theo kiểu chế biến, thời gian lưu trữ, phương pháp nấu nướng, ngay cả cùng là khoai tây nhưng GI cũng khác nhau…, đáp ứng lên đường huyết rất thay đổi từ người này sang người khác, thay đổi trong cùng một người từ ngày này qua ngày khác vì tùy thuộc vào hàm lượng đường trong máu, mức độ kém nhạy cảm với insulin và nhiều yếu tố khác.

 

TS-BS Lê Tuyết Hoa

  

 

Kính chào bác sĩ Tuyết Hoa!

 

Bố cháu 52 tuổi, hay mất ngủ, huyết áp tăng nhanh về ban đêm, nước tiểu thường bị ruồi kiến bâu. Cơ thể mất khả năng miễn dịch nên vết thương lâu lành, thường bị nhiễm trùng. Bố cháu vẫn ăn uống bình thường (ăn rất nhiều) và còn ăn mặn.

 

Cháu nghĩ bố cháu đã bị tiểu đường, muốn đưa bố đi khám nhưng ông không chịu. Nếu không đi khám, có dấu hiệu nào khẳng định chắc chắn bố cháu bị tiểu đường không ạ? Cháu mong BS cho cháu lời khuyên. Cháu xin cảm ơn bác sĩ rất nhiều!

 

Đình Phong - TP Vinh, Nghệ An

 

Chào cháu,

 

Bệnh ĐTĐ có biểu hiện rất đa dạng, từ  không có bất kỳ triệu chứng gì đến một vài hoặc đầy đủ tất cả các triệu chứng và biến chứng. Do vậy việc chẩn đoán đòi hỏi thử đường glucose trong máu và thăm khám đánh giá đầy đủ các biến chứng.

 

Vậy nên, cháu cố gắng động viên ông đến bệnh viện kiểm tra để có kết quả chính xác nhé.

 

TS-BS Lê Tuyết Hoa

  

 

Chào bác sĩ,

 

Tôi nghiện thuốc lá, mỗi ngày hút hơn một bao. Gần đây tôi nghe nói người hút thuốc lá dễ mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), có phải không thưa BS? Tôi cũng có sở thích uống trà nữa. Tôi nghĩ uống trà sẽ giảm phần nào tác hại của khói thuốc, như vậy sẽ giúp tôi giảm nguy cơ bị đái tháo đường do hút thuốc? Xin cảm ơn BS!

 

Nguyễn Trường Sơn - Nam Định, son1812…@yahoo.com

 

 

Xin chào anh,

 

Hút thuốc lá không phải là yếu tố thuận lợi gây mắc ĐTĐ, nhưng là yếu tố nguy cơ gia tăng các biến chứng trên mạch máu của bệnh ĐTĐ. Vì vậy, tốt nhất là nên bỏ thuốc lá thôi anh ạ. Mỗi ngày anh hút hơn một bao là quá nhiều rồi đấy.

 

Chưa rõ tác dụng của trà có giảm được tác hại nói chung của thuốc lá, nhưng trà mang lại lợi ích trên tim mạch và giúp giảm mỡ cholesterol có hại trong cơ thể.

 

 TS-BS Lê Tuyết Hoa

 

 

Thưa BS Tuyết Hoa,

 

Em bị đái tháo đường mới được phát hiện. Em đang ăn kiêng nhưng lại mắc bệnh tụt huyết áp vì thế việc ăn kiêng không mấy hiệu quả. Kính mong BS cho em lời khuyên.

Ánh Nguyệt - moonshine…@gmail.com

  

Ánh Nguyệt à,

 

Tụt huyết áp và ăn kiêng là hai chuyện không có liên quan gì đến nhau em ạ. Ăn kiêng trong bệnh ĐTĐ không hoàn toàn là ăn kiêng như người thừa cân, mà chính là ăn uống hợp lý. Khẩu phần ăn hợp lý giúp em có đủ sức khỏe mà vẫn đảm bảo điều chỉnh được đường huyết.


Có lẽ em muốn đề cập đến tình trạng huyết áp thấp của em hơn là tụt HA? Có vài nguyên nhân, hoặc thậm chí huyết áp thấp vốn mặc định của cơ thể em (do cơ địa)... Em có thể tìm đến bác sĩ để được thăm khám và tư vấn thích hợp nhé.

 

TS-BS Lê Tuyết Hoa

 

 

Kính chào bác sĩ Tuyết Hoa,

 

Tôi năm nay 39 tuổi. 3 năm trước tôi sinh thêm 1 cháu trai. Lúc mang bầu tới tuần thứ 32, bác sĩ phát hiện tôi bị tiểu đường thai kỳ (kết quả xét nghiệm máu vào sáng sớm chưa ăn là 7,5). Từ khi sinh xong tôi thường xuyên đo đường máu, hiện nay chỉ số đường máu của tôi vào lúc sáng sớm quanh ở mức 6,5 - 6,7.

 

Vậy xin hỏi các bác sĩ, chỉ số đường máu của tôi ở thời điểm hiện nay có phải là cao không? Xin bác sĩ cho tôi biết chỉ số an toàn của người Việt hoặc người châu Á là bao nhiêu trước khi ăn và sau khi ăn 1-2h?

 

Tôi có cần phải duy trì chế độ ăn kiêng nào không? Xin cảm ơn các bác sĩ Tuyết Hoa, chúc bác sĩ nhiều sức khỏe!

 

Bích Thảo - Q. Tân Bình, TP.HCM

 

 

Chào chị Thảo,

 

Chị đã bị ĐTĐ thai kỳ. Thường sau sinh đường huyết trở về bình thường. Chỉ một số ít người vẫn còn rối loạn dung nạp đường (là tình trạng tiền đái tháo đường) hoặc thực sự ĐTĐ sau khi sinh.

 

Trong số bình thường này, một số người có thể có bất thường đường huyết ở lần mang thai tiếp theo và 30-50% trong số họ sẽ bị ĐTĐ thực sự trong tương lai. Do đó, người bị ĐTĐ thai kỳ nên kiểm tra đường huyết hàng năm, được tư vấn về cách phòng ngừa ĐTĐ Duy trì tập thể dục và ăn đúng cách là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất.

 

Chỉ số đường huyết của chị không vượt quá 7mmol/L nên chưa thể là ĐTĐ, nhưng ở mức 6,5-6,7 mmol/L cũng là có rối loạn đường huyết đói rồi.

 

Chỉ số đường huyết bình thường trước khi ăn ở người trẻ trung niên càng gần trị số của người bình thường càng tốt: 5,0-5,4 mmol/L và sau khi ăn 2 h cho phép 6.7  -7.8 mmol/L. Tuy nhiên ở người có tuổi các mức này rộng hơn và linh hoạt theo tình trạng thể chất của người bệnh.

 

TS-BS Lê Tuyết Hoa

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X