Hotline 24/7
08983-08983

Tóc bạc ở người trẻ

Theo các bác sĩ, ngoài yếu tố di truyền, tóc bạc sớm còn do tác động của môi trường, cảm xúc… Vì thế hoàn toàn có thể ngăn ngừa tình trạng này nếu xác định được nguyên nhân.

Bạc tóc từ tuổi thiếu niên

Tóc là một thành phần của thượng bì, chứa nhiều chất sừng và các hắc tố (melanin). Chính sắc tố này quyết định màu sắc của tóc đậm hay nhạt. Ngoài ra, các albumin có trong thành phần của tóc sẽ nuôi dưỡng và duy trì độ sáng bóng, chắc khỏe cho tóc.

Theo thời gian, số lượng sắc tố trong các vỏ bọc của tóc giảm đi, và tóc bắt đầu bạc khi cơ thể ngừng sản sinh melanin. Khi mái tóc trở nên bạc trắng, tức là lớp bọc ngoài của tóc không còn sắc tố melanin; đồng thời, sự suy giảm sắc tố này cũng làm tóc bớt bóng mượt, trở nên khô ráp.

Có thể dễ dàng nhận thấy lớp tóc bên trong thường bạc nhiều và sớm hơn, trong khi lớp tóc bên ngoài vẫn đen. Khi tóc rụng nhiều trong một thời gian ngắn do quá căng thẳng, ốm nặng, sau khi mổ, sinh nở… chúng ta sẽ thấy sợi tóc đen bên ngoài rụng nhiều làm lộ lớp tóc bạc bên trong.

Quá trình bạc tóc tự nhiên này có thể bắt đầu ngay từ tuổi thiếu niên, song phần lớn biểu hiện rõ rệt khi chúng ta bước vào tuổi 30. Các chuyên gia nghiên cứu vấn đề này cho rằng, thông thường ở độ tuổi 45 mới bắt đầu bị bạc tóc, và quá trình bạc tóc diễn ra trong thời gian dài.

Tuy nhiên, thời điểm tóc bắt đầu bạc diễn ra khác nhau ở mỗi người, trong đó một phần liên quan đến sắc tộc, môi trường sống và di truyền. Hiện tượng tóc bạc trước tuổi 45 được xem là tócbạc sớm.

Nguyên nhân gây tóc bạc sớm

Theo TS.BS Lê Ngọc Diệp, ĐH Y Dược TPHCM, có rất nhiều nguyên nhân gây nên hiện tượng tóc bạc sớm, ngoài yếu tố di truyền, cần xem xét các yếu tố sau:

Về mặt sinh học: có thể do cơ thể thiếu các vitamin và khoáng chất thiết yếu do chế độ ăn uống. Đặc biệt là hai loại vitamin B và E.

Ngoài ra, tóc bạc sớm có thể do mắc một số bệnh như bệnh thiếu máu ác tính (thường do thiếu vitamin B12, giảm việc sản sinh các sắc tố) hay hội chứng lão hóa sớm; rối loạn hormone, nhất là hormone sinh sản và tuyến giáp; lạm dụng thuốc, đặc biệt là các loại thuốc kháng sinh điều trị rối loạn trầm cảm, viêm khớp, điều trị ung thư.

Cơ thể mắc các bệnh do vi-rút hay các bệnh về thận cũng làm tóc bạc sớm. Một yếu tố phổ biến dễ làm bạc tóc sớm là thường xuyên làm việc quá sức, cơ thể mệt mỏi, suy nhược. Thường xuyên căng thẳng, rối loạn hoạt động của hệ thần kinh trung ương và hệ thần kinh ngoại biên… cũng là nguyên nhân khiến tóc bạc sớm.

Tác động bên ngoài: tóc bạc sớm do sử dụng quá nhiều thuốc nhuộm và các mỹ phẩm gây hại cho tóc; để tóc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài. Những người hút thuốc lá, tóc dễ bị bạc sớm gấp bốn lần so với những người không hút thuốc. Chế độ ăn uống không cân bằng, trong đó, ăn nhiều thịt và đồ ngọt, ít rau xanh và hoa quả; uống nhiều cà phê, rượu, bia… cũng làm tócnhanh bạc.

Phòng ngừa, điều trị

Nếu gia đình có gien di truyền tóc bạc sớm thì có thể phòng ngừa bằng một số món ăn hay bài thuốc dân gian. Trước hết, khi bị bạc tóc, không nên lo buồn vì như thế sẽ làm cho tóc bạc nhiều thêm. Hạn chế tối đa căng thẳng, cân bằng công việc và thư giãn, ngủ nghỉ đầy đủ, tạo tinh thần thoải mái là giải pháp hữu hiệu hạn chế tóc bạc sớm.

Nhằm ngăn chặn quá trình bạc tóc, giúp tóc đen trở lại bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, uống nước nhiều, bổ sung thêm sinh tố nhóm B và vitamin H. Bên cạnh đó, có thể sử dụng các thảo mộc như hà thủ ô, thục địa, lá dâu, quả dâu, vừng đen, bài thuốc bổ máu...

Ngoài ra, thường xuyên tập thể dục, massage da đầu và dùng lược gỗ, sừng thay cho lược nhựa. Lưu ý, tránh nhổ tóc khi có hiện tượng tóc bạc vì khi nhổ tóc, các nang ở chân tóc bị phá vỡ, tạo điều kiện cho huyết thanh tràn ra ngoài và ảnh hưởng đến các sợi tóc khác.

Theo Mỹ Hạnh - Citinews

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X