Hotline 24/7
08983-08983

Toàn văn giao lưu trực tuyến về làm đẹp, da liễu với BS Đoàn Mạnh Khải

Hàng trăm câu hỏi của bạn đọc đang chờ BS Khải. Biết khối lượng công việc sẽ rất lớn, nên 7h30, BS Khải đã có mặt ở văn phòng của AloBacsi.vn.

a
BS Đoàn Mạnh Khải, Khoa thẩm mỹ - BV Từ Dũ (TPHCM), từng tu nghiệp 4 năm chuyên ngành thẩm mỹ, laser ở Đại học Y khoa Nice, Pháp.

Có lẽ hiếm bác sĩ nào có mật độ giao lưu trực tuyến dày đặc như BS Đoàn Mạnh Khải. Thế nhưng, số câu hỏi về làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, da liễu… vẫn không ngừng đổ về.

Ngay từ bây giờ, bạn có thắc mắc về các bệnh lý da liễu, các phương thức chăm sóc da, cách sử dụng mỹ phẩm, phẫu thuật thẩm mỹ, cách trị nám/tàn nhang… xin mời gửi về email kbol@alobacsi.vn hoặc gửi câu hỏi vào hệ thống nhận câu hỏi của chuyên mục Khám bệnh Online của AloBacsi.vn để được BS Khải tư vấn chi tiết.

NỘI DUNG CUỘC GIAO LƯU TRỰC TUYẾN


- Bạn MK

 

Thưa bác sĩ,

 

Em bị bệnh hồng ban nút, đã xét nghiệm tổng quát nhưng không tìm được nguyên nhân. Em uống thuốc Medrol 16mg trị liên tục từ năm 2010 đên nay giảm còn 8mg. Em rất muốn trị hết bệnh để sinh em bé. Em từng có thai 2 lần, đều bị chết lưu trong thời gian đang uống thuốc trị bệnh.

 

Bệnh hồng ban nút có thể trị dứt điểm không ạ? Khoa da liễu hay khoa cơ xương khớp điều trị tốt bệnh này? Em ở miền Tây Nam Bộ. Kính mong quý BS tư vấn giúp. Em vô cùng cảm ơn!

 

BS Đoàn Mạnh Khải

 

Bạn thân mến,

 

Hồng ban nút là một bệnh viêm da, có đặc điểm là các nốt đỏ đau thường nằm ở mặt trong của đùi, mặt trong cẳng chân. Đây là một bệnh tự miễn có liên quan đến sự quá mẫn cảm của hệ thống miễn dịch. Nhiều nguyên nhân gây ra hồng ban nút như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng, thuốc, những bệnh lý ác tính hoặc bệnh của mô liên kết (những mô đệm dưới da).

 

Điều trị hồng ban nút phải xác định chính xác nguyên nhân khởi phát bệnh (vi trùng, virus, nấm, thuốc,…). Các triệu chứng của hồng ban nút có thể tự giảm khi nghỉ ngơi, sử dụng băng ép, kháng viêm. Việc sử dụng corticoide toàn thân (như các thuốc bạn đang sử dụng) có hiệu quả để điều trị hồng ban nút mãn tính và tái phát. Bạn nên đến khám trực tiếp tại BV có chuyên khoa về da hoặc chuyên khoa miễn dịch để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh để việc điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả.

 
 

- Le Phu Quy - Hà Nội

 

Tôi có sẹo bẩm sinh ở trên đầu, làm thế nào để mọc được tóc ở vị trí đó? Xin BS trả lời cho tôi biết cách điều trị.

 

BS Đoàn Mạnh Khải

 

Chào bạn Quy,

 

Sẹo là kết quả của vết thương lành. Đối với các vết thương sâu, mất mô rộng hoặc do các bệnh lý gây teo da bẩm sinh, đặc biệt là vùng da đầu thì mô sẹo sẽ không còn nang tóc và tuyến bã nên tóc không thể mọc lại. Cấy hoặc ghép nang tóc không mang lại hiệu quả.

 

Đối với sẹo nhỏ, điều trị thường nghiêng về yếu tố thẩm mỹ bằng cách cắt bỏ mô sẹo. Đối với sẹo có kích thước lớn có thể sử dụng phương pháp căng mô bằng túi nước sau đó cắt bỏ mô sẹo, kéo 2 mép da đầu còn nang tóc lại với nhau. Bạn có thể đến khám trực tiếp tại các BV có chuyên khoa thẩm mỹ để được tư vấn và điều trị cụ thể.
 
 

- Hoai Nhan - hoainhan…@gmail.com

 

Chào bác sĩ,

 

Em đang rất hoang mang về việc vành tai của em bị nổi ửng đỏ, ngứa, khi em gãi thì bị chảy nước. Em thấy trên bàn có lọ thuốc cotibion nên em bôi thử nhưng vết thương không lành. Quầy bán thuốc đưa cho em lọ thuốc bôi Maica màu xanh tim tím kèm 3 liều thuốc.

 

Trước khi bôi thuốc em có rửa vết thương bằng oxi già, xức thuốc vào vành tai thì thấy nóng một lúc rồi hết. Sau mấy ngày em thấy vết thương khô có màu xanh đen tim tím. Em nghĩ là vết thương đã khô nên bóc ra thì nó chảy nước. Em sợ quá nên tiếp tục bôi thuốc rồi nó lại khô như trên.

 

Giờ em phải làm gì ạ, để nó tự tróc ra hay sao? Em rất ngại khi giao tiếp nên em luôn ở trong phòng. Em bị cả hai tai luôn. BS tư vấn giúp em nhé!
 

a

  
BS Đoàn Mạnh Khải

 

Hoai Nhan thân mến,

 

Hình bạn gửi không nhìn rõ được màu sắc sang thương do chụp quá sáng. Các sang thương trên vành tai bạn có hiện tượng tróc vảy, bóng nước đi kèm trên nền da hồng ban thì có thể là các triệu chứng của bệnh viêm da tiếp xúc (do mỹ phẩm, dầu gội hoặc do thuốc bạn bôi trước đó), cũng có thể là triệu chứng của bệnh nấm da.

 

Để điều trị hiệu quả bạn nên đến khám trực tiếp tại BV có chuyên khoa da, việc tự ý sử dụng thuốc điều trị tại nhà có thể làm tình trạng bệnh nặng thêm gây khó khăn cho việc chẩn đoán cũng như điều trị. Tại TPHCM bạn có thể đến khám tại BV Da liễu, BV Đại học Y dược… Tại Hà Nội có thể khám tại viện Da liễu TW,…
 
 

- Pham Suong - miushop…@gmail.com

 

Cháu có nốt ruồi mọc từ nhỏ, lớn lên nó có to hơn và chỉ nhô ra so với da một chút xíu thôi. Cháu muốn đi đốt nhưng thấy nó không đều màu, có thể là ác tính không ạ?
 
a

 

Dạo gần đây trên da cháu cũng xuất hiện nhiều đốm li ti, to dần ra thành tàn nhang, nó mọc nhiều quá khiến cháu cũng hơi lo lắng.

 

Và da cháu còn bị một số mụn lạ nữa, mụn nhỏ xíu, mọc tập trung rất nhiều ở cổ, vai và phần trên ở lưng, ở bụng cũng có nhưng ít hơn. Mụn nhìn như một cây gân nhỏ xíu màu trắng, mọc ra từ một cái lỗ nhỏ, có lần cháu lấy nhíp kéo ra thì rất đau và chảy máu, hôm sau cái cây đó bị đen đi. Nếu cào thì hôm sau nó cũng đen đi, vài bữa sau cạy nhẹ sẽ rụng.

 

Cháu cũng có gửi hình kèm theo nhưng nó rất nhỏ, không thấy rõ lắm. Mong được BS tư vấn để cháu yên tâm hơn. Cám ơn BS!
 

a

 

BS Đoàn Mạnh Khải

 

Sương thân mến,

 

Để xác định chính xác tính chất nốt ruồi là lành hay ác tính thì ngoài việc quan sát kích thước, màu sắc cần phải làm thêm giải phẫu bệnh. Để thực hiện giải phẫu bệnh thì nốt ruồi phải được tiểu phẫu cắt bỏ hoặc thực hiện sinh thiết. Việc tẩy xóa nốt ruồi bằng laser không thể thực hiện được giải phẫu bệnh.

 

Các “mụn lạ” mà em mô tả trên da được gọi là túi da thừa (Skintags), đây là các u da lành tính thường xuất hiện ở người lớn tuổi, nữ bị nhiều hơn nam, các sang thương này cũng có liên quan đến yếu tố gia đình. U da này không cần thiết phải điều trị, tuy nhiên vì lý do thẩm mỹ chúng ta có thể đốt bằng laser CO2. Bạn nên đến khám tại các BV chuyên khoa da hoặc BV thẩm mỹ có chuyên khoa về laser để được tư vấn cụ thể hơn về chi phí điều trị.
 
 

- Một bạn đọc ở Khánh Hòa

 

Chào bác sĩ,

 

Năm nay tôi 38 tuổi, chưa lập gia đình. Tôi phát hiện bị sùi mào gà năm 2010. Tôi đã đến BV Da Liễu TPHCM điều trị, ở đây BS chấm AT sau đó lại tái phát và ngứa dữ dội. Không hiểu sao nhiều lần tái khám BS đều kết luận rằng bệnh của tôi đã hết. Nhưng mụn nổi dưới da sần sùi, cứng và rất ngứa ở đầy âm hộ.

 

Tôi tìm đến bệnh viện đa khoa quốc tế ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, BS đốt bằng điện cao tần ở âm đạo và âm hộ, sau đó tiêm phong bế tại chỗ đốt và truyền dịch, lau rửa trong 7 ngày. BS bảo rằng bệnh có dấu hiệu rất khả quan nhưng các nốt sùi vẫn còn (tôi tưởng đốt xong là bề mặt trơn láng).

 

Hiện tại tôi đợi tái khám sau 7 ngày và uống thuốc bắc. Chỗ sùi vẫn ngứa không chịu nổi, tôi muốn phát điên lên vì cơn ngứa hành hạ từng giây. Vậy bệnh tình của tôi như thế nào, có phải vết sùi bị bội nhiễm không? BS làm ơn cứu tôi với, cám ơn BS nhiều!

 

BS Đoàn Mạnh Khải

 

Chào chị,

 

Sùi mào gà do virus HPV (Human Papilloma Virus) gây ra, bệnh liên quan đến nhiễm trùng da ở vùng sinh dục hoặc hậu môn. Sùi mào gà thường rất dễ tái phát sau điều trị vì virus hiện diện cả trên vùng da lành ngoài vùng da đang điều trị. Việc điều trị thường rất khó khăn nên việc thăm khám và điều trị nhiều đợt mới đem lại hiệu quả, ngoài phương pháp chấm AT (dung dịch nitơ lỏng), còn có thể đốt điện hoặc đốt bằng laser, sử dụng thuốc thoa tại chỗ phối hợp như podophyline, imiquimod,…

 

Chị vừa mới thực hiện đốt điện nhưng vẫn còn sùi, và chỗ sùi vẫn còn ngứa chứng tỏ sang thương chưa được đốt sạch, chị nên tái khám ngay để BS có thể cho chị sử dụng các thuốc thoa điều trị kết hợp.
 
 
- Hoa Le - lethanh…@gmail.com
 

Em năm nay 30 tuổi đang mang thai ở tuần 33, cách đây gần 2 tháng em thấy ngứa toàn thân, vì không chịu được nên em gãi. Cho đến giờ ở vùng bụng, lưng, gần như toàn thân ngứa nhiều, khó chịu nhất là những lúc ra mồ hôi thì càng ngứa hơn. Vì da em mỏng nên vùng bụng em chỉ dám xoa nhẹ nhưng nó thành từng mảng có mụn màu trắng. Xin hỏi BS em bị bệnh gì ạ?

 

Mọi người nói do em mang bầu nên bị như vậy, em chỉ còn hơn tháng nữa là sinh em bé nên cố gắng chịu. Lúc nào em cũng thấy ngứa, 3 tháng nay rồi em không ngủ được vì ngứa, xin AloBacsi tư vấn giúp em ạ! Em cảm ơn!

 

BS Đoàn Mạnh Khải

 

Chào bạn,

 

Các dấu hiệu mà bạn mô tả là triệu chứng ngứa do chàm, là bệnh lý dị ứng do phản ứng miễn dịch của cơ thể. Chàm thường gây khó chịu rất nhiều cho phụ nữ trong thai kỳ nên việc điều trị là cần thiết, tuy nhiên việc sử dụng thuốc uống là chống chỉ định, do đó bạn có thể sử dụng thuốc thoa tại chỗ để làm giảm các triệu chứng của bệnh chàm. Trong lúc này bạn có thể sử dụng thuốc thoa Hydrocortisone 0,05% thoa 1-2 lần/ ngày. Ngay sau khi sinh bạn nên đến khám trực tiếp tại BV để có hướng điều trị phù hợp cho bạn.
 
 
 

- Bích Tiền - bichtien…@yahoo.com.vn

 

Chào bác sĩ,

 

Em là nữ, 17 tuổi. Khoảng 1 năm nay, da tay em xuất hiện nhiều đốm nâu đỏ lí nhí, nó không gây ngứa gì cả. Thời gian đầu em nghĩ bị dị ứng nên cũng không quan tâm mấy và để yên như vậy hy vọng nó tự động hết, em cũng không xài mỹ phẩm hoá chất bậy bạ trên tay và chân.

 

Nhưng gần đây em thấy nó không bớt mà còn lan rộng và nhiều hơn, xuất hiện ở bắp chân luôn rồi ạ. Người em lông đã nhiều rồi mà còn thêm những đốm này nhìn ghê lắm, em không biết đó có phải bệnh về da hay không, hay dạng như viêm lỗ chân lông. Xin BS tư vấn cho em ạ. Em cảm ơn.

a

 

BS Đoàn Mạnh Khải

 

Chào bạn,

Theo hình bạn gửi thì những đốm đỏ li ti có thể là tình trạng giãn các mao mạch nhỏ li ti dưới da. Đây không phải bệnh lý liên quan đến da nên bạn an tâm và không cần điều trị.
 
 

- Nguyễn Quốc Hưng - quận 10, TPHCM

 

Em bị bệnh lác đồng tiền ở ngay bắp chuối chân, bị cũng khoảng từ trước tết đến giờ. Em có đi khám nhưng 1 lần khám thì tiền thuốc mắc quá, lại không trị hết bệnh, em cũng bôi rất nhiều loại thuốc rồi. Em dùng Gentri sone thì nó hết nhưng nếu ngưng thuốc khoảng 3, 4 ngày gì thì nó tái phát nên em cứ phải sử dụng thuốc liên tục và bây giờ chỗ đó đã bị rạn da.

 

Hôm trước em có vào bệnh viện Da liễu thì BS cho e thuốc Letspo để bôi. Nhưng em thấy không hợp thuốc và vẫn ngứa, em sợ nó sẽ bội nhiễm. BS chỉ em làm sao để có thể trị dứt bệnh này được không? Và em có nên dùng xà bông xát lên đó không? Em cám ơn BS ạ.   

 

BS Đoàn Mạnh Khải

 

Quốc Hưng thân mến,

 

Lác đồng tiền là một dạng bệnh lý của chàm có đặc điểm là sang thương hình tròn (dạng đồng tiền và rất ngứa), đây là dạng bệnh rất khó điều trị có thể mãn tính và tái phát trong nhiều năm. Việc điều trị chủ yếu là các thuốc bôi tại chỗ có chứa corticoide, tuy nhiên việc sử dụng corticoide lâu ngày tại có thể gây bội nhiễm vi trùng hoặc nấm làm cho việc điều trị trở nên khó khăn. Tốt nhất bạn nên đến tái khám trực tiếp tại BV để BS có thể xác định chính xác độ nặng nhẹ của sang thương mà đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Tại TPHCM bạn có thể khám tại BV Da liễu, BV ĐH Y dược,…
 
 

- Thanh Huy - quận 9, TPHCM

 

AloBacsi ơi,

 

Mình 22 tuổi, cho mình hỏi lưng mình nổi nhiều đóm trắng trông như bị lang ben, mình có đi khám thì kết quả xét nghiệm nấm men âm tính, và củng uống thuốc được 1 tháng thì đi xét nghiệm lại kết quả xét nghiệm tìm vi nấm là không có nữa. Nhưng lưng mình những đóm trắng vẩn còn. Vậy cho mình hỏi trường hợp của mình là sao, khi nào những đóm trắng đó mới hết? Xin cảm ơn!

 

BS Đoàn Mạnh Khải

 

Chào Thanh Huy,

 

Những đốm mất sắc tố trên da của bạn có thể do vi nấm gây ra, cũng có thể do tình trạng rối loạn sắc tố da. Nếu sang thương trên lưng bạn có nguyên nhân do nấm thì các đốm trắng sẽ tồn tại rất nhiều tuần sau khi vi nấm được hạn chế. Việc phơi nắng có thể giúp cải thiện màu sắc da sau điều trị. Nếu sang thương trên lưng do tình trạng rối loạn sắc tố da thì có thể sẽ tồn tại vĩnh viễn hoặc lan rộng hơn. Bạn nên đến khám tại BV có chuyên khoa da để được điều trị.
 
 

- Binh Pham - tbinha…@gmail.com

 

Kính gửi bác sĩ,

 

Bé nhà em được 3 tuổi, em cho cháu đi khám BS ở tỉnh nói cháu bị bệnh u mềm lây và BS này đã đốt tia laser (khoảng 100 mụn). 1 tháng sau bệnh tái phát lại, phần lớn ở những chỗ cũ. Bé rất ngứa và thường xuyên gãi nên em đã đưa lên BV Da liễu TPHCM để khám, tại đây BS chẩn đoán cháu bị chàm thể tạng. Tuy nhiên qua tìm hiểu thông tin trên mạng em thấy bệnh của con em không giống.
 
 

a

 

Em có đọc trả lời của BS Đoàn Mạnh Khải trên trang web Alobacsi.vn bệnh u mềm lây có thể điều trị hiệu quả bằng dung dịch KOH%. Vì vậy, em nhờ BS xác định giúp: (i) hiện con em bị bệnh U mềm lây hay chàm thể tạng; (ii) nếu là u mềm lây thì việc sử dụng KOH 10% có làm cho bé đau hay rát không ạ? Mong sớm nhận được phản hồi từ BS. Em cám ơn nhiều.

 

BS Đoàn Mạnh Khải

 

Chào bạn,

 

Hình bạn gửi không rõ nên không thể xác định chính xác sang thương là u mềm lây hay chàm, tuy nhiên AloBacsi sẽ giúp bạn hiểu về cách điều trị 2 bệnh lý trên.

 

Nếu là chàm thể tạng thì sang thương thường xuất hiện toàn thân và tập trung ở mặt duỗi của tay, chân (đầu gối, khuỷu tay). Sang thương thường dưới dạng mụn nước tập trung trên nền hồng ban và ngứa nặng hơn khi bé ăn thức ăn gây dị ứng. Việc điều trị hiệu quả là tránh các yếu tố gây dị ứng cho bé. Trường hợp sang thương nhiều, lan rộng hoặc bội nhiễm thì phải sử dụng thuốc thoa tại chỗ hoặc thuốc uống toàn thân.

 

Nếu là u mềm lây thì là bệnh nhiễm trùng da gây ra bởi poxvirus thường gặp ở trẻ em, sang thương là những nốt có đường kính nhỏ từ 2-5mm tập trung lại thành nhóm hoặc phủ trên bề mặt da rộng. Việc điều trị có thể sử dụng đốt điện, laser hoặc thoa imiquimod 5% thoa 3 lần/ tuần trong 2-3 tháng. Gần đây nhất là dung dịch KOH 10% được xem là an toàn, và nhiều nghiên cứu thấy mang lại hiệu quả trong điều trị u mềm lây ở trẻ em. Thuốc dễ sử dụng và không gây các phản ứng khó chịu cho trẻ. Bạn nên đưa bé đến khám và điều trị trực tiếp tại BV hoặc phòng khám chuyên khoa da.
 
 

- Minh Đức - Duyên Hải, Trà Vinh

 

Em dạo này có nổi những nốt đỏ trên da ở cánh tay và phần mu bàn tay gần ngón trỏ. Những nốt này liền kề nhau, không ngứa, không đau, không nổi nên trên da. Trước thì đỏ sau vài ngày thì giờ nó thâm lại. Em bị ở trên cả 2 tay, không biết là bệnh gì? Có khi nào em bị giang mai không BS Khải ơi?
 

a

 

BS Đoàn Mạnh Khải

  

Minh Đức thân mến,

 

Sang thương trên da bạn có thể là tình trạng phát ban do nhiễm siêu vi hoặc do sử dụng thuốc. Nếu đúng là phát ban thì các sang thương này sẽ biến mất và khỏi hẳn trong từ 2-3 tuần. Đây không phải sang thương của bệnh giang mai vì bệnh giang mai phải có yếu tố nguy cơ (quan hệ tình dục không an toàn), vì ngoài các triệu chứng phát ban còn có các triệu chứng nóng sốt toàn thân và kèm sự hiện diện của săng giang mai ở vùng sinh dục trước đó.

 

Nếu bạn có yếu tố nguy cơ như kể trên thì bạn nên khám trực tiếp tại BV để BS đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất cho bạn.
 
 

- Nguyễn Kim Duyên - Kim Ngưu

 

BS Khải ơi cho em hỏi,

 

Đầu ngón tay em, chỗ vân tay bị bong da hết lớp này đến lớp khác mặc dù gần đây em kiêng xà phòng hóa chất rất kỹ. Xem trên mạng thấy giống bệnh á sừng, em đã bôi skincare-U nhưng không đỡ mà còn lan sang các ngón khác.

 

Em đi khám BV Da liễu TW, BS nói viêm da cơ địa, không khỏi triệt để và kê thuốc:

 

1.Dermovat 15g (bôi)

 

2.Med Dermatology Atopic cream

 

3. Sulgidam (thuốc uống)

 

Cho em hỏi, em đang cho con bú có dùng được các thuốc trên không? Có thuốc nào trị hết bệnh này không và nguyên nhân gây bệnh là gì? Cảm ơn BS!   

 

BS Đoàn Mạnh Khải

 

Kim Duyên thân mến,

 

Các dấu hiệu mà bạn mô tả là các triệu chứng của bệnh chàm ngón tay, đây là bệnh rất thường gặp của bệnh chàm và chỉ giới hạn ở đầu các ngón tay. Bệnh có thể ở 1 hoặc nhiều ngón, sang thương thường không ngứa nhưng đau rát thường xuyên.

 

Yếu tố khởi phát thường là các hóa chất kích ứng hoặc do tiếp xúc, bệnh có thể tồn tại nhiều tháng, năm và có thể không đáp ứng với điều trị. Để làm giảm các triệu chứng kích ứng, bạn nên tránh rửa tay thường xuyên, tránh hóa chất gây kích ứng, sử dụng các thuốc thoa giữ ẩm hoặc mang găng tay bằng vải cotton để bảo vệ.

 

Bạn đang cho con bú vẫn sử dụng được các thuốc mà BS đã kê.  
 
 

- Lê Văn Thảo -  19 tuổi, TPHCM

 

Xin chào bác sĩ,

 

Năm nay em 19 tuổi con trai, em bị bệnh về da lúc 13 tuổi. Em khám ở BS gần nhà thì bác ấy nói em bị chàm, vì em bị bệnh y hệt như mẹ em, BS còn nói bệnh em không trị khỏi và lây truyền con em sau này nữa... em rất hoang mang thưa BS.

 

Triệu chứng bệnh của em: nổi những đốm to nhỏ khác nhau, em để ý nó to thì sẽ nối với nhau, có màu đỏ, có hình giống như 1 bông hoa, phần rìa màu đỏ và nhạt dần đến trung tâm. Những nốt này nổi nhiều ở sau lưng, trước ngực thì ít, ở bẹn háng 2 bên nổi 2 đốm to màu hồng quanh bẹn, lúc ra nắng hoặc nóng trong người thì nó đỏ đậm lên và ngứa ạ.

 

Em mong BS giúp em, chân thành biết ơn BS! Em chào BS!

 

BS Đoàn Mạnh Khải

 

Thảo thân mến,

 

Sang thương mà em mô tả có thể là sang thương của nấm da hoặc sang thương của lác đồng tiền (chàm). Để điều trị hiệu quả thì phải xác định chính xác sang thương trên da. Em có thể đến khám trực tiếp tại BV có chuyên khoa da như BV Da liễu hoặc BV ĐH Y dược.

 

Nếu sang thương do nấm việc điều trị cần lâu dài bằng thuốc thoa hoặc uống, bệnh không mang tính di truyền. Nếu sang thương do chàm thì bệnh có liên quan đến hệ miễn dịch, có di truyền, tuy nhiên còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố của môi trường sống và sinh hoạt. Em còn trẻ nên đừng quá lo lắng chuyện truyền bệnh cho con mà trước mắt nên đến khám và điều trị bệnh cho nhanh hết.
 
 

- Nguyễn Ngoan - 19 tuổi, Thái Nguyên

 

Chào BS Khải,

 

Cháu năm nay 19 tuổi, là nữ. Cách đây 1 năm, ở khu vực quanh mép, cháu thấy xuất hiện những vết đỏ, hơi ngứa và rát (nhưng không có mụn rộp). Cháu đi khám ở một số nơi, ban đầu tới hiệu thuốc thì dược sĩ bảo cháu bị lở mép và có kê gel sát trùng Zytee cho cháu nhưng không thấy khỏi. Sau đó cháu đi khám lần khác (nơi khác) thì BS da liễu chẩn đoán cháu bị nhiễm virus Herpes và kê thuốc bôi acyclovir, nhưng cháu bôi thuốc đó hết rồi mà vẫn chưa thấy hết bệnh. Dạo gần đây thì ở quanh mép của cháu vẫn còn ngứa, thấy nứt nẻ, hơi thâm lại và thỉnh thoảng có những vảy trắng như da khô chốc ra, rất khó chịu và hơi bất tiện.

 

Mong BS tư vấn giúp cháu rằng cháu bị bệnh gì, do nguyên gì, và cho cháu một vài lời khuyên cũng như thuốc để chữa khỏi. Cũng cho cháu hỏi, việc cháu có sử dụng thuốc mỡ tra mắt Tetracyclin để bôi ở mép cho dịu bớt ngứa và rát khá thường xuyên liệu có ảnh hưởng gì không ạ? Cháu rất cảm ơn ! Phiền BS

 

BS Đoàn Mạnh Khải

 

Chào em Ngoan,

 

Các triệu chứng da mà em mô tả là biểu hiện của bệnh chàm môi, đây cũng là một bệnh dị ứng có thể khởi phát sau một tình trạng viêm da tiếp xúc (do mỹ phẩm hoặc do thuốc). Chàm môi thường rất khó điều trị và dễ tái phát. Sử dụng thuốc thoa điều trị tại chỗ hoặc giữ ẩm có thể giúp cải thiện rõ rệt. Các thuốc giữ ẩm trung tính em có thể sử dụng như Vaseline, Physiogel… thoa nhiều lần trong ngày.

 

Thuốc tra mỡ mắt Tetracyclin là thuốc thoa chứa kháng sinh, không hiệu quả đối với bệnh chàm môi mà ngược lại có thể gây kích ứng trên vùng da đang tổn thương, em nên ngưng sử dụng. Khi dùng thuốc em nên tham khảo ý kiến của BS nhé.
 
 

- Cay Da - cayda…@yahoo.com

 

Em bị lác tương đối lâu rồi mà bôi thuốc mãi không khỏi. Bây giờ nó lây sang nhiều chỗ và cả trên mặt. Bác sĩ cho em hỏi là nên dùng thuốc bôi ngoài da nữa hay không hay là chuyển sang thuốc uống và em nên dùng loại thuốc nào ạ? Em xin cảm ơn BS.

 

BS Đoàn Mạnh Khải

 

Chào em,

 

Câu hỏi của em còn thiếu nhiều thông tin quá: “tương đối lâu” là mấy tháng, mấy năm? Em khám bệnh ở đâu chưa, đã dùng thuốc gì? ...

 

Em nên đến khám bệnh trực tiếp tại BV có chuyên khoa Da liễu để BS xác định chính xác sang thương trên da của em rồi kê toa thì việc sử dụng thuốc điều trị mới có hiệu quả nhé.
 
 

- Phat - xuanphat…@gmail.com

 

Chào bác sĩ,

 

Tôi thường xuyên bị ngứa nhiều sau khi tắm, lúc bị lạnh hoặc đổ mồ hôi. Mỗi lần như vậy có thể ngứa 1 cơ quan hoặc cả cơ thể. Gãi chảy máu vẫn không hết ngứa, có cảm giác như kim chích từ bên trong chích ra. Nhiều đêm ngứa không ngủ được. Xin BS Khải cho biết tôi bị bệnh gì và làm cách nào để điều trị? Chân thành cảm ơn!

 

BS Đoàn Mạnh Khải

 

Bạn thân mến,

 

Ngứa là triệu chứng gặp trong rất nhiều bệnh lý. Trường hợp của bạn có thể do dị ứng, còn gọi là mề đay sinh lý. Mề đay sinh lý thường rất khó điều trị, bạn có thể sử dụng các thuốc uống để giảm ngứa như  Loratadine 10mg uống 1-2 viên/ ngày hoặc Fexofenadine 180mg uống 1 viên/ ngày… các thuốc này bạn có thể sử dụng lâu dài.

 

Nên tránh cào gãi hoặc chà xát vùng ngứa vì động tác này vô tình sẽ kích thích cơ thể phóng thích nhiều Histamine gây ngứa hơn. Ngoài ra, bạn cũng nên đến BV để làm các xét nghiệm về ký sinh trùng hoặc để xác định các bệnh lý nội khoa khác có thể là nguyên nhân gây ra ngứa da.
 
 

- Trần Thanh Nam - quận 10, TPHCM

 

Thưa bác sĩ,

 

Em năm nay 25 tuổi, em bị rụng tóc cả năm nay, đi rất nhiều nơi để chữa và uống nhiều thuốc cũng như điều chỉnh chế độ ăn uống nhưng tóc ngày càng rụng nhiều hơn (100-200 sợi ngày). Giờ tóc em thưa, hói nhẹ phía đỉnh đầu và 2 thái dương. Em chỉ vuốt nhẹ hay lắc đầu là nó rụng, chẳng làm gì nó cũng rụng.

 

Em đã dùng: L-systine, Hair Nail & Skin, Cysmona, Hair selen, Lobamin systine, ginoel, Maecran, biotin, bephanten, ... Hiện tại em đang uống: Vithair Plus Men (3v), Omega3 (2v), Revetize (1v), Silica complex(1v). Em uống cũng được 3 tháng và không thấy giảm đi chút nào cả.   

 

Đôi khi em cảm thấy mình bị trầm cảm vì vấn đề này và ngại tiếp xúc với mọi người, thậm chí nghĩ đến việc tự tử. Em nên làm gì đây thưa BS? Em không biết phải uống thuốc gì nữa? Em xin cảm ơn!

 

BS Đoàn Mạnh Khải

 

Nam thân mến,

 

Rụng tóc được chia làm 2 nhóm: có bệnh lý da đầu đi kèm hoặc không có bệnh lý da đầu đi kèm, trường hợp rụng tóc của bạn rơi vào nhóm thứ 2 và nguyên nhân rụng tóc là do nội tiết tố gọi là rụng tóc androgene (hói di truyền). Nguyên nhân rụng tóc này thường có liên quan yếu tố gia đình.
 
Việc điều trị bằng thuốc uống thường đem lại hiệu quả thấp. Bạn có thể sử dụng các thuốc xịt tại chỗ Minoxidil 5% xịt 2 lần/ ngày có thể giúp tóc mọc lại từ 30-50% trường hợp.

 

Cấy tóc tự thân đem lại tự tin về mặt thẩm mỹ, tuy nhiên chi phí cao. Bạn có thể đến khám và tư vấn điều trị tại các BV chuyên khoa da và thẩm mỹ trong thành phố.

 

Tuy nhiên, sự tự tin, hấp dẫn và bản lĩnh của nam giới không phụ thuộc vào mái tóc mà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như kiến thức, cách giao tiếp… Do đó bạn đừng quá thất vọng vào mái tóc mà hãy tự tin với những ưu điểm nổi bật khác của mình.

 
a
 

- Ngọc - nguyenthuy…@yahoo.com.vn

 

Em chào BS Khải,

 

Em vừa trị mụn thịt bằng tia lazer. Sau khi bắn xong em rửa mặt nhẹ bằng nước muối và thoa kem Cicalfate. Nhưng ngày hôm sau em thấy trên từng nốt nó hơi vàng vàng, lấy bông gòn chùi thì nó bay mài và lộ vết thương chưa khô.

 

Xin BS hướng dẫn cách chăm sóc da sau khi trị mụn thịt:

- Rửa sơ nước muối là đúng hay không? Hay phải kiêng nước hoàn toàn?

- Thoa kem 1 lớp mỏng hay nhiều lắp vào lỗ mụn? Thoa 2 lần trong ngày , nhưng 1 lần bao lâu hay là buổi sáng thoa xong để đến buổi chiều thoa tiếp?

- Kem Cicalfate hay Vaniza phù hợp hơn?

- Có phai kiêng gì không ạ?

- Những lỗ mụn sâu có liền như da bình thường không?

 

Xin BS hướng dẫn, em cám ơn.  

 

BS Đoàn Mạnh Khải

 

Chào bạn Ngọc,

 

Vết thương sau đốt mụn thịt bằng laser là vết thương hở, do đó dễ bị nhiễm trùng. Rửa bằng nước muối là rất đúng nhưng kem Cicalfate và Vaniza không phù hợp vì không giúp phòng ngừa tình trạng nhiễm trùng trên da.

 

Nếu vết đốt bị nhiễm trùng thì khả năng liền sẹo sẽ kém và dễ hình thành sẹo xấu. Bạn nên sử dụng các thuốc thoa có kháng sinh như acide fusidique hoặc Bactropan thoa 2-3 lần/ ngày trong vòng 5-7 ngày.

 

Việc ăn uống không liên quan đến hình thành sẹo xấu. Những vết thương sâu mà bạn hỏi nếu vượt qua khỏi lớp bì của da hoặc kèm theo nhiễm trùng thì có thể để lại sẹo nhiều hoặc ít.
 
 

- Trần Thị Kim Cương - Tiền Giang

 

Lông mày và lông mi của em mỗi lần mọc lên đều màu trắng trong khi tóc và lông ở các chỗ khác đều màu đen bình thường. Cho em hỏi là có phải em bị bệnh bạch tạng không? Trước khi nhận được câu trả lời, em cám ơn BS nhiều.     

 

BS Đoàn Mạnh Khải

 

Kim Cương thân mến,

 

Lông mày và lông mi của em cứ mọc lên là màu trắng rất có thể vùng da đó bị mất sắc tố, liên quan đến bệnh lý Vitilogo (bạch biến). Nguyên nhân của bệnh bạch biến vẫn chưa được biết rõ nhưng người ta phát hiện ở vùng da bệnh bị mất hẳn tế bào sắc tố hoặc tế bào sắc tố không còn hoạt động.

 

Việc điều trị bạch biến có thể sử dụng thuốc thoa tại chỗ, liệu pháp ánh sáng hoặc ghép tế bào sắc tố. Em nên đến khám trực tiếp tại BV da liễu hoặc BV thẩm mỹ để được tư vấn về phương pháp và chi phí điều trị bệnh bạch biến.

 

Bệnh bạch tạng là một bệnh lý liên quan đến rối loạn di truyền, trong đó toàn bộ cơ thể không tổng hợp được sắc tố, không phải là bệnh da mà em hỏi.
 
 

- Trần Nhi - Quảng Trị

 

Em năm nay 21 tuổi nhưng da bàn tay và bàn chân em bị nhăn nheo giống hệt bà cụ 90 và thô ráp, không có mồ hôi tay như các bạn. Em bị từ nhỏ và càng lúc càng trở nên tệ hơn, khiến em rất tự ti trong giao tiếp hằg ngày. Xin BS giải đáp giúp em là da em bị làm sao và cách chữa trị như thế nào ạ? Em cám ơn BS!  

 

BS Đoàn Mạnh Khải

 

Trần Nhi thân mến,

 

Da bàn tay, bàn chân khô có thể do bẩm sinh (do cấu trúc da mỏng, thiếu lớp mỡ dưới da, sự hoạt động kém của tuyến mồ hôi) hoặc mắc phải (do thường xuyên phơi nắng, thiếu nước, bệnh lý chàm…).

 

Để làm giảm các dấu hiệu khô da kể trên, bạn nên sử dụng thường xuyên các loại kem bôi giữ ẩm như Cetaphil, Physiogel, dầu kẽm… nhiều lần trong ngày. Tránh phơi nắng thường xuyên và nên bổ sung đủ nước cho cơ thể (từ 2-3 lít/ ngày). Hy vọng tình trạng khô da của bạn sớm được cải thiện.
 
 

- Hồ Thanh Thảo - Chợ Mới, An Giang

 

Thưa bác sĩ,

 

Mẹ cháu bị ngứa ở ngón tay cái (chỉ duy nhất 1 ngón đó thôi), ngay cái lóng tay, da thịt ở đó vẫn bình thường. Ngoài ngứa ra không có triệu chứng gì cả. Mẹ cũng đã từng đi khám ở TPHCM, BS sờ sờ rồi bảo bị vảy nến, uống thuốc nhưng vẫn không khỏi.

 

Cháu muốn dắt mẹ đi đi BV Da liễu được không? Triệu chứng như vậy là bệnh gì? Cháu cảm ơn và chúc sức khỏe BS!

 

BS Đoàn Mạnh Khải

 

Thanh Thảo thân mến,

 

Chỉ có biểu hiện ngứa thì không đủ chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến da, vì ngứa là triệu chứng thường gặp trong rất nhiều bệnh lý khác nhau. Em nên đưa mẹ đến khám trực tiếp tại BV Da liễu để xác định chính xác có hay không các sang thương khác đi kèm thì mới đủ kết luận bệnh gì và cách điều trị phù hợp.
 
 

- Huong La - zzla…@gmail.com

 

Thưa bác sĩ, em bị như thế này 1 tuần rồi và không thấy mụn lặn đi. Bình thường không ngứa, chỉ khi động chạm hoặc gãi vào mới ngứa .Em xin hỏi em bị bệnh gì và chữa tri làm sao ạ?
 
a 
 

BS Đoàn Mạnh Khải

 

Chào em,
 

Qua hình em gửi, sang thương trên da em tương tự hình ảnh dày sừng (lichen hóa) của bệnh chàm. Nếu là sang thương do chàm em có thể sử dụng các thuốc thoa làm tiêu sừng như Pomade salicyclee 10% thoa 1-2 lần/ ngày trong 1-2 tuần. Tuy nhiên, để xác định chính xác em nên đến thăm khám trực tiếp tại BV da liễu.

 

 

- Kiều Oanh - Q. Tân Phú, TPHCM

 

Chào bác sĩ,

 

Tôi vừa tẩy 3 nốt ruồi bằng laser tại BV Da liễu ngày 28/6. Nhưng có 1 nốt ruối = 3mm, hơi sâu, màu đen đậm. BS khám cho tôi nói “Nốt ruồi như vậy không cần xét nghiệm có tế bào ung thư không,  vì là nốt ruồi lành tính”. Tôi xin xét nghiệm nhưng BS nói không cấn thiết và cho thuốc bôi Fucidin.

 

Tôi mua thêm Povidien bôi trước để khô rồi bôi tiếp Fucidin được không? Đến tối tôi thấy tại nốt ruồi bị tẩy hơi rỉ máu, không đau. Bị rỉ máu chút xíu, để lát là khô.

 

Thưa BS Khải, bị như vậy có nguy hiểm không? Thấy không đau nên tôi định không đến BV mà xin ý kiến của BS. Tôi không có tiền sử bệnh gì hết. Cảm ơn BS rất nhiều!

 

BS Đoàn Mạnh Khải

 

Kiều Oanh thân mến,

 

Nếu đã xóa nốt ruồi bằng laser thì không thể thực hiện xét nghiệm giải phẫu bệnh là nốt ruồi lành tính hay ác tính vì nốt ruồi đã bị đốt hoàn toàn. Tuy nhiên, việc xóa nốt ruồi bằng laser thường an toàn và đa số trường hợp các nốt ruồi là lành tính nên bạn đừng quá lo lắng.

 

Povidine có tác dụng sát trùng tại chỗ nhưng dễ gây tổn thương cho tế bào và làm quá trình liền sẹo bị chậm lại, bạn có thể rửa vết thương với Povidine nhưng sau đó nên thoa kháng sinh mà BS đã kê cho bạn để tránh tình trạng nhiễm trùng. Hy vọng vết đốt laser của bạn sẽ nhanh lành tốt.


 

- Hiền Nguyễn - nguyenhien…@gmail.com

 

AloBacsi ơi,

 

Em bị ngứa toàn thân cách đây 4 năm rồi. Da của em rất nhạy cảm, cứ động đến hoặc hoạt động mạnh là lại ngứa. Khoảng 1-2 năm đầu, em chỉ bị vào mùa hè nhưng 2 năm gần đây em bị nặng hơn,  kéo dài cả năm kèm theo đau nhức mỗi khi có có vật gì đó va mạnh vào da.

 

Em đã đi khám ở BV Da liễu và kết quả là bị bệnh mề đay vật lý (da vẽ nổi). BS đã kê thuốc cho em bao gồm: (1) Ridalfex 180mg 15 viên (2) Uniderm 15g 1 tuýp (3) Medrol 16mg 7 viên (4) Mactagen 25mg 30 viên.

 

Em muốn hỏi BS Khải là đơn thuốc của em có thể điều trị lâu dài được không ạ, tác dụng phụ của nó là gì và cần lưu ý như thế nào khi sử dụng. Em xin cám ơn!  

 

BS Đoàn Mạnh Khải

 

Hiền Nguyễn thân mến,

 

Mề đay vật lý là bệnh dị ứng liên quan đến cơ địa dễ mẩn cảm với các yếu tố va chạm hoặc tiếp xúc, bệnh thường kéo dài dai dẳng và rất khó điều trị. Việc sử dụng các thuốc thoa tại chỗ (chẳng hạn Uniderm 15g) thường không hiệu quả. Các thuốc uống kháng Histamine (Ridalfex 180mg), thuốc hỗ trợ chức năng gan (Mactagen 25mg) có thể sử dụng an toàn và lâu dài, riêng corticoide (Medrol) nên sử dụng ngắn hạn và theo chỉ định của BS.

 

Trường hợp của bạn thường xuyên xuất hiện mề đay thì nên tái khám định kỳ và tránh sử dụng cùng 1 toa thuốc để uống liên tục vì có những thuốc chỉ nên sử dụng ngắn hạn để tránh những tác dụng phụ nguy hiểm.
 

- bui van - khai…@gmail.com

Thưa BS, em bị ngứa vào mùa hè. Cứ mỗi khi em ở quạt em lại bị ngứa hết thân, gây ngứa ngáy khó chịu (chỉ ngứa không đau) vào mỗi đêm khi em ngủ bật quạt không bật cũng bị nhưng nhẹ hơn. Các vết ngứa kéo dài gần sáng.

Vết ngứa trông như muỗi đốt. Tròn. Và có khi to bằng miệng chén. Em uống thuốc đã khỏi nhưng khi hết thuốc được 1 tuần thì lại bị lại. Em mới bị năm nay như vậy thôi. BS tư vấn giúp em với.

BS Đoàn Mạnh Khải

Chào Bui Van,

Tình trạng bệnh của bạn được gọi là mề đay sinh lý. Bệnh dễ tái phát và điều trị rất khó khăn. Bạn có thể tham khảo câu trả lời tương tự của bạn Hiền Nguyễn ở trên để hiểu hơn về cách điều trị.



- Tien Nguyen - alone…@gmail.com

 

Cách đây 2 tuần tay em có bị bong tróc cho tiếp xúc với các chất tẩy rửa. Các chỗ khác đã khỏi nhưng ngón tay út không khỏi mà còn lan ra, vùng da màu đỏ, nhẵn, đôi lúc có đường nứt, không đau. Lúc mới lan ra vùng da mềm, ấn vào thấy đau, nhưng giờ chỗ da có cảm giác khô. Xin hỏi em bị bệnh gì và cách điều trị? Xin cảm ơn.
 

a

 

BS Đoàn Mạnh Khải

 

Tien Nguyen thân mến,

 

Theo hình bạn gửi, da vùng ngón út vẫn còn đỏ là kết quả của tình trạng viêm da tiếp xúc với hóa chất trước đó. Một số bệnh dị ứng có thể khởi phát và kéo dài dai dẳng chỉ sau một đợt viêm da do tiếp xúc với hóa chất, do đó hiện tại bạn nên ngưng tiếp xúc hóa chất gây kích ứng. Nên sử dụng Vaseline hoặc thuốc bôi giữ ẩm như Physiogel cream, Cetaphil cream… thoa nhiều lần trong nhiều tuần sẽ giúp cải thiện tình trạng đỏ da vùng ngón út và triệu chứng viêm da sẽ hết trong vài tuần lễ.


- Nguyễn Tình - Bắc Ninh

Thưa BS, cháu bị mọc những nốt ở quanh mũi và ở cằm đã lâu rồi cháu cũng đã đi khám ở viện da liễu và uống thuốc nhưng vẫn không đỡ. Những nốt này không đau, không ngứa không có biểu hiện gì nhưng nhìn lại mất thẩm mỹ.

Theo như cháu khám ở viện da liễu, các BS kết luận cháu bị u nang tuyến mồ hôi. Cháu muốn đốt những nốt đấy có được không ạ và nó có bị lan ra không ạ? Cháu cảm ơn!

BS Đoàn Mạnh Khải

Nguyễn Tình thân mến,

Mũi và cằm nằm trên vùng chữ T của khuôn mặt là nơi tập trung rất nhiều tuyến bã. Đúng như chẩn đoán của BS có thể những nốt nhỏ trên mũi và cằm là những u tuyến mồ hôi, đây là tình trạng phì đại và tăng sừng của tuyến mồ hôi.

Điều trị chỉ hiệu quả bằng việc sử dụng laser CO2 đốt, tuy nhiên các u tuyến mồ hôi này vẫn có thể tiếp tục xuất hiện trở lại do tình trạng bị bít tắc vẫn tiếp tục xảy ra.

Bạn nên đến khám trực tiếp tại BV da liễu để được tư vấn rõ hơn về chi phí điều trị laser.

 
- Trần Hy Vọng

Kính gởi BS Đoàn Mạnh Khải. Em tên Trần Hy Vọng, sinh năm 1981 (Nữ), hiện đang sinh sống và làm việc tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Vào ngày 16/6/2014 em đã đến Bệnh viện Da liễu Khánh Hòa (TP Nha Trang, Khánh Hòa) để điều trị U tuyến mồ hôi bằng tia laser. BS tiến hành đốt u tuyến mồ hôi xung quanh bên mắt trái. Các vết đốt khu vực mí mắt trên và khóe mắt không nằm kề nhau nên sau 1 tuần đã khô và có 2 cái đã tróc vảy. Còn các vết đốt phần mí mắt dưới lại kết thành 1 mảng lớn, có chỗ khô vảy màu nâu sậm, có chỗ màng màu vàng như bị phồng.

Tuy vết thương không đau, chỉ thấy rất căng ở da và thỉnh thoảng nhói nhói như kim châm nhưng em thật sự rất lo lắng, rất bất an vì đã 10 ngày mà vẫn còn chảy mủ vàng cam và hình như trên bề mặt có chỗ đã khô nhưng dưới đó có vẻ không ổn. Em sợ bị sẹo mảng lớn nguyên cả vùng dưới mắt trái.

Sau khi đốt laser ngày thứ 2, 3 mắt sưng không mở ra được. Ngày thứ 4, 5, mắt bớt sưng nhưng mặt sưng phù.

Ngày 23/6/14 theo lịch hẹn, em đến điều trị tiếp bên mắt phải. Em có trình bày cho BS triệu chứng em đang gặp, BS nói do vết thương tiếp xúc với nước muối 0,9% (do mắt xốn, cộm nên em rửa mắt bằng nước muối) và do em bôi thuốc Foban nhiều nên vết thương mới bị lầy không khô và sẽ để lại sẹo.

Lần điều trị mắt phải, em xin BS chỉ đốt 10 u và rải đều, không đốt các u sát nhau như lần trước, đặc biệt chỉ đốt u ở phần mí trên và bên khóe mắt chứ không đốt u phần mi mắt dưới.

Sau đốt, BS cũng cho thuốc giống như trên và uống trong 7 ngày. Sau đốt lần này, bên mắt phải chỉ hơi sưng và không nghiêm trọng như đợt trước.

Alobacsi.vn cho em hỏi:

1. Có phải do thuốc nhỏ mắt Natri clorua 0,9% và bôi nhiều thuốc Foban gây nên nhiễm trùng và mưng mủ vết đốt laser.

2. Em phải làm sao để xử lý vết thương vẫn còn chảy mủ dù đã 10 ngày?

3. Em uống thuốc như trên liên tiếp 15 ngày thì có ảnh hưởng đến sức khỏe không? Hiện em đang điều trị bệnh viêm gan B (uống Lamivudin 1 viên/ngày)

4. BS Da liễu Khánh Hòa hẹn ngày 30/6/14 đến để điều trị tiếp phần u dưới mi mắt bên phải, vậy với tình trạng hiện nay em có nên tiếp tục điều trị hay ngưng lại chờ các vết đốt cũ lành hẳn? (Nếu điều trị em phải uống thuốc như trên 15 ngày nữa, tổng cộng 30 ngày uống thuốc liên tục)

5. Có phải em bị dị ứng với Foban không ạ? Em tra trên mạng thấy dầu Mù u lành tính, em không dùng Foban mà chuyển sang dùng thuốc TranMùU của WA PHARMA USA có được không?

Hiện em rất bất an, kính mong Alobacsi.Vn giúp đỡ tư vấn cho em. Em xin chân thành biết ơn các BS của Alobacsi. Em mong tin Alobacsi từng ngày ạ.

Sau khi đốt laser, tiến trình điều trị:

- Buổi sáng: VItamin A&D: 01 viên + Tullvit-B Super complex: 01 viên.

Uống ngày 03 lần, mỗi lần 1 viên: LEXIMARKSANS-500 (có mùi hăng giống như kháng sinh)
- Thuốc bôi: Foban cream: ngày 03 lần
- Rửa mặt bằng nước ấm. Thuốc bôi thì không dặn thời gian dừng sử dụng.

BS Đoàn Mạnh Khải

Hy Vọng thân mến,

Vết thương sau đốt mụn thịt bằng laser là vết thương hở và cần phải được chăm sóc như một vết thương hở do các nguyên nhân khác.

Thuốc nhỏ mắt nước muối 0,9% là dung dịch vô trùng và an toàn cho mắt và thuốc bôi Foban ngừa nhiễm trùng không gây nên tình trạng mưng mủ ở vết đốt.

Trường hợp của bạn mưng mủ có thể do bội nhiễm vi khuẩn hoặc do vết đốt quá sâu và rộng, khi đó bạn nên thay đổi một loại kháng sinh mới bôi tại chỗ như Bactropan hoặc Tetracycline 1% để giải quyết tình trạng nhiễm trùng hiệu quả hơn.

Các thuốc uống theo toa thường được chỉ định sử dụng ngắn hạn và không ảnh hưởng sức khỏe bạn đừng quá lo lắng.

Với tình trạng da đang nhiễm trùng thì bạn nên ngưng lại việc tiếp tục đốt những nốt mụn thịt còn lại mà nên chờ vết thương lành khô mới có thể tiếp tục.

Foban thường không gây dị ứng, đối với các vết thương đang nhiễm trùng bạn nên sử dụng các thuốc thoa có chứa kháng sinh và nên theo chỉ định của BS. Dầu mù u có thể làm vết thương bị kích ứng và khó lành hơn.

Hy vọng đã giải đáp được một số thắc mắc của bạn.

 
- Nguyễn Thị Thúy - Yên Bái

 Cháu chào BS Khải!

Thưa bác! Cháu đi khám da liễu mới biết mình bị bệnh vảy nến dạng khớp kèm like phẳng. BS đã cho cháu biết khả năng chữa khỏi bệnh là rất thấp, giờ đây cháu rất hoang mang.

BS Khải ơi, liệu cháu chữa thuốc nam thì có khả năng khỏi bệnh không ạ? Bác cho cháu hỏi thêm là cháu có phải kiêng kỵ gì trong ăn uống, sinh hoạt để bệnh không tiến triển nhanh? Cháu cảm ơn BS! Cháu rất mong nhận được sự tư vấn của bác. Cháu chào bác ạ.

BS Đoàn Mạnh Khải

Chào Thúy,

Vảy nến là một bệnh tự miễn liên quan đến hệ miễn dịch của cơ thể, bệnh có thể trở nặng hơn khi bị stress tâm lý hoặc sinh lý hoặc có một số bệnh lý nội khoa khác đi kèm. Việc điều trị thường khó khăn và lâu dài và nên được theo dõi bởi BS.

Vì là bệnh lý tự miễn nên bệnh không thể chữa khỏi, tuy nhiên không thể chữa khỏi không có nghĩa là không thể điều trị. Hiện nay, có nhiều thuốc giúp cải thiện hiệu quả các triệu chứng của bệnh vảy nến, bạn nên tuân thủ việc thăm khám và điều trị thường xuyên tại BV.

Việc sử dụng thuốc Nam có thể làm bệnh trở nặng nếu trường hợp cơ thể không dung nạp hoặc dị ứng với các thành phần của thuốc. Nhiều nghiên cứu cho thấy yếu tố tâm lý và tinh thần lạc quan sẽ giúp cải thiện một số triệu chứng của bệnh, do đó bạn đừng quá bi quan mà nên tin rằng bệnh của mình sẽ giảm nếu tuân thủ điều trị.

 

- Minh Long - TPHCM (long…@gmail.com)


Thưa BS,

Khoảng 3 ngày nay cơ thể của em bị nổi mẩn đỏ xung quanh 2 bên eo sau đó xuất hiện ở vai, tay, ngực có 1 số có mụt mủ bên trong như trong hình, nhờ BS tư vấn cho em. Chân thành cám ơn.


BS Đoàn Mạnh Khải

Minh Long thân mến,

Sang thương ở vùng eo bạn là các sang thương mụn mủ có thể gặp trong các bệnh lý viêm da do vi trùng hoặc do mụn.

Để điều trị được chính xác bạn nên đến thăm khám trực tiếp tại BV. Việc kê toa qua hình ảnh sẽ rất chủ quan, gây mất nhiều thời gian và có thể ảnh hưởng kết quả điều trị của bạn. Bạn nên đi khám bệnh càng sớm càng tốt. 

- Nguyễn Thị Do (Q.12, TPHCM)

Chào BS!

Khoảng gần một tháng nay da dưới lòng bàn chân của em bị ăn mòn dần. Lúc đầu chỉ là một lỗ nhỏ như đầu que tăm và nông, nhưng cái lỗ đó cứ lớn và sâu dần. Lúc đầu em không để ý, chỉ đến khi nó lớn lên và có cảm giác đau thì mới biết. lên Google tìm kiếm thông tin thì em thấy cái lỗ đó hơi giống với bệnh mắt cá chân nhưng vùng da đó không bị chai cứng, khi tiếp xúc với mặt đất thì đau.

Em có ngâm nước muối ấm và đắp lá tía tô trước khi đi ngủ vài ba ngày thì thấy hết đau, nhưng rất ngứa, sau đó lại thấy xuất hiện nhiều lỗ nhỏ khác và cũng đang lớn dần, ăn sâu hết lớp da bề mặt rồi lại đến lớp da khác. Em rất băn khoăn hông biết em bị bệnh gì, có nguy hiểm không và cách chữa trị như thế nào?

Mong BS tư vấn giùm em. Em đang ở nhà trông con nhỏ nên hằng ngày em phải tiếp xúc với nước và các loại nước lau nhà, nước đánh nhà tắm, bồn cầu, xà phòng... thường xuyên.   

BS Đoàn Mạnh Khải

Bạn thân mến,

Các sang thương ở lòng bàn chân mà bạn mô tả là các sang thương dày sừng do virus HPV gây ra (mụn cóc long bàn chân), lúc đầu sang thương chỉ là một vài nốt nhưng sau đó có thể lan rộng và gây đau khi đi đứng vận động. Điều trị có thể bằng đốt laser hoặc chấm dung dịch nitơ lỏng và có thể cần nhiều lần điều trị.

Đi chân đất tiếp xúc thường xuyên với nước là một trong các yêu tố thuận lợi để mụn cóc phát triển, do đó bạn nên tránh nước, tránh đi chân trần thường xuyên trong môi trường ẩm ướt. Bạn có thể đến khám để điều trị mụn cóc tại BV Da liễu hoặc phòng khám có chuyên khoa về da.

- le ngo - nari…@gmail.com

BS ơi, những ngày gần đây da em hay nổi những nốt như muỗi chít thế này. Em nghĩ không phải do dị ứng đồ ăn vì en ăn những món bình thường, cũng không phải muỗi chít. Nó không ngứa lắm. Mong BS giải đáp giúp.


BS Đoàn Mạnh Khải

Le Ngo thân mến,

Theo hình bạn gửi những nốt sần trên bề mặt da được gọi là mề đay hay phù Quink, tình trạng này có thể liên quan đến rất nhiều yếu tố như dị ứng thức ăn, do thuốc, môi trường sống hoặc mề đay vật lý (vận động, lực đè nén, nhiệt độ nóng lạnh)…

Việc điều trị tốt nhất phải biết chính xác nguyên nhân gây dị ứng và tránh nó. Thuốc thoa tại chỗ không có hiệu quả điều trị. Bạn có thể đến khám trực tiếp tại BV để làm các xét nghiệm tìm ký sinh trùng để biết mình có bị nhiễm hay không.

Bên cạnh đó, có thể sử dụng các thuốc uống giảm ngứa như Fexofenadine 180mg uống 1 viên/ ngày. Bạn có thể tham khảo câu trả lời bạn Hiền Nguyễn ở trên để hiểu thêm về bệnh mề đay.
 

- Trần Thiên Kỳ - F5, Q10, TPHCM

Thưa BS,

Em là Kỳ, năm nay 25 tuổi, em có dùng kem trộn được khoảng 3 tháng thì ngưng, sau khi ngưng được khoảng 1 tuần thì da mặt em sần sùi, nổi nhiều mụn li ti dưới da (như sảy). Em đã tự đi mua Akinol uống được 2 tuần nay, rửa mặt bằng nước muối ấm thì thấy mụn có khô và bớt đi, nhưng vẫn còn nhiều mụn ẩn dưới da.

Em xin hỏi với tình trạng da hiện tại, em có nên tiếp tục dùng Akinol không? Em có thể dùng kem dưỡng được chưa ạ, em thuộc da hỗn hợp, lỗ chân lông to và có dấu hiệu lão hóa. Em xin cảm ơn Bác sĩ.

BS Đoàn Mạnh Khải

Chào em Kỳ,

Mụn ở trên da em do tình trạng viêm da do corticoide (thường được sử dụng trong kem trộn), mụn này thường đồng dạng, xuất hiện nhiều cùng một độ tuổi nên việc sử dụng Akinol (isotretinoin) là không phù hợp, do đó em nên ngưng sử dụng.

Hiện tại với tình trạng viêm da do corticoide em phải sử dụng các thuốc thoa để làm giảm tình trạng dị ứng này và không nên sử dụng bất kỳ kem dưỡng da nào.

Tùy tính chất cụ thể mà BS qua thăm khám trực tiếp có thể cho em kháng sinh uống hoặc kết hợp với thuốc thoa tại chỗ để điều trị tình trạng viêm da. Do đó, em nên đến khám trực tiếp tại BV hoặc phòng khám chuyên khoa da để được điều trị chính xác.


Kết thúc buổi giao lưu lúc 13h30, dù rất mệt nhưng BS Đoàn Mạnh Khải vẫn xem rất kỹ hình ảnh và mô tả tình trạng bệnh của bạn đọc để có câu trả lời xác đáng nhất. Trân trọng cảm ơn BS!

 
AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X