Hotline 24/7
08983-08983

Toa thuốc điều trị bệnh về dạ dày của em đã ổn chưa?

Câu hỏi

Thưa bác sĩ, Em đi nội soi dạ dày bị viêm trợt hang vị, tiền môn vị. Bác sĩ kê đơn gồm Clarithromycin, Amoxilin, Nexium và Gastro... Đơn thuốc như vậy đã ổn chưa ạ? Xin bác sĩ trả lời giúp.

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

Toa thuốc điều trị bệnh về dạ dày. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Toa thuốc điều trị bệnh về dạ dày. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào Thu Nga,

Toa thuốc của em là dùng trong điều trị viêm dạ dày tá tràng do Hp. Hp là vi khuẩn gây viêm loét dạ dày tá tràng. Trên đoạn ghi kết quả nội soi thực quản dạ dày mà em gửi về thì hiện tôi không thấy đoạn nào ghi nhận có nhiễm Hp đi kèm, có thể bác sĩ điều trị cho em dựa vào các bằng chứng khác về việc nhiễm Hp (như xét nghiệm máu, CLO test…). Khi điều trị viêm dạ dày tá tràng do Hp thì ngoài thuốc ức chế tiết acid, sẽ cần có kháng sinh, còn nếu viêm dạ dày tá tràng mà không kèm nhiễm Hp thì chỉ cần thuốc ức chế tiết acid và không cần kháng sinh đi kèm.

Bác sĩ không thể nào nhận xét "đơn thuóc như vậy đã ổn chưa" vì bác sĩ không khám và hỏi bệnh trực tiếp cho em, không nắm rõ thông tin điều trị của em, do đó, việc 1 đơn thuốc ổn hay không phụ thuộc chính vào đáp ứng thuốc của em ra sao, em cần trao đổi với bác sĩ điều trị về thông tin điều trị, tại sao bác sĩ kê thuốc này, thuốc kia và hiện em uống thuốc vào thì thấy trong người thế nào, em nhé.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



H. pylori là một loại vi khuẩn có tên Helicobacter pylori (còn gọi là H. pylori). Đây cũng là một nguyên nhân thường gặp dẫn đến viêm loét dạ dày tá tràng. Nhiễm H. pylori rất phổ biến, nhưng đa số chúng ta không nhận ra rằng mình đã mắc bệnh vì thường không xuất hiện bất cứ triệu chứng gì. Tuy nhiên trong một số trường hợp, H. pylori có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm loét và ung thư dạ dày.

Nhiễm H. pylori có thể gặp ở hơn một nửa dân số thế giới và tỷ lệ còn có thể cao hơn ở những nước đang phát triển. Tuy nhiên, theo thống kê, khoảng 80% người nhiễm H. pylori vẫn có thể sống khỏe mạnh bình thường mà không có triệu chứng hay biến chứng gì. Chỉ có khoảng 10-15% có thể bị viêm loét dạ dày và 1-3% xuất hiện ung thư dạ dày.

Đa số người bị nhiễm H. pylori vẫn có thể sống khỏe mạnh và không mắc bất kỳ triệu chứng gì. Tuy nhiên, ở một số người, bệnh có thể gây ra các triệu chứng của viêm loét dạ dày, bao gồm:

- Đau bụng sau khi ăn
- Buồn nôn
- Mất cảm giác ngon miệng
- Ợ nóng thường xuyên
- Đầy hơi
- Hôi miệng
- Giảm cân không chủ ý.

Nhiễm H. pylori thường không cần điều trị nếu không xuất hiện triệu chứng gì.

Khi bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các triệu chứng viêm loét dạ dày, bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc, bao gồm:

- Các loại thuốc kháng sinh để diệt trừ vi khuẩn H. pylori trong dạ dày.
- Các loại thuốc ức chế tiết acid

Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh nhiễm H. pylori:

- Ăn uống đúng giờ và điều độ
- Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn
- Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn.

Nhiễm H. pylori không triệu chứng thì chưa cần điều trị, nhưng nếu như thủ phạm gây ra những cơn đau dạ dày của bạn là H. pylori thì bạn cần điều trị tiêu diệt vi khuẩn theo đúng phác đồ. Hiện nay, vi khuẩn H. pylori kháng thuốc chiếm tỷ lệ rất cao, do đó bạn sẽ được kê toa gồm 3–4 loại kháng sinh và uống lâu dài từ 2–4 tuần. Dù uống nhiều thuốc có thể làm bạn thông thoải mái, nhưng bạn nên tuân thủ liệu trình điều trị để tiêu diệt tận gốc vi khuẩn và hạn chế nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X