Hotline 24/7
08983-08983

Tinh thần sa sút, khóc thường xuyên, suy nghĩ tự tử... sau khi sinh, BS giúp em với?

Câu hỏi

Chào BS, Sau sinh mổ được 3 tuần em bị sốc khi phát hiện chồng ngoại tình, từ đó tinh thần sa sút, khóc thường xuyên không dứt. Có lúc kích động không kiểm soát được lời nói và hành vi. Có thể tự làm mình đau khi giận chồng hoặc nghĩ về chuyện cũ như tự cắn tay, đấm ngực, đập đầu vào vật cứng hoặc tường,... Đôi lúc có suy nghĩ tự tử dù chỉ nghe một bài hát làm xúc động. Xin BS giúp em, có phải em bị bệnh tâm thần rồi không?

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

Trầm cảm sau sinh. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Trầm cảm sau sinh. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào em,

Sau khi sinh, cơ thể người mẹ có một sự thay đổi lớn về tâm sinh lý, bao gồm thay đổi về nội tiết tố, thay đổi về thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch và chuyển hóa, có gia đình xuất hiện những mâu thuẫn gia đình, vấn đề tài chính, thiếu sự giúp đỡ của người thân, khó khăn trong chăm sóc bé, có người như chị xa chồng nên có nhiều bức bối khó nói ra.

Tất cả những điều này làm cho tinh thần của người phụ nữ sau sinh có nhiều biến động lớn, nếu không kiểm soát được cảm xúc của mình nữa thì là đã có bệnh, đặc biệt triệu chứng nghĩ tới cái chết thường xuyên, tự hành hạ bản thân là biểu hiện của trầm cảm sau sinh.

Đối với tình trạng trầm cảm sau sinh, người bệnh sẽ không thể kiểm soát suy nghĩ của mình theo hướng tích cực được. Trầm cảm sau sinh là bệnh có thể điều trị được và cũng không phải hiếm gặp.

Nay em nhận ra tình trạng của mình và tìm đến y khoa để được tư vấn, hỗ trợ là một điều đáng khen và sẽ rất tốt cho việc điều trị của em. Với trình trạng này, em cần khám chuyên khoa Tâm thần để BS kê thuốc điều trị và tư vấn tâm lý cho em.

Em đừng vội hiểu lầm ý tôi nói em bị “tâm thần” như theo cách hiểu của đa phần người dân về ngành học Tâm thần, theo phân ngành y khoa, BS Tâm thần là người chuyên trị các rối loạn thuộc về tinh thần, trong đó thường gặp là trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ... Chỉ có thuốc điều trị kèm tâm lý trị liệu mới giúp em sớm hồi phục và lấy lại cân bằng trong cuộc sống nữa, chứ 1 mình em không thể gỡ rối được đâu, càng để lâu bệnh càng nặng và càng khó điều trị.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:

>> Lơ đãng, không nhận ra con... dấu hiệu trầm cảm sau sinh?

>> Em luôn nghĩ đến cái chết và sợ chết sau khi sinh em bé 10 tháng?

Trầm cảm sau sinh là loại trầm cảm bạn có thể mắc phải sau khi sinh. Nó có thể bắt đầu bất cứ lúc nào trong năm đầu tiên của bé, nhưng phổ biến nhất là trong 3 tuần đầu tiên sau khi sinh.

Nếu bị mắc chứng này, bạn sẽ có cảm giác  buồn, vô vọng và tội lỗi vì bạn cảm thấy không muốn gắn kết hoặc chăm sóc con bạn.

Trầm cảm sau sinh không chỉ ảnh hưởng đến các bà mẹ sinh con lần đầu, bạn có thể mắc bệnh này ngay cả khi không mắc nó ở những lần sinh đẻ trước.

Các triệu chứng của trầm cảm sau sinh và trầm cảm xảy ra trước hoặc trong khi mang thai đều giống nhau. Bạn có thể có trầm cảm sau sinh nếu bạn có năm hoặc nhiều hơn các triệu chứng sau đây xảy ra hầu như mỗi ngày, hầu hết thời gian trong ngày và kéo dài ít nhất là hai tuần liên tiếp:

- Vô cùng buồn chán, cảm giác trống rỗng hoặc tuyệt vọng
- Khóc mọi lúc
- Mất hứng thú hay không vui vẻ trong các hoạt động và sở thích thông thường
- Khó ngủ vào ban đêm hoặc buồn ngủ vào ban ngày
- Mất cảm giác thèm ăn hoặc ăn quá nhiều, cân nặng tăng hoặc giảm không chủ định
- Cảm giác là kẻ vô dụng hoặc cảm giác tội lỗi chế ngự cảm xúc
- Bồn chồn hoặc trì trệ
- Khó tập trung hoặc đưa ra quyết định
- Cảm thấy cuộc đời không đáng sống.

Các dấu hiệu khác của trầm cảm bao gồm:

- Cáu kỉnh hay tức giận
- Tránh bạn bè và gia đình
- Lo lắng quá nhiều cho con bạn
- Không quan tâm đến hoặc không có khả năng chăm sóc con bạn
- Cảm giác mệt mỏi đến mức bạn không thể ra khỏi giường trong nhiều giờ.

Trong các  trường hợp hiếm hoi, một số phụ nữ trầm cảm sau sinh có những suy nghĩ ảo tưởng hoặc ảo giác và có thể gây hại cho con họ.

Việc điều trị trầm cảm sau sinh cũng giống như việc điều trị cho bệnh trầm cảm xảy ra trước hoặc trong khi mang thai. Nếu bạn có triệu chứng nhẹ, bác sĩ có thể đề nghị thận trọng theo dõi và tái khám thường xuyên. Nếu các triệu chứng nặng hơn, bác sĩ có thể đề nghị điều trị tâm lý, thuốc chống trầm cảm hoặc cả hai.

Liệu pháp nói chuyện, hay còn gọi là tư vấn hoặc liệu pháp tâm lý, có thể nói chuyện trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa hoặc một nhóm các phụ nữ đã trải qua kinh nghiệm tương tự. Trong gia đình hoặc các cặp vợ chồng điều trị, bác sĩ trị liệu sẽ làm việc với bạn, chồng hoặc người thân của bạn.

Thuốc chống trầm cảm cân bằng các hóa chất trong não giúp điều chỉnh tâm trạng của bạn. Nói chuyện với bác sĩ về các loại thuốc chống trầm cảm khác nhau – một số thuốc dùng kết hợp cho kết quả tốt hơn. Triệu chứng của bạn có thể được cải thiện sau khi uống thuốc ba hoặc bốn tuần.

Thuốc chống trầm cảm có thể gây ra các tác dụng phụ, nhưng hầu hết chúng sẽ mất đi sau một thời gian ngắn. Nếu các tác dụng phụ gây trở ngại cho cuộc sống hàng ngày của bạn hoặc nếu trầm cảm trở nên tồi tệ hơn, đến gặp bác sĩ biết ngay lập tức.

Một số phụ nữ có trầm cảm sau sinh rất nặng mà không đáp ứng với liệu pháp nói chuyện hoặc thuốc. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể gợi ý điều trị điện (ECT). Phương pháp điều trị này sử dụng một dòng điện nhỏ truyền vào não trong khi bệnh nhân được gây mê toàn thân. Các chuyên gia tin rằng sự kích thích điện làm thay đổi các chất hóa học trong não giúp giảm các triệu chứng trầm cảm.

Lối sống và những biện pháp khắc phục sau có thể giúp bạn đối phó với trầm cảm sau sinh:

- Hãy lựa chọn lối sống lành mạnh. Bao gồm các hoạt động thể chất như đi dạo với bé hàng ngày, được nghỉ ngơi đầy đủ, ăn thực phẩm lành mạnh và tránh uống rượu.

- Đặt kỳ vọng thực tế. Không gây áp lực cho bản thân phải làm tất cả mọi thứ, điều chỉnh mong cầu của bạn, không cố gắng để đạt mọi thứ hoàn hảo, chỉ làm những gì bạn có thể.

- Dành thời gian cho chính mình. Nếu bạn cảm thấy như thế giới đang đổ hết lên đầu bạn, hãy dành thời gian cho bản thân. Mặc quần áo đẹp, ra khỏi nhà và ghé thăm một người bạn hoặc làm một vài việc vặt. Hãy dành thời gian ở một mình với người bạn đời.

- Tránh cô lập. Bàn bạc với chồng, gia đình và bạn bè của bạn về các cảm xúc của bạn. Hỏi các bà mẹ khác về những trải nghiệm của họ. Phá vỡ sự cô lập để giúp bạn cảm thấy hoà mình trở lại với cuộc sống.

- Yêu cầu giúp đỡ. Cố gắng mở lòng với những người thân và cho họ biết bạn cần sự giúp đỡ. Nếu ai đó nhận trông bé để bạn có thể nghỉ ngơi, hãy nhận sự giúp đỡ. Bạn có thể ngủ, chợp mắt một chút hoặc bạn có thể xem một bộ phim hay uống cà phê với bạn bè.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X