Hotline 24/7
08983-08983

Tìm lại đôi tay cho cậu bé 'càng tôm hùm'

Hội chứng càng tôm hùm khiến tứ chi của bệnh nhi phát triển không bình thường ngay từ trong bụng mẹ.

Sáng 8/7, BSCKI Nguyễn Dương Phi, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết đơn vị này vừa phẫu thuật hoàn thiện tứ chi thành công cho bé B.H.L. (2 tuổi, ngụ Bình Tân, TP.HCM) mắc hội chứng càng tôm hùm.

Mẹ bệnh nhi cho biết khi mang thai ở tháng thứ 7, các bác sĩ siêu âm 4D và phát hiện tứ chi của con dị dạng hình càng cua. Điều đó khiến người phụ nữ này bàng hoàng, không dám tin vào sự thật. Thương con, người mẹ chấp nhận mọi rủi ro để bé L. được chào đời an toàn.

Từ khi chào đời, bàn tay của bé chỉ có 4 ngón. Thậm chí, chúng còn bị dính lại, chẻ đôi trông như chiếc càng cua. Tứ chi không bình thường, bé L. hầu như không thể cầm nắm và chơi đùa như các bạn cùng trang lứa.

Lo lắng cho tương lai của con, hơn một năm qua, hai mẹ con bé L. đến khắp các bệnh viện tại Sài Gòn để tìm cách chữa trị. Các bác sĩ đều chẩn đoán bé mắc hội chứng càng tôm hùm, nhưng tất cả đều từ chối nhận bệnh nhi vì chưa có kế hoạch điều trị và nhiều rủi ro, biến chứng có thể xảy ra.
Bàn tay bé L. sau khi được phẫu thuật thành công. Ảnh: BSCC.

May mắn, tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, bé L. được các bác sĩ chỉnh hình tiến hành hội chẩn liên tục. Với sự hỗ trợ kỹ thuật từ bác sĩ Terry Light, chuyên gia bàn tay ở Mỹ, bé được phẫu thuật.

Sau gần 2 giờ phẫu thuật, bàn tay của bệnh nhi phục hình 80%, chức năng vận động được gần bình thường. Tay bé có thể co duỗi, cầm nắm và cảm giác nóng, lạnh khá tốt. Nhận thấy kết quả khả quan, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật ba phần chi còn lại. Hiện tại, sức khỏe bé dần bình phục sau mổ. Dự kiến, sau khi xuất viện và tập vật lý trị liệu, bé có thể được đến trường.

BSCKI Nguyễn Dương Phi cho biết càng tôm hùm là hội chứng hiếm gặp, chiếm tỷ lệ 1/10.0000 trẻ trên thế giới. Căn bệnh này khiến bàn tay, chân hoặc cả tứ chi người bệnh có hình dáng như chiếc càng tôm hùm ngay từ trong bụng mẹ. Ngày nay, phẫu thuật tái tạo, sử dụng tay, chân giả có thể giúp cải thiện chức năng cho những người mắc hội chứng này.

Theo Zing

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X