Hotline 24/7
08983-08983

Tìm lại cuộc sống nhờ điều trị methadone

Việc điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone không những cải thiện tình trạng sức khỏe cho người nghiện mà còn giúp họ tự tin, tái hòa nhập cộng đồng….

Đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh

Cơ sở điều trị methadone thuộc Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng, Hà Nội được triển khai từ tháng 10/2011 theo Nghị định số 108/2007/NĐ-CP “hướng dẫn điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone”, đến nay đã có những thành công nhất định.

BS Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phụ trách cơ sở methadone Hai Bà Trưng nhớ lại những ngày đầu, cán bộ y tế cơ sở phải nhờ đến cơ quan chức năng địa phương như hội phụ nữ, công an… đến từng nhà vận động người nghiện tham gia chương trình điều trị methadone miễn phí vì họ chưa thực sự hiểu về những quyền lợi rõ rệt về mặt kinh tế, sức khỏe, an ninh… cho gia đình và toàn xã hội.

“Mới đầu Thành phố giao chỉ tiêu 250 bệnh nhân (BN), nhưng đến nay, bước sang năm thứ 7, chương trình điều trị methadone đã có những kết quả ngoài mong đợi khi con số tham gia lên tới 967 lượt BN điều trị - trở thành một trong những cơ sở có số BN tham gia nhiều nhất TP. Hà Nội. Việc điều trị bằng thuốc methadone đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Cụ thể: sau 3- 6 tháng điều trị, BN tăng 1kg, sau 1 năm tăng 3kg và từ năm thứ 3 trở đi, BN tăng ổn định  từ 5-6kg và giữ thể trạng đều đều vì những độc tố của heroin được đào thải… Điều đáng nói, có tới 41% BN sau 3 - 6 tháng điều trị bắt đầu có việc làm; sau 1 năm con số này lên tới 65% và sau 3-6 năm có đến 87% BN có việc làm và thu nhập ổn định; 20% BN đã lấy vợ đẻ con…”, BS Tuyết Mai chia sẻ.

Methadone là một chất dạng thuốc phiện (CDTP) tổng hợp, có tác dụng dược lý tương tự như các CDTP khác (đồng vận) nhưng không gây nhiễm độc hệ thần kinh trung ương và không gây khoái cảm ở liều điều trị, có thời gian bán hủy dài (trung bình là 24 giờ), chỉ cần sử dụng 1 lần/ngày là đủ để không xuất hiện hội chứng cai. BN có nhu cầu tham gia chương trình này, bác sĩ sẽ khám, xét nghiệm đủ điều kiện tham gia và sẽ phải qua 3 lần tư vấn giáo dục nhóm, tùy từng người, BN sẽ được tiến hành dò liều khởi đầu phù hợp.

“Điều trị thay thế nghiện các CDTP bằng thuốc methadone là lâu dài, có kiểm soát, giá rẻ, được sử dụng theo đường uống dưới dạng siro nên giúp dự phòng các bệnh lây truyền qua đường máu như HIV, viêm gan B, C đồng thời giúp người bệnh phục hồi chức năng tâm lý, xã hội, lao động và tái hòa nhập cộng đồng...”, BS Tuyết Mai phân tích.

Các CDTP như heroin, morphin, thuốc phiện là những chất gây nghiện mạnh gây khoái cảm mạnh, thời gian tác dụng nhanh nên người bệnh nhanh chóng xuất hiện triệu chứng nhiễm độc hệ thần kinh trung ương, thời gian bán hủy ngắn (từ 4-6 giờ) do đó phải sử dụng nhiều lần trong ngày, và nếu không sử dụng lại sẽ bị hội chứng cai (thiếu thuốc). Vì vậy người nghiện luôn dao động giữa tình trạng nhiễm độc hệ thần kinh trung ương và tình trạng thiếu thuốc nhiều lần trong ngày, là nguồn gốc dẫn họ đến những hành vi nguy hại cho bản thân và những người khác.

“Thế giới đã coi tình trạng nghiện lâu ngày là bệnh mãn tính, cần điều trị lâu dài và liên tục do tổn thương ở não bộ. Trước kia chưa có chương trình điều trị methadone, người nghiện muốn cai nghiện phải vào các trung tâm giáo dưỡng. Cứ tưởng tượng, cũng là con người, cả cuộc đời cứ suốt ngày ra vào trại vì phạm tội, tôi thấy cuộc đời họ khổ quá và không biết tương lai sẽ ra sao?! Từ ngày người bệnh được tham gia điều trị methadone, tôi thấy chương trình này có tính nhân văn cao, không những giữ họ ở lại trong cộng đồng mà giúp phục hồi sức khỏe, nhân cách, biết quan tâm tới người thân xung quanh mình”, BS Tuyết Mai cho hay.

  Sau khi uống thuốc trước camera, người bệnh nói lời cảm ơn để chứng tỏ đã nuốt thuốc

Tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ

Theo TS.BS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, tính đến hết năm 2016, cả nước có 210.751 người nghiện ma túy, trong đó người nghiện các CDTP chiếm tới 75,8%. Việc điều trị nghiện các CDTP bằng thuốc methadone được triển khai tại Việt Nam từ năm 2008 đến nay (ở 58 tỉnh, thành) đã chứng minh tính hiệu quả tương đương với hiệu quả của nhiều nước trên thế giới.

BN Trần Ngọc C, 38 tuổi ở Hà Nội là một trong số trường hợp đặc biệt khi ngày nào cũng được bố cõng đến uống thuốc đều đặn và luôn đến đầu giờ sáng để ông còn kịp về chở cháu nội (con trai anh C) đi học, khiến nhiều người cảm động. Mọi người ở đây đã đặt cho ông cái tên trìu mến là “ông bố anh hùng”. Nhờ sự chăm sóc tận tụy của gia đình và cán bộ y tế quận Hai Bà Trưng, C đã có sự cải thiện đáng kể về sức khỏe.

Ông Trần Ngọc Q (bố C) cho biết, C đã sử dụng heroin kéo dài 10 năm và nhiễm HIV, đã đi cai nghiện tự nguyện 2 lần nhưng không thành công. Sau cai nghiện lần 2, về nhà C sử dụng lại heroin, bị sốc phải đi cấp cứu ở BV Bạch Mai. Sau lần đó C bị liệt, phải nằm 1 chỗ, kèm theo nhiều bệnh mãn tính và hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc của người thân.

“Nhiều lúc nhìn con nằm một chỗ mà vẫn tiêm chích 2 - 3 lần/ngày tôi thấy thật xót xa. Lắm lúc tôi nghĩ, cứ thế này không những khuynh gia bại sản mà sớm muộn nó sẽ chết. May mắn, sau 2 tháng điều trị methadone, con tôi đã dừng hẳn heroin, tăng cân, ngủ tốt. Từ nằm 1 chỗ, phải cõng… giờ nó đã tự vịn tường đi lại và béo khỏe hơn, tôi mừng rơi nước mắt. Tôi chỉ biết nói lời cảm ơn sâu sắc tới chương trình và cán bộ y tế nơi đây”, ông Trần Ngọc Q cảm động nói.

Việc uống thuốc đều đặn hằng ngày trước camera và trước sự giám sát của cán bộ y tế đã giúp nhiều BN giảm liều và bỏ hẳn lệ thuộc vào heroin. Trong đó, người thân đóng vai trò hết sức quan trọng. Họ vừa là chỗ dựa tinh thần, vừa là người động viên, giám sát và hỗ trợ đắc lực trong suốt quá trình dài tham gia chương trình. Bởi nếu BN bỏ thuốc tới 3 ngày phải giảm liều một nửa và kéo dài từ 5 - 6 ngày các bác sĩ phải tiến hành dò liều lại từ đầu, và độ dung nạp thuốc sẽ gặp khó khăn.

“Methadone xếp vào nhóm thuốc gây nghiện, mỗi người bệnh sẽ có một phác đồ điều trị khác nhau, do đó, thuốc methadone được Bộ Y tế quản lý chặt chẽ. Liều dùng phải do bác sĩ được đào tạo chuyên sâu chỉ định, kê đơn dựa trên khả năng dung nạp của người sử dụng. Nếu tự ý điều trị, dùng sai liều có thể gây nguy hiểm đến tính mạng”, BS Nguyễn Thị Tuyết Mai.

Theo Lưu Hường - Công luận

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X