Hotline 24/7
08983-08983

Tìm hiểu về sưng hạch bạch huyết

Hạch bạch huyết, hay tuyến bạch huyết là một phần quan trọng của hệ miễn dịch. Hạch bạch huyết nằm rải rác trên toàn cơ thể, nhưng chỉ có thể nhìn thấy các hạch này khi chúng bị phù hoặc sưng lên.

Sưng hạch bạch huyết

Hạch bạch huyết thường tập trung thành các nhóm hạch tại các khu vực khác nhau của cơ thể. Mỗi nhóm hạch có liên quan đến một vùng nhất định của cơ thể và chỉ phản ánh bất thường ở vùng cơ thể mà nó phụ trách. Hạch bạch huyết ở sau tai, tại cổ, vùng háng, dưới cằm và dưới nách thường dễ nhận thấy khi bị sưng hoặc có những thay đổi khác.

Nhìn chung, nhiễm trùng là nguyên nhân phổ biến nhất gây sưng hạch bạch huyết. Các nguyên nhân khác bao gồm tình trạng viêm và ung thư. Các tình trạng nhiễm trùng có thể gây sưng hạch bạch huyết rất đa dạng, từ viêm họng, viêm tai, nhiễm HIV... Ung thư bạch huyết và ung thư máu leukemia cũng có thể gây sưng hạch bạch huyết . Bất cứ loại ung thư nào di căn đến hạch bạch huyết cũng có thể gây ra tình trạng này. Rất hiếm khi việc dùng thuốc lại dẫn đến sưng hạch bạch huyết.

Triệu chứng liên quan đến tình trạng sưng hạch bạch huyết và các bệnh liên quan bao gồm: đau ở vùng bị sưng, sốt và mệt mỏi.

Hạch bạch huyết là gì?

Hạch bạch huyết là một phần quan trọng của hệ miễn dịch của con người, như là một tuyến phòng thủ chống lại các nhiễm trùng xâm nhập vào cơ thể. Hạch bạch huyết (đôi khi cũng được gọi là tuyến bạch huyết) là những cấu trúc nhỏ, mềm, hình tròn hoặc oval nằm rải rác trên toàn cơ thể và được kết nối với nhau giống như một dây xích hoặc một chuỗi, hình thành một mạng lưới gần như hệ thống mạch máu. Các hạch bạch huyết được bảo vệ bởi một lớp vỏ bọc là các mô kết nối.

Bạch huyết là một loại dịch sẽ được lưu thông trong hệ thống mạch bạch huyết. Hạch bạch huyết sẽ được tìm thấy gần mạch bạch huyết.

Bên trong vỏ bảo vệ, các hạch bạch huyết có chứa một số loại tế bào miễn dịch nhất định, chủ yếu là các lympho bào (những tế bào sản xuất protein có thể bắt và chống lại virus cũng như nhiều loại vi sinh vật khác) và các đại thực bào (có chức năng tiêu diệt và loại bỏ các vi sinh vật đã bị lympho bào bắt lại).


Hạch bạch huyết nằm ở đâu trên cơ thể?

Hạch bạch huyết nằm rải rác dọc cơ thể. Một số hạch nằm ngay dưới da, trong khi một số hạch khác lại nằm sâu trong cơ thể.  Kể cả những hạch bạch huyết ở gần da nhất cũng rất khó để sờ thấy hoặc nhìn thấy, trừ khi chúng bị sưng lên vì lý do nào đó.

Các hạch bạch huyết được kết nối với nhau một cách lỏng lẻo bởi các mạch bạch huyết.  Các hạch bạch huyết thường tập trung ở các vùng khác nhau trên cơ thể, nơi chúng chịu trách nhiệm lọc máu và thực hiện chức năng miễn dịch. Dịch từ các mạch bạch huyết có thể chảy vào hệ thống tĩnh mạch của cơ thể.

Những bệnh nhiễm trùng và những loại virus nào gây sưng hạch bạch huyết?

Có rất nhiều nguyên nhân gây sưng hạch bạch huyết, đôi khi cũng được gọi là sưng tuyến. Thông thường, hạch bạch huyết sẽ bị sưng khi chúng bị kích hoạt bởi tình trạng nhiễm trùng, viêm hoặc ung thư.

Nhiễm trùng

Nhiễm trùng là nguyên nhân phổ biến nhất gây sưng hạch bạch huyết. Các nguyên nhân gây nhiễm trùng phổ biến bao gồm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm

Nguyên nhân chính gây sưng hạch bạch huyết là các virus đường hô hấp trên, ví dụ như: sởi, thủy đậu, HIV, Herpes, virus gây bệnh cảm lạnh, Adenovirus và một số virus khác

Các vi khuẩn thường gây nhiễm trùng và sưng hạch bạch huyết có thể kể đến: Streptococcus, Staphylococcus, các loại vi khuẩn gây nên bệnh do mèo cào, vi khuẩn giang mai, vi khuẩn gây viêm phổi, Chlamydia, ki khuẩn gây các bệnh lây truyền qua đường tình dục

Đối với ký sinh trùng, thường kể đến Toxoplasmosis và Leishmaniasis.

Một số loại nấm cũng có thể gây nên tình trạng nhiễm trùng và sưng hạch bạch huyết như Coccidiomycosis, Histoplasmosis

Tình trạng viêm

Các nguyên nhân gây viêm và liên quan đến hệ miễn dịch có thể gây sưng hạch bạch huyết bao gồm những bệnh như viêm khớp dạng thấp và lupus ban đỏ, hoặc tình trạng nhạy cảm với một số loại thuốc.

Ung thư

Rất nhiều loại ung thư có thể gây sưng hạch bạch huyết. Đó có thể là những loại ung thư bắt nguồn từ các hạch bạch huyết hoặc các tế bào máu, ví dụ như ung thư bạch huyết hoặc một số dạng ung thư máu. Đó cũng có thể là dạng ung thư di căn từ những cơ quan khác trong cơ thể. Ví dụ như ung thư vú di căn tới các hạch bạch huyết gần nách hoặc ung thư phổi di căn tới các hạch bạch huyết gần xương quai xanh.

Các nguyên nhân khác gây sưng hạch bạch huyết

Có rất nhiều nguyên  nhân khác, ít phổ biến hơn nhưng cũng có thể gây sưng hạch bạch huyết, ví dụ như cấy ghép tạng, bệnh u hạt (sarcoidosis) và nhiều bệnh khác.

Nhưng, cũng cần nhớ rằng, sưng hạch bạch huyết không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của bệnh lý. Đôi khi, sưng hạch bạch huyết là dấu hiệu bình thường. Ví dụ, hạch sưng nhỏ (dưới 1cm) phẳng ở dưới cằm có thể gặp ở trẻ nhỏ khỏe mạnh. Với người trưởng thành trẻ, hạch sưng nhỏ (dưới 2cm) dưới cằm hoặc vùng háng cũng có thể là dấu hiệu bình thường.

Trong rất nhiều trường hợp, nguyên nhân gây sưng hạch bạch huyết không thể xác định được, trừ khi tiến hành thăm khám và xét nghiệm.

Triệu chứng sưng hạch bạch huyết

Triệu chứng sưng hạch bạch huyết rất khác nhau. Một người có thể sẽ không xuất hiện bất cứ triệu chứng nào và chỉ được phát hiện ra tình trạng sưng hạch bạch huyết sau khi khám sức khỏe.

Nhưng đôi khi, hạch có thể bị sưng, căng tức, đau và khó chịu. Quan trọng hơn, các dấu hiệu và triệu chứng khác thường liên quan đến các bệnh tiềm ẩn liên quan đến sưng hạch bạch huyết thường sẽ rõ ràng và dễ thấy hơn. Ví dụ:

  • Sốt
  • Vã mồ hôi
  • Sụt cân
  • Sưng nhiều hạch bạch huyết hoặc chỉ sưng một hạch
  • Sưng họng, sổ mũi
  • Có dấu hiệu nhiễm trùng cục bộ (đau răng, viêm họng).

Khi nào bạn cần đến khám bác sĩ vì sưng hạch bạch huyết?

Nếu bạn nhận thấy mình bị sưng hạch bạch huyết, bạn nên đến gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ thăm khám và đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp. Phụ thuộc vào nguyên nhân gây sưng hạch bạch huyết, sau đó bạn có thể tiếp tục phải đến gặp các bác sĩ chuyên khoa huyết học hoặc ung thư hoặc bệnh nhiễm trùng. Thậm chí, bạn có thể phải đến gặp bác sĩ phẫu thuật hoặc sinh thiết để loại bỏ các hạch bạch huyết.

Nếu sưng hạch bạch huyết liên quan đến tình trạng sốt, vã mồ hôi đêm hoặc sụt cân và người bệnh không có bất cứ tình trạng nhiễm trùng rõ ràng nào thì khi đó sẽ được bác sĩ thăm khám tổng thể, kỹ lưỡng để tìm ra  nguyên nhân.

Những người vẫn bị sưng các hạch bạch huyết sau khi điều trị các bệnh nhiễm trùng cũng cần đến khám lại. Nếu một người bị ung thư hoặc trước đây đã điều trị ung thư và nay nhận thấy hạch bạch huyết tại vùng ung thư bị sưng, thì cũng nên báo lại với bác sĩ.


Điều trị sưng hạch bạch huyết như thế nào?

Không có biện pháp điều trị cụ thể nào cho tình trạng sưng hạch bạch huyết. Thông thường, nguyên nhân tiềm ẩn gây sưng hạch bạch huyết cần được điều trị, từ đó có thể làm giảm tình trạng sưng.

Nếu sưng hạch bạch huyết gây ra những khó chịu cục bộ thì có thể áp dụng biện pháp chườm ấm để giảm đau. Nếu sưng hạch bạch huyết do ung thư, thì quá trình điều trị ung thư sẽ làm giảm tình trạng sưng nhưng thường mất một thời gian khá dài.

Biến chứng của sưng hạch bạch huyết

Có một số biến chứng liên quan đến sưng hạch bạch huyết. Nếu sưng hạch bạch huyết liên quan đến tình trạng nhiễm trùng không được điều trị thì có thể sẽ hình thành ổ áp xe, và sẽ cần phải hút dịch và dùng kháng sinh. Vùng da ở gần hạch bị sưng cũng có thể bị nhiễm trùng.

Trong các trường hợp khác, hạch bạch huyết có thể bị sưng rất to và chèn ép lên các cấu trúc khác trong cơ thể. Đây có thể là một tình trạng nguy hiểm và làm suy nhược toàn cơ thể, sẽ cần phải chăm sóc y tế. Ví dụ, hạch bạch huyết dưới nách có thể chèn ép lên các mạch máu và dây thần kinh cấp máu cho cánh tay. Sưng hạch bạch huyết bên trong bụng có thể gây chèn ép lên ruột non và gây ra các bất thường tại ruột.

Theo ThS.BS Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X