Hotline 24/7
08983-08983

Tiết kiệm vắc xin phòng dại, nhiều cơ sở chuyển qua tiêm trong da: Có an toàn?

Hiện Việt Nam đang sử dụng 2 loại vắc xin tiêm ngừa dại là Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ). Thế nhưng nhiều tỉnh/thành rơi vào tình trạng thiếu hụt vắc xin dại.

Trước tình trạng thiếu vắc xin dại do nguồn cung, gây ảnh hưởng đến việc điều trị dự phòng bệnh dại, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế đã gửi công văn khuyến cáo cơ sở tiêm chủng triển khai kỹ thuật tiêm trong da thay cho tiêm bắp trong phác đồ tiêm phòng dại, nhằm giảm lượng vắc xin tiêm ngừa để tăng số người được điều trị dự phòng.

Thế nhưng, tiêm trong da là kỹ thuật khó, và không phải ai cũng có thể tiêm được. Vì vậy, Báo Phụ Nữ TPHCM đã có cuộc trao đổi với ThS.BS Nguyễn Minh Ngọc, Phó khoa Xét nghiệm - sinh học- lâm sàng, Viện Pasteur TPHCM về vấn đề này.

Tiet kiem vac xin phong dai, nhieu co so chuyen qua tiem trong da: Co an toan?
Các bà mẹ đưa trẻ đi chích ngừa. Ảnh: Văn Thanh

* Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Hà Nội) vừa gửi công văn đề nghị các cơ sở tiêm chủng thay thế việc tiêm bắp bằng tiêm trong da để giảm thiểu tình trạng thiếu hụt vắc xin dại. Kỹ thuật tiêm trong da có được Tổ chức Y tế thế giới khuyến khích trong việc chủng ngừa bệnh dại không, thưa bác sĩ?

- Trong tiêm phòng bệnh dại, kỹ thuật tiêm trong da và tiêm bắp đã được Tổ chức Y tế thế giới, các nhà sản xuất vắc xin dại khuyến cáo áp dụng từ lâu. Kỹ thuật tiêm trong da giúp giảm chi phí cho người đi tiêm do giảm số lượng vắc xin sử dụng, tạo điều kiện cho nhiều người có khả năng tiếp cận với vắc xin và hoàn tất lịch tiêm sau khi bị động vật nghi dại cắn, cào.

* Giữa 2 kỹ thuật này thì kỹ thuật nào thực hiện đơn giản, hiệu quả hơn? Bác sĩ có thể ví dụ số liệu thống kê y khoa giữa 2 kỹ thuật này?  

- Tiêm bắp đơn giản, dễ thực hiện. Người đi tiêm ngừa chỉ cần chích 1 liều/lọ 0,5ml cho mỗi lần tiêm.

Trong khi tiêm trong da phức tạp hơn tiêm bắp, phải tiêm 1 lượng vắc xin nhỏ 0,1ml/mũi  ở 2 vị trí cho mỗi lần tiêm. Khi tiêm đúng kỹ thuật, tại chỗ tiêm nổi 1 vết phồng giống như vỏ cam, hay được gọi là “phồng da cam”. Cán bộ y tế cần được tập huấn kỹ về kỹ thuật này. Mặt khác, tiêm trong da gây đau hơn so với tiêm bắp.

Thế nhưng, cả hai kỹ thuật tiêm trong da và tiêm bắp đều có hiệu quả tốt và đã được chứng minh bằng các nghiên cứu khoa học trước khi Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo áp dụng.

Tiet kiem vac xin phong dai, nhieu co so chuyen qua tiem trong da: Co an toan?
Một bệnh nhân bị chó cưng cắn vào mặt. Ảnh: Văn Thanh

* Như vậy có nghĩa bất cứ người dân nào đến chích ngừa dại đều được tiêm trong da?

- Tiêm trong da không áp dụng trong 1 số trường hợp như:

  • Những người mắc bệnh suy giảm miễn dịch
  • Những người đang điều trị dài ngày bằng thuốc corticosteroid, hay điều trị các ức chế miễn dịch khác, hay chloroquine.
  • Những người (đặc biệt là trẻ em) bị những vết cắn nặng, nhất là ở vùng đầu mặt cổ, hay đến khám trễ sau khi bị cắn.

* Rõ ràng tiêm trong da là kỹ thuật khó và khó trong cả việc sàng lọc đối tượng tiêm chủng. Vậy hiện nay, cơ sở nào đã thực hiện được kỹ thuật tiêm trong da? Nếu chỉ có Viện Pasteur, Trung tâm Y tế dự phòng, liệu người bị phơi nhiễm bệnh dại có đến kịp nơi chích ngừa?

- Khu vực phía Nam có hơn 250 cơ sở tiêm vắc xin phòng dại, bao phủ đến tận các trung tâm y tế tuyến huyện. Và hầu hết các điểm tiêm vắc xin đều áp dụng cùng lúc 2 phác đồ tiêm bắp và tiêm trong da.

Lý do một số nơi không áp dụng phác đồ trong da vì khi tiêm trong da, do lượng vắc xin sử dụng cho 1 lần tiêm là 0,1 ml x 2 nên với 1 lọ vắc xin chứa 0,5ml có thể sử dụng cho 2 người. Lọ vắc xin một khi đã mở phải sử dụng trong vòng 6-8 giờ, sau thời gian này nếu vắc xin không sử dụng phải huỷ.

Vì vậy, việc tiêm trong da tại các điểm tiêm có ít người tiêm có thể gây hao phí vắc xin. Bên cạnh đó, các lọ vắc xin đã mở đòi hỏi bảo quản cẩn trọng hơn để tránh nhiễm khuẩn.

Tiet kiem vac xin phong dai, nhieu co so chuyen qua tiem trong da: Co an toan?
Nhiều người đi chích ngừa do bị chó cắn. Ảnh: Phạm An

* Nếu một người bị chó cắn, đang chích ngừa vắc xin dại ở bắp, sau đó chuyển sang tiêm trong da có được không?

- Theo hướng dẫn mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới về tiêm phòng bệnh dại - ban hành vào ngày 20/4/2018: có thể chuyển đổi giữa 2 phác đồ tiêm bắp và tiêm trong da. Tuy nhiên, tại Việt Nam chưa có hướng dẫn cụ thể về việc chuyển đổi này.

* Trong trường hợp người bệnh đang chích vắc xin dại của Pháp thì hết hàng, muốn chuyển sang chích vắc xin khác có được không?

- Để đảm bảo đáp ứng miễn dịch tốt nhất, việc chuyển đổi giữa các vắc xin dại không được khuyến cáo rộng rãi, nên hoàn tất lịch tiêm với một lọai vắc xin. Trong trường hợp bất khả kháng khi không thể hoàn tất lịch tiêm bằng 1 loại vắc xin, có thể thay thế bằng 1 loại vắc xin khác tương ứng.

Hiện nay, các vắc xin dại lưu hành tại Việt Nam là các vắc xin dại bất hoạt điều chế trên canh cấy tế bào nên có thể thay thế, hoán đổi cho nhau.

* Với một người bị chó dại cắn, chích vắc xin ngừa dại đến khi nào mới ngừng?

- Theo dịch tễ học của bệnh dại, thời kỳ lây truyền ở chó nhà là từ 3 -7 ngày (tối đa là 10 ngày) trước khi chó có triệu chứng dại và trong suốt thời kỳ phát bệnh. Chó bị dại sẽ chết trong vòng 10 ngày. Vì vậy,sau 10 ngày kể từ khi cắn người, nếu chó khỏe mạnh có thể ngừng chích ngừa.

Tiet kiem vac xin phong dai, nhieu co so chuyen qua tiem trong da: Co an toan?
 

* Theo bác sĩ, lý do thiếu vắc xin dại hiện nay?  Hiện Viện Pasteur đang thiếu loại vắc xin nào?

- Tình hình thiếu vắc xin dại trên cả nước được ghi nhận trong thời gian qua do 1 vài lý do:

  • Nhu cầu người đi tiêm cao hơn. Theo Viện dịch tễ trung ương: trong năm 2017, có khoảng 500.000 người đi tiêm phòng dại tăng khoảng 100.000 (20%) so với năm 2016. Trong năm 2018, nhu cầu tiếp tục gia tăng.
  • Các nhà phân phân phối vắc xin cung ứng không đủ so với nhu cầu đặt mua của các đơn vị tiêm chủng.

Nếu nhu cầu không tăng đột biến, Viện Pasteur có đủ vắc xin để phục vụ người dân đến tiêm ngừa phòng bệnh dại.

Các loại động vật có vú máu nóng đều có thể là ổ chứa, nguồn bệnh dại như: chó rừng, chó sói, chó nhà, mèo, chồn, cầy cáo…Đặc biệt 99% ca bệnh dại trên người là do chó cắn, cào.

Phơi nhiễm với vi rút dại, có nghĩa là tiếp xúc với vi rút dại dưới các hình thức như: hít phải vi rút dại trong không khí (ở hang dơi), trong phòng thí nghiệm bệnh dại, người nhận mô, cơ quan nội tạng từ người hiến tặng bị nhiễm vi rút dại, hoặc động vật mắc bệnh dại cắn cào, liếm trên da bị tổn thương hoặc niêm mạc.

Chó dại cắn người là một hình thức phơi nhiễm với vi rút dại thông qua vết cắn- da bị tổn thương.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

Theo Văn Thanh - Phụ nữ TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X