Hotline 24/7
08983-08983

Thương ấu ta, xa ấu tàu

Vừa qua, một bệnh nhân nam 51 tuổi nhập viện trong tình trạng tê bì miệng, lưỡi, tứ chi; khó thở, tức ngực, mạch 95 lần/phút, không đều; huyết áp 90/60mmHg...

Bệnh nhân cho biết trước đó có ăn cháo củ ấu tàu nhằm “tăng cường sinh lực đàn ông”. Đây không phải lần đầu tiên có người ngộ độc củ ấu tàu, thậm chí một cụ ông ở Lâm Đồng tử vong sau khi dùng loại củ này.

Loại thuốc rất độc
Nếu không biết cách tẩy độc chất, những món cháo củ ấu tàu được coi là đặc sản ở một số tỉnh vùng cao có thể thành “cháo thuốc độc”. Ảnh: CTV

ThS.BS Võ Thị Thu, giảng viên bộ môn đông y, học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho biết củ ấu tàu, còn gọi là củ gấu tàu, là rễ củ của cây ô đầu Việt Nam, tên khoa học là Aconitum fortunei Hemsl., thuộc họ mao lương (Ranunculaceae). Cây thường mọc hoang ở các vùng núi biên giới phía Bắc: Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang... Theo y học dân tộc, ô đầu vị cay tê, tính rất nóng, rất độc, có tác dụng trợ dương bổ hoả, trừ phong hàn, táo thấp. Trong đông y, ô đầu được dùng để chữa các chứng phong tê, chân tay nhức mỏi, tê bại...

Tuy nhiên, điều cần chú ý là ô đầu rất độc. Thành phần hoá học của ô đầu chủ yếu là aconitin, một ancaloit có độc tính cao, thuộc loại thuốc độc bảng A. Độc tính của aconitin rất mạnh: chỉ cần một liều 0,02 – 0,05mg cho 1kg thể trọng là có thể gây chết người. Do cực độc, ô đầu được người dân tộc thiểu số tẩm vào đầu tên khi săn thú rừng, kể cả voi. Ở nhiệt độ cao, aconitin bị phân huỷ thành benzoylaconin và sau đó là aconin, kém độc hơn aconitin 1.000 – 2.000 lần.
 
Từ ô đầu (thuốc sống) người ta chế ra phụ tử (thuốc chín) ít độc hơn (thuốc độc bảng B), thường chỉ dùng làm thuốc uống khi đã qua chế biến cẩn thận và được dùng với liều nhỏ, có sự chỉ định và theo dõi thận trọng của thầy thuốc. Vì thế khi dùng ô đầu phải thật thận trọng, chỉ dùng xoa bóp dưới dạng rượu thuốc (rễ củ thái mỏng, ngâm rượu).

“Củ ấu tàu là một vị thuốc đông y nhưng rất độc, chỉ được dùng xoa bóp ngoài. Trong các thang thuốc uống, người ta dùng phụ tử sắc với các vị thuốc khác vì phụ tử ít độc hơn nhưng cũng phải hết sức thận trọng và theo đúng chỉ định của thầy thuốc. Tuyệt đối không được uống rượu ngâm ô đầu, hoặc nấu cháo ăn sẽ bị ngộ độc chết người”, BS Thu nhấn mạnh.

Phòng tránh ngộ độc thế nào?

ThS.BS Vũ Đức Định, trưởng khoa hồi sức tích cực, bệnh viện E Trung ương cho biết, nguy cơ bị ngộ độc thường là trong những trường hợp tưởng rượu xoa bóp là rượu thuốc mà uống nhầm, trẻ em lấy uống, dùng quá liều chỉ định của thầy thuốc... Ở một số tỉnh vùng cao như Lào Cai, Hà Giang… người dân thường nấu cháo củ ấu tàu dùng như đặc sản. Nếu món ăn có củ ấu tàu chế biến chưa đúng cách sẽ gây ngộ độc.
 
Sau khi ăn, aconitin ngấm rất nhanh qua niêm mạc dạ dày, ruột để vào máu gây nên các triệu chứng tê miệng lưỡi, nói khó, tê mỏi chân tay, chuột rút, đau đầu, nhìn mờ, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, nặng hơn có thể liệt cơ hô hấp, loạn nhịp tim, hạ huyết áp… Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ tử vong.

Khi có biểu hiện ngộ độc củ ấu tàu, có thể gây nôn nếu người bệnh còn tỉnh táo, mới ăn trong khoảng một giờ đầu, cho bệnh nhân uống nước sạch 200ml – 300ml để dễ nôn, sau đó nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không giữ người bị ngộ độc ở nhà để tự theo dõi hoặc điều trị theo mách bảo, có thể tử vong nhanh chóng do liệt cơ hô hấp hoặc loạn nhịp tim.

“Vì ấu tàu rất độc nên người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng. Khi dùng các chế phẩm thuốc có thành phần là củ ấu tàu phải hết sức thận trọng và theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc. Không tự chế biến củ ấu tàu làm thức ăn tăng lực, bổ dưỡng nếu không biết cách. Các loại rượu ngâm ấu tàu dùng để xoa bóp nên dán nhãn rõ ràng, cất giữ nơi an toàn, xa tầm tay trẻ em và tránh nhầm lẫn khi sử dụng”, BS Định lưu ý.

AloBacsi.vn (Theo SGTT)
 

Phân biệt ấu ta với ấu tàu

Mặc dù có cùng tên gọi là ấu nhưng ấu ta (củ ấu) và ấu tàu khác nhau hoàn toàn cả về mặt thực vật học cũng như tác dụng chữa bệnh.

Ấu tàu 
Ấu tàu: mọc trên cạn và chỉ có ở vùng núi cao. Lá tựa như lá ngải cứu, chia thành ba thuỳ, có răng cưa ở nửa trên. Rễ củ hình nón, mọc thành chuỗi, có củ cái, củ con. Dưới thân cây, rễ cái phình thành củ giống như củ đậu, gọi là củ mẹ. Cạnh cổ rễ cái, mọc ra những củ con. Trên đầu củ con có một búp mang lá ngầm. Sau khi cây nở hoa, củ mẹ sẽ héo và tiêu dần. Củ mẹ thường nhẹ, rỗng, ở giữa màu xám; củ con thì nặng, chắc hơn và lõi màu vàng.
 
Ấu ta 

Ấu ta: vẫn bày bán ở chợ hoặc trên đường phố, là loại củ mọc ở dưới nước, còn có tên gọi là ấu trụi, ấu nước, lăng… tên khoa học là Trapa bicornis L. Quả (thường gọi là củ) có hai sừng, đầu sừng hình mũi tên, sừng do các lá đài phát triển thành. Hạt có một lá mầm to, một lá mầm nhỏ, chứa đầy bột trắng, ăn được. Củ ấu dùng để luộc ăn, hoặc chế biến thành bột, trộn với mật hay đường làm bánh. Hầu như tất cả các bộ phận của cây ấu đều có thể dùng làm thuốc.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X