Hotline 24/7
08983-08983

Thuốc bôi ngoài da: Dùng sao cho đúng?

Bài viết không cung cấp các lời khuyên, chẩn đoán, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh. Nôi dung chỉ có tính chất tham khảo, thuận tiện cho việc tra cứu và không thay thế cho việc chẩn đoán, các phương pháp điều trị y khoa. Thảo luận với bác sĩ để được hướng dẫn điều trị và dùng thuốc an toàn.

Bôi ngoài, hại trong

Thuốc bôi ngoài da là một chế phẩm tiện lợi trong điều trị các bệnh tổn thương ngoài da. Hiện nay có nhiều dạng thuốc bôi trên thị trường như mỡ Benzosali, hồ nước, mỡ Acyclovir, kem kẽm oxit, dung dịch sát khuẩn, dung dịch xanh-methylen... Nhìn chung, thuốc bôi bao gồm một hoặc nhiều thành phần: chất béo, nước, bột và thuốc.

Có 5 loại thuốc bôi cơ bản đó là: dạng dung dịch, dạng bột, dạng hồ, dạng kem và dạng mỡ:

1. Dạng dung dịch: Đa phần là các thuốc sát trùng như: Xanh metylen, Acid boric, Tím gentian. Dạng dung dịch này chủ yếu được dùng cho vết thương, loét da, chảy nước.

2. Dạng bột: Thành phần dược liệu có trong thuốc bột thường là các kháng sinh như Clorocid. Thuốc bôi dạng này chủ yếu được dùng cho các vết thương nhiễm trùng chảy nước nhiều và liên tục.

3. Thuốc mỡ: là hỗn hợp gồm các chất diệt khuẩn như kháng sinh, các acid hữu cơ, các chất làm bong vảy da như acid salicylic, các kháng sinh chống nấm, corticoid, vitamin... Thuốc mỡ chỉ được dùng cho vết thương đã khô và đóng vảy.

4. Dạng hồ: là dạng thuốc bôi trong đó thành phần bao gồm chất béo, bột tạo hình và thuốc. Vì có nhiều bột hơn nên thuốc bôi ngoài da dạng hồ được sử dụng trong giai đoạn bán cấp, vết thương chuẩn bị se da.

5. Kem: là một dạng thuốc bôi mà thành phần của nó có đủ: mỡ, glycerin, nước và thuốc. Nó thường được dùng để chế tạo mỹ phẩm. Thuốc đôi khi cũng được bào chế dạng kem với chủ định là làm mát da.

Việc sử dụng thuốc dùng ngoài da cũng phức tạp và nhiều lúc đòi hỏi sự thận trọng không kém gì thuốc để uống. Các hoạt chất có trong thuốc bôi ngoài da có thể ngấm vào cơ thể gây tác động toàn thân.

Khi dùng thuốc bôi ngoài da cần biết cơ chế tác dụng của thuốc, phản ứng của cơ thể với thuốc ấy. Trên thực tế, rất nhiều trường hợp cả người lớn và trẻ nhỏ phải nhập viện do sử dụng thuốc bôi ngoài da không đúng cách.

Cách đây không lâu, BV Nhi Đồng 2, TPHCM đã tiếp nhận một trẻ hai tháng tuổi bị hoại tử đầu ngón tay phải cắt bỏ phần hư chỉ vì người thân mua kem chứa thuốc chống viêm glucocorticoid thoa mụn bóng nước trên da của trẻ.

Một trường hợp bị phản ứng phụ từ thuốc bôi ngoài da khác là ông Đ., ở Quảng Xương, Thanh Hóa.Ông Đ. bị bệnh vẩy nến, khi mới mắc có đi khám ở bệnh viện tỉnh, bác sĩ kê loại thuốc mỡ Daivonex. Bôi thời gian đầu thấy đỡ nên những lần sau khi bệnh tái phát nặng hơn, ông Đ. vẫn tự mua loại thuốc này để bôi. Sau hơn 7 tháng, ông thấy người mệt mỏi, chán ăn, huyết áp cao nên phải nhập viện. Bác sĩ kết luận ông bị viêm cầu thận vì dùng thuốc bôi da quá lâu, gây tác dụng phụ.

Điển hình của loại thuốc dùng ngoài da có thể gây tác dụng phụ và ảnh hưởng toàn thân nếu sử dụng bừa bãi là thuốc có chứa glcocorticoid (gọi tắt corticoid) hoặc chứa fluoro-corticoid là dược chất có tác dụng rất mạnh. Nếu bôi lâu ngày trên da sẽ làm teo da, rạn da, da dễ bị nhiễm trùng vì mất sự đề kháng, hoặc da mặt bị mụn trứng cá, phát mụn tấm khắp mặt...

Không những thế, nếu bôi lâu ngày, độc tính của thuốc có thể thấm qua da vào máu làm cho trẻ con chậm lớn hoặc các cô gái tiền dậy thì bị rối loạn sự phát triển hệ lông.

Do có khả năng gây tai biến như thế nên mặc dù chỉ được dùng ngoài da, nhưng các loại thuốc bôi có chứa corticoid, fluorocorticoid vẫn bị quy vào thuốc độc dược bảng A, tức là thuốc phải được bán theo toa của bác sĩ, phải dùng đúng liều lượng và không dùng quá 7 ngày.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thuốc bôi da cũng là thuốc

BS Bùi Cẩm Trúc, thành viên của Hiệp hội Thẩm mỹ Da Hoa Kỳ, bác sĩ điều trị tại Phòng khám BS Trúc khuyến cáo, bất cứ loại thuốc nào cũng đều có tác dụng phụ. Sử dụng thuốc bôi ngoài da phải phù hợp với tính chất bệnh lý, giai đoạn bệnh, mức độ bệnh, vùng da, có khi cả tuổi, giới, thời tiết, nghề nghiệp… thì mới có hiệu quả cao.

Theo nguyên tắc, mỗi loại kem bôi da không được sử dụng quá 15 ngày và những lần sau phải đổi sang thuốc mới để tránh nhờn thuốc. Cần bôi thử ở từng vùng nhỏ và theo dõi phản ứng, nếu không thấy có hiện tượng gì lạ xuất hiện như ngứa tăng lên, nổi mẩn... thì mới dùng thuốc bôi rộng toàn vùng tổn thương.

Một số thuốc bôi da nếu kết hợp với thuốc khác sẽ gây phản ứng. Một số bệnh khi dùng thuốc bôi cũng yêu cầu kiêng cữ và thay đổi cách ăn uống, sinh hoạt.

Vì vậy, khi có biểu hiện bệnh, không nên tự ý mua thuốc chữa mà phải được bác sỹ kê đơn, hướng dẫn dùng thuốc, đặc biệt với phụ nữ đang mang thai vì có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Khi bôi thuốc cần làm vệ sinh da, làm sạch tổn thương và vùng da xung quanh trước thì thuốc mới có hiệu quả.

Riêng đối với trẻ sơ sinh, phải tránh dùng các loại xà bông có chứa hexaclorophen (như Phisohex) vì có thể gây ngộ độc thần kinh. Hoặc không được dùng với dầu gió, dầu cù là có chứa bạc hà (menthol), long não (camphor) bôi lên mũi trẻ sơ sinh vì có thể gây kích ứng làm ngưng hô hấp .

Đối với các mỹ phẩm như: kem dưỡng da, kem trị mụn, kem trị tàn nhang cũng cần phải xem như dược phẩm và phải dùng với ý thức và thận trọng như dùng một loại thuốc dùng ngoài da. Thực tế, có nhiều loại kem như kem trộn dùng thời gian ngắn rất hiệu quả nhưng càng về sau gây teo da giãn mạch, dễ bị ngứa, khó dứt được thuốc bôi và để lại hậu quả lâu dài về mặt thẩm mỹ.

Tử vong vì thuốc bôi miệng ở trẻ mọc răng

Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA)đã phát hiện 22 trường hợp ở nước này bị tác dụng phụ nặng do lidocaine bôi miệng ở trẻ em trong năm 2014. Trong số này có 6 trường hợp tử vong, 3 trường hợp nguy kịch, 11 trường hợp phài nhập viện và 2 trẻ phải can thiệp y tế nhưng không vào viện.

Lidocaine là dạng thuốc bôi chưa được FDA phê chuẩn để điều trị đau miệng do mọc răng ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ, và tình cờ nuốt phải thuốc này có thể gây co giật, tổn thương não nặng và và bệnh tim ở trẻ em.

Theo Ngọc Ân - Sức khỏe gia đình

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X