Hotline 24/7
08983-08983

Thuốc ung thư Lipiodol tăng giá liên tục vì độc quyền

Khoảng một năm rưỡi nay, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - nơi có chuyên gia đầu ngành về kỹ thuật nút mạch gan - hầu như không triển khai kỹ thuật này nhiều, lý do là giá thuốc tăng thất thường nên không trúng thầu vào bệnh viện.

Mô tả một trong những kỹ thuật điều trị làm tắc mạch nuôi dưỡng khối u gan tại Bệnh viện Bạch Mai

Với tình hình này, chúng tôi dự báo giá thuốc Lipiodol sẽ còn tăng, không chừng có thể tới tiền chục triệu/lọ và lúc đó người bệnh sẽ cực kỳ khó khăn

Đại diện một bệnh viện


Theo quy định, thuốc không trúng thầu thì nhà thuốc bệnh viện cũng không bán nên bệnh nhân sẽ phải mua thuốc ở bên ngoài.

Ông Trần Nhân Thắng, trưởng khoa dược BV Bạch Mai, cho hay thời điểm BV Bạch Mai đấu thầu Lipiodol thì thuốc này mới hơn 2 triệu đồng/lọ, cuối năm 2016 cũng đã có đợt giá Lipiodol tăng nhanh do khan hiếm và đây là đợt tăng giá nhanh lần thứ hai sau khoảng một năm rưỡi.

"Thị trường hiện chỉ có mỗi nhà cung cấp Lipiodol, nếu có cơ chế nhập khẩu song song hoặc Cục Quản lý dược điều hành, giao các doanh nghiệp nhập Lipiodol từ các quốc gia khác thì sẽ giảm tình trạng này. Còn cứ để độc quyền thì giá tăng người bệnh vẫn phải mua, mà khi cố đi mua thì chưa chắc chất lượng thuốc đã tốt", đại diện một bệnh viện có thực hiện kỹ thuật nút mạch gan nói.

Vẫn vị đại diện này cho biết: không chỉ Lipiodol, còn một số thuốc bị độc quyền khác cũng rất khó khăn. Ông đặt vấn đề: "Như dung dịch thẩm phân phúc mạc không có gì khó khăn nhưng vì sao vẫn để một đơn vị cung cấp mà không giao thêm cho các nhà sản xuất/cung cấp khác? Hay một loại thuốc rất cần cho mổ tim, hiện chúng tôi đang "trắng tay" mà chưa có hàng mới, nhiều bệnh viện hỏi vay nhưng chúng tôi cũng không có, đây cũng là loại thuốc bị độc quyền".

Vị đại diện này cũng cho biết mỗi lần khan hiếm Lipiodol là một lần tạo mặt bằng giá mới, việc giá thuốc tăng nhiều lần trong 7 năm vừa qua và lần gần nhất tăng đến 2,5 triệu đồng/lọ là một minh chứng.

Một quan chức của Cục Quản lý dược giải thích rằng không chỉ tăng giá ở Việt Nam mà Lipiodol còn tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới, do đây là sản phẩm rất đặc thù. Tuy nhiên có rất nhiều câu hỏi như vì sao cục chưa cho cơ chế để tránh tình trạng bị độc quyền, làm giá, làm sao để giải quyết tình trạng thuốc khan hiếm và giá cao hiện nay... Chúng tôi đã rất nỗ lực liên lạc với Cục Quản lý dược, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, điều hành nhập khẩu thuốc và giá thuốc nhưng chưa có được câu trả lời.

Luật sư PHÙNG THANH SƠN (giám đốc Công ty Thế giới luật pháp - TPHCM):

Có thể bị xử lý hình sự

Nếu cùng một phác đồ điều trị chỉ có một loại thuốc do đơn vị này phân phối mà không có loại thuốc nào khác thay thế thì doanh nghiệp này được xem là doanh nghiệp độc quyền.

Luật cạnh tranh cấm áp đặt giá bán, hạn chế sản xuất, hạn chế phân phối hàng hóa gây bất lợi cho khách hàng. Những cá nhân, cơ quan, tổ chức cho rằng mình bị thiệt hại từ hành vi đó của doanh nghiệp có thể khiếu nại đến Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ

người tiêu dùng của Bộ Công thương để cơ quan này tiến hành thụ lý điều tra.

Trong trường hợp vi phạm, doanh nghiệp đó có thể bị xử phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính và có thể bị áp dụng các hình thức phạt bổ sung như tịch thu lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.

Nếu trong quá trình điều tra, Cục Quản lý cạnh tranh nhận thấy rằng việc khan hiếm thuốc này do các tổ chức, cá nhân khác thu gom rồi sau đó bán lại giá cao thì những tổ chức, cá nhân này có dấu hiệu của tội đầu cơ được quy định tại điều 196 Bộ luật hình sự 2015 đã được sửa đổi bổ sung năm 2017. Trong trường hợp đó, cơ quan quản lý cạnh tranh có nghĩa vụ phải chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để khởi tố vụ án về tội đầu cơ.

K.Yên ghi


Theo Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X