Hotline 24/7
08983-08983

Thuốc trị ung thư bao giờ có lại?

Do chậm trễ trong đấu thầu thuốc quốc gia, nhiều bệnh nhân ung thư buộc phải chi trả cả trăm triệu đồng mua biệt dược hoặc chuyển sang dùng loại hóa chất khác mà chưa biết rõ hiệu quả điều trị ra sao.

Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc trị ung thư ở Bệnh viện K trung ương, ngày 10/5, Bộ Y tế đã có buổi làm việc với Bệnh viện và các đơn vị liên quan. Tại buổi làm việc, Công ty TNHH Dược phẩm và Trang thiết bị y tế Hoàng Đức (nhà thầu cung ứng thuốc) cho biết đang khẩn trương hoàn thiện hợp đồng với cơ sở y tế trên cả nước để thực hiện việc cung ứng theo kết quả đấu thầu.

Cùng ngày, Bệnh viện K đã được Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu bằng hình thức mua sắm trực tiếp để đáp ứng đầy đủ thuốc cho công tác điều trị của Bệnh viện. Như vậy, ngay trong tuần tới, Bệnh viện K sẽ cung cấp đầy đủ thuốc generic chứa hoạt chất Pemetrexed cho bệnh nhân.

Ôm bệnh... chờ thuốc


Ông Phùng Quang Toàn - Phó trưởng Khoa Dược, Bệnh viện K trung ương - cho biết gần 1 tháng qua, Bệnh viện thiếu các loại thuốc generic chứa hoạt chất Pemetrexed để điều trị ung thư phổi, u trung biểu mô. Bệnh viện có liên hệ với đơn vị đã trúng thầu cung cấp loại thuốc này để lên kế hoạch nhập hàng thì nhà thầu thông báo chỉ có thể cung ứng hàng sau 2-4 tháng nữa. Hiện Bệnh viện vẫn có thuốc chứa hoạt chất Pemetrexed nhưng là thuốc biệt dược gốc có tên Alimta 500 mg với giá thành rất cao nên không phải bệnh nhân nào cũng có khả năng chi trả.

Đơn cử như trường hợp bệnh nhân T.V.H (54 tuổi, ngụ Vĩnh Phúc), được chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn 4 và có chỉ định hóa trị liệu, từ chối dùng biệt dược gốc Alimta 500 mg với lý do không đủ khả năng đồng chi trả hàng chục triệu đồng cho mỗi lọ thuốc. Ông H. cho biết sẽ chờ thuốc generic chứa hoạt chất Pemetrexed.

Điều trị ung thư phổi tại Bệnh viện K trung ương

Còn theo bác sĩ Nguyễn Thị Thái Hòa, Trưởng Khoa Nội 2, Bệnh viện K trung ương, khoảng 1 tháng qua, các bác sĩ rất vất vả trong việc giải thích để bệnh nhân đang điều trị ung thư phổi, ung thư biểu mô đổi sang dùng biệt dược gốc có hoạt chất Pemetrexed hoặc chuyển sang một loại hóa chất mới. "Do bị thiếu các loại thuốc generic chứa hoạt chất Pemetrexed nên nhiều trường hợp ung thư phổi đang trong giai đoạn hóa trị phải chuyển sang dùng hóa chất mới. Thuốc này vẫn được BHYT chi trả một tỉ lệ lớn nhưng chỉ trong thời gian ngắn như trên thì chưa đánh giá được việc đáp ứng điều trị của bệnh nhân thế nào" - bác sĩ Hòa chia sẻ.

Bác sĩ Hòa cho biết trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân ung thư phổi. Hiện một số bệnh nhân có điều kiện kinh tế đã chuyển sang sử dụng biệt dược gốc có hoạt chất Pemetrexed, một tỉ lệ lớn chuyển sang dùng hoạt chất mới, một số ít bệnh nhân chấp nhận chờ đến khi có thuốc. "Với những bệnh nhân không đồng ý chuyển chúng tôi cũng không biết sẽ giải quyết ra sao" - bác sĩ Hòa lo lắng.

Bệnh viện đi... vay thuốc

Đại diện một số Bệnh viện cho biết theo giá trúng thầu quốc gia vào ngày 23/4, hai thuốc generic chứa hoạt chất Pemetrexed là Podoxred 500mg có giá trúng thầu là 2,6 triệu đồng/lọ, Pemehope 100mg 882.000 đồng/lọ. Trong khi đó, giá biệt dược gốc Alimta 500mg có giá trúng thầu lên tới 24 triệu đồng/lọ, Alimta 100mg gần 5,7 triệu đồng/lọ. Giá thuốc biệt dược gốc Alimta hiện mới được quỹ BHYT thanh toán 50%.

Theo các bác sĩ, trong phác đồ điều trị ung thư phổi có ít nhất 6 chu kỳ, mỗi chu kỳ 21 ngày, liều trung bình là 800mg/chu kỳ. Nếu bệnh nhân điều trị bằng thuốc biệt dược gốc thì phải đồng chi trả khoảng 20 triệu đồng/chu kỳ và tổng số tiền là 120 triệu đồng.

Trong khi đó, điều trị bằng thuốc generic như phác đồ từ trước đến nay vẫn dùng thì bệnh nhân chỉ phải đồng chi trả là 2,6 triệu đồng/chu kỳ (tổng cộng 15,6 triệu đồng). "Trường hợp bệnh nhân không có tiền điều trị biệt dược gốc sẽ phải dừng điều trị. Việc gián đoạn này sẽ dẫn tới các lần điều trị trước đó không có tác dụng" - một bác sĩ lo ngại.

Lãnh đạo một số Bệnh viện cho biết đã tính đến phương án vay thuốc để điều trị cho bệnh nhân ung thư phổi trong thời gian chờ đợi nhưng do việc đấu thầu tập trung thuốc quốc gia, thuốc được phân phối như nhau nên nhiều cơ sở khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, đại diện Khoa Dược cho biết tình trạng thiếu 2 loại thuốc generic nói trên đã bắt đầu từ tháng 4/2019. Trong khi đợi chờ kế hoạch đấu thầu quốc gia, Bệnh viện có văn bản gửi Sở Y tế Hà Nội cho phép mua tạm thuốc generic có thành phần tương tự là Allypem 500mg và 100mg với giá lần lượt gần 6 triệu đồng và hơn 1 triệu đồng. Nhưng hiện thuốc dự trù cũng đã hết.

Lỗi do đơn vị đấu thầu

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Văn Phúc - Trưởng Ban Dược và Vật tư y tế, BHXH Việt Nam - cho biết việc chậm cung ứng thuốc điều trị là do các đơn vị chậm trễ trong đấu thầu.

Ông Phúc lý giải: Khi đấu thầu tập trung, các đơn vị phải lường trước tình huống và có hướng dẫn cho BV về phương án thay thế để bảo vệ quyền lợi cho người bệnh. Thông thường, khi hợp đồng kết thúc vào tháng 10 hoặc 11 của năm thì khoảng tháng 3 hoặc 4 các đơn vị đã phải xây dựng kế hoạch đấu thầu thuốc để thẩm định, phê duyệt, bảo đảm việc cung ứng thuốc điều trị.

Sau khi hoàn thành việc đấu thầu, cơ quan BHXH địa phương sẽ có thông báo gửi các Bệnh viện. Nếu cơ sở nào có nguy cơ thiếu thuốc nằm trong nhóm thuốc trúng thầu, BHXH sẽ đề nghị đơn vị cung ứng ưu tiên việc sớm ký hợp đồng với Bệnh viện đó. Hiện trong số 14 thuốc do BHXH Việt Nam thực hiện đấu thầu không có nhóm thuốc điều trị ung thư.

Theo Ng. Thạnh - Người Lao Động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X