Hotline 24/7
08983-08983

Thuốc tây bao giờ công khai giá?

Cách đây hai tuần, tôi bị cảm nhẹ, ra nhà thuốc gần nhà mua hai liều thuốc cảm cúm cho hai lần uống hết 12.000 đồng.

Kinh doanh thuốc tây, ngành hàng còn nhiều “bí mật”

Do đi làm gặp trời mưa nên vẫn chưa khỏi bệnh, tôi đến một nhà thuốc khác trên đường đi làm về, vẫn nói về tình trạng cảm cúm như ho, đau đầu… rồi lấy hai lần uống cho một ngày hết 15.000 đồng. Sau đó thấy khá hơn nên tôi chỉ mua thêm vỉ thuốc Ameflu uống sau khi ăn.Tuy chỉ cách nhau vài ngàn (3.000 đồng) với hai liều thuốc cảm cúm ở hai nhà thuốc khác nhau, nhưng xét về tỷ lệ chênh lệch là tới 25%. Việc chênh lệch này có nhiều nguyên nhân và có yếu tố cấu thành nên giá bán, nhưng 25% đó sẽ là con số khổng lồ đối với quy mô kinh doanh mặt hàng thuốc tây của một cơ sở lớn.

Cuối tuần, tôi có ngồi nói chuyện với một anh bạn đồng hương tại đường Bạch Đằng, quận Tân Bình, TPHCM đang là dược sĩ kinh doanh thuốc tây, có nhà thuốc riêng và kinh doanh thêm mặt hàng thực phẩm chức năng. Anh tâm sự, kinh doanh thực phẩm chức năng hay thuốc tây là nhóm ngành có lợi nhuận béo bở… Đặc biệt, khi luật Dược chưa cho phép công khai giá từng mặt hàng thuốc tây trên mạng. Người dân hoàn toàn không có cơ sở để so sánh giá bán, các nhà thuốc mặc sức tự do niêm yết giá tuỳ hứng. Điều này quả là thiệt thòi cho người bệnh. Người bệnh mua thuốc không có quyền mặc cả giá bán đã đành, còn không biết trước giá bán cho đến khi ra nhà thuốc mới biết giá bán. Lúc đó chỉ cắn răng mà mua, dù phải mất bao nhiêu tiền đi nữa!

Đó là thực tế mà người bệnh đang phải chịu bất công, khi sự minh bạch trong lĩnh vực kinh doanh thuốc tây đang diễn ra. Khi anh chia sẻ với tôi điều này, anh tin rằng việc cho phép niêm yết giá công khai của cơ quan chức trách tại nhà thuốc và trên mạng, sẽ mang lại lợi ích cho người bệnh. Người mua thuốc có cơ sở tham khảo giá trước khi mua, từ đó có quyền lựa chọn nhà thuốc nào có giá vừa phải hơn, hoặc cũng có thêm sự lựa chọn giữa nhiều loại thuốc mang tên thương mại khác nhau, nhưng cùng công dụng và cùng biệt dược để thay thế.

Các mặt hàng thuốc tây được sản xuất trong nước, hoặc hàng nhập khẩu và phân phối chính thức đã và đang mập mờ giá bán như vậy gây ra bao thiệt thòi cho người bệnh, thì một góc khuất khác còn lớn hơn mà những ai làm trong ngành y - dược đều đôi phần sáng tỏ, đó là hàng chìm. Các mặt hàng tiêu dùng khác khi được người mua từ một quốc gia về Việt Nam không qua kênh phân phối chính thức, thì gọi là hành xách tay. Tương tự như vậy, mặt hàng thuốc tây mang về Việt Nam theo kênh này cũng được gọi bằng cái tên là “hàng chìm”.

Theo anh T.V.Q thì một số bác sĩ có chiêu để giữ khách hàng (người bệnh) của mình, bằng cách khi kê đơn luôn có một vài loại thuốc thuộc danh mục hàng chìm mà người bệnh không thể mua được ở bất kỳ nhà thuốc tây nào bán, mà chỉ có thể tới nơi được chỉ định mới có thể mua được. Loại thuốc này thường có tỷ lệ chiết khấu rất cao, và giá bán phụ thuộc vào nguồn hàng về Việt Nam từng thời điểm.

Để mang lại công bằng cho người dân, tôi nghĩ rất cần sự công khai về giá bán các mặt hàng thuốc tây càng sớm càng tốt, như bao mặt hàng tiêu dùng khác từ cơ quan chức năng; cũng như nên có sự giám sát và kiểm tra thường xuyên hay đột xuất toa thuốc của bác sĩ, nhằm làm giảm sự trục lợi bất chính trên sự đau đớn, tật bệnh của người dân.

Theo Nguyễn Minh Thanh - TGHN

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X