Hotline 24/7
08983-08983

Thuốc ngừa đột quỵ, có nên mua?

Bác sĩ ơi, ở quê em có phòng khám tư, quảng cáo có thuốc tiêm ngừa đột quỵ, giá 500.000 đồng/mũi. Xin hỏi bác sĩ thuốc này có ngừa được đột quỵ không ạ?

Dù là đường tiêm hay uống thì hiện nay thế giới vẫn chưa có thuốc ngừa đột quỵ. Bạn đọc không nên "nhẹ dạ cả tin" vừa mất tiền, vừa không ngừa được bệnh. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Bạn thân mến,

Hiện nay không có thuốc tiêm ngừa đột quỵ cho những bệnh nhân có những nguy cơ dẫn đến đột quỵ, chỉ có những thuốc để điều trị các yếu tố nguy cơ như: bệnh lý tim mạch, rối loạn lipid máu, đái tháo đường… mà thôi. Do đó, bạn không nên tin theo lời truyền miệng, mua những loại thuốc được quảng bá phòng ngừa đột quỵ kẻo "tiền mất tật mang".

Đột quỵ có hai dạng chính: nhồi máu não (tắc mạch) và xuất huyết não (vỡ mạch). Ngoài các nguyên nhân do bệnh bẩm sinh, dị dạng mạch máu não, các nguyên nhân còn lại chủ yếu là do tác động cộng hưởng của các mảng xơ vữa làm tổn thương thành mạch và cục máu đông bên trong lòng mạch.

Nhiều người còn chủ quan cho rằng đột quỵ sẽ không đến lượt mình, song theo thống kê trên Thế Giới nguy cơ mắc bệnh đột quỵ có thể lên đến 20% dân số, cứ 6 người trong cộng đồng thì một người sẽ có nguy cơ bị đột quỵ. Trong số 10 người bị đột quỵ, thì chỉ có 6 người may mắn trở lại bình thường hay bị ảnh hưởng nhẹ, đời sống thực vật phụ thuộc hoàn toàn vào người thân 2 người, tử vong 2.

Những người có nguy cơ đột quỵ cao nhất là người trên 50 tuổi, béo phì, mắc bệnh mỡ máu, tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch hoặc hay stress, hút thuốc lá và uống nhiều rượu bia…

Một số dấu hiệu nhận biết đột quỵ, đó là:

- Yếu hoặc tê đột ngột ở mặt, tay hoặc chân ở một bên cơ thể.

- Đột ngột bị nhìn mờ, nhìn lóa hoặc giảm thị lực, nhất là ở một mắt.

- Không nói được, nói khó hoặc không hiểu lời nói.

- Đau đầu dữ dội, đột ngột mà không rõ nguyên nhân.

- Chóng mặt, lảo đảo hoặc bị ngã đột ngột mà không rõ lý do, nhất là nếu kèm theo các triệu chứng khác.

Khi thấy có dấu hiệu đột quỵ não, tùy theo tình trạng nặng nhẹ của bệnh nhân và sự hợp tác, ý thức của người bệnh mà chúng ta có thể tự đưa bệnh nhân đến bệnh viện hay bắt buộc phải chờ xe cứu thương trong tình huống bệnh nhân hôn mê, không hợp tác hoặc cần các phương tiện hồi sức cấp cứu.

Trong trường hợp đột quỵ nhẹ (bệnh nhân còn hiểu biết, hợp tác được), người nhà nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện trong thời gian nhanh nhất. L‎ý tưởng nhất là đến được bệnh viện đột quỵ hoặc bệnh viện có thể xử l‎í được đột quỵ với các phương tiện trang thiết bị đầy đủ. Bởi vì thời gian là điều kiện cần thiết để bác sĩ quyết định điều trị phù hợp và giảm nguy cơ tử vong và thương tật, di chứng về sau.

Xin nhấn mạnh một lần nữa với bạn, hiện thế giới cũng như Việt Nam chưa có thuốc ngừa đột quỵ. Cách tốt nhất để phòng ngừa đột quỵ là kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính không lây như tim mạch, tiểu đường, béo phì, huyết áp… vì đây những tác nhân gây đột quỵ.

Việc tầm soát đột quỵ cũng đóng vai trò quan trọng để kịp thời phát hiện và có hướng xử trí thích hợp. Tuy nhiên, sẽ không phải thực hiện "đại trà" mà chỉ khi bệnh nhân có những yếu tố nguy cơ gây đột quỵ như đã nói ở trên hoặc cho bệnh nhân đã từng bị đột quỵ, hoặc có triệu chứng thiếu máu não thoáng qua để điều trị phòng ngừa, tránh tái phát.

Tại Cần Thơ - "trái tim" của vùng ĐBSCL hiện đã có bệnh viện chuyên sâu về cấp cứu, can thiệp đột quỵ. Sau khi chính thức đi vào hoạt động, Bệnh viện đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ (Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ) đã đưa nhiều bệnh nhân trở về từ ngưỡng cửa tử, không lãng phí "thời gian vàng" đưa lên TPHCM. (Hồi phục kỳ diệu sau 4 tháng bị đột quỵ, Bệnh nhân đột quỵ mất… 4 ngày để tới bệnh viện cách nhà chưa đến 30 phút)

Cũng nhờ chương trình tầm soát, nhiều người đã kịp thời phát hiện căn bệnh gây tử vong hàng đầu trong các bệnh lý ở Việt Nam: Đột quỵ.

Để được tư vấn hoặc hỗ trợ xử trí, can thiệp, cấp cứu đột quỵ, bạn đọc có thể liên hệ đến hotline của bệnh viện 1800 1115. Tổng đài 24/7.

Lưu ý: Chỉ nên gọi tổng đài khi thực sự có nhu cầu, bởi cứ mỗi phút bệnh nhân đột quỵ không được điều trị đặc hiệu thì có khoảng 2 triệu tế bào thần kinh mất đi. Do đó, nếu bạn liên hệ chỉ để "hỏi thăm" hoặc "xem tổng đài có hoạt động hay không" có thể sẽ "cướp" đi cơ hội cứu sống tế bào thần kinh và khả năng hồi phục của người khác.


Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X