Hotline 24/7
08983-08983

Thuốc lá = đột quỵ, bạn chọn "sở thích" hay sức khỏe?

"Tôi đã gặp nhiều trường hợp và từng đặt câu hỏi cho bệnh nhân giữa thuốc lá và bệnh đột quỵ chỉ được chọn 1 thì bạn sẽ quyết định chọn điều gì?" - TS.BS Trần Chí Cường đặt câu hỏi.

Sau đột quỵ, một số trường hợp bệnh nhân vẫn cần sử dụng thêm các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Những lưu ý khi sử dụng thuốc sau đột quỵ là gì? Nếu muốn dùng thêm thực phẩm chức năng để phòng ngừa đột quỵ tái phát thì cần làm gì để không tương tác với thuốc Tây? Những dấu hiệu nào cho thấy người bệnh cần ngừng thuốc ngay và đến gặp bác sĩ?
Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Bạn thân mến,

Đối với người chưa từng bị đột quỵ hoặc có tiền sử mắc phải căn bệnh này thì mục tiêu hàng đầu là phòng ngừa.

Nếu bệnh nhân đã từng bị đột quỵ thì cần tuyệt đối tuân theo chỉ định điều trị của bác sĩ. Tùy theo nguyên nhân gây đột quỵ, chẳng hạn như bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường thì cần có biện pháp kiểm soát thật tốt, có mỡ máu cao thì cần sử dụng thuốc để giảm mỡ máu, thừa cân - béo phì thì phải vận động, tập thể dục để kiểm soát cân nặng, nếu có hút thuốc lá thì tuyệt đối phải tránh xa, loại bỏ.

Tôi đã gặp nhiều trường hợp và từng đặt câu hỏi cho bệnh nhân giữa thuốc lá và bệnh đột quỵ chỉ được chọn 1 thì bạn sẽ quyết định chọn điều gì?

Có nghĩa là nếu lựa chọn thuốc lá thì phải chấp nhận nguy cơ đột quỵ tái phát. Bệnh nhân phải hiểu rõ vấn đề, thuốc lá chính là tác nhân độc hại với bệnh đột quỵ.

Đó là 2 vấn đề cần bàn luận đầu tiên. Thứ 3 nữa là chúng ta phải tập thể dục, vận động phục hồi chức năng, vật lý trị liệu để phục hồi các cơ.

Nhiều bệnh nhân sau đột quỵ chỉ nằm một chỗ, bị ám ảnh, trầm cảm nên không muốn tập. Chúng ta phải cố gắng bằng hết năng lực để cho cơ thể thêm cơ hội được phục hồi tốt.

Đối với việc sử dụng thực phẩm chức năng, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng chung với toa thuốc chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, khi sử dụng thực phẩm chức năng tốt nhất là cần có ý kiến của bác sĩ. Đó là nguyên tắc thứ nhất.

Thứ 2 là sản phẩm phải có xuất xứ rõ ràng, kiểm chứng nhà sản xuất, thành phần, nguyên liệu, giấy phép lưu hành của Bộ Y tế. Vì trên thị trường hiện nay chúng ta đã biết có rất nhiều thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, được truyền miệng. Sẽ rất nguy hiểm nếu đưa những thực phẩm chức năng mà chúng ta không nắm rõ được thông tin gì cả, thậm chí có nhiều trường hợp đã được báo chí đưa tin thời gian gần đây bị dị ứng, sốc thuốc, tổn thương gan…

Tuy nhiên, thực phẩm chức năng không thể thay thế thuốc đặc trị. Cần phải kết hợp tốt mới đạt hiệu quả tốt nhất, chứ không phải dùng rồi ngó lơ chỉ định của bác sĩ.

Với câu hỏi dấu hiệu nào cần ngưng thì thực sự rất khó để đưa ra câu trả lời cụ thể. Bởi chúng ta không biết ngưng như thế nào, do vấn đề gì mà ngưng… Giả sử bệnh nhân đang uống thuốc huyết áp, nhưng huyết áp tăng cao 180, nhức đầu mà chúng ta cảnh báo ngưng thuốc thì điều đó không hợp lý.

Do đó, nếu chúng ta đang sử dụng các loại thuốc mà cơ thể có những biến đổi bất thường, chẳng hạn đang uống thuốc ngừa đột quỵ mà có dấu hiệu yếu tay chân thì phải nhanh chóng đến gặp bác sĩ hoặc đến bệnh viện nào gần nhất chuyên sâu đột quỵ để chẩn đoán, điều trị, điều chỉnh toa thuốc kịp thời xử lý các tình huống.
TS.BS Trần Chí Cường
Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ
Chủ tịch Hội can thiệp thần kinh TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X