Hotline 24/7
08983-08983

Thuốc hạ sốt aspirin có thể khiến người bệnh sốt xuất huyết mất mạng

Aspirin là thuốc hạ sốt, giảm đau, chống viêm không steroid, nhưng lại là thuốc có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu, có thể khiến người bệnh sốt xuất huyết mất mạng.

Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp

Dịch sốt xuất huyết thường bùng phát vào thời điểm từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm, thời gian gần đây do miền Bắc thường có mưa lớn, đây chính là cơ hội để dịch sốt xuất huyết hoành hành.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết dịch sốt xuất huyết đang tăng mạnh tại nhiều địa phương. Cả nước ghi nhận gần 50.000 người mắc sốt xuất huyết, 14 trường hợp tử vong (tăng 2 trường hợp so với cùng kỳ 2016). Có thời điểm, số mắc mới lên đến 3.000 ca/tuần.

TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay, so với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc và tử vong gần như tương đương, nhưng năm nay dịch xuất hiện sớm hơn. Số mắc tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam, miền Trung, đặc biệt tại Hà Nội, số mắc tăng 3 lần.

TPHCM hiện là địa phương ghi nhận số mắc cao nhất với hơn 10.000 ca, tiếp đến là Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Đồng Tháp, Khánh Hòa...

Riêng Hà Nội số mắc hiện tăng 3 lần so với cùng kỳ 2016. Đáng lưu ý, các bệnh viện đã ghi nhận bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện trong tình trạng nguy kịch, thậm chí tử vong do đến viện muộn, tự mua thuốc điều trị.

Muỗi vằn là vật truyền bệnh trung gian gây bệnh sốt xuất huyết. Ảnh minh họa

Người bệnh sốt xuất huyết mất mạng do dùng thuốc hạ sốt

Liên quan đến vấn đề này, theo báo Sức khỏe & đời sống, khi bị sốt xuất huyết người bệnh sẽ có triệu chứng sốt cao; nhức đầu; đau cơ, khớp... rất dễ nhầm lẫn với triệu chứng của cảm cúm, viêm họng, sốt phát ban nên người bệnh thường tự mua thuốc về uống. Việc dùng không đúng thuốc sẽ gây xuất huyết nặng và có thể dẫn tới tử vong.

Hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chủ yếu dùng thuốc để điều trị triệu chứng của bệnh. Một trong những thuốc cần dùng là thuốc hạ sốt, giảm đau.

Tuy vậy, tuyệt đối không được dùng thuốc hạ sốt aspirin trong sốt xuất huyết. Aspirin là thuốc hạ sốt, giảm đau, chống viêm không steroid, nhưng lại là thuốc có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu. Chính vì tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu, chống đông máu nên thuốc không được dùng cho người có bệnh ưa chảy máu hoặc có nguy cơ chảy máu như sốt xuất huyết.

Nếu dùng aspirin sẽ làm cho nguy cơ chảy máu tăng lên, làm cho việc xuất huyết không cầm được, sự rối loạn đông máu càng trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày, nội tạng, nguy hiểm đến tính mạng. Không chỉ gây nguy hiểm cho bệnh mà người bệnh còn có nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc, ví dụ như buồn nôn, nôn, khó tiêu, khó chịu ở thượng vị, ợ nóng, đau dạ dày, loét dạ dày - ruột...

Đối với trẻ em, khi dùng thuốc này còn gây hội chứng Reye ở trẻ. Hội chứng Reye là một bệnh có liên quan trực tiếp đến não và gan... sẽ gây ra hiện tượng phù não, thoái hóa tế bào thần kinh não, suy gan... Bệnh bắt đầu với triệu chứng thở nhanh và lượng đường trong máu thấp, nôn mửa, thậm chí co giật hoặc hôn mê.

Hội chứng Reye thường xuất hiện ở trẻ dưới 5 tuổi nhưng có thể gặp ở trẻ lớn hơn. Hiện vẫn chưa có cách điều trị, bệnh nhân có thể tử vong trong vòng vài ngày hoặc trở thành tàn phế suốt đời.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Phu cho biết trên báo Dân trí, trong phác đồ điều trị của Bộ Y tế khuyến cáo rõ ràng, người dân khi bỗng dưng sốt cao chỉ nên dùng paracetamol để hạ sốt (tổng liều không quá 60mg/kg cân nặng/24h); không dùng aspirin (acetyl salicylic acid), analgin, ibuprofen để điều trị cho đến khi khẳng định được không phải do sốt xuất huyết. Vì những thuốc này có thể gây xuất huyết, toan máu.

Aspirin là thuốc hạ sốt, giảm đau, chống viêm không steroid, nhưng lại là thuốc có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu, có thể khiến người bệnh sốt xuất huyết mất mạng. Ảnh minh họa

Về vấn đề này, BS Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Nhi Trung ương) cũng cảnh báo gặp nhiều bệnh nhi bị biến chứng do bố mẹ lạm dụng những nhóm thuốc hạ sốt vốn bị hạn chế sử dụng vì nhiều nguy cơ.

“Do nhiều bố mẹ lo lắng khi con sốt, khi dùng paracetamol rất lành, nhưng hạ sốt không sâu, thời gian tái sốt nhanh là cuống cuồng tìm loại thuốc khác thay thế. Như ibuprofen rất dễ bị lạm dụng bởi một thời gian, khi bệnh nhi sốt do tay chân miệng bác sĩ kê thuốc hạ sốt nhóm này, rất tốt vì vừa hạ sốt, vừa chống viêm, giảm phản ứng viêm.

Nhưng với sốt xuất huyết mà dùng ibuprofen lại rất nguy hiểm. Do khi trẻ bị sốt xuất huyết, tiểu cầu giảm rất nặng, dùng thuốc này bị ảnh hưởng đến đông máu thì nguy cơ chảy máu càng cao hơn, thậm chí có em bé chảy máu ào ạt. Đã từng tiếp nhận bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết ngày 3 - 4, sốt cao 39 - 40 độ, dùng paracetamol không hạ sốt hiệu quả mẹ em bé đã chủ động đổi thuốc nên bị nôn ra máu”, BS Hải nói.

TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, sốt xuất huyết có thể bị nhầm với các ca sốt vi rút thông thường (sốt cao, đau đầu, đau cơ). Do đó, tại thời điểm sốt xuất huyết tăng mạnh và lan rộng như hiện nay, người dân khi thấy có biểu hiện sốt, nghi ngờ sốt xuất huyết, đặc biệt khi sốt cao kèm theo đau bụng, xuất huyết trên da, chảy máu cam, xuất huyết tiêu hóa, chảy máu chân răng…) thì cần đến bệnh viện để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.


Theo Minh Hà - Chất lượng Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X