Hotline 24/7
08983-08983

Thuốc dưỡng thai thành thuốc phá thai, sự nhầm lẫn... chết người

Chị Huỳnh Thị K.C. (32 tuổi), chị Mai B.N. (25 tuổi) và chị Dương D.M. (30 tuổi) cùng có niềm vui chung trước khi xảy ra vụ phát nhầm thuốc ở Trung tâm Y tế huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang) là sắp được làm mẹ.

Loại thuốc mà Trung tâm Y tế huyện Tân Phước phát nhầm cho sản phụ để “dưỡng thai” - Ảnh: M.TRƯỜNG


Cả ba người cùng được khám, theo dõi tại Trung tâm Y tế huyện Tân Phước và được xuất viện cùng ngày 9/3 với phiếu lãnh thuốc, trong đó có thuốc dưỡng thai Miprotone 100mg.

Tại khoa dược của trung tâm này, thay vì cấp Miprotone 100mg, nhân viên khoa dược thiếu kiểm tra đối chiếu nên phát nhầm Misoprostol 200mcg (một loại thuốc phá thai phổ biến, có tác dụng gây co thắt tử cung để đẩy thai ra). Sau đó, tại khoa sản, một nữ hộ sinh cũng thiếu kiểm tra đối chiếu khi cấp phát thuốc.

Đến tối cùng ngày, sau khi đã uống thuốc Misoprostol 200mcg, chị Huỳnh Thị K.C. bị đau bụng, ra huyết âm đạo nên quay lại tái khám thì lúc này nhân viên y tế mới phát hiện ra việc phát nhầm thuốc.

Dù được giải thích nhưng do không an tâm nên chị C. đã tự đến Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang để siêu âm lại.

Tại đây, chị được chẩn đoán thai khoảng 7 tuần 3 ngày tuổi đã chết lưu, và thực hiện chấm dứt thai kỳ. Một sinh linh chưa kịp chào đời đã lặng lẽ ra đi.

Điều đáng nói hơn, dù đã thừa nhận việc cấp phát thuốc là nhầm lẫn nhưng ngành y tế tỉnh vẫn vô cảm thông tin: "Nguyên nhân dẫn đến thai chết lưu của bệnh nhân Huỳnh Thị K.C. chưa thể khẳng định là do thuốc Misoprostol, bởi lẽ trước đó thai rất yếu. Mặt khác, thuốc Misoprostol chỉ có tác dụng làm mềm cổ tử cung, tăng co bóp tử cung, dễ dẫn đến sẩy thai chứ không đủ gây ra thai chết lưu".

Có lẽ, không có gì đau đớn bằng nỗi đau của người mẹ mất con. Càng đau đớn và hụt hẫng hơn cho đến thời điểm này, việc phát nhầm thuốc đã được xác định, hậu quả của việc uống nhầm thuốc là có thật.

Vì ngoài chị C. bị mất con sau khi uống thuốc Misoprostol 200mcg, chị Mai B.N. (quê Tiền Giang) xuất viện cùng ngày và uống cùng loại thuốc với chị C. cũng bị ra huyết âm đạo nhưng may mắn giữ được con.

Người còn lại là chị Dương D.M. tuy cũng bị phát nhầm thuốc nhưng do được thông báo kịp thời nên chưa uống.

Lý giải về sự nhầm lẫn chết người này, hội đồng chuyên môn cho rằng nguyên nhân xảy ra sự cố là do nhân viên khoa dược và khoa sản chưa thực hiện đầy đủ quy trình cấp phát thuốc (thiếu kiểm tra, đối chiếu) nên dẫn đến việc cấp phát thuốc chưa đúng theo đơn thuốc đã được bác sĩ chỉ định (từ Miprotone 100mg phát nhầm sang Misoprostol 200mcg).

Rõ ràng, hai loại thuốc trên có công dụng hoàn toàn trái ngược nhau, thêm nữa phía sau tên thuốc là hàm lượng với hai con số khác nhau, một loại là "100mg" và loại còn lại là "200mcg", nếu chịu khó để ý thì sẽ không có chuyện đáng tiếc xảy ra.

Theo Mậu Trường - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X