Hotline 24/7
08983-08983

Thước đo nhận diện trẻ suy dinh dưỡng

BS Nguyễn Thị Ngọc Hương hướng dẫn mẹ bỉm sữa cách đánh giá thể trạng của con thông qua biểu đồ chiều cao và cân nặng.

Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt năng lượng và dưỡng chất cần thiết, ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng của trẻ. Trẻ dưới 6 tháng tuổi hiếm khi suy dinh dưỡng do được bú mẹ hoàn toàn.

Từ lúc ăn dặm cho đến 5 tuổi, nguy cơ tăng cao do nhiều nguyên nhân như chế độ ăn không phù hợp lứa tuổi, thực phẩm thiếu đa dạng, khẩu phần ăn chưa đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng trong ngày… Trẻ thường xuyên mắc các bệnh lý nhiễm trùng (viêm họng, amidan, phế quản, đường ruột...) hoặc không thích nghi kịp với môi trường sống thay đổi (đi nhà trẻ, đổi người chăm sóc…) cũng dễ suy dinh dưỡng.

Để nhận diện trẻ suy dinh dưỡng, cách đơn giản nhất là dùng biểu đồ tăng trưởng theo dõi cân nặng của trẻ. Hàng tháng, mẹ ghi lại cân nặng vào biểu đồ và vẽ đường phát triển cân nặng theo tháng tuổi.

Bảng tăng trưởng cân nặng của trẻ theo chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới

Trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng nếu đứng cân hoặc sụt cân liên tục trong 3 tháng. Lúc này, đường phát triển cân nặng nằm ngang hoặc đi xuống. Trẻ suy dinh dưỡng nếu điểm chấm cân nặng theo tháng tuổi của trẻ trên biểu đồ nằm trong kênh B.

Bảng tăng trưởng chiều cao của trẻ theo chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới

​Muốn đánh giá toàn diện, nên theo dõi cả 2 chỉ số cân nặng và chiều cao. Sau đó tra bảng để biết tình trạng dinh dưỡng của trẻ. Suy dinh dưỡng trẻ em được chia làm 3 loại:

Suy dinh dưỡng cấp tính: Chiều cao bình thường, nhưng cân nặng dưới chuẩn trung bình. Trẻ dễ phục hồi và ít chịu di chứng.

Suy dinh dưỡng mạn tính: Chiều cao và cân nặng đều dưới chuẩn trung bình. Tình trạng thiếu dinh dưỡng đã xảy ra suốt thời gian dài và đang tiếp diễn. Trẻ có vóc dáng nhỏ bé trong tương lai, giảm khả năng đề kháng với bệnh tật, chỉ số thông minh khó đạt mức tối ưu. 

Suy dinh dưỡng bào thai: Cân nặng lúc sinh dưới 2,5kg, chiều dài dưới 48cm và vòng đầu nhỏ hơn 35cm. Trẻ khó nuôi và chậm phát triển thể lực lẫn trí lực.

Cha mẹ nên cho trẻ cân và đo chiều cao mỗi tháng, sau đó chấm lên biểu đồ hoặc tra vào bảng. Khi thấy trẻ chậm tăng cân hoặc chậm tăng chiều cao liên tục trong 2 tháng, nên đưa trẻ đi khám tư vấn dinh dưỡng..  

Theo BS.CK1 Nguyễn Thị Ngọc Hương
Nguyên Trưởng khoa dinh dưỡng lâm sàng, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM
VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X