Hotline 24/7
08983-08983

Thuốc Crestor trị rối loạn lipid máu có tốt không?

Tôi đang được dùng thuốc hạ lipid máu tên là Crestor 10 mg/ngày. Xin cho biết lợi ích và những tác dụng phụ? Có những loại thuốc nào khác điều trị được bệnh này không?

Trả lời:

1. Crestor là sản phẩm của công ty dược phẩm AstraZeneca có thành phần là rosuvastatin. Đây là thuốc thuộc nhóm statin, có những lợi ích sau:

Điều trị rối loạn lipid máu:

Tăng cholesterol máu nguyên phát hoặc rối loạn lipid máu hỗn hợp: là một liệu pháp hỗ trợ cho chế độ ăn kiêng khi bệnh nhân không đáp ứng đầy đủ với chế độ ăn kiêng và các liệu pháp không dùng thuốc khác (như tập thể dục, giảm cân).

Tăng cholesterol máu gia đình kiểu đồng hợp tử: dùng hỗ trợ cho chế độ ăn kiêng và các biện pháp điều trị giảm lipid khác hoặc khi các liệu pháp này không thích hợp.

Phòng ngừa tiên phát bệnh lý tim mạch

Crestor đã chứng minh làm giảm nguy cơ bị tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim ở những bệnh nhân không bị bệnh mạch vành hoặc rối loạn lipid máu nhưng lại đi kèm các yếu tố sau: tuổi trên 50 với nam và trên 60 với nữ; hsCRP ≥ 2 mg/L; Có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ là tăng huyết áp, HDL-C thấp, hút thuốc lá, tiền sử gia đình có người mắc bệnh mạch vành.

Phòng ngừa thứ phát bệnh tim mạch

Crestor được chứng minh làm giảm quá trình vữa xơ động mạch.


Công dụng của Crestor là điều trị rối loạn mỡ máu, phòng ngừa tim mạch, đột quỵ

2. Tuy nhiên cũng giống như bất kỳ loại thuốc nào khác, Crestor cũng có một số tác dụng phụ sau:

- Các phản ứng ngoại ý được ghi nhận khi dùng Rosuvastatin (Crestor) thường nhẹ và thoáng qua. Trong các nghiên cứu lâm sàng có đối chứng, có dưới 4% bệnh nhân điều trị bằng Rosuvastatin rút khỏi nghiên cứu do biến cố ngoại ý. Hiếm gặp các phản ứng quá mẫn kể cả phù mạch.

- Rối loạn hệ thần kinh: Thường gặp: nhức đầu, chóng mặt.

- Rối loạn hệ tiêu hoá: Thường gặp: táo bón, buồn nôn, đau bụng.

- Rối loạn da và mô dưới da: Ít gặp: ngứa, phát ban và mề đay.

- Rối loạn hệ cơ xương, mô liên kết và xương: Thường gặp: đau cơ. Hiếm gặp: bệnh cơ, tiêu cơ vân.

- Các rối loạn tổng quát: Thường gặp: suy nhược.
 
3. Các thuốc điều trị rối loạn lipid máu bao gồm 5 nhóm chủ yếu:

- Nhóm thuốc statin: Thuốc ngăn chặn tổng hợp cholesterol tại gan bằng cách ức chế cạnh tranh hoạt động của men HMG-CoA reductase, làm giảm tổng hợp cholesterol ở toàn bộ cơ thể

- Thuốc gắn acid mật (resin): Thuốc làm tăng gắn cholesterol với acid mật, do vậy thuốc làm tăng thải cholesterol qua đường mật

- Thuốc ức chế ly giải lipid (Nicotinic acid): Thuốc làm giảm sự di chuyển acid béo tự do từ các tổ chức mỡ, do vậy gan sẽ có ít nguyên liệu để tổng hợp ra cholesterol.

- Nhóm thuốc fibrat: Thuốc làm tăng ly giải lipid ở ngoại biên và giảm sản xuất triglycerid ở gan.

- Thuốc ức chế hấp thu cholesterol (Ezetimibe): Thuốc có tác dụng ức chế hấp thu cholesterol một cách có chọn lọc ở ruột non.

Liều lượng và cách dùng Crestor:

Khởi đầu 5 hoặc 10mg, ngày 1 lần, nếu cần có thể chỉnh liều sau mỗi 4 tuần, liều 40mg chỉ dùng khi tăng cholesterol máu nặng có nguy cơ cao về bệnh tim mạch mà không đạt được mục tiêu điều trị ở liều 20mg, bệnh nhân cần được theo dõi thường xuyên.

Lưu ý:

Ở bệnh nhân có tiền sử bệnh gan, như mọi statin khác, cần thận trọng khi bệnh nhân có yếu tố dễ tiêu cơ vân như suy thận, nhược giáp, tiền sử bản thân hoặc gia đình có bệnh di truyền về cơ, tiền sử độc tính trên cơ do các chất ức chế men HMG-CoA reductase khác hoặc fibrate, nghiện rượu, trên 70 tuổi, các tình trạng gây tăng nồng độ thuốc trong máu, dùng đồng thời với fibratem.

Ngưng dùng thuốc nếu CK > 5 x ULN hoặc triệu chứng về cơ trầm trọng. Không nên dùng khi có nhiễm khuẩn huyếtm tụt HA, đại phẫu, chấn thương, rối loạn điện giải, nội tiết, chuyển hóa nặng: co giật không kiểm soát được.

Những ai không nên uống Crestor:

- Quá mẫn cảm với thành phần thuốc.

- Bệnh gan phát triển kể cả tăng transaminase huyết thanh kéo dài không rõ nguyên nhân, và khi transaminase tăng hơn 3 lần giới hạn trên mức bình thường.

- Suy thận nặng.

- Bệnh cơ.

- Đang dùng cyclosporin.

- Có thai hoặc cho con bú, phụ nữ có thể có thai mà không dùng biện pháp tránh thai thích hợp.


Theo Hội tim mạch học Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X