Hotline 24/7
08983-08983

Thuốc chống nôn không kê đơn: Dùng sao cho an toàn?

Các loại thuốc dùng để chống nôn, nhất là trong trường hợp do say tàu xe thường là thuốc không kê đơn (OTC). Người bệnh có thể tự mua về dùng mà không cần đơn của bác sĩ. Điều quan trọng là dùng sao cho an toàn và hiệu quả.

Các thuốc thường dùng hiện nay như bismuth subsalicylate (dùng khi nôn không thường xuyên do gặp phải tình trạng khó chịu ở dạ dày, ợ nóng), scopolamin (dùng khi bị cường phó giao cảm, cơ trơn sẽ co thắt, nhu động và vận động tiêu hóa mạnh lên, dịch tiết tiêu hóa tăng gây nôn, say), các thuốc kháng histamin như dimenhydrinate, meclizine hydrochloride… (ngăn ngừa và điều trị tình trạng buồn nôn, nôn do say tàu xe hoặc các triệu chứng của chóng mặt).

Làm cách nào để dùng thuốc an toàn?

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng để đảm bảo rằng dùng đúng liều lượng thuốc theo khuyến cáo. Việc dùng quá liều lượng (uống quá liều) không làm thuốc có tác dụng tốt hơn hoặc nhanh hơn, mà còn gây nguy hiểm cho người dùng.

Nếu người bệnh đang dùng một loại thuốc theo đơn cần hỏi bác sĩ đang điều trị cho mình xem việc dùng thuốc chống nôn này có ảnh hưởng tới thuốc đang dùng hoặc bệnh đang điều trị của mình không.

Không sử dụng nhiều hơn 1 loại OTC chống nôn tại một thời điểm (trừ khi có chỉ định của bác sĩ), để phòng các thuốc đó có thành phần hoạt tính tương tự sẽ dẫn đến quá liều thuốc.

Khi tích trữ thuốc chống nôn trong nhà, cần để thuốc ngoài tầm với của trẻ, giữ thuốc nơi khô mát và để ý tới hạn dùng của thuốc (chỉ dùng thuốc khi còn hạn sử dụng).

Để phòng ngừa say tàu xe, liều đầu tiên cần được uống 30 phút đến 1 giờ trước khi đi du lịch hoặc bắt đầu lên tàu, xe. Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi có thể dùng mỗi 4-6 giờ; trẻ em dưới 12 tuổi có thể dùng mỗi 6-8 giờ khi cần thiết để ngăn chặn hoặc điều trị say tàu xe. Trẻ em dưới 2 tuổi không nên dùng (trừ khi có chỉ định của bác sĩ).

Một số điều cần lưu ý

Thông thường đối với người lớn khỏe mạnh thường không hoặc rất ít gặp những tác dụng phụ của các loại thuốc chống nôn này. Nhưng các tác dụng phụ của thuốc có thể là một mối lo ngại cho người lớn tuổi hoặc những người có vấn đề về sức khỏe.

Thuốc chống nôn không kê đơn: Dùng sao cho an toàn?Khi dùng thuốc, nếu gặp các triệu chứng nhịp tim đập nhanh hoặc không đều, cần đi khám để được xử lý kịp thời

Thông thường các tác dụng phụ sẽ hết khi ngừng dùng thuốc. Ví dụ: Đối với subsalicylate bismuth bất lợi thường gặp là phân đen, táo bón, ù tai…; đối với các thuốc kháng histamin là buồn ngủ, khô miệng, khô mắt… Trong trường hợp khi ngừng thuốc các dấu hiệu trên không hết, hoặc nếu gặp các triệu chứng nhịp tim đập nhanh hoặc không đều, cần đi khám và được xử lý y tế kịp thời.

Đối với thuốc subsalicylate bismuth, những người bị dị ứng với thuốc aspirin hoặc các thuốc salicylat khác, trẻ em dưới 12 tuổi… không nên dùng; bismuth subsalicylate có thể ảnh hưởng đến một số loại thuốc của người bệnh đang dùng (gây tương tác bất lợi) như thuốc chống đông máu, thuốc trị bệnh gút, thuốc trị viêm khớp, đái tháo đường… Vì vậy, đối với những người bệnh đang dùng các thuốc trên cần hỏi bác sĩ trước khi dùng thuốc. Tránh dùng thuốc giảm đau có chứa aspirin khi dùng cùng với thuốc chống nôn subsalicylate bismuth (vì sẽ gây quá liều salicylate).

Đối với các thuốc kháng histamin, do tác dụng an thần nên không được dùng cùng với rượu, thuốc ngủ, thuốc an thần vì sẽ làm tăng tác dụng an thần (buồn ngủ) của thuốc chống nôn. Cần lưu ý, nhiều thuốc trị cảm lạnh, dị ứng cũng có chứa các thuốc kháng histamin. Vì vậy, khi dùng cùng các thuốc này cần lưu ý để tránh quá liều thuốc có chứa kháng histamin. Những người có các vấn đề như bệnh tim, tăng huyết áp, hen suyễn, glaucoma… cần phải trao đổi với bác sĩ trước khi dùng thuốc kháng histamin chống nôn.

Theo DS Hoàng Thu Thủy - Sức khỏe và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X