Hotline 24/7
08983-08983

Thuốc "cảm cúm" không lành như vẫn tưởng

Khi sốt, đau người dân thường tự uống thuốc giảm đau, hạ sốt (thuốc “cảm cúm”). Thuốc không chữa được nguyên nhân gây bệnh và được cho là rất lành nhưng thực sự không “lành” như vẫn tưởng!

Một chiếc sọ được xếp từ 630 viên Paracetamol (ảnh minh họa, nguồn pinterest.com).

Lứa tuổi nào cũng bị

Ngày 29/5, anh H.T.G, 20 tuổi, ở huyện Quang Bình, Hà Giang, vào BV Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) trong tình trạng người gầy yếu. Từ trước đó 10 ngày, anh đau đầu nên tự uống thuốc Panadol mỗi ngày 2 viên, rồi bị nôn, vàng da, vàng mắt tăng dần, mệt mỏi, ăn uống rất kém.

Anh đi viện khám, biết men gan tăng nhưng không nhập viện, về nhà uống thuốc. Các biểu hiện trên ngày một nặng mới vào BV huyện điều trị 3 ngày nhưng bệnh không giảm.

BV Hùng Vương chẩn đoán suy gan do ngộ độc Paracetamol, phải điều trị giải độc tích cực trong khoa Hồi sức - cấp cứu. Sáu ngày sau men gan bắt đầu giảm, vàng da, vàng mắt nhẹ dần, đã ăn được...

Không ít những ca nguy kịch hoặc tử vong do thuốc “cảm cúm” được cho là “lành” này. Tháng 9.2017, tại Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai, Hà Nội, bệnh nhân L.T, SN 1995, ở Sơn La, đã qua đời vì hôn mê gan dù được tích cực cứu chữa, bởi uống 19 viên Paracetamol 500mg để hạ sốt trong 2 ngày (liều tối đa 6 viên 500mg/24h). Bệnh nhân đến Trung tâm khi đã hôn mê, viêm gan rất nặng vì ngộ độc Paracetamol trên nền viêm gan B (nhưng không biết).

Tháng 3.2017, ông C.V.T, ở huyện Ninh Giang, Hải Dương tự uống thuốc hạ sốt sủi mấy ngày không đỡ; rồi chán ăn, mệt mỏi, da vàng suộm như nghệ. BV Bạch Mai chẩn đoán ngộ độc Paracetamol trên người có tiền sử men gan cao.

Anh Nguyễn Minh T, 30 tuổi, ở Hải Phòng, sốt 39,5 - 400C, trong 3 ngày uống 16 viên hạ sốt có Paracetamol, sốt không giảm. Trung tâm chống độc Bạch Mai chẩn đoán ngộ độc Paracetamol trên bệnh nhân viêm gan A. Trước khi sốt, mấy ngày đều một, hai trận rượu túy lúy càn khôn. Mỗi ngày hơn 5 viên, tuy chưa vượt liều cho phép nhưng trên nền viêm gan lại thêm rượu và Paracetamol thì lá gan của anh làm sao chống đỡ!

Chị Đàm Thị V, 20 tuổi, ở Hàm Yên, Tuyên Quang thường xuyên đau đầu, uống Paracetamol dài ngày cho đến đau hạ sườn phải. BV tỉnh chẩn đoán suy gan cấp do ngộ độc Paracetamol, phải nhập viện cấp cứu.

Bà Trương Thị H ở Thanh Hóa, đôi mắt đã gần như không nhìn thấy gì, khi ra khám ở Viện mắt TƯ mới biết đó là hậu quả của lần ngộ độc Paracetamol mấy năm trước. Bà phải cấp cứu và qua khỏi được nhưng bị xơ hóa giác mạc. Không có điều kiện để ghép giác mạc, bà đành sống những ngày đui dần.

Trẻ em cũng không là ngoại lệ. Bé Nguyễn Bảo M, 3 tuổi, ở khu đô thị Việt Hưng, Hà Nội, bị sốt, mẹ tự cho con uống thuốc hạ sốt. Muốn con khỏi nhanh, mẹ cho uống 2 giờ 1 lần thay vì 4 giờ như được dặn, đã thế, còn đặt thuốc hạ sốt hậu môn. Sau 3 ngày, bé buồn nôn, quấy khóc, da vàng, mẹ đưa đi cấp cứu ở khoa Nhi, BV Bạch Mai thì BS nói cháu ngộ độc thuốc hạ sốt.

Bé Nguyễn Thiện M, ở Gia Lâm, Hà Nội bị mờ mắt dần. Khi cháu vào Viện Mắt TƯ thì thị lực đã giảm 60%. Trước đây, bé bị ngộ độc Paracetamol phải cấp cứu.

PGS Hoàng Thị Minh Châu, khoa Kết - Giác mạc nói rất đau lòng vì cháu mới 10 tuổi nhưng các BS không có cách gì để bé nhìn được.

Bà cho biết, BV thường xuyên nhận những ca giảm hay mất thị lực sau ngộ độc Paracetamol và hầu hết người ngộ độc Paracetamol đều không biết vì sao thị lực giảm!

Điểm mặt những loại thuốc “cảm cúm”

Lâu nay những thuốc “cảm cúm”, có thành phần chính là acetaminophen (hay paracetamol) được mua bán không khác gì rau. Nếu các loại thuốc giảm đau khác như Aspirin; Miloxecam, Brexin... (dòng không steroit - NSAID); Presnisolon, Medrol... (dòng steroit) gây chảy máu dạ dày và rất nhiều tác dụng phụ xấu khác thì các thuốc “cảm cúm” không làm chảy máu dạ dày, bởi thế dân ta cứ uống vô tư!

Chất Paracetamol được tìm ra năm 1955 với công dụng hạ sốt, giảm đau, được cho là “an toàn” và hiệu quả nhất, không có tác dụng phụ và biến chứng nguy hiểm như các thuốc giảm đau khác...

Từ đó đến nay, rất nhiều biệt dược ra đời từ chất này: Acetaminophen, Paracetamol đến Tylenol, Tiffy, Panadol (không hoặc có thêm cafein; dạng sủi; dành riêng cho trẻ em), Panet, Efferangan (không và có thêm Codein), Panamax, Hapacol, My Para - ER...

Paracetamol gây ra những biến chứng gì?

Paracetamol gây ngộ độc với liều 150mg/kg cân nặng, biểu hiện: Trong 24h: Buồn nôn, nôn, ngủ lịm, chán ăn, vã mồ hôi, khó chịu, men gan tăng.

Từ 24 - 72h: Chán ăn, buồn nôn, nôn giảm đi, thêm đau vùng hạ sườn phải; bilirubin (chất mật) và men gan... tăng cao, do tế bào gan bị phá hủy giải phóng các chất này vào máu; suy giảm chức năng thận.

Từ 72 - 96h, nổi bật là vàng da (màu của bilirubin), rối loạn đông máu (chảy máu do thiếu prothrombin). Hoại tử gan dẫn tới bệnh não do gan: Thay đổi cảm xúc, mất tập trung, rối loạn giấc ngủ; lơ mơ, ý thức (năng lực định hướng không gian, thời gian, xung quanh, bản thân) u ám (ý thức bị phủ sương mù); hành vi bất thường, đến mất định hướng; ngủ gà (ý thức u ám nặng)...; hôn mê, biểu hiện mất não.

Sau hủy hoại gan sẽ đến suy thận cấp, biến chứng viêm phổi, nhiễm khuẩn tiết niệu hoặc máu. Tử vong do suy gan, thận; rối loạn đông máu; hạ thân nhiệt và suy đa tạng.

Paracetamol không độc, nhưng khoảng 10% chất này oxy hóa thành chất độc (N-Acetyl-P- Benzoquinone Imine) hủy hoại tế bào gan. Tuy chất này bị glutathion do gan sản xuất biến thành một chất không độc và thải ra ngoài qua thận, nhưng quá liều paracetamol gây ứ thừa chất độc này, hủy hoại cả gan, thận.

Gan là “nhà máy hóa chất” vì hầu hết chất độc nội sinh và ngoại nhập đều được gan “xử lý” thành không độc hoặc giảm độc. Tế bào gan rất dễ bị phá hủy nhưng cũng sinh sản rất nhanh để thích nghi với “môi trường độc hại”. Nhưng nếu gan lâm vào tình thế “tứ bề thọ địch” thì làm sao chống đỡ khi cả rượu, virus viêm gan và Paracetamol cùng tấn công, trong khi rượu, bia làm tăng độc tính của Paracetamol hoặc như ông C.V.T, tế bào gan đã bị hủy hoại lâu ngày!

Đáng nói, hiện 6 - 20% người Việt khỏe mạnh mang virus viêm gan B, 0,2 - 4% mang virus viêm gan C, chưa kể số mang virus A, E, D, nhưng rất ít người biết mình đang mang virus! Vì thế, nhiều người đau đầu vì rượu, bia cứ vô tư uống thuốc giảm đau để phá gan mình, mà không chỉ một lần!

Cần biết là mức độ tăng men gan máu tỉ lệ thuận với mức độ phá hủy tế bào gan. Trung tâm chống độc Bạch Mai thống kê, ngộ độc Paracetamol hiện nhiều thứ 2 trong các ca ngộ độc thuốc vào khoa. Paracetamol là nguyên nhân hàng đầu gây suy gan cấp ở Mỹ và nhiều nước khác, với 25% tử vong trong số ngộ độc nặng.

Năm 2009, ở Mỹ có 401 tử vong do Paracetamol; 30 - 50% số nhập viện do ngộ độc paracetamol có kèm nguy cơ khác (rượu, dùng cùng thuốc khác, tình trạng dinh dưỡng...). Thực sự ngộ độc Paracetamol là “dịch thầm lặng” khi dòng thuốc này đang “làm mưa làm gió” trên thị trường. Thậm chí, giới trẻ còn dùng Paracetamol để... "dứt nợ trần".

Ở tiểu bang Victoria, Úc, 50% bệnh nhân từ 15 - 24 tuổi ngộ độc Paracetamol là dùng để tự tử. Một bé 13 tuổi, ở TPHCM đã uống khoảng 50 viên thuốc chứa Paracetamol để tự sát chỉ vì mẹ mắng... Thật sự, uống paracetamol khó chết ngay, nếu chết sẽ thê thảm, không nhanh được, vì sau 3, 4 ngày gan mới bị hủy hoại...

Cơ quan Quản lý dược và thực phẩm Mỹ (FDA) cảnh báo các thuốc chứa Paracetamol gây dị ứng nghiêm trọng trên da (hồng ban, phỏng nước, trợt da, viêm lở loét lan tỏa hay mụn mủ, hoại tử), niêm mạc (mắt, họng, sinh dục, tiết niệu) và loét giác mạc mắt (hội chứng Steven-Johnson - SJS và Lyell) có thể ngay từ lần dùng đầu tiên...

BS Châu cảnh báo, ngộ độc Paracetamol khi vào viện các khoa cấp cứu thường không để ý đến mắt, lo cứu sống trước. Khi bệnh nhân hồi tỉnh thì mắt đã hỏng, vì Paracetamol làm bong rộp giác mạc, hình thành sẹo giác mạc và lan rộng dần, toàn bộ tuyến nước mắt bị tổn hại, mắt khô dần, dính và co dần lại.

Các BS New Zealand và Đan Mạch khảo sát trên 1.736 trẻ em dưới 15 tháng đến 7 tuổi, kết luận: Dùng Paracetamol cho trẻ gây chứng co thắt phế quản, thở rít, khò khè, tăng gấp đôi nguy cơ bị hen sau này; dùng càng nhiều, nguy cơ càng cao, đặc biệt cao nếu bố mẹ bị hen phế quản.

Để tránh tối đa rủi ro, tốt nhất là không lạm dụng thuốc có Paracetamol, không dùng quá liều, đọc kỹ chống chỉ định. Nếu thuốc chứa 500mg paracetamol/viên, người lớn và trẻ em 12 tuổi trở lên: Không quá 6 viên/24h, chia 4 lần, không dùng quá 10 ngày liên tục.

Trẻ 12 tuổi trở xuống: 10 - 15mg/kg/lần: 5 - 6 lần/24h, không dùng quá 5 ngày liên tục; liều uống và đặt hậu môn như nhau và chỉ dùng một đường; phải hỏi BS khi dùng cho trẻ dưới hai tuổi...

Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các cơ sở sản xuất thuốc chứa Paracetamol phải cảnh báo biến chứng nghiêm trọng của thuốc. Hướng dẫn sử dụng phải có mục “Thận trọng và cảnh báo đặc biệt khi sử dụng thuốc” với nội dung “Bác sĩ cần cảnh báo về các dấu hiệu của phản ứng trên da nghiêm trọng như các hội chứng Steven-Johnson và Lyell, ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính”.

Theo BS Trần Kiên - Lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X