Hotline 24/7
08983-08983

Thực phẩm hữu cơ có tốt như bạn nghĩ?

Trong nỗi lo về an toàn vệ sinh thực phẩm, những thực phẩm hữu cơ là xu hướng mới của các bà nội trợ. Liệu thực phẩm hữu cơ có tốt như bạn nghĩ.

Rau hữu cơ chỉ tìm thấy ở các cửa hàng thực phẩm sạch hoặc các siêu thị có gian hàng hữu cơ, còn rau trồng công nghiệp thì bán ở tại hầu hết các khu chợ, cửa hàng, thậm chí là siêu thị... Do đó, rau hữu cơ thường có đầu ra dè dặt hơn so với thực phẩm thông thường.

Vậy giữa thực phẩm hữu cơ và thực phẩm trồng công nghiệp thông thường khác nhau như thế nào. Hãy lấy một ví dụ, nếu cùng là táo, một quả trồng theo kiểu hữu cơ, một theo kiểu thông thường mà cùng thơm ngon, bóng, đỏ cũng cung cấp chất xơ, vitamin, không có chất béo, natri và cholesterol, bạn sẽ chọn quả nào?

Canh tác thông thường và canh tác hữu cơ

Từ “hữu cơ” ở đây liên hệ đến cách mà người nông dân trồng và chế biến các mặt hàng nông sản như trái cây, rau củ, các loại hạt, thịt và các sản phẩm từ sữa. Việc tiến trình trồng trọt theo hướng hữu cơ được thiết kế nhằm tăng cường sự bảo tồn cải tạo đất và nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Người nông dân trồng các sản phẩm hữu cơ không sử dụng các phương pháp truyền thống để chăm bón và kiểm soát cỏ dại. Các ví dụ về tiến trình trồng trọt hữu cơ bao gồm việc sử dụng phân bón có nguồn gốc tự nhiên để bón cho đất và cây trồng, sử dụng biện pháp luân canh cây trồng hoặc phủ, bồi để kiểm soát cỏ dại.

Các nhà nghiên cứu tại ĐH Stanford, Mỹ đã tiến hành một thử nghiệm lâm sàng về các tài liệu đã được xuất bản để quyết định xem liệu thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ có an toàn và tốt cho sức khỏe hơn các loại thực phẩm truyền thống khác hay không. Kết quả là các tài liệu trên không đề cập đến bất kỳ lợi ích sức khỏe nào từ việc tiêu thụ nhiều thực phẩm hữu cơ hơn thực phẩm truyền thống. Tuy nhiên, thử nghiệm cho thấy rằng việc tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ có thể giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc với các loại thuốc trừ sâu, còn các loại thịt heo, gà hữu cơ sẽ giúp giảm nguy cơ tác động bởi kháng sinh và các loại vi khuẩn kháng kháng sinh.

Ngoài ra, không có sự khác biệt về lượng vitamin được tìm thấy giữa cây trồng, vật nuôi hữu cơ và truyền thống. Trong đánh giá về độ dinh dưỡng thì hàm lượng phốt pho trong các sản phẩm hữu cơ thường cao hơn trong các sản phẩm truyền thống nhưng điều này cũng không quá quan trọng, bởi sự thiếu hụt phốt pho nói chung không gây ảnh hưởng đến chế độ ăn uống.

Dư lượng thuốc trừ sâu thường ít được tìm thấy trong sản phẩm hữu cơ (7%), so với sản phẩm truyền thống (38%). Giới hạn của việc tìm thấy này thường thay đổi giữa các cuộc nghiên cứu. Cả sản phẩm hữu cơ và truyền thống đều chỉ chứa một tỉ lệ rất nhỏ vượt quá giới hạn cho phép.

Hữu cơ hay không? Kiểm tra nhãn

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã thiết lập một chương trình chứng nhận hữu cơ cho sản phẩm nông nghiệp và đòi hỏi những tiêu chuẩn nghiêm ngặt để một sản phẩm được gắn mác hữu cơ. Các tiêu chuẩn này dựa trên việc sản phẩm đó được trồng, xử lý và chế biến.

Bất kỳ sản phẩm nào được dán nhãn hữu cơ trên sản phẩm hoặc bao bì phải được sự chứng nhận của USDA. Nếu nó được chứng nhận, nhà sản xuất cũng có thể sử dụng con dấu chính thức của USDA Organic. Chỉ có các nhà sản xuất bán các thực phẩm hữu cơ ít hơn 5.000 đô trên một năm thì được miễn chứng nhận này. Tuy nhiên, USDA vẫn yêu cầu họ phải tuân theo các quy định của USDA về thực phẩm hữu cơ.

Nếu một thực phẩm mang nhãn hữu cơ của USDA thì có nghĩa là nó được sản xuất và chế biến theo tiêu chuẩn của USDA. Các sản phẩm hoàn toàn hữu cơ như hoa quả, rau, trứng hoặc các thức ăn không qua chế biến sẽ được gắn nhãn 100% hữu cơ của USDA. Các thực phẩm chế biến có nhiều thành phần như bánh ngũ cốc có thể sử dụng con dấu hữu cơ USDA kèm theo các từ sau đây:

100% hữu cơ: Nếu tất cả các thành phần đều được sản xuất theo kiểu hữu cơ,

Hữu cơ: Nếu sản phẩm có ít nhất 95% các thành phần được sản xuất theo kiểu hữu cơ.

Làm bằng nguyên liệu hữu cơ: Sản phẩm có tối thiểu 70% thành phần hữu cơ thì thêm từ "làm từ nguyên liệu hữu cơ”.

Thành phần hữu cơ: Nếu ít hơn 70% thì sẽ không được gắn nhãn “hữu cơ”. Sản phẩm đó có thể có nguyên liệu hữu cơ nhưng sẽ không được gắn nhãn hữu cơ của USDA.

"Hữu cơ' và 'tự nhiên' có nghĩa là giống nhau không?

Tất nhiên là không. "Hữu cơ” và "tự nhiên” không thể thế chỗ cho nhau. Bạn có thể thấy từ "tự nhiên" hoặc "tất cả làm từ thiên nhiên" hay "không sử dụng hormone” trên nhãn nhưng chúng không phải là “hữu cơ”. Chỉ có loại thực phẩm được trồng và chế biến theo tiêu chuẩn của USDA mới được coi là hữu cơ. Nói chung "tự nhiên" trên nhãn thực phẩm có nghĩa là nó không có màu sắc, hương vị hoặc chất bảo quản nhân tạo. Nó không đề cập đến các phương pháp hoặc vật liệu được sử dụng để sản xuất các thành phần thực phẩm.

Các nhãn thực phẩm phổ biến khác cũng không nên nhầm lẫn với các nhãn hữu cơ. Ví dụ, các hướng dẫn cho thịt bò hữu cơ được chứng nhận bao gồm - trong số một số yêu cầu - tiếp cận đồng cỏ trong một mùa chăn thả tối thiểu 120 ngày và không có hormone tăng trưởng. Nhưng các nhãn "phạm vi tự do" hoặc "không có hormone", trong khi chúng phải được sử dụng trung thực, không chỉ ra một nông dân tuân thủ tất cả các hướng dẫn về chứng nhận hữu cơ.

Thực phẩm hữu cơ có tốt như bạn nghĩ? - ảnh 1Thực phẩm hữu cơ có những ưu điểm hơn so với thực phẩm thông thường. Ảnh: Internet

Phải chăng thực phẩm hữu cơ dinh dưỡng hơn?

Tất nhiên là không nhưng câu trả lời vẫn chưa rõ ràng vì chưa có kiểm nghiệm nào chứng minh được thực phẩm hữu cơ chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn thực phẩm thông thường. 

Thực phẩm hữu cơ là một sự lựa chọn thay thế

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn thực phẩm hữu cơ. Đối với một vài người họ chọn thực phẩm hữu cơ vì họ thích mùi vị của chúng hơn. Tuy nhiên, những người khác lại lựa chọn thực phẩm hữu cơ vì những lý do sau:

Hóa chất bảo vệ thực vật: Canh tác thông thường sử dụng chất bảo vệ thực vật hóa học để phòng chống nấm mốc, côn trùng và các bệnh khác. Điều mọi người lo lắng là sự tồn dư lượng hóa chất này trên thực phẩm sẽ có hại cho sức khỏe. Do đó thực phẩm hữu cơ với ưu thế là không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật nên sẽ không có sự tồn dư hóa chất sẽ được nhiều người lựa chọn hơn. Thay vì dùng hóa chất người ta sẽ lựa chọn giống cây cẩn thận (giống có thể kháng bệnh), sử dụng bẫy côn trùng, sử dụng các loài thiên địch hay vi khuẩn có lợi để kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng. Tuy nhiên, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên thực phẩm thông thường cũng không quá ngưỡng cho phép khi được đem ra thị trường.

Phụ gia thực phẩm: Thực phẩm hữu cơ bị cấm hoặc rất hạn chế dùng chất phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến là những chất thường thấy trong các thực phẩm không phải là hữu cơ. Ví dụ như là chất bảo quản, chất làm ngọt nhân tạo, chất tạo màu, hương vị, mì chính (monoonosodium glutamate).

Vì môi trường: Một số người mua thực phẩm hữu cơ là vì kiểu canh tác hữu cơ không những không gây ô nhiễm đất, nước mà còn giúp bảo vệ độ tơi xốp cho đất.

Nhược điểm của thực phẩm hữu cơ

Mối quan tâm chung của mọi người là giá cả của thực phẩm hữu cơ, thường thì giá của thực phẩm hữu cơ cao hơn các thực phẩm thông thường do phương thức canh tác hữu cơ cũng sẽ tốn nhiều chi phí hơn.

Thực phẩm hữu cơ không có chất bảo quản nên chúng cũng dễ bị hỏng nhanh hơn. Ngoài ra, các thực phẩm hữu cơ cũng không có vẻ ngoài hoàn hảo, màu sắc không đẹp, kích thước không đồng đều. Tuy nhiên, chúng vẫn đáp ứng những tiêu chuẩn chất lượng và độ an toàn như những sản phẩm thông thường khác.

Lời khuyên về an toàn thực phẩm

Cho dù bạn lựa chọn thực phẩm hữu cơ hay thông thường thì bạn cũng nên ghi nhớ rằng:

Chọn các loại thực phẩm có nguồn gốc khác nhau để cung cấp đủ chất dinh dưỡng và giảm thiểu tác hại của chất bảo vệ thực vật.

Chọn rau và hoa quả theo mùa để đảm bảo sự tươi ngon hoặc mua từ những trang trại trong khu vực bạn sống.

Đọc nhãn sản phẩm một cách cẩn thận vì không phải một sản phẩm mang nhãn hữu cơ là một sản phẩm không có hại cho sức khỏe, một vài sản phẩm hữu cơ chứa nhiều đường, muối, chất béo và calo.

Rửa rau và hoa quả dưới vòi nước giúp loại bỏ vi khuẩn và bụi. Tuy nhiên, rửa dưới vòi nước cũng không thể loại đi được dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật nên bạn có thể gọt vỏ rau củ nhưng lưu ý là lột bỏ vỏ cũng có thể làm mất đi chất xơ và dinh dưỡng của thực phẩm.

Theo N.Hà - Pháp luật TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X