Hotline 24/7
08983-08983

Thực phẩm bẩn - Mối lo ngại không bao giờ chấm dứt?

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm thế giới có khoảng 600 triệu người mắc bệnh và 420 nghìn người tử vong do ăn thực phẩm không an toàn. Thực phẩm không an toàn là nguyên nhân gây ra hơn 200 bệnh khác nhau.

Thực phẩm bẩn là gì?


Nhắc đến thực phẩm bẩn, người ta thường nói khi nhắc tới những loại thức ăn không hợp vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Hoàng Long - Phó cục trưởng cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết các văn bản quy định hiện hành đều không sử dụng khái niệm thực phẩm bẩn. Đó chỉ là một từ ngữ được sử dụng phổ biến nhưng không phải là cụm danh từ chuẩn nên không thể định nghĩa một cách rõ ràng.

Mỗi loại thực phẩm đều có quy định riêng về ngưỡng an toàn. Thực phẩm được khẳng định là không an toàn khi có chứa các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe con người.

Danh mục các chất cấm đã được thông báo công khai trên trang website của Cục An toàn thực phẩm. Như vậy, tiêu chí đánh giá thực phẩm an toàn hay không dựa vào việc nó có sử dụng vượt ngưỡng cho phép các chất gây hại hoặc chất cấm hay không.



Nguyên nhân làm thực phẩm bẩn tràn lan


Chỉ rõ các nguyên nhân khiến tình trạng thực phẩm bẩn diễn biến phức tạp, trong buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn: Bất cập từ quản lý và giải pháp cho doanh nghiệp" hồi tháng 01 (do báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức), luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, như: Còn tình trạng sử dụng chất cấm trong sản xuất thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ; Công nghệ chế biến lạc hậu; ý thức và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp chưa cao; Thu hồi xử lý thực phẩm chưa nghiêm; Môi trường sản xuất chưa an toàn; Quy hoạch vùng sản xuất chưa gắn với thị trường tiêu thụ; Chế tài xử lý chưa răn đe; Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa tốt...

Trong khi đó, bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế lại nhấn mạnh đến nguyên nhân liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc và thu hồi chưa nghiêm.

Theo bà Nga, muốn hạn chế được tình trạng thực phẩm bẩn, thì ngay từ ban đầu phải có hệ thống kiểm soát để truy xuất và thu hồi các sản phẩm này. Nhưng do Việt Nam có quá nhiều cơ sở nhỏ lẻ, nên việc kiểm soát rất khó khăn. Theo đó, nếu vẫn còn những cơ sở nhỏ lẻ, thì việc thực phẩm không an toàn vẫn còn tiếp tục xảy ra.

Còn theo ông Nguyễn Văn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp hữu cơ lại nhấn mạnh đến nguyên nhân về ý thức và trách nhiệm của doanh nghiệp và người dân.

Ông Nguyễn Văn Cường cho biết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp và người nông dân không chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu và nảy sinh tâm lý ngắn hạn, dẫn đến việc để tối đa hóa lợi ích, họ sẵn sàng lạm dụng hóa chất trong sản xuất và chế biến thực phẩm, khiến nhiều người tiêu dùng sử dụng bị ngộ độc.

Những loại hóa chất nào bị cấm sử dụng trong thực phẩm?


- Salbutamol là chất tạo nạc cho lợn thuộc nhóm chất độc hại nằm trong nhóm chất cấm sử dụng của Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấm sử dụng.

Sử dụng salbutamol liều cao có nhiều tác dụng phụ, thậm chí có thể gây tử vong nếu người dùng bị ngộ độc. Vì vậy việc Sabutamol được phát hiện sử dụng trong hàng trăm nghìn con lợn đã được giết mổ, đem bán thị trường Việt Nam khiến nhiều người lo lắng về khả năng đã ăn phải thịt heo ngậm chất cấm.



- Formol là một hóa chất công nghiệp rất độc nhưng lại rất thông dụng. Formol có tính sát trùng cao nên trong y học sử dụng để diệt vi khuẩn, sát trùng và là dung môi để bảo vệ các mẫu thí nghiệm, ướp xác...

Kết quả giám sát được tiến hành tại TPHCM bởi Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) năm 2014 cho thấy,1/3 mẫu bánh phở ở có chứa formol.

- Melamine là một trong những hóa chất được khuyến cáo cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thực phẩm.

Tuy nhiên, công ty sản xuất sữa Tam Lộc của Trung Quốc đã trộn melamine vào trong sữa để làm cho thực phẩm có độ đạm cao hơn. Những sản phẩm sữa nhiễm melamine ước tính gây ảnh hưởng 300.000 người, với 54.000 trẻ phải nhập viện và 6 bé tử vong do tổn thương thận…

- Thạch tín là một chất độc hại, thường có trong các mạch nước ngầm. Thạch tín nhiễm vào nguồn nước tưới tiêu và đất trồng là nguyên nhân gây ô nhiễm đất nông nghiệp, chứa trong nước uống và một số thực phẩm, như gạo. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hấp thụ hóa chất độc hại này lâu dài có thể dẫn đến ung thư và tổn thương da, ảnh hưởng đến sự phát triển, các bệnh tim mạch, thần kinh.



- Hóa chất giúp làm chín trái cây nhanh tích tắc chỉ sau một đêm, giúp màu trái cây tươi mới lâu hơn. Thường sử dụng cho những trái cây còn xanh như: sầu riêng, xoài, mít,...

- Dexamethasone là một loại hormon kích thích có chứa nguyên tố Fluor. Chúng có thể được dùng trong dược phẩm vì có tính chống viêm. Tuy nhiên, chất này rất hiếm được bác sĩ kê đơn vì những tác dụng phụ rất đa dạng, có thể làm xáo trộn nhiệm vụ của một số bộ phận trong cơ thể. Khi bị tiếp nhiễm dài hạn, con người có thể bị loét dạ dày, xuất huyết đường ruột, loãng xương, tăng huyết áp...

Tuy nhiên, có một tác dụng khác của dexamethasone là làm tăng cân nhanh giả tạo vì chúng có tính giữ nước trong các tế bào của cơ thể. Chính vì lý do này mà một số bếp ăn tập thể vô lương tâm đã trộn thuốc vào thức ăn nhằm tăng cân cho trẻ (một số nơi đã bị báo chí làm rõ). Tùy theo liều lượng và thời gian sử dụng, dexamethasone sẽ làm mất chất vôi trong xương, làm loãng xương, ngoài ra còn có nhiều phản ứng phụ như trẻ em bị tăng huyết áp, rối loạn tinh thần, giảm sức đề kháng, do đó khả năng bị nhiễm khuẩn rất cao…

- Đối với gia súc như lợn, gà, vịt, hóa chất kích thích tăng trưởng ngoài dexamethasone, người chăn nuôi thường sử dụng là clenbuterol. Chất sau này ảnh hưởng lên sức khỏe người tiêu dùng rất nặng vì nó là mầm mống của bệnh ung thư.
 
Clenbuterol được trộn trong thức ăn cho lợn khiến lợn tăng trọng rất nhanh và làm thịt lợn trông rất bắt mắt. Từ năm 2002, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra quyết định cấm sử dụng clenbuterol trong chăn nuôi gia súc.

- NaHSO3 là hóa chất tẩy đường natri hiđrosulfit (NaHSO3) được sử dụng trong ngành dệt nhuộm, tẩy trắng bột giấy…

Để có vẻ ngoài bắt mắt, các loại rau củ tại chợ đầu mối đều được tẩy rửa bùn đất. Đặc biệt, những lô hàng bị héo do không kịp tiêu thụ, được người bán xử lý bằng hoá chất, giúp chúng tươi lại như mới thu hoạch.

- Urê là loại phân hóa học dùng trong nông nghiệp, ngoài giúp cây tăng trưởng còn có khả năng kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn, hàn the cũng có tác dụng sát khuẩn. Do giá thành không cao nên người kinh doanh thủy hải sản tươi sống đã dùng đạm urê nhằm giữ cho thực phẩm tươi lâu và không bị ươn.



Sau khi ướp urê, cá sẽ có màu tươi rất ngon. Tuy nhiên ăn phải hải sản có các chất này sẽ có nguy cơ dẫn đến ngộ độc cấp tính như: buồn nôn, chóng mặt, đau bụng, tiêu chảy... nếu nặng hơn sẽ dẫn đến tử vong.

- Nhiều trường hợp thịt bò mềm một cách bất thường không loại trừ khả năng người bán dùng chất làm mềm sodium bicarbonate (còn có tên gọi khác là baking soda, sodium hydrogen carbonate, bicarbonate of soda…). Đây là hóa chất thông dụng trong công nghiệp và dùng trong lĩnh vực y tế, thực phẩm.

Trong thực phẩm, chất bicarbonate of soda dùng để làm mềm thịt, nhưng nếu sử dụng quá liều lượng thì gây nhiều tác hại, nguy hiểm nhất sẽ có nguy cơ bị ung thư.

Thực phẩm bẩn: Nguyên nhân hàng đầu gây ung thư


GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết, trong các nguyên nhân dẫn đến ung thư, yếu tố nội sinh và di truyền chỉ chiếm dưới 10%, thậm chí chỉ 1-2% như ung thư vú, 90% còn lại là do môi trường. Trong đó, nguyên nhân từ thực phẩm bẩn đứng hàng đầu. Những thực phẩm này có chứa các chất độc hại gây ra sự đột biến tế bào ở cơ thể con người.

PGS.TS Hoàng Công Đắc, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, cũng cho rằng phần lớn nguyên nhân gây bệnh ung thư là do thực phẩm bẩn - vấn đề rất khó kiểm soát.

“Hiện nay, tỷ lệ ung thư đại trực tràng tiếp tục gia tăng ở các nước đang phát triển bởi thực phẩm bẩn”, PGS Đắc khẳng định.

Thực phẩm bẩn bao gồm rau củ có dư lượng thuốc bảo quản thực vật, lợn có chất tăng trọng, chất tạo nạc, các chất kích thích,… khiến nhiều người mắc ung thư.

Ngoài ra, những thực phẩm lên men, chế biến sẵn tồn dư nhiều chất bảo quản như thịt, dưa, cà muối, thịt hun khói, xúc xích, xì dầu… cũng là nguyên nhân dẫn tới căn bệnh chết người này.



PGS Đắc cho hay, các nước châu Âu với thói quen ăn đồ muối và Trung Quốc hay ăn xì dầu là những nơi có số người mắc ung thư đại trực tràng cao. Còn Việt Nam, bệnh này cũng không ngừng gia tăng, đứng thứ 4 trong các loại bệnh ung thư.

Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khẳng định không thể nhận biết thực phẩm không an toàn bằng mắt thường. Để kiểm tra chúng có chứa hóa chất hay không cần phải xét nghiệm.

Về điều này, PGS.TS. Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cho biết thêm, tùy vào mỗi loại thực phẩm, các chất cần xác minh sẽ có thời gian kiểm nghiệm dài, ngắn khác nhau.

“Nhiều chất chỉ mất nửa ngày có thể phân tích. Tuy nhiên nếu liên quan đến việc lên men để tìm ra các mẫu vi sinh vật gây hại thì chúng tôi có thể mất đến 15 ngày để hoàn tất quá trình lên men và phân tích mẫu thực phẩm", bà Hảo cho hay.


Hải Yến (Tổng hợp)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X