Hotline 24/7
08983-08983

Thục địa, dùng sao để bổ thận, trị suy nhược cơ thể?

Thục địa có vị ngọt, tính ấm và mùi thơm, có tác dụng dưỡng huyết, tư âm, bổ thận, làm đen râu và tóc. Vậy dùng sao để phát huy hết những tác dụng mà vị thuốc quý này mang lại?

Thục địa là gì?


Cây địa hoàng. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Địa hoàng tên khoa học là Rehmannia glutinosa (Gaertn), họ hoa mõm chó (Scrophulariaceae), dạng cây thảo sống nhiều năm, toàn thân cây có phủ một lớp lông trắng mềm. Thuộc cây rễ củ, mỗi cây có 5-7 củ, củ có cuống dìa, vỏ củ màu đỏ nhạt. Cây cao 20-30cm. Lá mọc tập trung ở gốc, phiến lá hình trứng ngược, gốc thuôn, đầu tròn, mép khía răng cưa tròn, gân lá hình mạng lưới nổi rõ ở mặt dưới.

Hoa tự mọc thành chùm trên ngọn thân cây, đài hình chuông, bên trên nứt thành 5 cánh, tràng hình snug hơi uốn cong, đầu khía 5 cánh, giống hình môi, mặt ngoài màu đỏ tím, mặt trong màu vàng có vân tím. Nhị cái 1, nhị đực 2. Quả bế đôi, hình tròn trứng, cánh đài bao úp. Nhiều hạt, hình trứng bé nhỏ, màu nâu nhạt. Đây là cây được di thực và trồng nhiều ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và Thanh Hóa…

Sinh địa là thân rễ phơi hay sấy khô của cây địa hoàng; còn thục địa được chế biến từ sinh địa theo dạng đồ, nấu chín, người xưa gọi là cửu chưng (đồ) cửu sái (phơi) nghĩa là 9 lần đồ, 9 lần phơi.

Cách chế biến thục địa như thế nào?


Thục địa màu đen huyền, cứng và dẻo mới tốt. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Trên thị trường, thục địa cũng dược chế biến từ củ sinh địa và cũng có màu dược liệu là đen nhưng độ tin cậy không cao, có nơi dùng rỉ mật mía để tẩm ướp thay vì chế biến theo quy trình công phu mà người xưa gọi là cửu chưng, cửu sái.

Củ địa hoàng lấy về, ngâm nước, cạo sạch đất. Lấy những củ vụn nát nấu lấy nước, nước đó tẩm những củ đã được chọn rồi đem đồ, đồ xong lại phơi, phơi khô lại tẩm. Tẩm và đồ như vậy được 9 lần, khi màu thục đen nhánh là được. Khi nấu không dùng nồi kim loại như đồng, sắt. Tuỳ từng nơi, người ta áp dụng cách chế biến có khác nhau, có thể dùng rượu nấu rồi lại dùng nước gừng ngâm, lại nấu tiếp tới khi có thục màu đen.

Còn theo BS Nguyễn Phú Lâm - Chủ tịch Hội Đông y Mang Thít, Vĩnh Long thì cách chế biến thục địa như sau: Củ địa hoàng khi mua về được rửa sạch, phơi khô. Sau đó, cứ 10kg sinh địa  cho thêm 1kg sa nhân, 2kg gừng khô bỏ vào nồi áp suất nấu với nhiệt độ từ 200 - 220 độ c. Nấu nồi áp suất giúp dược liệu giữ được tinh dầu, hương vị.

Sau 12 tiếng, lấy dược liệu ra để nguội, phơi khoảng 2 - 3 ngày cho khô. Dịch còn lại trong nồi được cô bớt rồi thêm một chút rượu, rồi đưa đi ủ vào số thục địa, cho nguyên liệu khô hút dịch này. Sau đó lại đem số thục địa và nước dịch còn lại vào nồi áp suất…

Quy trình nấu thuc địa như vậy lặp đi, lặp lại khoảng 4 - 5 lần là được. Lần cuối cùng dược liệu được phơi hoặc sấy khô. Chu trình nấu khoảng 15 ngày cho một mẻ dược liệu, thành phẩm là thục địa màu đen huyền, cứng và dẻo (khi gặp không khí), thơm.

Quy trình chế biến trải qua nhiều công đoạn, vì theo BS Lâm chất lượng thuốc có ý nghĩa quan trọng, quyết định “thành bại”, hiệu quả điều trị, chỉ khi thục địa qua chế biến như vậy mới trở nên bổ thận, không còn tính nê trệ của sinh địa nữa.

Thục địa có công dụng bổ thận, sáng tai mắt


Thành phần hóa học của thục địa là B-sitosterol, mannitol, stigmasterol, campesterol, rehmannin, catalpol, arginine, glucose. Y học hiện đại nhận thấy địa hoàng (bao gồm cả sinh địa, thục địa) có nhiều công dụng rất tốt như giúp hạ đường huyết, tăng cường sức khỏe tim mạch, hạ huyết áp, bảo vệ gan, lợi tiểu, cầm máu và  tác dụng lên một số vi trùng nên có tác dụng kháng viêm...

Theo tài liệu cổ, thục địa vị ngọt, tính hơi ôn vào 3 kinh: Tâm, Can, Thận. Có tác dụng nuôi thận, dưỡng âm, bổ thận, làm đen râu tóc, kinh nguyệt không đều, tiêu khát, âm hư, ho suyễn.

Còn theo y học cổ truyền, do cách chế biến mà tính chất của sinh địa và thục địa có khác nhau. Theo GS.TS Đỗ Tất Lợi, sinh địa và thục địa đều là thần dược (thuốc quý rất tốt) để chữa bệnh về huyết, nhưng sinh địa thì mát huyết, người nào huyết nhiệt nên dùng, thục địa ôn và bổ thận, người huyết suy nên dùng.

Cũng theo GS.TS Đỗ Tất Lợi, thục địa bổ tinh tủy, nuôi can thận, sáng tai mắt, đen râu tóc là thuốc tư dưỡng, cường tráng. Những người thần trí lo nghĩ hại huyết, túng dục hao tinh nên dùng thục địa.

Trong đó, thục địa là vị thuốc chủ yếu để bổ Thận, thuốc tốt nhất để dưỡng âm. Thục địa là thuốc vị “quân” trong nhiều cổ phương, như: Lục vị địa hoàng hoàng hoàn (thục địa, hoài sơn, sơn thù, đơn bì, trạch tả, bạch linh) hay bài Tứ vật (thục địa, bạch thược, đương quy, xuyên khung)...

Bài thuốc chữa bệnh từ thục địa


Dùng thục địa giúp bổ thận. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Liều dùng thục địa hằng ngày từ 9 - 15g. Dùng riêng hoặc phối hợp với nhiều vị thuốc khác trong những trường hợp sau:

Bài thuốc ngâm rượu có tác dụng bổ thận, cường dương, sinh tinh huyết, với những thành phần tốt cho sức khỏe và dễ uống:
Thục địa 100g, nhục thung dung 50g, huỳnh tinh 100g, kỷ tử 50g, sinh địa 50g, dâm dương hoắc 50g, hắc táo nhân 40g, quy đầu 50g, cam cúc hoa 30g, cốt toái bổ 40g, xuyên ngưu tất 40g, xuyên tục đoạn 40g, nhân sâm 40g, bắc kỳ 50g, phòng đảng sâm 50g, đỗ trọng 500g, đảng sâm 40g, trần bì 20g, đại táo 30 quả, lộc giác giao 40g. Trong đó: thục địa, nhục thung dung, huỳnh tinh, kỷ tử có tác dụng bổ thận sinh tinh; lộc nhung, lộc giác giao giúp bổ mạnh tinh huyết; nhân sâm, đảng sâm, bắc kỳ, đan sâm làm bổ khí, tăng cường sức khỏe; đương quy, xuyên khung có công dụng dưỡng huyết; sinh địa, táo nhân để dưỡng huyết, an thần.

Dưỡng huyết nhuận phu ẩm: thục địa 12g, sinh địa 12g, đương qui 12g, hoàng kỳ 15g, thiên môn đông 15g, mạch môn đông 15g, đào nhân 10g, hồng hoa 10g, thiên hoa phấn 12g, hoàng cầm 12g, thăng ma 6g. Dùng nước sạch sắc cô chung tất cả các vị thuốc trên, rồi bỏ bã lấy nước chia uống 3 lần/ ngày trước bữa ăn. Phương thuốc này có tác dụng tư dưỡng âm huyết, thích hợp với người già hoặc người thể chất hơi yếu mà da dẻ khô táo, ngứa ngáy, ban đêm ngứa nhiều hơn ban ngày.

Chữa suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, tiêu chảy mạn tính ở người cao tuổi: 16g thục địa, sơn thù, hoài sơn mỗi vị 12g, trạch tả, đan bì, phục linh, phụ tử chế mỗi vị 8g; nhục quế 4g. Tất cả sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.

Rượu bổ thận, tăng cường chức năng sinh dục và khả năng thụ tinh của nam giới: 40g thục địa, 100g ngài tằm đực khô, 60g dâm dương hoắc, kim anh và ba bích mỗi vị 50g, ngưu tất và sơn thù mỗi vị 30g, khởi tử và lá hẹ mỗi vị 20g. Tất cả đem bào chế thành 2 lít rượu thuốc, có thêm đường kính. Uống mỗi ngày 30ml.

Chữa di tinh: 16g thục địa, hoàng bá, tri mẫu, quy bản, kim anh, khiếm thực, liên nhục, tủy lợn mỗi vị 12g. Làm viên, mỗi ngày dùng 30g.

Chữa bế kinh, vô kinh: thục địa, đảng sâm mỗi vị 16g; bạch thược 12g; xuyên khung, đương quy, hoàng kỳ mỗi vị 8g. Sắc uống trong ngày. Hoặc thục địa, cỏ nhọ nồi mỗi vị 16g; kỷ tử, hà thủ ô, sa sâm, long nhãn, ích mẫu mỗi vị 12g. Sắc uống.         

Bài thuốc chữa vô sinh nữ với 6 vị thuốc quen thuộc: thục địa 320g, hoài sơn240g, sơn thù 200g, đơn bì 120g, trạch tả 120g, bạch linh 160g. Thục địa nấu cao pha mật ong; các vị còn lại sấy khô tán mịn, hoàn với mật ong mỗi viên 10g. Ngày uống 4 viên chia sáng chiều.

Chữa hen phế quản: thục địa 16g; kỷ tử, phụ tử chế mỗi vị 12g; sơn thù, hoài sơn, phục linh mỗi vị 8g; cam thảo, nhục quế mỗi vị 6g. Sắc uống trong ngày.

Chữa tăng huyết áp: thục địa 16g, hoài sơn 12g; sơn thù, trạch tả, đan bì, phục linh, đương quy, bạch thược mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Ai không nên dùng thục địa?


Trường hợp tỳ vị hư hàn, tiêu chảy, ăn kém hay đầy bụng thì không nên dùng. Nếu cần nên hỏi ý kiến thầy thuốc phối hợp thuốc kiện tỳ hành khí.

Tác dụng phụ của thục địa nhẹ, bao gồm tiêu chảy, bụng đau, chóng mặt thiếu khí, hồi hộp. Những triệu chứng này thường hết khi ngưng dùng thục địa.

Hồng Anh (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X