Hotline 24/7
08983-08983

Thụ tinh trong ống nghiệm liên quan đến ung thư buồng trứng?

Tháng rồi, M.T, 51 tuổi, nữ bác sĩ một bệnh viện tuyến quận ở TP.HCM, đã qua đời. Trước đó không lâu, một nữ bác sĩ tại Cà Mau cũng qua đời ở tuổi 50.

Có gì giống nhau ở hai trường hợp này ngoài nghề nghiệp và tuổi tác.

Những nghi ngờ chờ xác định

Sau khi đưa tang bác sĩ M.T, TS.BS Nguyễn Thành Như, chuyên gia lĩnh vực vô sinh nam, bày tỏ băn khoăn về trường hợp chết trẻ vì ung thư buồng trứng (UTBT) này và cả trường hợp bác sĩ ở Cà Mau mà ông biết trước đó. Đi tìm sự tương đồng, ông phát hiện cả hai khi còn sống đều hiếm muộn và theo đuổi phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)!

"Không biết thế giới có ai nói nhiều về mối liên hệ này chưa, nhưng tôi nghĩ IVF có tác động nhất định vì trong quá trình điều trị bác sĩ sử dụng thuốc kích trứng như bón phân thúc cây mau ra trái", BS Như nói.

IVF là quá trình cho trứng và tinh trùng thụ tinh bên ngoài tử cung phụ nữ. Để thực hiện điều này người ta phải đi qua nhiều giai đoạn, trong đó có giai đoạn kích thích buồng trứng, theo đó bác sĩ cho bệnh nhân sử dụng một nội tiết tố dạng chích gọi là FSH (hormone kích thích nang noãn) trong khoảng 12 ngày. Thuốc có tác dụng làm tăng số trứng ở người phụ nữ vì nếu nhiều trứng việc thụ tinh sẽ dễ dàng hơn và cơ hội lựa chọn phôi để sử dụng trong điều trị cũng tăng lên.

Nhận định về liên quan giữa IVF và UTBT, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Sương, phó khoa vô sinh hiếm muộn bệnh viện Hùng Vương, nói: "Đến nay mối liên quan chưa rõ ràng và mọi chuyện còn nhiều tranh cãi".

Thật ra vấn đề này đã được đặt ra trên thế giới. Năm 2011, một nghiên cứu do các nhà khoa học Hà Lan thực hiện công bố trên tạp chí khoa học Human Reproduction cho thấy phụ nữ được làm IVF có nguy cơ bị UTBT gấp đôi so với phụ nữ không làm IVF trong 15 năm sau đó.

Tác động chính của IVF là gây ra những khối u phát triển chậm không gây chết người, còn được gọi là u buồng trứng giáp biên ác (borderline ovarian cancer), với nguy cơ tăng gấp bốn lần so với người không làm IVF. Mặc dù nghiên cứu dựa trên việc theo dõi 19.000 phụ nữ và kết quả có vẻ "đáng lo", nhưng các tác giả cho rằng cần phải tìm hiểu nhiều hơn vì số bị ảnh hưởng còn rất nhỏ.

Công phu nhất là công trình đánh giá hệ thống dữ liệu (Cochrane Database System Review) do Rizzuto thực hiện và công bố vào năm 2013. Theo đó, qua xem xét lại 25 nghiên cứu có giá trị khoa học thực hiện từ năm 1990 - 2013, Rizzuto nhận thấy không có bằng chứng thuyết phục về sự gia tăng nguy cơ UTBT xâm lấn với điều trị IVF. Tuy nhiên, đánh giá này cũng cho thấy gia tăng nguy cơ xuất hiện các khối u buồng trứng giáp biên ác ở phụ nữ điều trị IVF.

Sát thủ thầm lặng

Đó là tên gọi dành cho UTBT vì những triệu chứng khó phát hiện của căn bệnh này. Người bệnh có thể đau bụng, trướng bụng, bụng to bất thường, nhưng chúng cũng thường bị nhầm lẫn với những vấn đề như rối loạn kinh nguyệt hay đau bụng kinh.

Theo TS.BS Tạ Thị Thanh Thuỷ, trưởng khoa phụ ngoại BV Hùng Vương TP.HCM, UTBT thường được phát hiện tình cờ qua khám sức khoẻ định kỳ hay khám một bệnh khác. BS Thuỷ nói: "Nhiều người được phát hiện khi bệnh đã diễn tiến xa, ít còn khả năng điều trị".

Cũng theo BS Thuỷ, u buồng trứng giáp biên ác là tình trạng tế bào gần giống với tế bào lành nhất, hay nói cách khác là loại ung thư có mức độ ác tính thấp nhất. "Dù có thể IVF làm tăng xuất hiện u buồng trứng giáp biên ác, nhưng chưa ai chứng minh được có sự liên quan giữa IVF và UTBT thật sự. Không biết ở những bệnh viện khác thế nào, chứ trong mười năm làm việc ở bệnh viện này, điều trị cho nhiều ca UTBT, tôi chưa thấy ai có tiền sử làm IVF".

Dù mối liên quan giữa IVF và UTBT còn chưa rõ, nhưng TS.BS Nguyễn Thành Như vẫn đề xuất chuyện cắt bỏ buồng trứng ở phụ nữ lớn tuổi đã thực hiện IVF để phòng ngừa ung thư. Ông nói: "Nếu vợ tôi bị hiếm muộn và từng làm IVF với thuốc kích trứng dạng chích, tôi sẽ cho vợ theo dõi kỹ hàng năm để phát hiện sớm UTBT, và khi bà xã hơn 45 tuổi chúng tôi sẽ chọn cách cắt bỏ hai buồng trứng bằng phẫu thuật nội soi để tránh hậu hoạ".

Khám định kỳ SÁU tháng để phát hiện bệnh sớm

Tại Việt Nam, UTBT khá phổ biến. Thống kê của bệnh viện Ung bướu năm 2013 cho thấy nó đứng thứ năm trong mười loại ung thư vào bệnh viện này nhiều nhất sau ung thư vú, cổ tử cung, tuyến giáp và phổi. Để phát hiện sớm UTBT, TS.BS Tạ Thị Thanh Thuỷ đề nghị mọi phụ nữ nên khám phụ khoa định kỳ sáu tháng một lần. Bà nói: "Nếu phát hiện sớm ung thư ở giai đoạn 1, khả năng điều trị hết hoàn toàn nằm trong tầm tay".

Theo Châu Giang - Thế giới tiếp thị
Nông thôn ngày nay

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X