Hotline 24/7
08983-08983

Thủ phạm gây ra cơn đau quặn thận

Sỏi niệu quản là bệnh rất hay gặp, là nguyên nhân chính gây ra các cơn đau quặn thận.

Ảnh minh họa

Theo PGS.TS Đỗ Trường Thành - Trưởng Khoa Phẫu thuật Tiết niệu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, hầu hết sỏi niệu quản là do sỏi rơi từ trên thận xuống. Sỏi hình thành tại chỗ thường chỉ trong một số điều kiện đặc biệt như hẹp, u, túi thừa niệu quản. Trong sỏi tiết niệu, sỏi niệu quản chiếm 25 - 30%.

Việc theo dõi sự di chuyển của hòn sỏi có giá trị tiên lượng và chọn phương pháp điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa.

Dấu hiệu nhận biết:

- Đau vùng mạng sườn thắt lưng: Đây là triệu chứng hay gặp nhất, là lý do chính bệnh nhân đi khám bệnh.

Đau biểu hiện 2 mức độ:

Đau cấp tính: điển hình là cơn đau quặn thận, cơn đau xuất hiện đột ngột sau lao động và vận động. Vị trí đau xuất phát ở vùng thắt lưng. Tính chất đau là đau dữ dội từng cơn, đau lan xuống vùng bẹn sinh dục, không có tư thế giảm đau. Khi nghỉ ngơi hay dùng thuốc giãn cơ trơn thì đỡ đau (thường gặp trong sỏi niệu quản).

Đau mạn tính: bệnh nhân luôn có cảm giác nặng nề, đau tức khó chịu vùng thắt lưng (một bên hoặc hai bên), tính chất đau tăng khi vận động. Loại đau này thường gặp ở bệnh nhân có sỏi thận mà sỏi gây bít tắc không hoàn toàn.

- Đái ra máu: Bình thường sỏi gây đái máu vi thể, sau vận động tính chất đái máu tăng, xuất hiện đau và đái máu đại thể toàn bãi, nước tiểu có màu hồng như màu nước rửa thịt.

- Đái ra sỏi.

- Một số triệu chứng khác (của biến chứng): Đái ra mủ: bệnh nhân đái đục toàn bãi, thường xuất hiện ở những bệnh nhân thận ứ mủ. Đái buốt, đái rắt. Sốt - gặp khi bệnh nhân có biến chứng nhiễm khuẩn niệu nặng, thường là sốt cao có rét run.

Tác hại, tiến triển bệnh

- Sỏi niệu quản có thể tiến triển âm thầm.

- Có thể gặp sỏi niệu quản ở 2 bên, hình thái lâm sàng rất nguy kịch cần phải điều trị cấp cứu khẩn trương ngay.

- Thận to và đau có sốt kèm theo.

- Vô niệu do sỏi: có thể xảy ra bất thình lình trong 3 giai đoạn: giai đoạn bù trừ, giai đoạn suy thận, giai đoạn cuối cùng là hôn mê.

- Một số trường hợp muộn sẽ dẫn tới tình trạng nhiễm khuẩn huyết.

Để hạn chế nguy cơ mắc sỏi niệu quản, mọi người cần điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày, uống nhiều nước (ngày uống 2 - 3 lít). Ăn nhiều rau tươi, không nên ăn mặn, ăn ít thịt động vật. Hạn chế ăn những thực phẩm chứa nhiều chất oxalate, những thực phẩm chứa chất purine. Đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị bệnh thích hợp.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X