Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương tư vấn: Làm sao để biết gan khỏe hay yếu? - Phần 1

Chiều 31/3, ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương online tư vấn cho bạn đọc những vấn đề về gan như cách giải độc gan, làm sao để biết gan khỏe, phòng tránh các bệnh về gan thế nào...



NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

MC Mỹ Thi - Mến chào các bạn đã quay trở lại với chương trình tư vấn sức khỏe do AloBacsi thực hiện!

Thưa quý vị và các bạn, xơ gan là một trong những căn bệnh nguy hiểm và nhiều người lo lắng sợ gan nhiễm độc đã tìm cách giải độc, thanh lọc gan nhưng không biết làm thế nào mới đúng cách.

Chính vì vậy, hôm nay chúng ta có cuộc gặp gỡ và trò chuyện với ThS. BS Trần Ngọc Lưu Phương - chuyên gia tiêu hóa gan mật, “bàn tay vàng” trong nội soi tiêu hóa, hiện đang công tác tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Hy vọng qua buổi trao đổi ngày hôm nay, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn các bệnh lý về gan và làm thế nào để có một lá gan khỏe mạnh.

Xin chào bác sĩ Lưu Phương, xin cảm ơn bác sĩ đã dành thời gian tham gia chương trình!

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - người luôn tiên phong tư vấn các chủ đề y khoa mang tính thời sự với bạn đọc AloBacsi như: hiểu đúng về sán lợn, viêm tụy cấp nguy hiểm thế nào... - Ảnh: Hoàng Long

ThS. BS Trần Ngọc Lưu Phương - Mến chào Mỹ Thi, mến chào quý bạn đọc của Cổng thông tin tư vấn AloBacsi! Rất vui gặp lại các bạn, hy vọng ngày hôm nay tôi sẽ giải đáp được thắc mắc về vấn đề làm thế nào để gan khỏe mạnh và những bệnh lý về gan.

MC Mỹ Thi - Thưa BS Lưu Phương, có thể nói lá gan là một trong những bộ phận trọng yếu của con người. Chúng ta đều biết gan có nhiệm vụ lọc máu và tiết mật, nhưng cụ thể là lọc như thế nào, lọc ra chất gì, những chất độc hại hay thừa thãi sẽ đi đâu, về đâu? Mong BS chia sẻ.

ThS. BS Trần Ngọc Lưu Phương - Gan mình nói là lọc máu, nhưng không phải lọc như thận để ra nước tiểu. Tức là những gì xâm nhập cơ thể chúng ta qua đường ăn uống thì một điều chắc chắn rằng: Trước khi nó đến nơi khác thì chỗ nó phải đến đầu tiên, phải “bẩm báo” đầu tiên là gan. Còn nếu xâm nhập cơ thể Qua đường khác ví dụ như hít thở, tiêm chích, xước ngoài da thì nó sẽ đi một vòng rồi cũng về trình báo với “đại ca”, đó chính là lá gan của chúng ta.

Phải nói gan dù là “anh gác cổng” đầu tiên nếu đi theo đường tiêu hóa hay người “đại ca” cuối cùng nếu xâm nhập bằng những con đường khác thì cũng vẫn phải gặp nó vì gan là nơi thải độc, bản chất gan là một nhà máy chuyên xử lý mọi loại chất thải từ rác, nước, phân… Cái gì trên đời này thuộc về chất thải là vô đó, nó thải hết.

Mọi phản ứng hóa học xảy ra trong gan là để biến những chất độc thành không độc đưa lại vào máu đến thận đi tiểu ra ngoài, hoặc là tiết thẳng vô trong mật để theo ống mật chảy luôn xuống đường tiêu hóa rồi đi cầu ra ngoài, hoặc lưu thông trong dòng máu mợt cách vô thưởng vô phạt.

Nhất là thuốc trị nhiễm trùng, thuốc huyết áp sau một vòng, hết tác dụng trở về gan thì gan sẽ biến chất thuốc đó thành chất chuyển hóa khác không còn tác dụng. Cho nên, uống thuốc hay chích thuốc là ta phải uống lại bởi vì đi theo đúng vòng đời là em chào “đại ca”, “đại ca” xử lý em thành một người vô dụng, thế là ta phải uống liều khác vô.

Những kim loại nặng, con vi trùng cũng bị chặn lại bởi gan và gan giống như nơi tiền đồ, chiến sự xảy ra ác liệt (bạch cầu sẽ quy tụ lại để chống đỡ những vi trùng xâm nhập theo đường máu). Dòng máu sau khi qua gan sẽ còn đoạn đường ngắn để trở về trái tim.

Như vậy, nói sơ quá, Mỹ Thi và quý vị hiểu được thế nào là gan và thanh lọc là thanh lọc cái gì, đó là mình nói theo ngôn ngữ bình dân. Còn tôi giải thích lại, thì mình hiểu chức năng thải độc là như thế nào, bản chất những phản ứng hóa học lôi kéo bạch cầu, hóa chất do cơ thể chúng ta tiết ra để ngăn chặn trước khi đến trung khu là tim… thì đó là câu trả lời tôi dành cho quý vị của câu hỏi này.

Vị trí và sơ lược cấu tạo của gan - Ảnh minh họa: internet

MC Mỹ Thi - Thưa bác sĩ Lưu Phương, phần giải thích của bác sĩ rất dễ hiểu và thú vị. Hy vọng phần trao đổi của chúng ta ngày hôm nay sẽ đem đến những thông tin hữu ích cho quý vị khán giả. Tiếp theo, nhờ BS điểm danh những kẻ thù hàng đầu của gan? Quan niệm “uống thuốc tây hại gan” liệu có đúng?

ThS. BS Trần Ngọc Lưu Phương - Nhiều người quan niệm “uống thuốc tây hại gan”, còn “uống thuốc nam hiền lắm”. Điều đó không đúng.

Nội tiết tố, các hóc môn như hóc môn sinh dục nam, hóc môn sinh dục nữ, hóc môn tuyến thượng thận... do chính cơ thể tiết ra, gan cũng xử lý trở thành chất vô hại, mất tác dụng. Còn những thứ khác khi vào cơ thể chúng ta, đều qua gan để được xử lý bởi hai mục đích:

- Mục đích thứ nhất đó là ngăn chặn mọi hành vi muốn phá hoại cơ thể, gan như các chú công an giữ an ninh cửa khẩu, an ninh biên giới, thấy an toàn mới cho nhập cảnh, xuất cảnh. Thế thì thuốc tây, thuốc nam, thuốc bắc, ngay cả đồ ăn chúng ta ăn đều cũng do gan xử lý.

Như vậy không có chuyện “thuốc tây hại gan” mà thuốc nam hay đông dược thì hổng hại gan. Có thể hại và có thể không hại, tùy loại thuốc đó. Thí dụ, thuốc tây y (tân dược) trước khi tung ra thị trường đã được nghiên cứu có tác dụng phụ gì, và người ta thấy có những loại thuốc gây hại gan, viêm gan như thuốc kháng sinh, giảm đau.

Nhưng đồng thời, chúng tôi gặp rất nhiều người nghĩ thuốc nam, thuốc bắc hiền, không có hại, từ đó uống vô tội vạ gây viêm gan do thuốc. Ngay tại một quốc gia rất phát triển như Hoa Kỳ, họ đã thống kê những trường hợp nhập viện vì tổn thương viêm gan, thận do thuốc, trong đó có rất nhiều trường hợp họ dùng thảo dược. Rõ ràng, thảo dược từ cây cỏ vẫn gây hại gan.

Như vậy, gây hại gan, tổn thương gan hay không là bản chất thứ đó đã từng được nghiên cứu chưa, đã được công bố chưa chứ không phải dựa vào thuốc tây từ hóa chất là hại, thuốc thảo dược là lành…

Những kẻ thù hàng đầu của gan, chúng tôi gọi là viêm gan vi rút hay viêm gan siêu vi, bởi đó là những con bé hơn vi trùng, nhìn kính hiển vi không thấy, phải nhìn bằng kính hiển vi điện tử mới thấy.

Vi rút có hàng trăm, hàng ngàn loại nhưng có 5 loại vi rút rất khoái gan của chúng ta. Đối với nó, gan chúng ta là ngôi nhà yêu thương, là nơi nó xây tổ uyên ương, đó là vi rút viêm gan A, B, C, D, E. Chúng làm chết gan của chúng ta. A, B, C, D là tên gọi các loại vi rút, chứ không phải vi rút viêm gan A nguy hiểm hơn vi rút viêm gan B hay vi rút viêm gan B nguy hiểm hơn vi rút viêm gan C. Tất cả các loại vi trùng khác đi qua gan cũng có thể làm tổn thương gan.

Cồn, tức là rượu etanol trong rượu, bia chúng ta uống hằng ngày, nếu uống quá nhiều sẽ hại gan, đặc biệt là uống rượu bia giả không kiểm định. Cồn etanol lẫn với cồn metanol sẽ hại gan gấp bội.

Thuốc tân dược hay thuốc tây có một số loại kháng sinh trị lao thường gây tác dụng viêm gan do thuốc.

Một số loại thuốc gây mê thế hệ cũ gây viêm gan. Một số kháng sinh, thuốc giảm đau như paracetamol, bình thường chúng ta hay uống không cần toa của bác sĩ nhưng nếu uống liều quá cao sẽ ảnh hưởng đến gan.

Đông, nam dược có khả năng gây hại gan nhưng vì nghiên cứu về đông, nam dược không nhiều như như tân dược nên vấn đề đông, nam dược gây hại gan như thế nào chưa được rõ ràng.

Và, chúng ta ngộ độc nấm, những thức ăn lạ ngoài đường có thể gây hoại tử, thối rữa lá gan.

Khói thuốc lá chứa 250 độc chất, người hút nhiễm độc đã đành, người ngồi cạnh hít phải khói thuốc lá (hút thuốc thụ động) thì cũng làm suy giảm khả năng bảo vệ của gan.

Một kẻ thù của gan nữa là những giọt mỡ bé bé xinh xinh. Ngày xưa, chúng ta thấy mấy em bé xổ sữa rất dễ thương, mũm mĩm hay người lớn nhìn thấy phong độ, bệ vệ. Nhưng những người mập, mỡ hơi nhiều đối với y học hiện đại, chính là không tốt cho gan.

Bằng những ví von sinh động, BS Lưu Phương giúp bạn đọc hiểu rõ hoạt động của gan và những "kẻ thù" của gan mà chúng ta cần tránh - Ảnh: Hoàng Long


MC Mỹ Thi - Thức khuya ảnh hưởng đến gan như thế nào? Với những người có đồng hồ sinh học “thức khuya dậy muộn” thì gan có bị ảnh hưởng nhiều không ạ?

ThS. BS Trần Ngọc Lưu Phương - Cơ thể chúng ta có đồng hồ sinh học, làm ca đêm thuộc về lao động độc hại. Bởi vì cơ thể mình đã được cài đặt như một cái đồng hồ theo ánh sáng mặt trời, tôi loại trừ tất cả yếu tố, sáng người ta đi làm, đi chơi, mình đi ngủ, tối người ta đi ngủ thì mình đi làm rồi sáng về ngủ bù. Mặc dù như vậy là theo giờ ở Mỹ nhưng cơ thể vẫn bị ảnh hưởng.

Nếu quý bạn đọc đang nuôi con nhỏ thì sẽ cảm nhận, em bé mới đẻ ra trong vòng 1 -3 tháng đầu, nó “xài” giờ Mỹ, ba mẹ thức theo nó mệt luôn. Nhưng tối đa sau 3 tháng, em bé sẽ “chỉnh giờ” lại, ngủ nghỉ theo đúng giờ Việt Nam.

Cơ thể chúng ta ngủ nghỉ là để hồi phục. Đặc biệt, buổi đêm chúng ta ngủ, những tế bào miễn dịch của chúng ta là những chiến sĩ công an bảo vệ cơ thể: tái tạo, thay cũ đổi mới, hồi phục năng lượng vào 11, 12 giờ đêm, hệ gan mật, tiêu hóa tái tạo và hồi phục năng lượng từ 12 - 1 giờ sáng bằng cách tiết mật rất nhiều để thải độc.

Thế thì, chúng ta thức khuya qua giờ đó, chúng ta ngủ bù vào buổi sáng sẽ không quen, làm cho hệ miễn dịch không hồi phục tốt, hệ gan mật không tái tạo năng lượng tốt, hệ hô hấp không thanh lọc tốt. Do đó, cơ thể thanh lọc kém đi, chúng ta mệt mỏi. Và như vậy, ngủ nghỉ đúng giờ theo đồng hồ sinh học rất quan trọng.

MC Mỹ Thi - Nhiều người lo lắng là gan dễ bị nhiễm độc và tìm cách thanh lọc gan, giải độc cho gan. Xin hỏi BS, gan bị nhiễm độc trong trường hợp nào? Chúng ta có thể làm gì để giúp gan giải độc?

ThS. BS Trần Ngọc Lưu Phương - Gan nhiễm độc là do những yếu tố khiến gan quá tải, ví dụ uống quá nhiều loại thuốc kết hợp một lúc, vừa tây, vừa tàu hoặc nhiều loại thuốc kháng sinh (nhưng có nhiều bệnh bắt buộc phải phối hợp thuốc), ngủ nghỉ không đúng, bị nhiễm độc bởi các loại vi rút xâm nhập, nhiễm trùng, cảm sốt, nhiễm cúm… đều ảnh hưởng đến gan.

Bởi như tôi nói, các vi rút dù xâm nhập đường nào cũng phải “bẩm báo” với gan và gan luôn luôn là một “chiến trường” ngăn chặn sự xâm nhập của vi rút trước khi trở về trung khu là trái tim, tránh để chúng lan khắp nơi trong cơ thể. Do đó, bất cứ nhiễm trùng nào cũng có thể gây nhiễm độc gan.

Chúng ta ăn uống lộn xộn, quá nhiều chất béo, chất đạm, thịt đỏ chứa nhiều chất sắt, ứ trong gan, cũng gây nhiễm độc gan.

Một nguyên nhân không ai ngờ đó là: chúng ta hay uống thuốc bổ, vitamin, nghĩ là không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc. Nhưng những loại viatamin tan trong mỡ, nhất là viatmin A, nếu chúng ta uống quá nhiều, nó ứ đọng lại trong gan gây nhiễm độc gan, không giống như một số loại viatamin B, C nếu dư thừa thì cơ thể sẽ ngừng hấp thu hoặc đi tiểu ra ngoài.

Một vấn đề nữa, đó là giảm cân quá nhanh, quá vội vã. Nguyên tắc giảm cân là không bao giờ giảm quá 5% trọng lượng cơ thể trong 1 tháng, bao nhiêu kg thì chia ra tính theo phần trăm. Nếu giảm quá nhanh sẽ làm thoái hóa mỡ ở gan chứ không phải giảm cân nhiều là giỏi.

Những nguyên nhân khác như thuốc lá, rượu bia, là hoàn toàn không nên. Chưa kể ăn món này lạ, ăn trái kia quý, những món được tin là sẽ cường dương, bổ thận, ăn nấm lạ… mà không nghiên cứu kỹ có thể gây hoại tử gan.


Chế độ ăn uống không hợp lý (quá nhiều chất béo, chất đạm, sắt...), rượu bia, thuốc lá, lạm dụng thuốc đông - tây y, vi trùng, vi rút, môi trường độc hại... có thể khiến gan nhiễm độc - Ảnh: AloBacsi tổng hợp

Trên mạng hay quảng cáo uống những thứ này thứ kia để thanh lọc gan cho tốt, thế nhưng theo tôi, để thanh lọc gan thì có cơ thể chúng ta tự thanh lọc thông qua những cách sau:

- Đầu tiên, chúng ta điều chỉnh lại chuyện ăn ngủ đúng giờ, là đã giúp thanh lọc gan.

- Thứ hai, chúng ta siêng năng tập thể dục. Không cần dữ dằn như Lý Đức, một tuần, chúng ta bỏ ra tối thiểu 90 phút tập những bài tập cơ bản, chạy bộ cho ra mồ hôi, đều đặn mỗi ngày. Mỗi tuần tập từ 3 -5 ngày (3 ngày là tối thiểu). Tập những bài tập nhẹ nhàng như vậy là đã thanh lọc gan.

Đây là những biện pháp rất đơn giản. Còn dùng các thuốc để thanh lọc gan thì chưa chắc là phương án tốt, chúng ta sẽ có thói quen ỷ lại, cứ uống thuốc thanh lọc gan mà không chừng lại tăng thêm gánh nặng cho gan.


MC Mỹ Thi - Đoán bệnh gan dựa trên quan sát màu da có chính xác không ạ? Những bệnh gì ở gan có biểu hiện trên da, thưa BS? Mụn nhiều, ngứa da có phải do “nóng gan” không ạ?

ThS. BS Trần Ngọc Lưu Phương - Đó là theo quan niệm của Đông y, khi nổi mụn nhiều là tỳ vị nóng, tỳ vị hư. Lý luận theo Đông y hơi khác Tây y, nên bà con cứ nghĩ nóng gan là nổi mụn, nhưng không phải vậy. Cơ chế mụn theo Tây y: Liên quan đến con vi trùng tại chỗ, nội tiết tố, độ nhờn của da, không lien quan nhiều đến chức năng gan. Do đó, nổi mụn nhiều là nóng gan không đúng lắm.

Tuy nhiên, khi gan bị suy yếu, chức năng gan bị suy yếu thì sẽ biểu hiện trên da. Thường những người bị bệnh gan giai đoạn đầu, nhìn trẻ khỏe, đẹp trai, nhưng cho đến khi bị bệnh gan “hơi nhiều” thì có biểu hiện độc đáo lắm.

Đúng là người bị bệnh gan dễ bị mẩn ngứa hơn nhưng không phải vì thải độc kém mà bởi vì gan xử lý những vật lạ kém đi, gây phản ứng miễn dịch của cơ thể. Do đó, dễ bị ngứa ngáy giống như bị dị ứng.

Ngoài ra, da hay có những vết gãi trầy xước hay da hơi ánh vàng, nặng hơn thì xanh đen và trên da là những mẩn đỏ rất nhiều mà không ngứa, đây là những biểu hiện bệnh gan.

Và, một biểu hiện nữa mà nhìn thì thấy thích lắm: có nhiều người tự nhiên thấy môi đẹp lên, không cần son, không cần xăm mà hồng lên, nhưng đây là dấu hiệu xấu, báo hiệu gan nhiễm độc.

Đó là một số biểu hiện trên da của bệnh gan.

Một số bệnh gan có biểu hiện trên da, cảnh báo chúng ta cần đi khám sức khỏe cho gan để có chẩn đoán xác định - Ảnh minh họa: internet

(Xin mời xem tiếp phần 2 TẠI ĐÂY)

Kính mời bạn đọc theo dõi và gửi câu hỏi về cho chương trình thông qua:

Fanpage: AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Hộp thư: tuvan@alobacsi.vn

Zalo: 08983 08983

Hoặc trò chuyện trực tiếp với bác sĩ trong thời lượng của các buổi tư vấn trực tuyến qua số điện thoại: 08983 08983

Ngoài ra, quý bạn đọc có thể theo dõi nhiều buổi trò chuyện của các bác sĩ - chuyên gia, chia sẻ những thông tin thiết thực về việc bảo vệ sức khỏe tại kênh: AloBacsi - video.

Trân trọng!

Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X