Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương: Hôi miệng chữa cách nào mới hết?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương sẽ giúp bạn đọc AloBacsi nắm rõ các nguyên nhân gây hôi miệng, cần thăm khám những chuyên khoa nào, áp dụng những phương pháp nào để chấm dứt tình trạng hôi miệng.

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

1. Khá nhiều bạn đọc AloBacsi đang lúng túng với hơi thở không được thơm tho của mình. Theo BS, tình trạng hôi miệng có thể do nguyên nhân gì?

Khi nói về vấn đề hôi miệng, nhiều người nghĩ hôi miệng xuất phát từ những vấn đề trong miệng nhưng thật sự, nguyên nhân của hôi miệng rất nhiều.

Nguyên nhân đầu tiên là ở vùng răng miệng: sâu răng, viêm nha chu do chưa có thói quen đi khám răng định kỳ, chúng ta bị vôi răng và viêm nha chu. Tình trạng viêm nha chu không gây đau đớn cho người bệnh, tuy nhiên sẽ làm răng yếu và dễ bị hôi miệng.

Những vết loét trong lưỡi, họng hoặc nhiễm trùng trong họng, đặc biệt là viêm amidan mạn, những áp-xe thành sau họng hoặc ung thư vòm họng dẫn đến hôi miệng. Những nhiễm trùng trên mũi, xoang thường không gây chảy mũi mà có triệu chứng là nghẹt mũi, nhức đầu, dịch tiết xuống gây hôi.

Bên cạnh đó, những người bị viêm phổi hoặc áp-xe phổi, đặc biệt ở trẻ nhỏ thì những trường hợp như hít, nuốt dị vật hoặc người lớn nuốt phải những dị vật nhỏ vào đường hô hấp và nằm trong một nhánh nhỏ của dây phế quản trong phổi và gây tắc, tạo thành những ổ đọng đờm nhớt trong đó mà bệnh nhân không có triệu chứng nhưng làm cho hơi thở chúng ta rất hôi.

Ở đường tiêu hóa, rất nhiều người lầm tưởng do hở van dạ dày, nhưng thật sự không phải vậy. Vì van dạ dày có thể đóng mở tự nhiên, giống như việc đi vệ sinh hằng ngày. Tuy nhiên, chỉ có một bệnh duy nhất có thể bị hở là thoát vị hoành, tức chỗ này bị tuột lên trên và gây ra tình trạng hở. Trường hợp này cũng ít gặp nhưng cũng có thể gây hơi thở hôi.

Nhưng nguyên nhân chính gây bệnh hôi miệng là do loét dạ dày mạn tính hoặc ung thư dạ dày, một số trường hợp gây bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản. Trào ngược dạ dày thực quản thì chủ yếu gây ợ chua, ợ nóng, ít gây hôi miệng hơn.

Một trường hợp khác là nhiễm trùng mạn tính do vi khuẩn HP trong dạ dày tạo nên tình trạng hôi miệng.

Ngoài ra, còn những nguyên nhân bệnh nội khoa khác như suy gan, suy thận mạn, đái tháo đường, những người thường ăn nhiều chất ngọt, khô miệng do uống ít nước hay uống 1 số loại thuốc trị huyết áp, thần kinh cũng dẫn đến khô nước bọt gây hôi miệng. Hoặc một số bệnh gây viêm tuyến nước bọt, thiếu tuyến nước bọt thì cũng gây hôi miệng.

Và một số nguyên nhân khác như đánh răng không đúng cách, còn mảng bám thức ăn, hay người đeo răng, hàm giả nhưng vệ sinh không kỹ cũng gây hôi miệng.

2. Vậy để xác định chính xác nguyên nhân gây hôi miệng, bệnh nhân cần thăm khám như thế nào ạ?

Khi có tình trạng hôi miệng thì phải tìm ra nguyên nhân gây bệnh là gì, vì tất cả các nguyên nhân đều có thể xảy ra. Bệnh nhân phải khám nha sĩ để xác định răng miệng không có vấn đề, đôi khi khám nha sĩ không phát hiện bất thường nhưng thật sự lại có vấn đề về răng miệng ở điểm lúc bệnh nhân đi khám ở nha sĩ thì rất tốt, nhưng khi về nhà thì đeo răng giả hoặc vệ sinh răng miệng không tốt thì nha sĩ không thể phát hiện.

Hay khi đi khám nha sĩ đánh răng kỹ nhưng khi ở nhà sẽ không chú trọng nhiều đến vệ sinh, chỉ sử dụng tăm có thể sót các mảng bám và dễ làm hư răng, hoặc không cạo lưỡi cũng có thể gây hôi miệng.

Người bị hôi miệng có thể tìm nguyên nhân nội khoa từ đái tháo đường cho đến những thuốc huyết áp, thần kinh. Nếu cần, bệnh nhân có thể được khám tai-mũi-họng, phải khám đầy đủ mọi chuyên khoa và đặc biệt phải khám tiêu hóa.

Thông thường nhất, bệnh nhân được khám ở vùng răng miệng, sau đó là đường tiêu hóa và đường hô hấp trên.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - trưởng Đơn vị Tiêu hóa can thiệp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương; giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

3. Vì sao ở người cao tuổi, hơi thở thường có mùi hôi hơn nhiều so với người trẻ vậy ạ?

Đây là chuyện rất bình thường. Người cao tuổi sẽ có tình trạng dịch nước bọt tiết ra ít hơn người trẻ nên dễ bị hôi miệng.

Bên cạnh đó, người già thường gắn răng giả, vệ sinh răng miệng không chuẩn và sử dụng rất nhiều thuốc như huyết áp, tiểu đường hay bệnh gan thận, suy giảm chức năng,...gây hôi miệng.

Người cao tuổi hút hay hít thuốc lá thụ động do môi trường xung quanh tác động gây viêm nhiễm đường phế quản mạn tính thì cũng dễ bị hôi miệng. Và xác suất mắc phải ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa đều tăng, do đó cũng dễ bị hôi hơn người trẻ.

4. Nội soi có tìm được nguyên nhân gây hôi miệng không, thưa BS?

Nội soi sẽ tìm ra một phần nếu như căn bệnh hôi miệng xuất phát từ bệnh dạ dày như trào ngược dạ dày thực quản, loét bao tử, nhiễm vi khuẩn HP hoặc ung thư bao tử thì có thể tìm ra được. Nhưng nếu vấn đề không xuất phát từ dạ dày thì nội soi không thể tìm ra được nguyên nhân. Nếu tìm được nguyên nhân từ dạ dày, có thể điều trị khỏi bệnh dạ dày thì hôi miệng sẽ giảm.

4. Nhiều người bị hôi miệng đã thử qua nhiều cách như nhai kẹo cao su, dùng nước súc miệng… nhưng chỉ đỡ được một lúc chứ không hết hẳn được. Theo BS, người bị hôi miệng nên lựa chọn nước súc miệng như thế nào, nên thực hiện thêm những việc gì để giải quyết tình này ạ?

Để xử lý việc hôi miệng thì có thể nhai kẹo cao su, súc miệng, đánh răng,... Bên cạnh đó phải áp dụng nhiều giải pháp như: uống nước thường xuyên, xem lại những thuốc đã dùng có thể làm khô, giảm tiết nước bọt, hay những bệnh lý nền như đái tháo đường, bệnh gan, thận,... Hạn chế những thực phẩm nặng mùi như tỏi, hành, hạn chế ăn ngọt nhiều, đặc biệt ăn chè nhiều cũng có thể gây hôi miệng.

Nước súc miệng không có loại nào có ưu thế hơn, mặc dù có sử dụng nước súc miệng thì mỗi người vẫn nên đánh răng sau mỗi bữa ăn, kể cả ăn vặt. Các bạn có thể tìm các phương pháp đánh răng đúng cách trên mạng như đánh răng theo hướng từ trên xuống dưới và ngược lại.

Bên cạnh đó, chúng ta nên cạo sạch lưỡi bằng dụng cụ y tế, nhất là buổi sáng vì sau một đêm, thường bị trào ngược dạ dày sinh lý tự nhiên, đồng thời giảm tiết nước bọt về đêm.

Thuốc lá là một trong những tác nhân gây thiếu nước bọt và gây kích ứng khô mặt trong của miệng lưỡi, kích thích vi khuẩn lên men và trong thuốc lá có nhiều loại hóa chất để biến đổi các chất trong hơi thở của chúng ta thành các chất Hydrocarbon. Rượu bia cũng vậy, hãy uống đủ nước, hạn chế rượu bia.

Buổi tối trước khi đi ngủ là thời điểm vi khuẩn lên men thối, hoạt động mạnh nhất, nên súc miệng vào thời điểm này để hạn chế hôi miệng. Ban ngày sau khi ăn xong nên đánh răng, kể cả ăn vặt.

Và để giải quyết vấn đề hôi miệng cần nhiều giải pháp toàn diện chứ không có hẳn giải pháp đơn thuần nào cả.


Video: BS Trần Ngọc Lưu Phương tư vấn cách chữa hôi miệng

~~~~~~~

Những chia sẻ của ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - trưởng Đơn vị Tiêu hóa can thiệp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã giúp bạn đọc hiểu vì sao hôi miệng là một tình trạng dẳng, nên khám và điều trị như thế nào, cách chữa dứt tình trạng khó chịu này... Thay mặt bạn đọc, xin chân thành cảm ơn bác sĩ!.

Thực hiện: Minh Khuê - Hồng Nhung
Video, ảnh: Viết Hưởng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X