Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương giao lưu trực tuyến “1001 thắc mắc về bệnh giun sán”

Vào lúc 15g, ngày 21/1, ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Trưởng đơn vị tiêu hóa can thiệp, BV Nguyễn Tri Phương sẽ giao lưu trực tuyến giải đáp các thắc mắc liên quan đến các vấn đề dấu hiệu nhận biết, điều trị và phòng ngừa bệnh giun sán. Mời bạn đọc đặt câu hỏi và đón xem.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương

Bệnh giun sán hiện có rất nhiều loại, trong đó có các loại hay gặp ở Việt Nam là sán lá gan lớn, giun đầu gai, giun lươn, giun đũa chó/mèo (sán chó), amíp, sán máng, sán gạo heo và sán lá phổi (Paragonimus).

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện cả nước có trên 60 triệu người nhiễm ấu trùng giun sán. Trung bình mỗi ngày có khoảng 10% dân số bị ngộ độc, trong đó ngộ độc do vi sinh vật và ký sinh trùng chiếm 1/2 số ca ngộ độc thực phẩm.

Tuy đã được cảnh báo rất nhiều lần nhưng tình trạng nhiễm ký sinh trùng vẫn chiếm tỷ lệ rất lớn trong cộng đồng do nhiều người còn chủ quan, thờ ơ vẫn bệnh tật. Thậm chí, tình trạng ăn đồ sống như gỏi cá, rau sống hay sinh hoạt trong môi trường không hợp vệ sinh vẫn diễn ra hàng ngày… Không chỉ người dân không biết đến bệnh mà ngay cả các bác sĩ cũng dễ bị bỏ sót.

Vậy nhiễm giun sán là gì, nếu không điều trị kịp thời gây ra tác hại như thế nào?
Làm sao để phát hiện ra cơ thể nhiễm giun sán?
Cần làm xét nghiệm gì để biết tình trạng nhiễm giun sán của cơ thể?
Tẩy giun như thế nào là đúng cách?
Điều trị và phòng ngừa ra sao?


Tất cả những thắc mắc trên sẽ được ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Trưởng đơn vị tiêu hóa can thiệp, BV Nguyễn Tri Phương giải đáp với bạn đọc trong buổi giao lưu trực tuyến lúc 15g Chủ nhật, ngày 21/1 trên AloBacsi với chủ đề: “1001 thắc mắc về bệnh giun sán”.

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN TRỰC TIẾP

- Phạm Đình Bảo - Cai Lậy, Tiền Giang
BS ơi,

Bé trai nhà em đặc biệt rất thích thú cưng như chó hay mèo. Mà em đọc báo thì thấy nếu nhà nuôi chó mèo trẻ rất dễ nhiễm giun.

Xin hỏi BS Lưu Phương, làm cách nào để nhà vẫn có thể nuôi con vật mà trẻ không bị nhiễm giun ạ? Chích ngừa cho trẻ hay vật nuôi có giúp ích gì trong việc phòng ngừa nhiễm giun không ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào Đình Bảo,

Thắc mắc của bạn là hoàn toàn hợp lý, tuy nhiên chúng ta vẫn có thể phòng ngừa bằng những các cách sau đây:

- Nên cho chó mèo ăn những thức ăn dành cho chó mèo được bán trong siêu thị để đảm bảo vệ sinh và hạn chế tình trạng nhiễm giun sán cho thú cưng của bạn và gián tiếp phòng ngừa được cho chúng ta.

- Định kỳ cho thú cưng kiểm tra với thú y hàng năm, chủng ngừa và tẩy giun cho thú cưng (điều này thì BS thú y sẽ hướng dẫn).

- Vệ sinh môi trường sạch sẽ, không để thú cưng đi vệ sinh bừa bãi bằng cách dạy chúng đi vệ sinh đúng nơi để tránh tạo nguồn lây nhiễm cho môi trường.

- Tắm rửa cho chó thường xuyên để tránh lây lan trứng giun, cũng như cũng loại bệnh lây truyền qua ve chó.

- Đối với trẻ con, chúng ta phải luôn nhắc nhở và dạy trẻ vấn đề vệ sinh, rửa tay trước khi ăn, không mút tay. Tóm lại là nên ăn chín, uống sôi, rửa sạch.

- Không nên ôm ấm, hôn hít thú cưng.

Hy vọng, với những biện pháp này, bạn thoả được sở thích là nuôi thú cưng và hạn chế tối thiểu sự lây nhiễm giun sán từ thú cưng.


- Nguyễn Phương Nhi - 01688368....

AloBacsi ơi, khi nghi ngờ nhiễm ký sinh trùng thì cần làm các xét nghiệm gì để chẩn đoán? Ở TPHCM thì đến BV nào? Cần lưu ý gì trước khi làm xét nghiệm không ạ?

Dạo này không hiểu sao bị ngứa hậu môn, cảm giác như có con gì bò ấy ạ. AloBacsi tư vấn giúp em nha.


ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Phương Nhi thân mến,

Triệu chứng của em, nhiều khả năng là do nhiễm giun kim, hoặc nhiễm sán heo hoặc sán bò.

Việc em cần làm là đi khám với BS, kể tất cả các triệu chứng khác kèm theo như: nổi mẩn da, ngứa ngáy, đau bụng tiêu chảy… BS sẽ khám bệnh, cho xét nghiệm phân, xét nghiệm máu tìm kháng thể, Xquang, siêu âm, xét ngiệm chức năng gan, tìm các loại bạch cầu trong máu. Lúc đó tổng hợp lại mới có chẩn đoán chính xác cho em. Em không nên tự chỉ định xét nghiệm ký sinh trùng.

Ở TPHCM, em có thể khám ở các BV đa khoa đều có xét nghiệm ký sinh trùng, ví dụ như: BV Nhân dân 115, BV Đại học Y Dược, BV Nguyễn Tri Phương, BV Chợ Rẫy, Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch…


- Nguyễn Hoàng Nam - namnguyen…@yahoo.com

Thưa BS,

Em có triệu chứng như sau: ngứa nổi mề đay như dị ứng và giống như có con gì quẩy dưới da trước ngực.

Cách đây 1 tháng em đi xét nghiệm ở phòng khám lần đầu như sau IgG - 0.42 OD (<0. 25 OD, GZ; 0.25-0. 35). BS bảo dương tính với giun sán chó và cho thuốc điều trị:

Did albendazole 400mg

Cimetidin 300mg

Ivermectin 6mg (thuốc này uống cách nhau 14 ngày)

CBI regutin (silymarin 70mg)

Stadasone 16mg

Fexostad 60mg

Vitamin 3B

Và hẹn 1 tháng sau tái khám. Sau đợt điều trị đầu tiên thì em hết ngứa hết nổi mề đay và hết cảm giác có con gì bò dưới da.

Em tái khám thì cho ra xét nghiệm: IgG: PSO 0.56OD (<0. 25 OD, 0.25-0. 45) và BS vẫn cho thuốc điều trị như trên và bảo uống cho chắc.

Em có hỏi nhưng mà BS không trả lời. Em hoang mang lắm vì không biết hết giun sán chó chưa. Và lỡ như hết giun sán chó mà em uống thuốc tiếp thì có tác dụng phụ không? Xin BS tư vấn giúp em.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào em,

Trường hợp của em, qua những gì em kể tôi dự đoán khả năng em bị nhiễm giun đũa chó, mèo (chứ không phải sán chó: 2 con này nghe giống nhau nhưng bản chất là 2 con khác nhau, cùng gây bệnh cho con chó cưng của chúng ta, nhưng nó là 2 loại khác nhau. Giống như con ngan và con nghỗng, nhìn chúng giống nhau nhưng thật ra chúng là 2 loài).

Và nếu đúng như vậy, thì điều trị ban đầu của bạn là khá hợp lý. Tuy nhiên, sau đợt kiểm tra lại, kết quả dường như là có vẻ tăng lên, điều này có khả năng là do đợt kiểm tra này loại máy xét nghiệm khác nên ngưỡng xét nghiệm ra khác làm cho mình có cảm giác là tăng lên hoặc thực sự, em chưa điều trị thành công hoặc em đã điều trị thành công rồi nhưng những tế bào trong máu em “thuộc bài” khá kỹ về con giun đũa này. Cho nên, khi kiểm tra lại thấy nó trả bài rất nhanh, làm cho BS nghi ngờ là khả năng em điều trị chưa thành công.

Dù gì thì việc điều trị thêm 1 đợt nữa cũng không quá hại nếu em còn trẻ và chức năng gan thận còn tốt.


- Lê Thị Cúc - Đồng Nai

BS cho em hỏi,

Con em được 11 tháng tuổi, bé đi ngoài có con dòi nhỏ li ti, hình như là giun kim ạ. BS cho em hỏi bé nhỏ quá thì nên cho dùng thuốc gì để xổ giun ạ? Em cảm ơn BS.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào em,

Triệu chứng của con em nhiều khả năng là do nhiễm sán dải heo hoặc sán sán dải bò, chứ ít khả năng là do giun kim. Em nên cho bé đi xét nghiệm phân và được BS chuyên khoa Nhi kê toa cho bé. Vì bé dưới 2 tuổi, có nhiều thuốc không nên sử dụng.


- Lê Ngọc Thảo - thaohoa…@gmail.com

Chào BS,

Tháng rồi em bị nổi ngứa, đi khám thì được cho uống thuốc chống dị ứng không rõ nguyên nhân thì hết.

Sau đó em có đi xét nghiệm máu thì được biết em bị nhiễm giun đũa chó Toxocara Canis IgG 1.371 S/Co, Trị số tham chiếu d 0-1, BS có kê đơn thuốc Albedazon 400mg/ 28 viên, 1 viên/1 ngày vào buổi sáng.

Em đã mua thuốc nhưng chưa uống thì biết mình có thai. Vậy em có nên uống thuốc này để điều trị hay không? Nếu không điều trị thì bệnh này có ảnh hưởng gì tới em bé và quá trình mang thai của em?

2 vợ chồng em đang rất lo lắng, mong nhận đươc tư vấn của BS. Em xin chân thành cám ơn.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Ngọc Thảo thân mến,

Với những gì em mô tả, chỉ nói lên 1 điều là em đã từng tiếp xúc với con giun đũa chó, đa số (3/4 số trường hợp là cơ thể đã tiêu diệt được nó và nó cũng tự diệt vong, vì môi trường cơ thể chúng ta khác với cơ thể con chó.

Có thể việc kê đơn dùng thuốc của em là do BS có xem xét thêm những xét nghiệm khác, cũng như khám bệnh trực tiếp cho em để bảo đảm an toàn cho dù em có rơi vào 1/4 còn lại.

Tuy nhiên, nếu em phát hiện có thai thì trường hợp của em cũng không ảnh hưởng nhiều đến thai nhi nếu không uống thuốc. Còn nếu em đã uống thuốc thì nguy cơ dị tật cho thai là khá cao.

Do đó, lời khuyên của tôi là em khoan vội uống thuốc mà tham vấn lại BS đã khám bệnh cho mình xem có chắc chắn là nhiễm giun đũa chó trầm trọng hay không, hay chỉ ngứa đơn thuần thì có thể trì hoãn để đến sau sinh và xét nghiệm lại.


- Nguyễn Quốc Huy - ĐT 09749… - Cần Thơ

Em xin hỏi BS là em xét nghiệm sán chó Greyzone của em là 10,6. Vậy em có bị sán chó không BS?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Xin chào Quốc Huy,

Trường hợp của em, vì không khám bệnh trực tiếp nên tôi chỉ dự đoán thôi. Với kết quả này, nếu không có triệu chứng gì đáng kể thì nhiều khả năng trước đây, em có tiếp xúc với giun đũa chó (xin nhấn mạnh là giun chó vì sán chó ít gặp hơn và là một con khác, có triệu chứng nhiều hơn, nặng nề hơn).

Nhưng sự tiếp xúc của em không nhiều nên hiện tại cơ thể em “thuộc bài” không tốt, lúc nhớ, lúc quên. Nhưng nhìn chung là 95% hiện tại cơ thể em không bị nhễm giun chó tiến triển.

Tốt nhất, em nên đi khám bệnh với BS chuyên khoa Tiêu hoá gan mật và BS Nhiễm, để xét nghiệm chuyên sâu hơn cho yên tâm.


- My Linh - lymylinh…@gmail.com

Dạ BS ơi cho em hỏi tí ạ,

Bệnh sán chó có lây từ người sang người không ạ? Hay có dễ bị nhiễm sán chó khi sinh hoạt chung nhà không ạ?

Hiện em có ở chung nhà với chị kia bị sán chó. Dạo này ngay đùi trước của em nổi mẩn đỏ sần sần và có khi ngứa, nhưng không có nhiều. Em có nên đi làm xét nghiệm kiểm tra không ạ? Trước giờ em chưa từng bị dấu hiệu này.

Mong BS tư vấn giúp em.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Mỹ Linh thân mến,

Sán chó hay giun chó là 2 loại ký sinh sống bám cơ thể con chó và có thể lây qua cho người, nhưng tuyệt đối không bao giờ lây từ người sang người.

Triệu chứng của em gợi ý em bị bệnh lý về da liễu nhiều hơn. Do đó, em nên đi khám với BS chuyên khoa Da liễu để được chẩn đoán bệnh chính xác.


- Hoa Gia - hoalong…@gmail.com

Chào BS,

Con em 7 tuổi, thường hay đau bụng. Gia đình em đã đưa cháu đến Viện Sốt rét - Ký sinh trùng Quy Nhơn khám làm xét nghiệm 2 lần (thời gian cách 15 ngày) và được chẩn đoán là bị nhiễm sán lá gan và giun đũa chó, được điều trị 3 tuần.

Nhưng sau khi 3 tuần điều trị cháu vẫn còn đau bụng, mỗi lần đau bụng cháu gò cục lên tại vị trí phía bên rốn bên trái của bụng và đau nhiều nhất sau khi ăn. Nhưng cháu không sốt hay nóng, hay đi phân không đều.

Tình trạng con em như vậy có nên điều trị tiếp về giun sáng nữa không ngay bị bệnh khác không? Và nếu đi khám lại thì nên đến BV nào để khám?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào em,

Triệu chứng của con em khá phức tạp, cần phải khám bệnh trực tiếp và làm thêm nhiều xét nghiệm nữa mới chẩn đoán chính xác.

Với triệu chứng của con em, tôi dự đoán có khả năng con em ngoài việc nhiễm giun đũa chó và sán lá, bé còn bị ruột kích thích hoặc đau bụng mãn tính do kích thích dây thần kinh ruột và dạ dày.

Như vậy, em cần hoàn tất phác đồ điệu trị giun sán của con em cho đúng, đủ (thông thường sẽ kéo dài 3-4 tuần). Sau đó, nếu có điều kiện bạn có thể cho bé vào BV Nhi Đồng TPHCM, kiểm tra thêm.


- Lam Giang - lamgiang7…@gmail.com

Thưa BS,

Tôi bị mẩn ngứa 5 năm rồi, thường xuyên bị mẩn ngứa, sau khi gãi có nổi lên vệt dài, sau cơn ngứa thì nó sẽ lặn mất.

Tôi có đi khám bệnh tại Viện Pasteur, được BS tại đó tư vấn là bị toxocara và chỉ dẫn toa thuốc uống trong 3 tuần, nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm.

Tôi tự uống thêm thuốc đó khoảng một năm thì cũng giảm hầu như gần hết rồi ngừng thuốc nhưng thời gian gần đây bệnh lại tái phát (là thuốc zenten)..

Xin hỏi BS, bệnh này trị khỏi hẳn được không? Mong BS tư vấn điều trị làm sao khỏi hẳn giúp tôi. Xin cảm ơn!

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào em,

1, Việc đầu tiên em tự động dung thuốc kéo dài 1 năm như thế, trong khi BS chỉ cho dùng 3 tuần là hoàn toàn sai, vì loại thuốc này, dùng nhiều lắm cũng chỉ 1-1,5 tháng là rất nhiều cho những trường hợp nặng và đặc biệt.

Như vậy, hiện tại em có khả năng tổn thương gan thận khá cao.

2, Với triệu chứng của em, tôi dự đoán em bị chứng mề đay cơ địa vô căn, còn việc nhiễm giun chó chỉ là yếu tố thuận lợi kèm theo.

3, Em nên đi khám BS chuyên khoa Da liễu và BS chuyên khoa Tiêu hoá gan mật, để kiểm tra toàn diện và xem xét điều trị, tìm ra nguyên nhân chính xác.


- Thuong Nguyen - thuongduong…@yahoo.com.vn

Chào BS,

Tôi năm nay 39 tuổi, tôi đi khám tổng quát và có kết quả như sau: Nanti HBS ( +), cyfra 21.1 = 7.71, toxocara (+).

Xin hỏi BS với kết quả này thì tôi có bị sao không, có phải tôi đang bị nhiễm giun sán phải không? Xin BS tư vấn giúp để có hướng điều trị. Cám ơn BS.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn,

Tôi không hiểu bạn có triệu chứng gì hay BS khám bạn có nghi ngờ gì mà cho bạn kiểm tra những thông số này. Với những kết quả này có thể trả lời đơn giản như sau:

- Chúc mừng bạn, vì bạn đã có kháng thể tự nhiên, ngừa bệnh viêm gan B.

- Xét nghiệm cho thấy, không có dấu hiệu báo động về ung thư phổi.

- Bạn đã từng tiếp xúc với con giun đũa chó, nhưng hiện tại không biết như thế nào.

Tóm lại, bạn nên đi khám với BS để được khám bệnh và tư vấn kỹ hơn và xem xét điều trị nếu cần.


- Tan Duong - Hà Nội

Em 18 tuổi, hiện em đang mắc một chứng bệnh là ngứa ngoài da, ngứa toàn thân.

Em đã bắt đầu bị cách đây hơn 6 tháng rồi ạ, đã đi khám rất nhiêu BV, làm các xét nghiệm kiểm tra giun đũa chó mèo, giun lươn, sán lá gan... nhưng kết quả đều âm tính.

BS kết luận em bị viêm da cơ địa dị ứng, cho uống nhiêu thuốc như histamin, corticoid, fexofenadine HCl... nhưng đến nay vẫn chưa khỏi bệnh.

Mới đây em có đến BV Da Liễu trung ương khám lần 2 vì bệnh trở nặng ra chàm ở tay và chân, da em bị bong tróc ra.

Hiện giờ da của em bị thâm nhiều nốt sau khi chảy máu da do gãi ngứa, đặc biệt vùng lỗ rốn cứ tự mọc mụn rồi teo đi để lại da bị thâm đen. Ngày nào cũng vậy, đặc biệt là về chiều tối, em lại ngứa khắp người.

Vậy BS có thể cho em lời khuyên để trị dứt bệnh này không ạ? Em có thể đang bị bệnh gì? Em xin chân thành cảm ơn.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào em,

Với triệu chứng của em, nhiều khả năng các BS ở Viện Da liễu trung ương đã chẩn đoán phù hợp. Tức là, viêm da cơ địa dị ứng và có khả năng em bị chàm thể tạng.

Em đã làm các xét nghiệm về giun sán và không mắc bệnh đó, có thể em cần kiểm tra thêm xem có bị hạch to hay không, bệnh lý về gan mật hay không trước khi quyết định thay đổi điều trị cho em.

Do đó, em nên kiểm tra thêm với BS chuyên khoa Nội để tầm soát thêm 1 số nguyên nhân khác và phối hợp điều trị với BS Da liễu.


- Vũ Ngọc - niemvu…@gmail.com

Kính thưa BS,

Tôi đi khám bệnh tại BV ĐH Y dược TPHCM, nội soi đại tràng với kết luận là carcinom tuyến, biệt hóa vừa. BV yêu cầu nhập viện mổ.

Tôi chuyển sang BV Chợ Rẫy, sau các xét nghiệm cần thiết (Xquang, CT, xét nghiệm máu, phân, điện tim) và các BS mổ đại tràng cho tôi. Sau khi mổ cắt bỏ đoạn đại tràng trái nối bằng Stapler.

Kết quả xét nghiệm giải phẫu bệnh phẩm như sau: carcinoma tuyến đại tràng biệt hóa trung bình xâm lấn đến lớp cơ, bờ giải phẫu an toàn.

Sau đó chuyển sang khoa ung bướu BV Chợ Rẫy, các BS cho về sau 3 tháng tái khám.

BS cho tôi hỏi bệnh của tôi giai đoạn nào, có nghiêm trọng lắm không, và tại sao không có phác đồ điều trị hóa xạ trị gì... (thường thấy đối với bệnh nhân ung thư).

Tôi đang rất phân vân, xin BS tư vấn giúp. Rất mong sự hồi âm sớm của BS. Xin chân thành cảm ơn.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn Ngọc,

Trường hợp của ba bạn, tôi dự đoán là bệnh ở giai đoạn 2 và trong khi phẫu thuật và nạo hạch không thấy hiện tượng di căn lên hạch, nên các BS không cho dung phác đồ hoá trị kèm theo, vì không chỉ tốn kém mà còn rất nhiều tác dụng phụ mà không quá cần thiết.

Như vậy, bạn cứ yên tâm theo dõi tại khoa Ung bướu của BV Chợ Rẫy, bạn nhé!


- Hoàng Hải - hoanghai...@gmail.com

Chào BS,

Em đọc thông tin trên mạng thường nói ký sinh trùng là nguyên nhân hàng đầu gây hôi miệng và nhiều bệnh nguy hiểm khác. Và có loại thuốc uống để diệt hết ký sinh trùng.

Bản thân em bị hôi miệng nhiều năm, mặc dù em vệ sinh răng miệng sạch sẽ và không ăn các món gây mùi như hành tỏi…

Em có nên mua thuốc đó uống không ạ? Liệu thuốc đó có thật sự hiệu quả, là sẽ diệt hết ký sinh trùng trong cơ thể? Em thấy giá cũng mắc, 800 ngàn nên còn phân vân ạ. Rất mong nhận được lời khuyên của BS!

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Hoàng Hải thân mến,

Xin khẳng định lại với bạn, hôi miệng không phải do nhễm ký sinh trùng mà có thể do nhiều nguyên nhân khác như: Viêm mũi xoang, sâu răng (bạn đừng tưởng sâu răng là phải nhức răng vì sâu răng độ 1, độ 2 phải đi khám nha sĩ mới biết), viêm nha chu (viêm nướu răng và vôi răng), viêm phổi, ung thư phổi, ung thư vòm họng, ung thư thanh quản, bệnh trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày, nhiễm vi trùng Hp dạ dày, suy gan, suy thận…

Như vậy, em cần đi khám BS để tầm soát những nguyên nhân có thể xảy ra chứ không nên tự ý mua thuốc được quảng bá trên mạng.

- Trương Hoàng Thao - thaotruong...@gmail.com

Xin hỏi BS,

Ngứa có phải là dấu hiệu nhận biết mà không cần qua xét nghiệm? Em cứ hay bị ngứa nổi cục cục xong khoảng 1 tiếng sau thì lặn mà không biết nguyên nhân do đâu. Mong BS tư vấn giúp em ạ.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào Hoàng Thao,

Trường hợp của em cần khám cụ thể mới xác định được đúng, nhưng tôi dự đoán em bị chứng mề đay hoặc bị nhiễm ấu trùng giun sán di chuyển ngoài da. Tốt nhất là đi khám bệnh với BS và xét nghiệm thì sẽ có chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị.


- Băng Châu - TP Đà Nẵng

Cháu mới sinh em bé được 2 tháng. Mấy hôm nay da cháu ngứa ngáy, nổi mẩn, đi xét nghiệm BS kết luận nhiễm giun đũa chó và có kê thuốc. Cháu sợ nếu uống thì em bé ảnh hưởng qua đường sữa mẹ. Vậy cháu phải làm sao ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào em,

Thông thường các thuốc tẩy giun có thể qua sữa mẹ, nên khi uống thuốc thì em nên cho bé ngưng ít nhất 48-72g sau mới cho bé bú lại sữa mẹ.


- Phan Lê Anh - leanh12…@gmail.com

BS ơi, cháu 17 tuổi nhưng chỉ cao 1m6 và nặng 47 kg thôi ạ, ăn nhiều, đủ chất nhưng không tăng cân. Bố mẹ và anh hai, chị ba đều cao to, riêng mình cháu là nhỏ con thôi.

Có phải do cháu bị nhiễm giun không ạ? 2-3 năm lại đây cháu chưa uống thuốc xổ giun. Có phải đó là nguyên nhân khiến cháu thấp bé thế không ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào Lê Anh,

17 tuổi cũng chỉ là đang mới bắt đầu phát triển, chứ không phải là ngừng phát triển, do đó em cứ bình tĩnh vì về lý thuyết, em vẫn còn phát triển cao to lên được cho đến 25 tuổi.

Về việc, em chỉ cao 1m6 thì không có gì phải lo lắng, điều này có thể do nhiều yếu tố:

- Cơ địa di truyền (em đừng nghĩ cha mẹ và anh chị em cao thì chắc chắn em sẽ phải cao như vậy, vì đây chỉ là tương đối. Tức là, em có cơ địa di truyền tốt hơn nhưng không phải bản sao 100%. Thực tế, có những người “Cha là nịnh thần nhưng con là trung thần”).

- Lúc bé, em ít phơi nắng và ít uống sữa.

- Em ít tập thể dục, thể thao, em hay lo lắng hoặc ít ngủ. Đây chính là những yếu tố để kích thích cơ thể tiết ra nội tiết tố tăng trưởng phát triển chiều cao và thể chất mà không có thuốc men nào thay thế được.

Việc 2-3 năm chưa tẩy giun định kỳ chỉ là yếu tố bổ trợ chứ không phải yếu tố chính làm cho em thấp hơn anh chị em trong nhà.

Em nên đi khám bệnh với BS Nội khoa Tổng quát để xét nghiệm toàn diện, tầm soát nhiều yếu tố trước khi cho tẩy giun.

- Thảo Nguyên - Quận 7, TPHCM

Xin chào BS Lưu Phương,

Con bị nỏi mẩn đỏ và ngứa, xét nghiệm ở Trung tâm Hòa Hảo BS kết luận nhiễm giun lươn và kê thuốc uống. Hiện con đã uống hết toa nhưng vẫn nổi mẩn và ngứa (đỡ ngứa hơn lúc nhiễm). Vậy con cần phải làm gì để hết ngứa ạ? Hay là tiếp tục mua thuốc theo toa uống đến khi hết ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào em,

Việc điều trị giun lươn với thuốc tẩy đặc trị, không thể dung bừa bãi và kéo dài như em nghĩ được.

Về lý thuyết, nếu điều trị thành công giun lươn thì việc ngứa và nổi mẩn cũng giảm từ từ chứ không thể hết liền, đột ngột, vì giun lươn cũng làm rối loạn hệ miễn dịch của cơ thể nên đôi khi việc điều trị ngứa và nổi mẩn sẽ còn kéo dài.

Ngoài ra, có thể em có một số bệnh khác kèm theo với giun lươn cũng gây ngứa như: viêm gan, viêm đường mật, nhiễm vi trùng Hp, nhiễm lao, nổi hạch nội tạng,… hoặc viêm da cơ địa.

Em nên đi khám với BS chuyên khoa Tiêu hoá gan mật và BS Da liễu để phối hợp điều trị.


- Phạm N. Nhật Linh - Q. Ninh Kiều, Cần Thơ

Bé nhà em 7 tuổi mà đi khám đã phát hiện bị nhiễm giun kim rồi ạ. Em hoang mang lắm vì em rất kỹ cho con mà vẫn bị nhiễm.

Xin hỏi BS nguyên nhân vì sao nhiễm giun kim? Điều trị bao lâu bệnh mới khỏi và có dứt điểm được không ạ? Mong sớm nhận được giải đáp.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Nhật Linh thân mến,

Bệnh giun kim không có gì phải lo lắng, tuy nhiên việc điều trị hơi tỉ mỉ và tủn mủn 1 chút.

- BS sẽ cho dùng thuốc 2-3 đợt, mỗi đợt cách nhau 2-3 tuần.

- Chị phải cắt gọn móng tay, móng chân cho bé, rửa xà bông thật kỹ.

- Chăn, màn, áo gối, quần áo của bé, khăn của bé phải được giặt thật kỹ với xà bông và đem phơi giữa nắng trưa hè 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 2-3 tuần.

- Giáo dục bé, không cắn, ngậm móng tay, sau khi đi vệ sinh xong phải rửa tay với xà phòng.


- Nguyễn Văn Hiệp - Long Thành

AloBacsi ơi, hiện nay đã có vắc xin ngừa bệnh do ký sinh trùng gây ra chưa? Nếu có em đến đâu để được chích ngừa ạ? AloBacsi trả lời giúp em nhé!

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào em Hiệp,

Hiện tại, y học chưa phát minh ra thuốc chủng ngừa ký sinh trùng giun sán, em nhé!


- Hoàng Minh - TPHCM

Thưa BS Lưu Phương,

Vợ em đang cho con bú mà bị ngứa quá, đi xét nghiệm máu và BS khám, chẩn đoán là bị nhiễm giun đũa chó. Và em được biết là đang cho con bú thì không nên uống thuốc tẩy giun.

Vậy vợ em nên làm thế nào? Nên ngưng cho con bú và điều trị, hay đợi cho con bú xong mới điều trị? Nếu mẹ bị nhiễm giun mà tiếp tục cho con bú thì gây hại gì cho mẹ hay cho bé không? Bé nhà em mới 8 tháng. Rất mong BS cho lời khuyên!

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào em,

Trường hợp của vợ em, vì không khám bệnh trực tiếp nên tôi chỉ dự đoán:

- Nhiều khả năng, vợ em đã tiếp xúc với giun đũa chó từ lúc trước mang thai nhưng không biết, nhưng khả năng hiện tại là không hoạt động.

- Tình trạng ngứa của vợ em, có thể là do một số thay đổi miễn dịch sau khi sinh trên cơ địa người đã từng tiếp xúc với giun chó thì dễ gây ngứa hay viêm da cơ địa sau sinh cũng gây ngứa.

- Ngoài ra, một số rối loạn về gan và tiết mật sau sinh cũng gây ngứa.

Đối với bé nhà anh đã 8 tháng tuổi, bắt đầu ăn dặm rồi thì tốt nhất nếu cần phải uống thuốc tẩy giun thì nên cho bé ngưng bú 2-3 ngày sau mới bú lại.


- Đinh Huyền Trang - 27 tuổi

Chào BS Lưu Phương,

Em có bé gái được 30 tháng tuổi. Cháu uống thuốc tẩy giun 1 lần lúc được 13 tháng. Cháu hay kêu giun ngoáy mông và tự gãi hậu môn.

Giờ cháu bé cần làm xét nghiệm gì để xác định cháu bị nhiễm giun nào? BS có thể cho em biết giun nào thì xét nghiệm máu, giun nào thì xét nghiệm phân không ạ? Trước khi xét nghiệm giun có cần nhịn ăn sáng không? Xin cảm ơn BS.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Huyền Trang thân mến,

Thông thường những loại giun như giun đũa, giun kim, giun móc thì sẽ xét nghiệm phân và những loại như giun chó, sán chó có thể xét nghiệm máu.

Tuy nhiên, em nên đưa bé đi khám BS để được tư vấn và cho xét nghiệm máu hoặc phân rồi sẽ có chỉ định trị điều trị phù hợp, bởi vì liều của trẻ thường khác, em không nên tự đi xét nghiệm cho bé.

Về lý thuyết thì xét nghiệm giun không cần nhịn ăn sáng.


- Phương Nga - bạn đọc hỏi qua fanpage AloBacsi - Hỏi BS trả lời

Điều trị giun lươn mất thời gian bao lâu thưa BS? Thường mình phải uống bao nhiêu toa mới hết ạ? Sau khi điều trị có cần làm xét nghiệm gì để biết chắc chắn còn giun lươn trong cơ thể hay không? Em cần làm gì để không tái phát thưa BS?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào em,

Điều trị giun lươn, nếu đơn giản trong ruột thì chỉ cần uống 1 liều duy nhất, nhưng thông thường thì bị dạng phức tạp. Do đó, phải uống khoảng từ 5-7 ngày hoặc phải kéo dài 2 tuần để bảo đảm không tái phát.

Sau khi điều trị cần xét nghiệm lại phân, thường sẽ âm tính. Còn nếu xét nghiệm máu thì phải theo dõi định kỳ, tại vì máu mình vẫn "ghi nhớ" chuyện nó đã gặp con giun lươn, khi không còn bị nhiễm giun nữa thì nó sẽ "quên bài từ từ" chứ chưa âm tính ngay được.

Để không tái phát thì phải ăn chín, uống sôi, rửa sạch, tập thể dục để có sức đề kháng tốt và không uống thuốc bừa bãi. Bởi vì, một số thuốc như thuốc Đông y không rõ nguồn gốc, có thể làm suy giảm đề kháng miễn dịch, tạo điều kiện để giun sán lan tràn trong cơ thể.

Em chú ý không đi chân đất vì giun lươn có thể xâm nhập qua da, không tiếp xúc trực tiếp với nguồn đất, đá dơ bẩn.


- Le Minh - leminh19...@gmail.com

Xin chào BS,

Em muốn hỏi, em hay nổi ngứa và nhiều người cho rằng khả năng em bị sán chó. Vậy làm sao để em biết chắc chắn em bị sán này? Cách tầm soát thế nào? Liệu có điều trị dứt điểm được chăng? Em cảm ơn BS.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn,

Ngứa nhiều thì có thể xảy ra ở nhiều bệnh, từ bệnh da liễu cho tới gan mật như viêm mật, viêm gan, xơ gan hoặc những bệnh về hạch như ung thư hạch, ung thư máu vẫn có thể gây ngứa chứ không chỉ riêng sán chó.

Với trường hợp ngứa nhiều thì không chắc là sán chó. Thường là bệnh da liễu, viêm da cơ địa, hay chàm thể tạng... gây ngứa nhiều.

Bạn nên đi khám tại BS Da liễu, để tầm soát có bệnh da liễu gì không, nếu không có thì khám với BS chuyên khoa Tiêu hoá Gan mật, để được tầm soát về gan mật hay những bệnh khác có gây ngứa hay không, rồi cuối cùng mới tới khả năng nhiễm ký sinh trùng sán chó. Bạn không nên tự điều trị nhé.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời 3 câu hỏi thường gặp về bệnh giun sán:

1. Lỡ uống thuốc tẩy giun rồi sau đó phát hiện có bầu. Nguy cơ đối với thai nhi thế nào? Có phải em bé sinh ra sẽ bị dị tật không?

- Có nhiều loại thuốc tẩy giun, những loại thuốc tẩy giun thông thường như Fugacar, Zentel, Mebendazol thì những loại này có nguy cơ ảnh hưởng tới thai nhi (nguy cơ nhóm C).

Tuy nhiên, thai nhi có nguy cơn nhóm C vẫn không phải 100%, vì vậy bạn không nên suy nghĩ nhiều. Cho dù có lo lắng thì việc lỡ uống thuốc là chuyện đã rồi, không thể thay đổi. Bạn cần theo dõi định kỳ với BS khoa Sản, làm các xét nghiệm, nhất là trong thời kỳ 12 tuần đầu, xem có dị tật, bất thường gì không.

2. Đang có thai, đi thử máu thì phát hiện nhiễm ký sinh trùng, chỉ số EOS cao gấp đôi bình thường (trên 14) thì nên uống thuốc xổ hay không? Nếu không uống thì sẽ ra sao với cả mẹ và con? Nếu bắt buộc phải uống thì nên uống thuốc loại nào để an toàn cho bé?

- Với trường hợp này, tuỳ theo là giun lươn hay giun đũa chó, mèo hay loại khác mà BS sẽ quyết định điều trị thế nào.

Nếu là giun lươn, bắt buộc phải điều trị, đó là nguy cơ cho em bé rất cao vì giun lươn nhiễm trùng lan toả rất nguy hiểm, nhất là khi có thai.

Nếu chỉ nhiễm sán chó thoáng qua thì có thể theo dõi tiếp tục trong thai kỳ.

Đối với những loạn giun đũa, gium móc thông thường thì không đáng ngại.

3. Fugacar, Zentel, Mebendazol... các thuốc tẩy giun sán này có gì khác nhau?

- Đây là những loại thuốc tẩy giun thông thường, Fugacar và Mebendazol 1 loại (khác tên thương mại) còn Zentel là 1 loại khác. Hiệu lực của chúng chỉ chênh lệch nhau 1 chút.

Tất cả thuốc này có tác dụng phụ nên không dùng cho phụ nữ có thai mà phải có chỉ định của BS khi sử dụng.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương được nhiều người ưu ái gọi với cái tên “bàn tay vàng” trong nội soi đường tiêu hóa.

Từ năm 2013, khi chính thức nhận lời tư vấn trên AloBacsi đến nay ông đã có đến gần 100 bài giao lưu nhận được sự quan tâm của hàng ngàn bạn đọc. Hễ cập nhập được kiến thức mới từ các nước trên thế giới, ông lại vội vàng “đặt lịch” tư vấn trên AloBacsi với mong muốn làm sao để chia sẻ những điều mới đến với bạn đọc một cách nhanh nhất.

Bạn đọc yêu mến, tin tưởng BS Lưu Phương không chỉ vì ông là vị bác sĩ giỏi, giàu nhiệt huyết mà những câu ông tư vấn còn rất cặn kẽ, chu đáo giải thích đúng trọng tâm người bệnh đặt ra. Thậm chí, ông còn đưa ra những ví von rất gần gũi để bạn đọc dù không gặp mặt trực tiếp vẫn mường tượng, hiểu được những gì ông muốn diễn đạt.


Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X