Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương giải đáp: Uống bao nhiêu lon bia bạn sẽ mất kiểm soát?

Uống bao nhiêu lon bia bạn sẽ mất kiểm soát? Làm sao biết được ngưỡng say xỉn ở mỗi người? Có cách nào giải rượu nhanh chóng?... ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương sẽ giải đáp những thắc mắc này cùng bạn đọc AloBacsi.



Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng do rượu bia, lái xe với nồng độ cồn cao. Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, 1 đơn vị uống chuẩn chứa 10 gram cồn, tương ứng với 1 chén rượu mạnh, 1 ly rượu vang, 2/3 chai bia. Chỉ cần uống quá 2 đơn vị uống chuẩn, người tham gia giao thông đã bị vượt mức độ cồn cho phép.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề được khá nhiều khán giả quan tâm, “Uống bao nhiêu lon bia bạn sẽ mất kiểm soát?”, Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi đã mời ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cung cấp những thông tin chính xác nhất về vấn đề này.

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN
1. Trước hết, xin hỏi BS, rượu bia sau khi vào cơ thể đã tác động như thế nào khiến con người say xỉn?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương
Rượu bia bản chất là chất cồn C2H5OH. Khi hấp thu vào cơ thể, chất hóa học này tác động lên nhiều cơ quan như tim, mạch máu, gan, tụy… Đặc biệt, rượu đi vào máu rất nhanh, trong đó não là nơi có rất nhiều điểm thụ thể để C2H5OH bám vào.
Tác động của rượu bia chia ra nhiều giai đoạn. Ở những liều thấp, vừa phải, rượu bia sẽ tác động lên vỏ não, tạo cảm giác hưng phấn, khiến người uống bị mất kiểm soát, vì thế, dân gian thường có câu “rượu vào lời ra”. Những vụ cãi vã, đánh nhau bắt đầu từ giai đoạn 1 này.
Ở mức độ 2, mức độ nặng hơn, thị giác không còn chính xác, người uống khó có thể nhận biết vị trí các vật xung quanh, khó kiểm soát cơ thể.

Ở liều cao hơn, giống như gây mê quá liều, sẽ dẫn đến tình trạng trụy tim mạch, gây tử vong.



2. Nhiều người cho rằng bia hay rượu vang sẽ không gây say xỉn như uống rượu, cho nên uống bia hay rượu vang, vẫn có thể tự lái xe. BS nghĩ sao về điều này?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương
Rượu, bia có nhiều nồng độ. Như bia thì nồng độ cồn etylic sẽ dao động từ 3-5%, tùy loại bia hoặc tùy hãng bia. Những loại rượu vang hay rượu nhẹ, rượu khai vị thì nồng độ cồn gấp 2-3 lần bia, tương đương 11-18%. Nên nhớ, cứ 100ml thì có 18ml rượu nguyên chất. Nếu rượu mạnh như rượu đế, rượu whisky, … thì nồng độ rượu lên đến 300- 400, tối đa là 450. Nhưng thông thường rượu mạnh ít khi quá 500ml tránh để cơ thể không dung nạp được.
Như vậy, uống rượu, bia hay uống rượu vang chỉ khác nhau về nồng độ chứ không có nghĩa là uống bia, rượu vang sẽ không say.
Ví dụ uống 3 lon bia sẽ tương đương với 1 cốc rượu vang, nếu là rượu mạnh 400- 450 là gấp 2,5 lần chai vang. 1 ly rượu mạnh như rượu tây hay rượu đế, tương đương uống 2,5 (lon) rượu vang và 7-8 lon bia. Vì vậy, quan niệm uống bia, rượu vang không say là quan niệm sai




3. Uống lượng bia, rượu vang, rượu mạnh ở lượng nào sẽ gây nguy hiểm cho cơ thể ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương
Tất cả những quốc gia trên thế giới quy định bắt đầu mức độ cồn trong máu ở ngưỡng 50mg/100ml máu, là ngưỡng để xử phạt. Bởi vì ở ngưỡng này, người sẽ hưng phấn, hung hăng hơn, sự tỉnh táo không có, rất nguy hiểm. Người ta sẽ quy nồng độ cồn qua việc đo nồng độ bằng hơi thở, tương đương 50mg.



4. Làm sao biết được “ngưỡng” say xỉn ở mỗi người để dừng uống đúng lúc, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương
Không có “ngưỡng” say ở mỗi người vì còn phụ thuộc vào cân nặng, giới tính.
Thường thì 1 người nam dưới 50kg chỉ nên uống 2 lon bia, khoảng 500ml bia hoặc 1 chén (nhỏ) rượu mạnh, tương đương 70ml thì sau nửa tiếng, nồng độ rượu sẽ đạt 50mg/100ml máu.

Đối với nữ, đôi khi chỉ cần nửa ngưỡng này đã đạt đến nồng độ 50mg/100ml máu.


5. Trên mạng lan truyền nhiều mẹo chống say xỉn, áp dụng trước khi nhậu như: ăn một chút rau củ luộc, uống sữa, uống dầu oliu… Theo BS, những mẹo này có hiệu quả không?


ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương
Để hạn chế làm tăng nồng độ cồn trong máu, không được để dạ dày trống. Dạ dày càng trống sẽ khiến cồn thấm vào máu càng nhanh. Rượu thấm vào máu rất chậm nếu chúng ta ăn no, đặc biệt những thức ăn béo ngay trước khi uống rượu.
Ví dụ 2 phút nữa uống rượu, chúng ta ăn sữa béo, bơ, phô mai... tạo 1 màng mỡ bao phủ dạ dày thì rượu khó thấm vào máu được, dẫn đến nồng độ trong máu sẽ thấp đi, sẽ bớt say xỉn và ngộ độc rượu.

Ngoài ra, trong quá trình uống rượu, chúng ta nên uống nhiều nước lọc. Nước lọc sẽ pha loãng nồng độ rượu khi chúng ta uống.


6. Một số người tin tưởng vào thuốc giải rượu. Xin BS cho biết, thuốc này giải rượu theo cơ chế nào, uống thường xuyên sau mỗi cuộc nhậu có hại gì không ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương
Trong Tây y không có khái niệm về thuốc giải rượu, mà chỉ có thuốc chống nghiện rượu. Đây là loại thuốc dành cho những người muốn cai nghiện rượu bia. Nó hoạt động trên cơ chế, khi vào cơ thể sẽ khiến cho người uống cảm thấy khó chịu và sẽ cai rượu từ từ.
Bản chất của thuốc khiến cho rượu không thể chuyển hóa, gây ra các phản ứng để cho người nghiện rượu cảm thấy khó chịu khi uống rượu và có thể dễ dàng cai nghiện.

Tuy nhiên, thuốc không có tác dụng giải rượu. Vì vậy, khi uống thuốc này với số lượng nhiều sẽ làm tăng độc tố của rượu lên rất nhiều lần.


7. Nhiều người có thói quen sử dụng paracetamol như giải pháp uống rượu không say. Điều này nguy hiểm như thế nào?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương
Đây là một trong những cách được nhân gian truyền miệng khá nhiều. Là một trong những cách cực kỳ nguy hiểm. Paracetamol không có tác dụng giải rượu như mọi người thường nghĩ, mà nó chỉ làm giảm triệu chứng của say rượu: nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi. Nhưng do tác dụng làm giảm các triệu chứng trên, mọi người lại nghĩ là thuốc có tác dụng giải rượu.
Với người dùng thông thường, paracetamol không gây hại cho cơ thể. Nhưng những thành phần trong paracetamol khi gặp rượu thì hoạt tính của nó mạnh lên gấp hàng chục, hàng trăm lần. Dẫn đến nguy cơ ngộ độc rất cao, hư gan, hư thận, thậm chí gây ra tình trạng hôn mê và tử vong.

Tùy vào thể trạng của mỗi người, khi paracetamol đi vào cơ thể sẽ gây hậu quả ở mức độ nào.

Tuyệt đối không uống rượu bia cùng thuốc paracetamol - Ảnh: AloBacsi tổng hợp

8. Theo BS, nếu lỡ say xỉn rồi thì làm cách nào để mau tỉnh táo lại? Việc uống nước chanh, ăn đậu xanh, có giúp giải rượu không ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương
Nếu lỡ uống say, một số biện pháp sau sẽ giúp hồi phục:

Uống trà xanh nguyên chất, vì trong trà xanh có chứa chất các hợp chất tanin, hợp chất này bám vào rượu, hấp thu và hủy giải bớt các tác dụng của rượu.

Uống các loại nước ép, như nước ép cà chua pha với một ít đường hoặc muối nhằm làm giảm vị chua của loại quả này. Chúng cung cấp thêm các lớp điện giải nhằm ngăn chặn lượng rượu bia thấm vào bao tử.

Hoặc chúng ta uống nước gừng, có thể dùng gừng tươi, gừng ngâm hoặc gừng khô dùng với nước ấm để nguội.

Nước chanh, cam,… hay những cây họ cam chanh cũng có thể giảm nhẹ các tác dụng của rượu.

Đậu xanh cũng là chất có thể làm hóa giải bớt một số tác dụng của rượu bia.


9. Như vậy, sau một cuộc nhậu xỉn “quắc cần câu” thì bao lâu chúng ta đủ tỉnh táo để có thể lái xe?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương
Về lý thuyết, tốc độ chuyển hóa rượu phụ thuộc vào thể trạng từng người, tình trạng bệnh tật kèm theo và lượng mỡ trong cơ thể. Vì thế, những người uống rượu bia đã vượt ngưỡng, tùy thuộc vào mỗi người mà thời gian hồi tỉnh khác nhau. Có những người cần 4 tiếng để giải phóng được gần hết lượng cồn trong người. Tuy nhiên, một số người khi nghỉ uống sau 6 tiếng, khi đo nồng độ cồn vẫn bị vượt ngưỡng cho phép.

Ngưỡng của người đi xe 4 bánh sẽ cao hơn người điều khiển xe 2 bánh. Do đó, sau 1 lần nhậu “quắc cần câu”, tôi khuyên mọi người nên nghỉ ngơi ít nhất 24 tiếng để đủ tỉnh táo.


10. Tuy nhiên, một ít rượu khai vị hay 1-2 cốc bia sẽ giúp bữa ăn ngon miệng hơn phải không BS? Vậy thì đối với nam giới và phụ nữ, lượng rượu/bia uống vào mỗi ngày bao nhiêu là vừa phải và hữu ích?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương
Rượu bia hay rượu khai vị đều nên sử dụng đúng mục đích và liều lượng cho phép. Uống một lượng ít rượu bia sẽ kích thích hệ tiêu hóa, làm tiết dịch dạ dày, dạ dày co bóp và những bộ máy tiêu hóa từ gan, mật, tụy sẽ hoạt động hiệu quả hơn. Do đó, khi uống rượu khai vị sẽ giúp người dùng ngon miệng hơn.

Như vậy, đối với nam giới, theo nghiên cứu trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, đã nghiên cứu rằng đối với đặc tính sinh học của người đàn ông không nên uống quá 4 đơn vị rượu trong 1 lần chung vui. Mỗi người chỉ nên uống 3 đơn vị rượu, tương đương với 3 lon bia.
Đối với rượu khai vị, rượu vang nhẹ, 3 đơn vị rượu tương đương với 1,5 ly rượu vang.
Ngoài ra, những loại rượu đế, rượu tây chỉ nên uống nửa chén, hay 4-5 chung rượu. Và nên nghỉ ít nhất 4-5 tiếng, đặc biệt, người điều khiển xe 4 bánh nên nghỉ thời gian lâu hơn.

Đối với phụ nữ, đặc điểm sinh học của người nữ khác với người nam, phụ nữ chỉ nên uống dưới 1,5 đơn vị rượu.
~~~~~~~~~
AloBacsi chân thành cảm ơn ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương đã giúp chúng ta hiểu rõ những tác hại của rượu bia nguy hiểm như thế nào đối với việc tham gia giao thông, gây những tác hại như thế nào đối với mỗi gia đình, và cả những hệ lụy đối với sức khỏe. Đã uống rượu bia thì không lái xe”, mọi người nhé!

Nếu có thắc mắc về sức khỏe, kính mời bạn đọc đặt câu hỏi và gửi về chương trình thông qua:

Fanpage: AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Hộp thư: tuvan@alobacsi.vn

Zalo: 08983 08983

Hoặc trò chuyện trực tiếp với bác sĩ trong thời lượng của các buổi tư vấn trực tuyến qua số điện thoại: 08983 08983

Ngoài ra, quý bạn đọc có thể theo dõi nhiều buổi trò chuyện của các bác sĩ - chuyên gia, chia sẻ những thông tin thiết thực về việc bảo vệ sức khỏe tại kênh: AloBacsi - video.

Trân trọng!


Thực hiện: Minh Khuê - Hồng Nhung
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X