Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị sán lợn

Sau hơn 1 giờ đồng hồ tư vấn cho bạn đọc chiều ngày 19/3/2019, ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương nhấn mạnh, không nên làm xét nghiệm đại trà bệnh sán lợn. Chỉ nên theo dõi và khi có các biểu hiện như đi ngoài ra đốt sán, rối loạn tiêu hóa, đau bụng kéo dài... mới cần đi khám để điều trị.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Chuyên gia Tiêu hóa - gan mật nổi tiếng. Ảnh: Viết Hưởng
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Chuyên gia Tiêu hóa - gan mật nổi tiếng của AloBacsi. Ảnh: Viết Hưởng

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Đầu tiên, xin hỏi bác sĩ: sán và giun khác nhau như thế nào ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - AloBacsi.com

Giun sán khác nhau ở điểm cơ bản: giun có hình dạng tròn như giun đất, sán hình dạng dẹt, có sán lá, sán dải như dải ruy băng. Tuy nhiên cả 2 đều là những loại ký sinh trùng sống bám vào cơ thể người và luôn theo một chu trình phát triển là: giun hoặc sán ký sinh trong cơ thể người là đẻ trứng, trứng phát triển thành ấu trùng, và trở thành con giun hoặc con sán trưởng thành.


2. Xin bác sĩ cho biết sán lợn ký sinh và sinh trưởng trong cơ thể người như thế nào? Nghiêm trọng nhất là gây ra những biến chứng gì thưa bác sĩ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - AloBacsi.com

Sán lợn hay còn gọi là sán xơ mít gây 2 loại bệnh cho người:

- Nhiễm sán trưởng thành trong ruột non hấp thu chất dinh dưỡng.

- Nhiễm ấu trùng (giống như dạng 1 con nhộng trưởng thành) ký sinh vào các cơ quan nội tạng trong cơ thể người như não, bắp thịt, gan, thận, mắt… hay còn gọi là bệnh gạo người và nhiễm ấu trùng này là nguy hiểm nhất. Vì ấu trùng đóng thành như những hạt gạo nằm trong các cơ quan, gây biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là ở não và mắt. Nó có thể gây mù lòa, co giật, viêm não, viêm màng não, yếu liệt…

Mẫu sán dây lợn tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TPHCM
Mẫu sán dây lợn tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TPHCM

3. Chúng ta có thể ước lượng được thời gian từ lúc nhiễm nang sán đến lúc sán đi lên não không ạ? Quả thật nhiều người rất lo lắng khi nghĩ tới diễn tiến này của sán, theo bác sĩ tỷ lệ sán lên tới não có nhiều không ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - AloBacsi.com

Ăn thịt lợn gạo có những nang sán không gây bệnh gạo người để mà nang sán chui lên não người nhưng ăn thịt lợn gạo sẽ làm chúng ta mắc bệnh nhiễm sán lợn ở trong ruột non.

Chúng ta bị bệnh gạo người (hay còn gọi là nhiễm ấu trùng sán) là do ăn thức ăn không hợp vệ sinh còn trứng của sán. Thông thường có thể mất từ 6-10 tuần kể từ lúc nuốt trứng sán thì ấu trùng sán lợn có thể đến não và ký sinh ở đó. Tuy nhiên, tỷ lệ này cũng không cao vì thật sự cơ thể của chúng ta vẫn có phản ứng để loại bỏ nó trước khi nó cố định ở não.

Các loài giun sán lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Các loài giun sán lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
 
4. Dấu hiệu đặc trưng để nhận biết mình bị nhiễm sán lợn là gì, thưa bác sĩ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - AloBacsi.com

Dấu hiệu điển hình nhất của nhiễm sán lợn là chúng ta đi ngoài ra những đốt sán trong phân, thường có màu trắng đục đứt khúc lẫn trong phân. Thậm chí không đi cầu ra phân mà ra những đốt sán đục trắng.

Còn bệnh gạo người thì tùy thuộc ấu trùng cố định ở chỗ nào mà biểu hiện ở chỗ đó. Đôi khi không có triệu chứng gì cả. Ví dụ nếu ở não có thể gây ra những triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, co giật, yếu tay chân hoặc cứng cổ, nhìn đôi, nhìn mờ. Nếu ở cơ có thể làm đau nhức cơ bắp, nổi u cục trên da…


5. Để chẩn đoán sán lợn, cần làm những xét nghiệm gì ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - AloBacsi.com

Để chẩn đoán chính xác bệnh sán lợn, cách quan trọng nhất là thử phân tìm thấy trứng của loài sán này trong phân (giống như dòm biết trứng gà hay trứng vịt). Tuy nhiên cách này chỉ dùng để chẩn đoán nhiễm sán lợn ở trong ruột của chúng ta; còn bệnh gạo người thì không chẩn đoán được bằng cách này mà dùng đến sinh thiết hoặc phẫu thuật từ những vùng bệnh lấy những nang nghi bệnh đó đem phân tích dưới kính hiển vi thấy hình ấu trùng của những con sán này. Tuy nhiên cách này thường khó áp dụng.

Phương pháp hay dùng là thử máu - ngôn ngữ chuyên môn gọi là huyết thanh chẩn đoán. Tức là chúng tôi sẽ tìm một chất do cơ thể tiết ra và đặc biệt là chất này chỉ được cơ thể tiết ra khi cơ thể đã từng gặp con sán này rồi (giống như chúng ta đã từng học võ, với thế thủ sẽ biết đánh thế võ nào). Nhưng cách này chỉ gián tiếp nói lên rằng chúng ta đã từng gặp con sán này rồi chứ không chắc chắc chúng ta đang bị bệnh.


6. Theo AloBacsi được biết, xét nghiệm sán chó có chi phí từ 90.000 đ - 120.000đ, còn xét nghiệm sán lợn chi phí từ 700.000đ - 1 triệu đồng. Theo bác sĩ tại sao xét nghiệm sán lợn có chi phí cao như vậy? Có phải do xét nghiệm này khó thực hiện hơn các loại sán khác?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - AloBacsi.com

Thực sự với máy xét nghiệm miễn dịch hiện tại không phải sán lợn khó chẩn đoán hơn giun chó nhưng hóa chất để xét nghiệm đúng sán lợn mắc hơn hóa chất để chẩn đoán sán chó. Giống như giữa mít với sầu riêng, giá sầu riêng luôn mắc hơn giá mít, nhưng không phải cây sầu riêng khó trồng hơn cây mít hay bổ dưỡng hơn mà do giá thị trường đã quy định như vậy.

BS Lưu Phương đã kết nối với AloBacsi để trả lời các câu hỏi về sán lợn - vấn đề thời sự đang nóng hổi hiện nay. Ảnh: Hoàng Long
BS Lưu Phương đã kết nối với AloBacsi để trả lời các câu hỏi về sán lợn - vấn đề thời sự đang nóng hổi hiện nay. Ảnh: Hoàng Long

7. Có thông tin rằng kết quả xét nghiệm sán lợn có thể nhầm do phản ứng chéo, nhờ bác sĩ lý giải trường hợp này ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - AloBacsi.com

Theo lý luận về xét nghiệm ở câu hỏi số 5, nếu bạn đã gặp những con hình thù giống sán lợn thì cơ thể tiết ra những chất tương tự như vậy, do cơ thể bạn nhầm tưởng. Vì vậy, xét nghiệm máu đôi khi vẫn cho dương tính với sán lợn mà chúng tôi gọi là dương tính giả, mặc dù cơ thể bạn không mắc sán lợn mà là những con tương tự, có hình thù giống như vậy.

 
8. Thuốc điều trị sán lợn gồm những thành phần gì, có công dụng gì ạ? Một liệu trình điều trị kéo dài bao lâu? Điều trị xong bao lâu thì xét nghiệm lại ạ? Bệnh này có chữa khỏi hoàn toàn không? Có để lại di chứng gì không ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - AloBacsi.com

Thuốc điều trị sán lợn trong ruột non hiện tại có 2 loại, đạt hiệu quả rất cao và ít tác dụng phụ, gần như chữa lành hoàn toàn. Sau khi chữa lành, 1 tháng sau bạn xét nghiệm phân lại sẽ cho kết quả âm tính hoàn toàn.
 

9. Trường hợp sán đã di chuyển đến các cơ quan khác như da, mắt, não, gan… thì phương pháp điều trị như thế nào ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - AloBacsi.com

Đây là vấn đề rất đau đầu của y khoa vì những thuốc điều trị thông thường tác dụng rất kém đối với ấu trùng. Những thuốc đang điều trị hiện tại để tác dụng trên ấu trùng rất hiếm và hiệu quả hạn chế, cần phải được bác sĩ chuyên khoa tư vấn và theo dõi, điều trị sát sao.

Đôi khi phải phẫu thuật để loại bỏ những nang sán ký sinh trong những cơ quan trên cơ thể.

Sán lợn có thể di chuyển lên mắt. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Sán lợn có thể di chuyển lên mắt. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

10. Thưa bác sĩ, nếu đang mang thai mà mắc sán lợn có ảnh hưởng gì đến bé không? Có nên xổ sán ngay khi đang mang thai?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - AloBacsi.com

Nếu mang thai bị nhiễm sán lợn trong ruột non thì có 2 nguy cơ:

- Bị nôn ói nhiều làm cho những trứng sán từ ruột non trào ngược lên dạ dày và phóng thích trứng sán vào dạ dày làm trứng tự nở trong dạ dày gây nên bệnh gạo người khá nguy hiểm, nhất là khi đang có thai.

- Sán lợn trong ruột non sẽ hấp thu chất dinh dưỡng dễ gây suy dinh dưỡng thai kỳ làm thai phát triển không tốt và mẹ dễ bị thiếu máu.


11. Việc xổ giun định kỳ 6 tháng 1 lần có tránh được bệnh sán lợn không ạ? Ngoài ra, cần làm gì nữa để phòng ngừa bệnh sán lợn?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - AloBacsi.com

Việc tẩy giun định kỳ chỉ tẩy được những loại giun thông thường vì thuốc tẩy giun khác với thuốc xổ sán nên không phòng được bệnh sán lợn.

Để phòng bệnh sán lợn có 2 cách:

- Vệ sinh môi trường sinh hoạt của chúng ta, ăn chín, uống sôi, rửa sạch giúp phòng tránh nhiễm trứng sán lợn giúp phòng tránh được bệnh nhiễm ấu trùng sán lợn (bệnh gạo người).

- Ăn thịt lợn đã được nấu chín (nước sôi 100 độ C) sẽ phòng được bệnh sán lợn trong ruột non.


12. Cách nhận biết thịt nhiễm sán như thế nào thưa bác sĩ? Phải chế biến thịt như thế nào thì mới làm chết được ấu trùng sán lợn?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - AloBacsi.com

Để nhận biết thịt nhiễm sán chỉ cần để ý trong bắp thịt có lẫn những hạt trắng như hạt gạo trên nền thịt màu đỏ.

Ngoài ra, ăn thịt lợn đã được nấu chín (nước sôi 100 độ C) sẽ phòng được bệnh sán lợn trong ruột non.

Ấu trùng hình hạt gạo trong thịt. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Ấu trùng hình hạt gạo trong thịt. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

13. Sán lợn có nguy hiểm hơn so với các loại sán khác như sán chó, sán xơ mít, sán dây bò… không thưa bác sĩ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - AloBacsi.com

Sán xơ mít thì cũng là tên sán lợn.

Sán chó là bệnh của chó chỉ ngẫu nhiên nhiễm qua người chứ không phải ai cũng bị.

Tuy nhiên sán lợn nguy hiểm hơn sán bò vì loài sán lợn này ngoài gây bệnh sán trong ruột non của chúng ta thì còn có khả năng gây bệnh gạo người hay nhiễm ấu trùng sán lợn trong khi sán bò không có hiện tượng này.


14. Ngay trong lúc này thì một số trang mạng quảng cáo sản phẩm thuốc diệt ký sinh trùng với chỉ 1 viên có thể đào thải tất cả các loại giun sán, bác sĩ có ý kiến gì về việc này?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - AloBacsi.com

Nếu thật sự có người chế được 1 viên thuốc như vậy thì thế giới này không phải đau đầu và chắc đã được vinh danh giải Nobel rồi.


15. Trong tình hình bệnh sán lợn đang khiến cộng đồng lo lắng như hiện nay, bác sĩ có lời nhắn gì đến bạn đọc AloBacsi không ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - AloBacsi.com

Thứ nhất hiểu đúng và đủ về bệnh sán lợn như những gì tôi đã tư vấn phía trên để không quá lo lắng, hoang mang và cũng không lơ là.

Người lớn và trẻ em đều có thể mắc bệnh.

Không tự ý ồ ạt đi xét nghiệm máu rồi tự ý mua thuốc xổ sán.

- Nếu kết quả máu có lỡ dương tính thì cũng không có gì phải căng thẳng vì với kết quả máu này còn cần phải phối hợp với lâm sàng và một số xét nghiệm khác thì mới thật sự kết luận bạn có đang bị nhiễm sán lợn hay không và có cần điều trị hay không. Thực tế, đa phần sẽ không cần điều trị vì kết quả này chỉ cho biết là ta đã từng tiếp xúc với con sán lợn chứ không có nghĩa là đang mắc bệnh sán lợn.

BS Lưu Phương khuyến cáo người dân không nên xét nghiệm sán lợn ồ ạt. Ảnh: Hoàng Long
BS Lưu Phương khuyến cáo người dân không nên xét nghiệm sán lợn ồ ạt. Ảnh: Hoàng Long


AloBacsi trân trọng cảm ơn ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương đã dành thời gian chia sẻ những thông tin hữu ích về dấu hiệu nhận biết và cách điều trị sán lợn, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn, từ đó sẽ có biện pháp phòng bệnh cho bản thân và gia đình.

Chúc bác sĩ thật nhiều sức khỏe! Xin hẹn bác sĩ vào lần tư vấn tiếp theo.

Trân trọng.

Thực hiện: Yến Phương - Ảnh: Hoàng Long
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X