Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan tư vấn: Thủ phạm nào gây đau thắt lưng?

Đau thắt lưng là chứng bệnh phổ biến có thể gặp ở mọi đối tượng, từ già đến trẻ. Nguyên nhân căn bệnh này là do đâu, khi nào cần điều trị và cách phòng ngừa ra sao? Mời bạn đọc theo dõi phần tư vấn của ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan - Nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân dân 115 để hiểu thêm về chứng bệnh này.

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan - Nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân dân 115

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Đau thắt lưng là triệu chứng phổ biến mà nhiều người thường gặp, nhất là khi bước sang tuổi trung niên. Xin hỏi bác sĩ, đau thắt lưng thường do những nguyên nhân nào?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan trả lời:

Đau lưng là tình trạng rất hay gặp trong cộng đồng, bất kì lứa tuổi nào cũng có thể gặp đau lưng. Trong đó, lứa tuổi trung niên thường gặp nhất, sau 30-40 tuổi.

Để nói về nguyên nhân của đau lưng, chúng ta nên nói sơ về cấu trúc của cột sống lưng. Tại cột sống lưng bao gồm 5 đốt sống quan trọng và các đốt sống cùng. Trong đó, 5 đốt sống quan trọng vẫn bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Giữa các đốt sống là đĩa đệm với cấu trúc ở ngoài là vòng xe và bên trong là nhân nhầy, giúp cột sống cử động dễ dàng.

Để giữ được cấu trúc này vững, xung quanh là hệ thống bao gồm dây chằng, dây cơ giúp giữ đốt sống đúng vị trí của mình. Khi có tổn thương các thành phần này sẽ gây ra tình trạng đau lưng.

Đau ở cấu trúc bên ngoài dây chằng dễ gặp nhất, thường được gọi là tình trạng đau căng cơ. Nguyên nhân do tư thế sinh hoạt, làm việc, động tác bất thường không được chuẩn,... chiếm khoảng 80% trong các nguyên nhân gây đau lưng. Biểu hiện thường là các cơn đau thoáng qua. Tuy nhiên, bệnh nhân thường tự hồi phục. Ngoài ra, 20% còn lại là đa số xuất phát từ các nguyên nhân thực thể và bệnh nhân phải được chẩn đoán, điều trị tích cực.

Tiếp theo là tổn thương đĩa đệm, thường gọi là thoát vị đĩa đệm hoặc rách các vòng xơ cũng là những bệnh thường gặp.

Sau đó, tổn thương của đốt sống là một trong những nguyên nhân gây nên đau lưng. Có các bệnh lý như trượt đốt sống, hẹp ống sống,...

Bên cạnh những tổn thương ngoài cột sống, một số bệnh lý khác ảnh hưởng đến cột sống như ung thư nguyên phát hoặc thứ phát và di căn đến cột sống.

Các bệnh lý viêm thường gặp như viêm cột sống dính khớp, ảnh hưởng đến cuộc sống ở nhiều người trẻ. Bên cạnh đó, 2 tình trạng bệnh lý viêm gồm viêm đĩa đệm cột sống do vi khuẩn và viêm đĩa đệm cột sống do lao.

Một số trường hợp khác gây tổn thương ngay trong ống sống của tổn thương hệ thần kinh cột sống như tổn thương tủy, thường để lại biến chứng nặng nề nhất là hội chứng chùm đuôi ngựa thường gặp khi bị chèn ép nặng ở tủy, chấn thương do tai nạn, hay các trường hợp ung bướu, ung thư có thể chèn vào không chỉ ở tủy mà có thể chèn ở rễ thần kinh, còn được gọi là hội chứng thần kinh tọa.

Ngoài ra, các bệnh lý không phải ngay tại cột sống cũng có thể gây ra triệu chứng đau lưng. Giả sử các bệnh lý bên trong hoặc ngoài ổ bụng như tổn thương của tụy, thận, sỏi niệu hoặc tổn thương phần phụ của tử cung, buồng trứng,...

Một số bệnh lý không phải tại ổ bụng cũng có thể gây đau lưng như đau cơ, đau cột sống cổ hoặc cột sống lưng.

2. Cơn đau mạn tính và cấp tính khác nhau như thế nào, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan trả lời:

Đau cấp tính là các cơn đau đột ngột, diễn ra nhanh chóng, trong thời gian ngắn. Mức độ để đánh giá đau lưng cấp khoảng dưới 4 tuần. Còn thời gian đau lưng mạn tính thường kéo dài trên 3 tháng. Khoảng giữa 1-3 tháng thường được gọi là đau bán cấp.

Ngoài ra, tình trạng đau có những đặc điểm riêng như đau trong tình trạng đau cấp tính thường đau theo tư thế. Chẳng hạn tư thế đó làm căng cơ lên thì bệnh nhân mới đau nhói ở cột sống lưng.  Nhưng khi ở tư thế nghỉ ngơi, thư giãn thì cơn đau nguôi lại.

Ngược lại, trong trường hợp đau mạn tính, thường đau dai dẳng và liên tục trong ngày, nhưng âm ỉ. Và ở một số tư thế nào đó sẽ khiến bệnh nhân đau nhói và khu vực đau rộng hơn đau cấp tính, thường phân bố xuống lưng dưới hoặc các chi.

3. Khi bị đau thắt lưng, thường thì bệnh nhân đến khám ở những khoa nào? Đau thắt lưng nên khám tây y hay đông y?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan trả lời:

Đa phần, 80% các cơn đau thắt lưng có thể tự khỏi, có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khi có các nguyên nhân thực thể thì trong những trường hợp này cần phải được hỗ trợ từ các đơn vị y tế cả đông và tây y.

Đông y có các biện pháp như châm cứu, dưỡng sinh, mát-xa sẽ giúp giảm được cơn đau, chấm dứt được cơn đau nhanh. Tây y tại bệnh viện, phòng khám sẽ giúp cho bệnh nhân phát hiện được chính xác nguyên nhân đau, nếu như không đơn thuần là đau căng cơ sẽ có các biện pháp điều trị phù hợp bằng thuốc hoặc phẫu thuật.

4. Bị đau thắt lưng có thể điều trị bằng thuốc giảm đau nào? Khi nào thì bệnh nhân phải đến bệnh viện chứ không tự điều trị tại nhà?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan trả lời:

Nếu như cơn đau không có nguyên nhân cụ thể, rõ ràng hay báo động quan trọng. Chẳng hạn bệnh nhân gặp một chấn thương nặng, té từ độ cao 3m xuống hoặc sau tai nạn xe cộ có xảy ra các chấn thương nặng như rối loạn bài tiết nước tiểu,...

Ngoài ra trong trường hợp không có chấn thương, nhưng bệnh nhân bị đau lưng kèm theo sốt, sụt cân, rối loạn bài tiết, rối loạn vận động và có những cơn đau bất thường cũng nên đến các đơn vị y tế.

Trong những trường hợp khởi phát từ từ, bệnh nhân có thể điều trị ở nhà trong 1-4 tuần qua giai đoạn cấp nhưng vẫn không hết được cơn đau thì bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế chẩn đoán và có biện pháp điều trị thích hợp.

5. Nhiều người xoa dầu nóng, dầu cao để chữa đau thắt lưng, theo BS như vậy có tốt không?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan trả lời:

Trong điều trị đau lưng cấp sẽ có một số biện pháp cơ bản như biện pháp không dùng thuốc, dùng thuốc, phẫu thuật.

Trong đó, biện pháp không dùng thuốc có thể kể đến phương pháp chườm nóng/ lạnh, giúp bệnh nhân tái tạo tuần hoàn hoặc tái lập tình trạng máu nuôi, giảm bớt tình trạng viêm có trong cột sống. Vì vậy, chườm nóng bao gồm dầu nóng, dầu cao,... sẽ giúp bệnh nhân cảm thấy nóng ở vùng lưng. Tùy theo sở thích bệnh nhân cảm thấy thoải mái ở phương pháp nào để đưa ra sự lựa chọn.

6. Có thể phẫu thuật để chữa đau thắt lưng không ạ? Phẫu thuật đặt ra trong trường hợp nào? Đây có phải là phương pháp điều trị dứt điểm?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan trả lời:

Trên nguyên tắc, bệnh nhân luôn được điều trị bảo tồn. Trong 20% nguyên nhân tôi đã trình bày trên, có các nguyên nhân thực thể như bị viêm cột sống hoặc các bệnh lý bên ngoài cột sống thì bệnh nhân cần điều trị đặc hiệu nhưng không phải phương pháp phẫu thuật. Những trường hợp có tổn thương thực thể tại cột sống như đau rễ thần kinh cột sống, thoát vị đĩa đệm do trượt hoặc hẹp đốt sống vẫn khuyên bệnh nhân điều trị bảo tồn là trên hết.

Nếu sau khi điều trị bảo tồn tích cực bằng các biện pháp dùng thuốc hoặc không dùng thuốc mà vẫn thất bại thì bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật. Mục đích phẫu thuật này nhằm chỉnh sửa lại những tổn thương thực thể ở tại đĩa đệm hoặc ống sống và những khiếm khuyết bị tổn thương tại cột sống,... nhưng không đảm bảo có thể chữa trị dứt điểm. Vì vậy, điều trị phẫu thuật là phương pháp cuối cùng được chỉ định khi thất bại trong điều trị bảo tồn.

7. Nhiều người than phiền: “Đau thắt lưng, đã chữa nhiều nơi không khỏi”, trường hợp này họ cần xem xét những yếu tố nào trong quá trình điều trị bệnh? BS có thể đưa ra ví dụ là bệnh nhân của BS không ạ, và BS đã điều trị cho người đó như thế nào?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan trả lời:

Chúng ta thấy điều trị đau lưng rất đơn giản nhưng cũng có trường hợp rất phức tạp, 80% trường hợp đơn giản thường tự khỏi và chăm sóc tại nhà nhưng chúng ta không điều trị tối ưu ngay từ đầu thì dễ chuyển sang đau lưng mạn, khi đó điều trị rất khó khăn do không chỉ đơn giản là tổn thương ở cơ mà còn kích hoạt hệ thần kinh tự động ở cạnh cột sống cũng như vấn đề tâm lý.

Trong điều trị đau lưng, 2 khâu quan trọng là sinh hoạt hàng ngày cũng như vật lý trị liệu bên cạnh thuốc và yếu tố khác. Tư thế sinh hoạt và vật lý trị liệu quyết định tình trạng đau dứt điểm hay tái phát, như vậy bên cạnh triệu chứng đau lưng, còn phải xem xét nhiều yếu tố nữa: bệnh nhân có chỉnh sửa tư thế sinh hoạt, có tập vật lý trị liệu thường xuyên hay có dùng đúng thuốc hay không?

Trong một số trường hợp, chúng ta không nhận định đúng nguyên nhân đau cột sống, chỉ điều trị triệu chứng, không quan tâm đến điều trị bệnh chính làm cho đau lưng kéo dài.

Ví dụ là một bệnh nhân của tôi. Bạn này còn trẻ, trước đây được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm và điều trị bằng thuốc giảm đau nhưng đau lưng không hề giảm. Sau khi phẫu thuật vẫn tiếp tục đau lưng. Khi tìm đến tôi thì chắc là đã đau 4-5 năm.

Sau khi nghe trình bày về tình trạng bệnh, tôi nghĩ trường hợp này đau lưng kiểu viêm, bởi vì nếu như đau lưng do thoát vị đĩa đệm thì phải là đau lưng kiểu cơ học. Do đó, sau khi tầm soát, tôi chẩn đoán bệnh nhân đó bị viêm cột sống dính khớp, để giảm triệu chứng và điều trị phải dùng thuốc đặc trị cho viêm cột sống dính khớp. Chúng ta biết căn bệnh này là bệnh tự miễn không thể điều trị dứt điểm, tuy nhiên bằng các biện pháp điều trị đặc hiệu thì cột sống của bệnh nhân có thể trở lại được bình thường.

8. Người bị đau thắt lưng cần lưu ý gì trong sinh hoạt thường ngày (các động tác nên làm, các động tác cần tránh, nằm ngủ thế nào, chọn đệm nằm, lưu ý khi quan hệ tình dục)?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan trả lời:

Tư thế sinh hoạt hàng ngày quyết định lực lên cột sống giúp phòng ngừa đau lưng, nếu đang đau lưng thì giúp cắt được cơn đau lưng, giảm tình trạng đau lưng, do đó cần chú ý tư thế đi đứng, nằm, ngồi.

Khi đi cần giữ tư thế chuẩn: dái tai là một đường thẳng với vai và chậu, khi đó cột sống chịu lực tải thấp nhất.

Tư thế đứng: nếu đứng lâu nên cố gắng giữ cơ thể ở tư thế thăng bằng, khi đó cũng là tai vai và chậu hông trên 1 đường thẳng nhưng chân phải chịu lực. Để giảm bớt lực ở chân, có thể kê chân lên 1 bậc thấp, gác chân phải khoảng 15 phút và sau đó đổi chân.

Ở tư thế ngồi, ngoài phần chuẩn ở sống lưng thì cần chú ý đến phần thần dưới, làm sao cho phần thân dưới và chậu hông ở trên 1 đường thẳng. Nếu ngồi ở vị trí cao, bệnh nhân nên kê một vật ở dưới chân để tránh tình trạng mỏi ở cột sống và chậu hông.

Khi nằm tốt nhất nên nằm nghiêng một bên và chân co lại, gọi là tư thế bào thai. Ở tư thế này, cột sống giảm được lực nhiều nhất. Nếu nằm thẳng thì nên nằm trên mặt phẳng cứng như trường kỷ, ván gỗ là rất lý tưởng để bảo vệ cột sống chứ không phải những tấm nệm êm, nệm đàn hồi như hiện nay. Những tư thế nằm vòng hay nằm ghế cong thường không tốt cho cột sống lưng.

9. Những người trẻ phải ngồi lâu như nhân viên văn phòng, thợ may cũng dễ bị đau thắt lưng. BS có thể hướng dẫn những cách nào giúp họ bảo vệ vùng lưng ạ?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan trả lời:

Tư thế ngồi lâu là nguyên nhân hàng đầu đưa đến tình trạng đau lưng và căng cơ. Để tránh tình trạng căng cơ, tư thế ngồi đúng là sao cho tay, vai, chân nằm trên 1 đường thẳng, chân gác lên 1 vật để không bị hổng chân, đầu gối và chậu hông nên ở trên 1 mặt phẳng ngang và cần phải đổi tư thế thường xuyên. Tức là khoảng 30 phút thay đổi tư thế 1 lần, có thể thay đổi chân gác, hoặc đứng dậy bước đi, đứng dậy cúi xuống xoay người qua lại rồi ngồi xuống tiếp tục công việc. Những động tác này có thể giúp cho  những người ngồi nhiều có thể tránh tình trạng đau lưng do căng cơ và tránh được bệnh gắn liền với tình trạng ngồi nhiều là thoát vị đĩa đệm.

10. Nhờ BS hướng dẫn các động tác xoa bóp khi bị đau thắt lưng?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan trả lời:

Song song với sinh hoạt chúng ta không thể nào không nhắc đến vật lý trị liệu, phương pháp này đóng một vai trò rất quan trọng trong phòng ngừa cũng như điều trị. Chúng ta biết rằng cột sống được giữ bởi những dây chằng gân cơ, khi hệ thống dây chằng gân cơ mạnh lên giúp củng cố độ vững của cột sống, tránh được tất cả bệnh lý cột sống.

Vật lý trị liệu có 2 mức:

- Tất cả những phương pháp nào có vận động toàn thân, làm cho cơ xương toàn thân được khỏe, máu nuôi đi đến hệ cơ xương tốt, sức khỏe trong đó có cột sống. Bất kỳ hình thức nào như tập yoga, aerobic, tập gym, thể dục nhịp điệu hoặc dưỡng sinh hoặc chơi những môn thể thao như đi bộ, chạy bộ, đạp xe đạp, bơi lội… tất cả những môn thể thao hoặc vận động bình thường đều giúp ích cho sức khỏe xương.

- Bên cạnh đó những bài tập vật lý trị liệu làm mạnh cơ cột sống và cơ bụng rất quan trọng để giữ vững cột sống. Những bài tập này tùy thuộc vào độ tuổi, đặc điểm của đối tượng. Các chuyên gia vật lý trị liệu hoặc phục hồi chức năng sẽ có những bài tập, động tác phù hợp cho từng cá nhân.

Béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ gây nên đau lưng nên chúng ta cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để làm sao giữ cân nặng trong mức của mình, không để thừa cân béo phì. Ngoài ra tất cả những yếu tố có thể làm hại xương khớp, làm gia tăng nguy cơ đau lưng thì cần hạn chế, trong đó hàng đầu là thuốc lá và rượu bia.

~~~~~~~~
Hy vọng qua những chia sẻ của ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan - Nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ giúp quý vị hiểu rõ hơn về đau thắt lưng? Thay mặt bạn đọc, xin chân thành cảm ơn bác sĩ!.

Nếu có thắc mắc về sức khỏe, kính mời bạn đọc đặt câu hỏi và gửi về chương trình thông qua:

Fanpage: AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Hộp thư: tuvan@alobacsi.vn

Zalo: 08983 08983

Hoặc trò chuyện trực tiếp với bác sĩ trong thời lượng của các buổi tư vấn trực tuyến qua số điện thoại: 08983 08983
Ngoài ra, quý bạn đọc có thể theo dõi nhiều buổi trò chuyện của các bác sĩ - chuyên gia, chia sẻ những thông tin thiết thực về việc bảo vệ sức khỏe tại kênh: AloBacsi - video.

Trân trọng!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X