Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan: Tê bì chân tay điều trị như thế nào?

Tê bì chân tay cảnh báo những bệnh gì? Nguyên nhân có phải do thiếu vitamin B? Cần điều trị như thế nào?... ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về triệu chứng này. Kính mời bạn đọc đón xem.

1. Nhiều bạn đọc AloBacsi gửi câu hỏi về triệu chứng tê bì chân tay, họ có cảm giác như bị kiến bò hay bị kim châm vào da. Xin hỏi BS khi nào tình trạng này là biểu hiện sinh lý bình thường, khi nào nó là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý nguy hiểm ạ?

Khi tổn thương thần kinh dù ở bất kỳ vị trí nào, có thể là ngoại biên, trung ương và có thể ở não có thể gây ra tình trạng dị cảm và trong trường hợp này là tê bì chân tay.

Nguyên nhân của tê bì chân tay rất đa dạng và có thể gặp ở người khỏe mạnh bình thường, hầu như tất cả mọi người đều trải qua triệu chứng này. Chẳng hạn khi để một phần cơ thể, đặc biệt ở tay, chân ở một tư thế quá lâu có thể bị tê bì chân tay.

Ví dụ như khi ngủ gối đầu lên cánh tay, ngủ dậy sẽ thấy tê cứng ở cánh tay. Nếu đứng, ngồi xổm hoặc ngồi bắt chéo chân quá lâu thì sau đó sẽ có ngay cảm giác tê bì chân. Khi chúng ta vận động lại trong một vài phút thì cảm giác tê bì này sẽ biến mất. Với những trường hợp này được xem là triệu chứng xảy ra với người có sinh lý bình thường.

Còn nếu như tê bì này kéo dài và lặp đi lặp lại thì chắc chắn là bệnh lý, đồng thời kèm theo một số triệu chứng báo động nguy hiểm, cần phải xử trí ngay.

Giả sử như tê bì tay chân xảy ra một cách đột ngột, tiến triển nặng nhanh hoặc tê bì chân tay xảy ra nguyên cả tay, nguyên cả chân hoặc nửa thân người thì đây là những triệu chứng báo động. Hoặc tê bì xảy ra sau một chấn thương ở vùng đầu, vùng cổ, vùng lưng. Hay tê bì kèm theo một số triệu chứng khác như yếu liệt chân tay, mất cảm giác, rối loạn ngôn ngữ, nói ngọng, rối loạn thị giác, nhìn mờ, rối loạn tri giác từ lú lẫn cho đến hôn mê… Đây là một trong những trường hợp vô cùng nguy hiểm, báo động nên được xử trí ngay.

2. Nếu còn trẻ mà đã bị tê bì chân tay thì thường do những nguyên nhân gì, thưa BS?

Tê bì chân tay xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, một số bệnh lý người trẻ sẽ gây ra tê bì ở người trẻ.

Chẳng hạn, nếu chúng ta sử dụng tay nhiều có thể xảy ra hội chứng ống cổ tay, gây chèn ép dây thần kinh giữa, làm tê bì các ngón tay. Đây là bệnh rất thường gặp.

Ngoài ra, một số ít trường hợp ít gặp ở người trẻ nhưng vẫn có khả năng xảy ra như tê bì sau chấn thương: tê bì do tổn thương đám rối cánh tay, hoặc tê bì sau khi có các sẹo xấu chèn vào là tổn thương thần kinh ngoại biên.

Bên cạnh đó, tê bì có thể gặp trong một số bệnh lý tự miễn, thường xảy ra ở người trẻ như lupus ban đỏ hệ thống, bệnh xơ cứng bì, hội chứng Raynaud,... và có tổn thương thần kinh gây ra với biểu hiện là tê bì ở tay hoặc chân.

3. Còn đối với người cao tuổi, tê bì chân tay thường kèm theo đau nhức xương khớp, đau mỏi vai gáy… thì có thể nghĩ đến những bệnh gì ạ?

Khi bệnh nhân tê bì ở tay, chân và kèm theo bệnh xương khớp, đặc biệt là đau ở vùng cổ kèm với tê tay, hoặc đau vùng lưng kèm tê dọc ở chân thì chắc chắn chúng ta phải nghĩ tới hội chứng chèn ép rễ thần kinh do bệnh lý của cột sống hoặc thoái hóa cột sống, thoái hóa đĩa đệm hay hẹp ống sống, thoát vị đĩa đệm.

4. Nhiều người cho rằng tê bì chân tay là dấu hiệu cơ thể thiếu vitamin nhóm B và tìm cách bổ sung vitamin này. Theo BS điều này đúng và đủ chưa ạ?

Một trong những nguyên nhân của tê bì chân tay là thiếu vitamin B, trong đó vitamin B12 gắn liền với tổn thương của hệ thần kinh. Ngoài ra, còn có thêm biểu hiện lâm sàng khác bên cạnh tê bì chân tay như thiếu máu, yếu cơ, mỏi cơ và ảnh hưởng đến thần kinh trung ương, dẫn đến tình trạng bệnh nhân giảm khả năng suy nghĩ, giảm trí nhớ.

Vitamin B12 là một dạng vitamin tan ở trong nước và có rất nhiều trong các thực phẩm thường ngày của chúng ta như thịt, cá, trứng, sữa,... Nếu như chúng ta có chế độ ăn uống, sinh hoạt bình thường thì hầu như không bị thiếu vitamin B12.

Vì vậy, nếu như đề cập đến nguyên nhân gây tê bì do thiếu vitamin B12 thì đó phải là cơ địa đặc biệt như bệnh nhân ăn chay trường hoặc người có vấn đề ở tiêu hóa. Các bệnh lý tiêu hóa làm cho vitamin B12 kém hấp thu vào cơ thể, khi đó chúng ta sẽ bổ sung loại vitamin này.

Hiện nay, trên thị trường có bán những viên vitamin B12 rất phong phú, đa dạng như viên uống, viên nang, siro. Trong những trường hợp bệnh nhân bị kém hấp thu thì có thể dùng bằng đường tiêm qua tĩnh mạch.

Còn trong những trường hợp khác, chúng ta nên đi tìm nguyên nhân chính xác của triệu chứng tê bì chân tay hơn là nghĩ đến lý do bị thiếu vitamin B12.

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan hiện là Giảng viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

5. Như vậy, khi bị tê bì chân tay, mọi người cần đến chuyên khoa nào, được thăm khám như thế nào, thưa BS?

Tê bì chân tay có nguyên nhân hàng đầu là do thần kinh cho nên chuyên khoa đầu tiên chúng ta có thể đến là khoa thần kinh.

Tuy nhiên, một số bệnh lý về cơ xương khớp, bệnh lý tự miễn cũng chiếm một phần lớn trong các nguyên nhân gây ra tê bì chân tay. Nếu như tê bì chân tay kèm với các biểu hiện có đau xương khớp hoặc các triệu chứng toàn thân khác của da, hay những vị trí khác mà nghĩ đến bệnh tự miễn thì bệnh nhân nên tìm đến bác sĩ cơ xương khớp.  

Để xác định được nguyên nhân chính xác của tê bì chân tay cần phải thực hiện các bước, như hỏi kỹ trên lâm sàng: ngoài tê bì ra, bệnh nhân còn có biểu hiện gì khác nữa hay không. Sau đó, bằng thăm khám sẽ thực hiện khám vận động, khám cảm giác để có thể thu thập các triệu chứng thực thể đi kèm.

Khi cần thiết, bác sĩ sẽ thực hiện phương pháp khám cận lâm sàng. Chẳng hạn nghĩ đến có tổn thương ở thần kinh trung ương thì chắc chắn phải dùng đến các chẩn đoán hình ảnh ở vùng não như CT, MRI. Hoặc bệnh nhân có triệu chứng của đau của rễ thần kinh kèm với đau lưng, cần được chẩn đoán bằng CT, MRI ở vùng cột sống thắt lưng.

6. Xin BS cho biết điều trị tê bì chân tay gồm những phương pháp nào ạ?

Tê bì chân tay chỉ là một triệu chứng, một biểu hiện mà nguyên nhân thì rất nhiều, việc điều trị tùy theo nguyên nhân.

Nguyên nhân có thể là các tổn thương của thần kinh từ trung ương cho đến ngoại biên. Ở trung ương có thể là u não, tai biến mạch máu não, dị dạng mạch máu não, sau đó là cột sống, các tổn thương của cột sống ở vùng tủy hoặc do chèn ép rễ thần kinh, thường gặp trong thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống. Hoặc các tổn thương ở thần kinh ngoại biên gặp trong các bệnh lý như viêm tủy cắt ngang.

Và một loạt các nguyên nhân sau chấn thương như tổn thương của đám rối cánh tay, sẹo xấu chèn vào là tổn thương thần kinh ngoại biên hoặc hội chứng ống cổ tay.

Ngoài ra, còn một loạt các bệnh lý toàn thân mà tôi đã đề cập, như các bệnh lý tự miễn, lupus, viêm mạch máu, hội chứng Raynaud,...

Đồng thời, còn có bệnh nhiễm trùng Zona, hoặc sau khi bệnh nhân xạ trị, hóa trị, sử dụng thuốc kháng lao hoặc nghiện rượu nặng cũng có thể gây ra tình trạng tổn thương thần kinh tê bì tay chân.

Vì thế, nguyên nhân của tê bì tay chân rất đa dạng, và muốn trị dứt điểm triệu chứng này, phải trị tận gốc nguyên nhân, không phải chỉ điều trị triệu chứng tê bì. Tuy nhiên, kèm với điều trị nguyên nhân, bác sĩ có thể giảm triệu chứng cho bệnh nhân bằng các thuốc đặc trị cho tổn thương thần kinh.

Tất cả các thuốc giảm đau thông thường mà chúng ta quen thuộc như Aces, Paracetamol không có hiệu quả trong giảm đau của thần kinh, không mang lại nhiều kết quả cho điều trị chứng tê bì chân tay, mà là các thuốc chống động kinh như Gabapentine, Pregabalin… hay nhóm thuốc chống trầm cảm như Amitriptyline. Ngoài ra, Lidocain cũng góp phần trong điều trị giảm đau thần kinh.

7. Nhờ BS hướng dẫn cách làm giảm tê bì chân tay ở người bệnh tiểu đường?

Trong thực hành lâm sàng, một trong những nguyên nhân gây tê bì chân tay là ở bệnh nhân tiểu đường. Ở bệnh nhân bị tiểu đường, do tình trạng đường huyết tăng bất thường hoặc đường huyết không ổn định sẽ gây ra tổn thương thần kinh và bệnh lý gọi là “viêm thần kinh ngoại biên trên bệnh nhân tiểu đường”.

Để giảm tê bì cho bệnh nhân bị tiểu đường, việc đầu tiên cần ổn định đường huyết cho bệnh nhân, phải điều trị bệnh tiểu đường thật tốt, kiểm soát tiểu đường thật tốt. Nếu kiểm soát đường huyết tốt, bệnh nhân có thể dùng kèm với các thuốc giảm đau triệu chứng tác động lên trên thần kinh.  

8. Tại nhà, bệnh nhân có thể áp dụng những biện pháp nào (phương pháp không dùng thuốc) để giảm bớt triệu chứng tê bì chân tay, thưa BS?

Tất cả những biện pháp không dùng thuốc mà có thể giảm tê bì chân tay cho đến hiện nay, dựa trên chứng cứ thì hiệu quả còn hạn chế. Tuy nhiên có thể dùng những biện pháp như chườm nóng. Một số bệnh nhân có các triệu chứng nóng rát kèm với tê bì tay chân thì có thể chọn phương pháp chườm lạnh. Tùy từng bệnh nhân sẽ có những phương pháp khác nhau, tuy nhiên, hiệu quả 2 phương pháp trên không cao.

Biện pháp không dùng thuốc có thể hỗ trợ trong điều trị giảm triệu chứng tê bì còn có: châm cứu, dùng sóng điện cao tầng, chiếu đèn,... các biện pháp này cũng đóng vai trò hỗ trợ trong điều trị tê bì, tuy nhiên, hiệu quả cũng còn hạn chế và tạm thời.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X