Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan: Đau vai gáy chữa trị thế nào?

Đau vai gáy thường gặp ở mọi lứa tuổi, nhiều nhất là các nhân viên văn phòng. Vậy làm sao để điều trị hội chứng này, cách phòng tránh như thế nào? ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Xin BS cho biết vì sao “đau vai gáy” được gọi là hội chứng chứ không gọi là “bệnh đau vai gáy”?

Đây là một tình trạng đau ở vùng cổ, gáy và lan dọc xuống vai, gây cứng ở cổ và khó cử động. Khi tất cả các triệu chứng này hợp lại sẽ dẫn đến một vấn đề gặp trong rất nhiều bệnh. Vì thế, đau vai gáy không được gọi là bệnh, nên gọi là hội chứng đau vai gáy.


Đau vai gáy báo hiệu những bệnh nguy hiểm nào, thưa BS? Nguyên nhân nào thường gặp nhất ạ?

Như đã đề cập ở trên, chúng sẽ có đặc điểm là đau ở vùng cổ và có thể đau lan xuống vùng vai, cứng ở cơ vùng cổ và khó cử động ở cổ.

Nguyên nhân của đau vai gáy có thể gặp ở rất nhiều bệnh như tình trạng ở vùng mềm của phần cổ, vai của chúng ta - đây là trường hợp thường  gặp nhất, chiếm 80%. Bao gồm: mỏi cơ cổ, căng cơ cổ và đau căng cơ ở vùng vai. Vấn đề này thường gặp ở những người có tư thế sinh hoạt xấu.

Ngoài ra, các cơ quan ở cạnh vùng cổ cũng có thể có biểu hiện của đau vai gáy như viêm xoang, các vùng ở xoang sàng,... Các bệnh lý của não như viêm màng não hoặc tai biến mạch máu não với các triệu chứng khởi đầu như đau vai gáy.

Không chỉ những cơ quan ở vùng cổ và cạnh ở cổ, thậm chí một số cơ quan ở xa cũng có thể đau chỉ điểm ở vùng vai như nhồi máu cơ tim, cơn đau thắt ngực thì bệnh nhân có biểu hiện đau vùng vai phải lan dọc cánh tay. Nếu bệnh nhân có bệnh lý ở vùng mật sẽ có triệu chứng đau chỉ điểm ở vùng vai trái.

Qua đó, có rất nhiều nguyên nhân nguy hiểm gây đau ở vùng vai gáy và những dấu hiệu báo động cho tình trạng này được gọi chung là “cờ vàng”, bao gồm: bệnh nhân có tình trạng đau vai gáy có kèm sốt cao, nhiễm trùng hoặc có tình trạng sụt cân không giải thích được.

Bên cạnh đó, tình trạng thường gặp nhất là đau vai gáy có kèm theo tổn thương của rễ, tủy sống,... tức bệnh nhân không chỉ đau ở vùng vai, gáy mà sẽ lan dọc theo cánh tay, có thể xuống vùng tay. Cơn đau này thuộc đau về thần kinh nên sẽ đau châm chích, có cả giác như kiến bò, tê rần, như điện giật. Những trường hợp có chấn thương ở tủy, bệnh nhân có thể kèm theo biểu hiện của yếu/ liệt ở tứ chi, có thể kèm theo các tổn thương ở tủy như rối loạn của hệ bài tiết.

Nguyên nhân thường gặp nhất là bệnh lý ở vùng cột sống như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, viêm cột sống, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm thân sống đĩa đệm hay những bệnh lý ác tính như ung thư di căn xương ở vùng cột sống.

Tất cả những nguyên nhân gây đau vai gáy đều gắn liền với việc hoạt động sai tư thế. Trong đó, 80% các trường hợp sẽ tự hồi phục trong vài ngày đến vài tuần nếu mọi người biết chỉnh sửa lại tư thế.

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan hiện đang là Phó Chủ nhiệm bộ môn Nội tổng quát, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Nhiều bạn đọc cho biết họ bị đau vai gáy, đã chụp Xquang và uống thuốc nhưng không đỡ. Họ hỏi chụp MRI có phát hiện nguyên nhân đau vai gáy hay không, thưa BS?

Đầu tiên, cần phân biệt rõ 80% các trường hợp đau vai gáy đều lành tính. 20% các trường hợp còn lại có thể có dấu hiệu cờ vàng. Nếu như cơ thể có các dấu hiệu báo động trên, bệnh nhân cần đến các bệnh viện để xét nghiệm, có một chẩn đoán xác thực của các bệnh lý và sau đó có biện pháp điều trị.

Nếu bệnh nhân chỉ có biểu hiện đau vai gáy thông thường của 80% các trường hợp lành tính do đau cơ, đau phần mềm vùng cổ,... thì không cần đến các cơ sở y tế mà có thể ở nhà dùng các biện pháp điều trị đơn giản đều có thể hồi phục được.

Chẩn đoán đau vai gáy thường chỉ dựa trên lâm sàng là chủ yếu. Chỉ trong một số trường hợp bệnh nhân có những dấu hiệu nguy hiểm, cần phải có những xét nghiệm phù hợp với tình trạng đó. Chẳng hạn bệnh nhân có dấu hiệu của chèn ép thần kinh (tủy sống và rễ thần kinh) cần có các xét nghiệm để chẩn đoán như chụp X-quang hoặc chụp cộng hưởng từ MRI  của vùng cột sống. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm trùng, nghi ngờ của tình trạng viêm thân sống đĩa đệm hoặc viêm màng não, cần có một loạt xét nghiệm máu để có thể có chẩn đoán xác định.   


Tê tay trong hội chứng đau vai gáy có dễ nhầm với tê tay trong bệnh lý nào khác không ạ?

Nếu đau vai gáy có kèm theo tê tay phải nghĩ ngay đến tình trạng chèn ép của rễ thần kinh cột sống, biểu hiện bằng bệnh nhân bị đau ở vùng cổ đến vai và lan xuống cánh tay.

Ngược lại có những trường hợp bị tổn thương dây thần kinh không phải từ vùng cổ, vai của chúng ta mà ở phía dưới trên đường đi của dây thần kinh. Chẳng hạn qua các rãnh trụ hoặc thường gặp nhất là tổn thương dây thần kinh giữa gặp trong hội chứng ống cổ tay. Trong những trường hợp này, triệu chứng đau chỉ khu trú ở vùng bàn tay và có đặc điểm riêng của hội chứng ống cổ tay. Điển hình của hội chứng ống cổ tay gây ra do dây thần kinh giữa nên tê ở ba ngón tay giữa của bàn tay, khác với tổn thương của rễ thần kinh cổ sẽ gây tê cả 5 ngón tay.


Đau vai gáy được chữa trị bằng phương pháp nào ạ? Trong đó, phương pháp nào là ưu tiên hàng đầu?

Nếu như bệnh nhân có các triệu chứng nằm trong 80% các trường hợp lành tính như đau căng cơ thì các biện pháp điều trị rất đơn giản.

Đầu tiên, bệnh nhân nên cho cột sống cổ nghỉ ngơi, tránh tập quá nhiều. Đồng thời, bệnh nhân cần chườm lạnh mỗi ngày 4-5 lần, mỗi lần 10-15 phút ở vùng đau cổ, vai. Với 2 biện pháp đơn giản này đã giải quyết được 60% các trường hợp.

Nếu như 2 biện pháp này chưa giải quyết được, có thể dùng thêm các thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol hoặc các thuốc giảm đau, chống viêm không steroid như Ibuprofen, Diclofenac hay Naproxen. Khi sử dụng những loại thuốc này và đã điều trị từ 1-2 tuần nhưng chưa hồi phục thì bệnh nhân không còn giai đoạn để nghỉ ngơi nữa, cần phải tập tích cực. Trong đó, vật lý trị liệu góp phần rất nhiều trong việc giảm đau cũng như phòng ngừa chứng đau vai gáy tái phát.

Để có thể phòng ngừa được bệnh, vật lý trị liệu đóng vai trò số 1. Nhưng trong đợt cấp của bệnh nhân, có thể áp dụng biện pháp chườm lạnh hoặc dùng thuốc để thay thế.

Hội chứng đau vai gáy thường gặp ở đối tượng là nhân viên văn phòng. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Nhiều người bị đau vai gáy thường mua Salonpas về dán. Theo BS, cách này có nên áp dụng lâu dài hay không?

Salonpas là thuốc bôi/dán ngoài da, có 2 thành phần là salicylate và menthol. Menthol có tác dụng khi dán vào cũng gây ra cảm giác lạnh, giống chườm lạnh. Đồng thời, Salicylate là dạng thuốc kháng viêm giúp bệnh nhân giảm đau.

Salonpas có thể sử dụng dễ dàng, giúp bệnh nhân giảm cơn đau vai gáy cấp. Nhưng khi sử dụng quá nhiều cần thận trọng tác dụng phụ sẽ có ở Salonpas. Chẳng hạn, nếu bệnh nhân đang dùng thuốc kháng đông thì nguy cơ tổn thương của đường tiêu hóa, nguy cơ xuất huyết sẽ tăng cao. Hoặc bệnh nhân có tiền căng bị hen suyễn, mề đay, dị ứng thì khi sử dụng Salicylate có thể gây dị ứng tại chỗ hoặc tăng nguy cơ của các bệnh tiềm ẩn.


Nhiều người là nhân viên văn phòng có thói quen ngủ trưa bằng cách úp mặt xuống bàn. Họ nên có tư thế ngủ trưa như thế nào là tốt nhất ạ?

Đối tượng văn phòng là nhóm dễ mắc tình trạng đau/ mỏi vai gáy, vì thế ta cần chú ý tư thế. Trong chuyên đề trước, ta có nhắc đến tư thế chuẩn, tức trái tai - khớp vai - chậu hông trên một đường thẳng. Vì vậy, nếu bệnh nhân nằm úp mặt xuống bàn sẽ làm sai nguyên tắc này.

Nếu có điều kiện, mọi người nên nằm thẳng trên mặt phẳng, gối thấp để giữ được tư thế chuẩn là tốt nhất. Nếu không có điều kiện về không gian, mọi người nên có một cái ghế để dựa ra phía sau để giữ đúng tư thế, trái tai - khớp vai - chậu hông phải trên một đường thẳng.

Đây là tư thế ngủ sai, các bạn dân văn phòng nên chú ý nhé. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Nhờ BS hướng dẫn cách phòng tránh đau vai gáy?

Để phòng tránh, chúng ta phải làm sao để tập các cơ của cơ thể, đặc biệt cơ vùng cổ, vùng tay vừa mạnh vừa đàn hồi. Có một số động tác rất đơn giản mà mọi người có thể thực hiện ở bất kỳ nơi đâu và bất kỳ lúc nào để có thể nghỉ ngơi là mình ngồi ở tư thế chuẩn như cúi - ngửa đầu nhẹ nhàng, xoay sang phải - trái, nghiêng đầu qua phải - trái đã có thể làm giảm cơ cổ.

Lưu ý không nên làm quá căng, nhất là động tác dân văn phòng thường thực hiện động tác bẻ/ lắc cổ kêu răng rắc, làm hại đến cấu trúc cột sống cổ.

AloBacsi chân thành cảm ơn ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan đã chia sẻ những thông tin hữu ích về cách điều trị đau vai gáy. Xin hẹn gặp lại bác sĩ vào chương trình tiếp theo!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X