Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan: Bảo vệ đôi chân khi đi giày cao gót

Giày cao gót được xem như là một trợ thủ đắc lực giúp phụ nữ tăng chiều cao và tôn lên vẻ đẹp hình thể. Nhưng làm sao để đi những đôi giày cao mà vẫn bảo vệ đôi chân của mình? Mời bạn đọc theo dõi bài tư vấn sau của ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan - Giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch để hiểu rõ hơn nhé.

1. Rất nhiều chị em phụ nữ gắn bó với đôi giày cao gót vì nhiều ưu điểm của nó như tôn dáng, thể hiện cá tính, gu thời trang… Hầu hết mọi người đều biết đi giày cao gót không tốt cho đôi chân, nhưng cụ thể như thế nào, nhờ BS phân tích ạ?

Giày cao gót dù là người bạn đồng hành của gần như tất cả phái nữ nhưng lại có tác hại đến sức khỏe mà hiện nay chúng ta chưa quan tâm đúng mức.

Tư thế chuẩn phải là dái tai, vai, cột sống ở trên một đường thẳng, giúp khối cơ thể phân bố đều và áp lực trên các cơ quan như cột sống, chậu hông, đầu gối, gót chân sẽ phân tán đều hết.

Nhưng khi chúng ta mang giày cao gót, lực sẽ dồn về phía trước của bàn chân. Đưa đến sai lệch trục của cơ thể khi các cơ quan phải thay đổi tư thế để giữ thăng bằng cho người mang giày cao gót.

Trong đó, phần giữa của cơ thể bị đẩy ra phía sau, phần trên của cơ thể sẽ bị đẩy lên phía trước. Và các cơ quan quan trọng không còn ở trên một đường thẳng nữa. Điều này sẽ làm cho phân bố lực trên các cơ quan, chịu một áp lực tăng lên rất nhiều và gây hại cho sức khỏe, chủ yếu là của xương - khớp - cơ.

2. Với những phân tích vừa rồi của BS, việc đi giày cao gót trong thời gian dài có thể gây ra những bệnh gì ạ?

Tất cả những cơ quan chịu lực của cơ thể gần như đều bị ảnh hưởng. Cơ quan ảnh hưởng đầu tiên là cột sống cổ, cột sống lưng và vai do bị đẩy ra phía trước, làm cho độ cong sinh lý của cột sống không còn giữ vững, đưa đến tình trạng mỏi cổ và đau lưng.

Ngoài ra, phân bố lực trên khớp háng cũng như xương chậu cũng thay đổi, có khuynh hướng đẩy các cơ quan ở phía trong khung chậu ra phía sau, dẫn đến đau khớp háng, cũng như các rối loạn khi đi vệ sinh.

Quan trọng hơn nữa là khớp gối. Khi giữ thẳng trục, lực tác động lên trên khớp gối sẽ phân tán đều. Nhưng khi mang giày cao gót làm lệch trục cơ thể, lực này sẽ tác hại lê trên sụn chêm và những dây chằng gân cơ trên khớp gối sẽ dẫn đến tình trạng dễ đau khớp gối và làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp về sau.

Khi chân ở tư thế mang giày cao gót, bàn chân sẽ chúi ra phía trước và gót chân bị đẩy cao lên, làm cho cơ cẳng chân bị co cứng và có khuynh hướng bị ngắn lại. Do đó, nếu mang giày cao gót lâu thì sẽ đau ở vùng bắp chân.

Nếu như mang giày kéo dài không chỉ gây đau ở vùng bắp chân, cả cổ chân, bàn chân đều bị ảnh hưởng.

Chúng ta đều biết, ở cổ chân sẽ chịu một lực rất lớn. Khi bàn chân bị đẩy lệch trục, lực lớn này sẽ tác động lên gân gót chân Achilles và các cấu trúc xung quanh. Gân gót chân Achilles sẽ bị căng cứng, đồng thời, các mô chung quanh sẽ bị kích thích và gây ra tình trạng phù nề và tăng sinh, phì đại tạo thành 1 khối chai sạn, đặc biệt ở những đôi giày có thiết kế bó phía sau gót chân thì hiện tượng này càng rõ rệt.

Tác hại lên bàn chân của chúng ta khi ở tư thế mà tất cả các lực đều dồn về phía trước của bàn chân sẽ làm cho dây chằng gân cơ ở phần trước của bàn chân, sẽ rất mỏi. Các dây chằng này bị căng cứng thường xuyên sẽ làm co rút, biến dạng và gây ra tình trạng ngón chân búa.

Nếu như mang giày có độ dốc và bít mũi làm bó hẹp các ngón chân sẽ làm ép các ngón chân trước lại với nhau - nơi tập trung các mạng lưới thần kinh, gây tổn thương các mạng lưới thần kinh này, sẽ làm cho bệnh nhân đau khi chạm chân xuống mặt đất. Đồng thời, một bệnh lý khác rất thường gặp của phụ nữ khi mang giày cao gót là những biến dạng ngón 1.

Mang giày cao còn làm cho lệch trục của ngón cái và sẽ có tình trạng là đáy của ngón cái bị gập góc lại với xương bàn chân, sẽ có một phần xương bị nhô ra, khi mang giày vào sẽ bị cấn và gây đau.

3. Nhiều chị em quan niệm chỉ có giày cao gót trên 7cm thì mới nguy hiểm, còn từ 7cm trở xuống là an toàn. BS có ý kiến thế nào ạ?

Theo các nghiên cứu cho thấy, khi mang giày cao gót, lực dồn lên phần trước các ngón chân sẽ tăng lên.

Nếu như mang giày cao 2,5cm, đồng nghĩa tăng 22%. Nếu mang 5cm thì sẽ tăng khoảng 55%. Và nếu mang 7cm thì sẽ tăng 77%.

Như vậy, mức 7cm là an toàn thì không đúng. Chỉ khi đôi giày phẳng thì mới được xem là an toàn. Nhưng nếu là giày cao, chỉ cần 2,5cm cũng gây áp lực lên cấu trúc ở phần trước, gồm ngón chân thì nguy cơ bị ngón chân búa vẫn xảy ra.

4. Vậy còn giày đế xuồng có an toàn không, thưa BS?

Đây là một trong những cách giúp cho chúng ta đạt được mục đích tăng chiều cao nhưng ít gây tác hại đến cơ thể. Đặc điểm của giày đế xuồng là độ dốc từ trước ra sau thấp, nhưng chúng ta thấy đế xuồng chưa phải là tối ưu, vì gót giày đế xuồng sẽ nhỏ lại phía dưới - phần tiếp xúc với mặt đất. Như vậy, đế xuồng cũng chưa đạt được yêu cầu.

Tốt nhất, đôi giày có phần mặt tiếp xúc với mặt đất phải rộng, vững chắc và độ cao tương đối bằng phần gót chân và phần mũi chân.

5. Có bạn đọc tham khảo rằng đi giày cao gót sẽ ảnh hưởng đến xương chậu, giảm khả năng thụ thai, không tốt cho việc mang thai. Điều này có đúng không, thưa BS?

Điều này hoàn toàn đúng.

Tác hại của giày cao gót lên trên khung chậu là có khuynh hướng đẩy các cơ quan khung chậu ra phía sau. Tử cung là một phần nằm trong khung chậu, vì vậy, mang giày cao gót thường xuyên, với tư thế bị lệch của tử cung ra sau sẽ làm giảm khả năng thụ thai.

Quan trọng hơn, nếu như ở phụ nữ đang mang thai thì giày cao gót sẽ tác động lên trên thai kỳ. Các nghiên cứu cho thấy, nếu như người bình thường mang giày cao gót sẽ bị ảnh hưởng lên cột sống, khung chậu, khớp háng, các cơ của cơ thể. Vì vậy, trong thời kỳ mang thai, các vấn đề của cơ xương khớp sẽ dễ bị ảnh hưởng hơn nữa. Thêm vào đó, sự thay đổi của nội tiết tố trong giai đoạn thai kỳ sẽ làm cho các tác hại này rõ rệt hơn.

Ngoài ra, bản thân của người phụ nữ có thai rất dễ bị ứ trệ tuần hoàn ở chi dưới do tử cung lớn chèn vào tĩnh mạch chính, tĩnh mạch chậu của chúng ta. Vì vậy, nếu như mang giày cao gót thì tình trạng tử cung bị đẩy ra sau sẽ nhiều hơn, làm nặng thêm tình trạng phù chân ở phụ nữ mang thai.

6. Theo BS, có cách nào để hạn chế bệnh xương khớp do đi giày cao gót?

Có một số cách như thay đổi thiết kế đôi giày lại cho phù hợp. Và bất cứ khi nào có thể được, chúng ta sẽ cho chân đi trên mặt phẳng, tức khi nào không cần thiết phải mang giày, chúng ta nên tháo giày ra sẽ giảm tác hại hơn việc chúng ta mang giày liên tục. Chị em công sở thường chuẩn bị thêm một đôi dép thấp tại văn phòng cũng nhằm mục đích này.

Nhưng nếu bắt buộc phải mang giày cao gót trong một thời gian dài thì cần có một số cách làm giảm bớt các tác hại của giày cao gót như các bài tập sau khi tháo giày ra: bài tập làm căng cơ cẳng chân, cổ chân, ngón chân,… Và bản thân cũng sẽ cảm thấy rất thoải mái nếu chúng ta ngâm chân trong nước nóng có pha một ít muối kèm theo mát-xa bàn chân.

7. Trường hợp sau khi bị gãy xương ở chân thì sau mấy tháng họ có thể đi giày cao gót trở lại được ạ?

Đang trong thời gian điều trị gãy chân, xương vẫn còn gãy thì chắc chắn không thể nào mang giày cao được. Vì khi mang giày cao gót sẽ làm lệch trục và làm cho chỗ gãy không thể nào lành được và gây ra cảm giác rất đau.

Như vậy, thời gian cần thiết để cho xương liền lại từ 4 - 8 tuần. Chỉ khi xương đã liền lại hoàn toàn thì chúng ta mới đặt đến vấn đề có thể đi giày cao gót trở lại.

Sau khi bó bột, thì chân sẽ rất cứng, ngay khi mang dép thấp cũng đã rất khó để cử động. Do đó, thời gian tối thiểu phải chờ đợi là 8 tuần. Sau đó chúng ta cần thêm thời gian để tập luyện, đi lại bằng dép thấp và tăng dần độ cao lên mới có thể đi giày cao gót trở lại.

AloBacsi chân thành cảm ơn ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan đã chia sẻ những thông tin hữu ích về cách bảo vệ đôi chân khi đi giày cao gót. Xin hẹn gặp lại bác sĩ vào chương trình tiếp theo.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X