Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS Trần Thanh Phong tư vấn: Gãy “súng ống” cứu chữa thế nào?

Gãy “súng” là tai nạn phòng the nghiêm trọng. Trong bài viết này, ThS.BS Trần Thanh Phong - Phó trưởng khoa Ngoại niệu - ghép thận, Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ chia sẻ những kiến thức để các quý ông biết cách bảo vệ "cậu nhỏ" tránh gặp rủi ro khi chinh chiến, viên mãn và an toàn nhất.

1. Tai nạn gãy “súng ống” là điều ngoài ý muốn, và khi nó đã xảy ra thì nam giới khá là ngại ngùng. Nhất là khi bị gãy kín thì một số người còn đợi xem có thể tự lành hay không. Xin BS đưa ra dấu hiệu nhận biết dương vật bị gãy kín?

Gãy “súng ống hay” hay gãy dương vật là tình trạng khi dương vật bị cương cứng, sau đó bị chấn thương, tiếp đến xìu nhanh và biến dạng.

Về vấn đề điều trị, tất cả các trường hợp thường phải phẫu thuật. Do đó, chúng ta trông chờ sự lành tự nhiên, không cần đến bệnh viện là điều không thể, song song có thể để lại nhiều biến chứng.

Nếu gặp tình huống như vậy, chúng ta nên đến bệnh viện để được chăm sóc đúng với chuyên môn, chuyên khoa để được thăm khám và điều trị tốt hơn.

Để giúp mọi người có thể nhận diện được tình huống dương vật bị gãy kín, đây là trường hợp chỉ xảy ra vào lúc dương vật đang còn cương cứng, sẽ có các dấu hiệu như đột ngột nghe tiếng rắc như bị gãy, sau đó dương vật bị biến dạng và tụ máu xung quanh dương vật, đồng thời xìu nhanh.

ThS.BS Trần Thanh Phong có gần 20 kinh nghiệm và công tác tại khoa Niệu - Bệnh viện Nhân dân 115

2. Khá nhiều bạn đọc thắc mắc rằng thể hang vốn không phải là xương, làm sao có thể gãy được ạ?

Gãy là hình thức biến dạng của một vật cứng đang cứng, sau đó bị biến dạng và mềm đi nên chúng ta nghĩ là dương vật bị gãy.

Thể hang với cấu trúc là một bao rất chắc, khi cương lên máu được bơm vào trong thể hang làm căng phồng lên, tạo ra hiện tượng cương cứng. Khi một lực tác động làm biến dạng dương vật do làm cho bao trắng bị rách đi, máu trong thể hang thoát ra ngoài, khiến dương vật không giữ được trạng thái cương, dẫn đến dương vật bị xìu và tụ máu xung quanh do xuất huyết. Từ chuyên môn trong y khoa là “vỡ thể hang”.

Ở châu Âu, người ta bị gãy dương vật với nguyên nhân hàng đầu là quan hệ tình dục sai tư thế. Nhưng ở Việt Nam hay một đất nước Hồi giáo, nguyên nhân hàng đầu do tự bẻ. Một số trường hợp khác do va chạm vật cứng dẫn đến gãy.

3. Khi bị gãy kín như vậy, nam giới có thể tự sơ cứu? Theo BS họ có cần đi cấp cứu hay không, vì tai nạn này thường xảy ra vào đêm khuya, khá là bất tiện nên nhiều người có ý định đợi tới sáng?

Trường hợp gãy dương vật là dạng cấp cứu niệu khoa vì có liên quan đến vấn đề chảy máu. Và khi cương cứng như vậy, máu trong thể hang rất nhiều, nên khi gãy có thể gây xuất huyết dưới da, tùy theo mức độ thương tổn có thể gây xuất huyết khu trú ở quanh dương vật hoặc lan xuống bìu, phần bụng dưới,...

Chúng ta có thể sơ cứu ban đầu như sử dụng băng quấn chặt xung quanh dương vật để giảm hiện tượng tụ máu hay chảy máu dưới da, giảm bóc tách dưới da ra khỏi cấu trúc bên dưới.

Và tình trạng chảy máu có thể tiếp diễn, vì thế bệnh nhân nên đến bệnh viện xử trí càng sớm càng tốt. Có những trường hợp tổn thương nặng, chúng ta phải xử trí sớm để dương vật có thể phục hồi hoàn toàn.

ThS.BS Trần Thanh Phong và MC Minh Khuê đã có buổi trò chuyện để cung cấp kiến thức cho các quý ông về một tai nạn phòng the khá thường gặp

4. Một số bệnh nhân vì chủ quan hay vì quá ngại ngùng, không đến BV điều trị thì dương vật có tự lành được không, và có để lại biến chứng gì không ạ?

Trường hợp đúng nghĩa gãy dương vật thì khả năng tự lành rất khó. Nếu không được điều trị đúng mức, có thể dẫn đến các biến chứng làm cho dương vật không hồi phục như áp xe dương vật, biến dạng dương vật, cong dương vật, xơ hóa thể hang và rối loạn cương.

Một số trường hợp tổn thương vào niệu đạo, biến chứng sẽ càng phức tạp hơn. Vì thế, nếu dương vật bị gãy, khả năng tự lành sẽ rất thấp. Đa phần phải được can thiệp phẫu thuật, lấy máu tụ, phục hồi lại cấu trúc giải phẫu, phục hồi hình dạng ban đầu và chức năng sinh lý.

5. Dương vật bị gãy sẽ được điều trị như thế nào, thưa BS? Nếu bệnh nhân đến bệnh viện muộn thì việc điều trị sẽ khác thế nào so với bệnh nhân đến sớm?

Khi bệnh nhân bị gãy dương vật nên đến bệnh viện sớm để được thăm khám và làm những xét nghiệm cần thiết. Để chẩn đoán gãy dương vật hoàn toàn dựa trên kết quả lâm sàng.

Tuy nhiên, một số trường hợp có tụ máu nhiều hoặc bệnh nhân quá đau, khó thăm khám sẽ có một số xét nghiệm giúp chẩn đoán hiện tượng đó như siêu âm sẽ thấy sự mất liên tục của bao trắng do chúng bị vỡ ra hoặc chụp hình thể hang bằng cách bơm chất cản quang và thấy thuốc rò rỉ ra bên ngoài. Một số trường hợp phải làm cộng hưởng từ để cho thấy sự mất liên lạc giữa những cấu trúc đó. Tuy nhiên, những xét nghiệm đó tốn khá nhiều thời gian của bệnh nhân. Một số trường hợp nghi ngờ có thể mổ thăm dò.

Gãy dương vật sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau, tùy theo đánh giá của bác sĩ chẩn đoán dương vật gãy ở vị trí nào, chẳng hạn 1/3 giữa, 1/3 phía trước hoặc sau dương vật thì đường rạch sẽ khác nhau khi thực hiện phẫu thuật. Tuy nhiên, tất cả các trường hợp này thường sẽ được phẫu thuật để thấy được chỗ vỡ, lấy hết máu tụ xung quanh, vì nếu để máu tụ ở bên trong dương vật lâu sẽ gây nhiễm trùng hoặc làm biến dạng dương vật, xơ hóa thể hang. Sau khi xử lý xong, tiến hành khâu lại bao trắng - giúp dương vật có thể cương trở lại. Đồng thời, sử dụng các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm, thuốc tan máu bầm giúp vết thương mau lành.

Nếu bệnh nhân không được điều trị đúng cách hoặc tự điều trị dân gian tại nhà thì có thể đưa đến các biến chứng như áp xe gây nhiễm trùng, hoặc biến dạng dương vật. Bình thường dương vật sẽ thẳng nhưng khi biến dạng sẽ dẫn đến cong dương vật. Đồng thời, có thể làm xơ hóa thể hang. Bình thường thể hang khi cương lên có thể giãn to ra, mềm sẽ xẹp lại nhưng khi thể hang bị xơ hóa sẽ khó thay đổi kích thước khi cương. Trong đó, biến chứng đáng ngại nhất là rối loạn cương, khiến bệnh nhân không cương lên được.

BS Phong khuyến cáo, không để phần dương vật bị đứt tiếp xúc trực tiếp với nước đá, có thể gây ra bỏng lạnh

6. Nếu bệnh nhân bị gãy dương vật nên đi thăm khám ở đâu?

Nếu bệnh nhân có tình trạng gãy dương vật, nên đến những trung tâm niệu khoa, nam khoa, có bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị đúng mức, xử lý những thương tổn của vỡ thể hang để bệnh nhân trở về cấu trúc giải phẫu cũng như chức năng sinh lý bình thường của dương vật.

7. Nhờ BS hướng dẫn cách xử trí cho bệnh nhân và người nhà trong trường hợp dương vật bị đứt lìa?

Trong trường hợp dương vật bị đứt lìa thì phải nhanh chóng băng bó cầm máu cho nạn nhân. Còn phần dương vật bị đứt lìa thì cho vào túi nilon sạch, bỏ vào thùng đá rồi nhanh chóng đưa đến bệnh viện. Chú ý không để phần dương vật bị đứt tiếp xúc trực tiếp với nước đá, có thể gây ra bỏng lạnh.

8. Với trường hợp dương vật bị đứt lìa, các BS sẽ cứu chữa như thế nào?

Khi dương vật bị đứt lìa hay còn gọi là “vết thương dương vật”, do một vật sắt nhọn hoặc hỏa khí tác động vào dương vật, làm dương vật bị đứt lìa.

Những trường hợp này là một vết thương tương đối nặng, được chia làm nhiều mức độ, có thể đứt 1 phần hoặc hoàn toàn. Chẳng hạn bệnh nhân bị đứt một phần nhỏ, có thể phục hồi lại phần bị đứt mà không cần nối lại. Tuy nhiên, nếu đứt 1 đoạn đáng kể cần phải thực hiện nối bằng vi phẫu (nối mạch máu, nối thần kinh, nối thể hang, nối niệu đạo…) nhằm giúp bệnh nhân có thể đi vệ sinh tự nhiên, phục hồi dương vật và những chức năng sinh lý của dương vật.

9. Sau này bệnh nhân có cương trở lại được không ạ? Thường thì bao lâu sau phẫu thuật bệnh nhân có thể quan hệ tình dục trở lại được ạ?

Khi bị gãy, bệnh nhân nếu được điều trị đúng mức thì sau 4 tuần đến 1 tháng, hay những vết thương có thể lành đều có thể quan hệ tình dục trở lại. Riêng đối với trường hợp vết thương dương vật cần thời gian lâu hơn, tùy theo mức độ vết thương như thế nào, nếu không thực hiện phẫu thuật nối lại thì có thể nhanh hơn, từ 3-4 tuần vết thương có thể lành. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân nếu phải thực hiện phẫu thuật thì phải chờ cho vết thương lành, xem đoạn nối vào hoạt động như thế nào nên cần thời gian lâu hơn.

Để biết được dương vật đã lành hay chưa, xét về mặt triệu chứng, chúng ta cảm thấy tương đối thoải mái và không đau, tất cả những vết bầm đã tan, vết thương trên da đã lành. Đồng thời, dương vật có thể cương lên được.

10. Cách chăm sóc sau phẫu thuật đối với dương vật bị gãy, bị đứt cần lưu ý gì, thưa BS? Có cần chườm nóng, chườm lạnh, chiếu tia hồng ngoại... không ạ?

Khi mà vết thương dương vật, gãy dương vật sau khi đã được phẫu thuật cần chăm sóc như một vết thương ngoại khoa, hằng ngày phải xem tại chỗ đó có được tưới máu tốt hay không, màu sắc dương vật như thế nào, hồng hào hay thâm tím do thiếu máu nuôi và xem có bị nhiễm trùng hay không. Phải thay băng, rửa vết thương, dùng những thuốc kháng viêm, kháng sinh, giảm đau sẽ giúp lành vết thương nhanh hơn.

Giả sử bệnh nhân có thực hiện nối dương vật vào, chúng ta có thể siêu âm Doppler để quan sát vùng dương vật nối vào có được tưới máu tốt hay không để biết được mảnh ghép có hoạt động không.

Những trường hợp chiếu tia hồng ngoại hay chườm nóng, chườm lạnh là điều không cần thiết bởi vì sẽ làm cho mạch máu co giãn. Chẳng hạn, khi chườm lạnh khiến mạch máu co lại, giúp chúng ta đỡ đau nhưng việc tưới máu sẽ giảm đi. Hoặc khi chườm nóng khiến hiện tượng sưng, phù nề trở nên nặng hơn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X