Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS Trần Thanh Phong: Giãn tĩnh mạch thừng tinh có làm cho yếu sinh lý?

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là tình trạng nhiều nam giới gặp phải gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý của quý ông. Bệnh này có những cách điều trị nào, ThS.BS Trần Thanh Phong - Phó khoa Ngoại niệu-Ghép thận, Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ giải đáp về vấn đề này với bạn đọc AloBacsi.

ThS.BS Trần Thanh Phong - Phó khoa Ngoại niệu-Ghép thận, Bệnh viện Nhân dân 115

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

1. Trước hết, nhờ bác sĩ mô tả tĩnh mạch thừng tinh ở vị trí nào, đóng vai trò gì với sức khỏe nam giới ạ?

Tĩnh mạch thừng tinh là hệ thống tĩnh mạch dẫn lưu máu từ tinh hoàn, bìu và đi theo ống bẹn để về tuần hoàn chung của cơ thể chúng ta.

Vai trò của tĩnh mạch thừng tinh là dẫn lưu máu lưu thông, đảm bảo sự trao đổi chất của cơ quan bên dưới, cụ thể là tinh hoàn, làm cho tinh hoàn được tưới máu, cung cấp dưỡng chất và dưỡng khí, điều hòa nhiệt độ của tinh hoàn, qua đó giúp tinh hoàn thực hiện tốt vai trò nội tiết là sản xuất ra hóc môn sinh dục nam, cũng như ngoại tiết là sản xuất ra tinh trùng ở nam giới.

2. Giãn tĩnh mạch thừng tinh sẽ gây ra triệu chứng nào, thưa bác sĩ? Chúng ta có phương tiện gì để chẩn đoán giãn tĩnh mạch thừng tinh?

Giãn tĩnh mạch xảy ra do van của tĩnh mạch bị suy yếu hoặc không có van, làm cho máu không được đưa về tuần hoàn một cách hiệu quả, gây ứ trệ máu ở bên dưới.

Chính vì sự ứ trệ tuần hoàn này gây ra những triệu chứng của giãn tĩnh mạch thừng tinh khiến cho người bệnh luôn cảm thấy căng tức, nặng ở bìu tinh hoàn. Ở trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể cảm thấy tinh hoàn bên bị bệnh nhỏ hơn so với bên đối diện. Khi nhìn và sờ nắn có thể thấy những búi tĩnh mạch giãn ngoằn ngoèo dưới da ở vùng bìu.

Khi thăm khám, người bệnh sẽ được khám ở nhiều tư thế như nằm hoặc đứng. Tùy theo mức độ giãn của tĩnh mạch mà bệnh có thể được chẩn đoán dễ dàng như nhìn thấy hoặc sờ nắn được những búi tĩnh mạch giãn ngoằn ngoèo ở vùng bìu khi đứng hoặc kể cả khi nằm, khi bình thường hoặc khi làm một số nghiệm pháp (Valsalva).

Người bệnh nhân có dấu hiệu đau tức, nóng do bị ứ trệ tuần hoàn vùng bìu tinh hoàn.

Bệnh diễn tiến lâu có thể phát hiện tinh hoàn bị teo.

Khám bụng có thể phát hiện những nguyên nhân chèn ép làm tăng áp lực ổ bụng gây ra dãn tĩnh mạch thừng tinh như bướu ổ bụng….

Những trường hợp giãn ở mức độ nhẹ, chúng ta phải siêu âm Doppler mạch máu bìu tinh hoàn mới giúp chẩn đoán bệnh.

3. Bệnh nhân có thể tự thăm khám được không?

Người bệnh có thể tự thăm khám và phát hiện ra những triệu chứng giãn tĩnh mạch thừng tinh như vừa nêu trên nhưng thường là ở giai đoạn muộn, khi bệnh đã tiến triển lâu.

Để chẩn đoán xác định hay chẩn đoán ở giai đoạn sớm, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán xác định.

4. Hiện nay chúng ta đã biết nguyên nhân hay yếu tố nguy cơ đưa đến giãn tĩnh mạch thừng tinh chưa ạ?

Thông thường người bệnh sẽ bị giãn bên trái, chiếm tỉ lệ 90% và 10% còn lại là tình trạng bị giãn 2 bên. Riêng tình trạng giãn đơn thuần bên phải thường rất ít gặp.

Có nhiều giả thuyết giải thích về vấn đề này, chẳng hạn do cấu trúc giải phẫu bên trái, tĩnh mạch thừng tinh dẫn lưu qua nhiều hệ thống tĩnh mạch khác trước khi đổ về tĩnh mạch chủ bụng (qua tĩnh mạch sinh dục, tĩnh mạch thận trái). Do đường đi dài hơn, bị một số tĩnh mạch khác trong ổ bụng chèn ép…nên bên trái lưu thông kém hơn, dẫn đến bên trái dễ bị giãn hơn.

Có những trường hợp tăng áp lực ổ bụng mạn tính, làm cho máu bên dưới đổ về kém hơn. Như trường người bệnh bị ho nhiều, táo bón, khó tiểu... sẽ gây áp lực lên trên ổ bụng, máu lưu thông sẽ kém hơn. Thậm chí có những trường hợp bướu trong ổ bụng gây chèn ép làm khó khăn cho dòng máu lưu thông trở ổ bụng, gây giãn tĩnh mạch thừng tinh.

Đây là những yếu tố thuận lợi có thể khiến nam giới bị giãn tĩnh mạch thừng tinh.

5. Giãn tĩnh mạch thừng tinh sẽ dẫn đến tình trạng gì nếu phát hiện muộn hay là không điều trị, thưa bác sĩ?

Giãn tĩnh mạch thừng tinh được chia thành nhiều giai đoạn, nhiều mức độ. Lúc đầu mới bị có thể ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, ảnh hưởng đến sinh trưởng của bên tinh hoàn bị bệnh.

Về lâu dài, do sự giãn nên máu bị ứ trệ và không lưu thông tốt làm nhiệt độ tinh hoàn tăng lên. Có thể ví tĩnh mạch thừng tinh như lưới tản nhiệt, giữ nhiệt độ bên trong tinh hoàn, bìu lúc nào cũng thấp hơn cơ thể từ 1 - 2 độ, đây là nhiệt độ lý tưởng nhất giúp quá trình sinh tinh được thực hiện tốt. Vì vậy, khi có hiện tượng ứ trệ thì nhiệt độ trong tinh hoàn tăng lên làm cho hiện tượng sinh tinh giảm đi, thậm chí có thể dẫn đến vô sinh.

Đồng thời, do sự ứ trệ tuần hoàn mà việc trao đổi chất tại tinh hoàn không tốt làm cho tinh hoàn bị thiểu dưỡng và teo biến đi. Đây là những biến chứng người bệnh có thể gặp nếu không điều trị.
6. Theo bác sĩ, giãn tĩnh mạch thừng tinh có gây rối loạn cương dương hay vô sinh không?

Giãn tĩnh mạch thừng tinh ảnh hưởng đến chuyển hóa của tinh hoàn và gây teo tinh hoàn. Do đó lượng hormone sinh dục nam (testosterone) do tinh hoàn tiết ra cũng giảm. Khi testosterone giảm làm cho người bệnh bị rối loạn cương.

Mặt khác, teo tinh hoàn làm cho tinh hoàn không sản xuất ra tinh trùng, vì vậy, khi bị giãn tĩnh mạch thừng tinh, người bệnh sẽ có số lượng tinh trùng bị giảm, khó có con hay thậm chí bị vô sinh nếu ảnh hưởng cả 2 tinh hoàn.

7. Xin bác sĩ cho biết có những phương pháp nào để điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh? Khi nào thì có chỉ định phẫu thuật ạ?

Tùy theo mức độ giãn tĩnh mạch thừng tinh mà việc điều trị người bệnh chỉ có thể chỉ thay đổi lối sống, điều trị nội khoa hay phẫu thuật.

Với những trường hợp giãn nhẹ, việc điều trị có thể chỉ thay đổi lối sống, sinh hoạt như nghĩ ngơi, ăn nhiều rau xanh, giảm cân…hay dùng thuốc, tuy nhiên các loại thuốc điều trị giãn tĩnh mạch thừng có vai trò rất hạn chế. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, sử dụng thuốc không còn hiệu quả thì bắt buộc phải can thiệp phẫu để điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh.

Nguyên tắc điều trị phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh là làm tắt các tĩnh mạch giãn.

Bác sĩ và  người bệnh sẽ có cuộc trao đổi, thảo luận xem phương pháp nào là phù hợp nhất với người bệnh. Từ đó, người bệnh và bác sỹ sẽ thống nhất phương pháp phẫu thuật.

8. Tắc mạch can thiệp để điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh là gì, thưa bác sĩ?

Các phương pháp điều trị phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh đều có chung mục đích là làm tắt các tĩnh mạch giãn.

Tùy theo phương pháp tiếp cận để làm tắt các tĩnh mạch giãn mà sẽ có các phương pháp phẫu thuật khác nhau như mổ mở kinh điển, tức mổ 1 đường nhỏ ở đường bẹn để bộc lộ đám rối tĩnh mạch ra bên ngoài để cột thắt chúng lại. Hoặc những phương pháp mổ nội soi để bóc tách và cột tĩnh mạch giãn.

Vi phẫu cũng là hình thức mổ mở nhưng có sự hỗ trợ của kính hiển vi, phẫu trường được phóng đại nên có thể thấy rõ hơn các cấu dễ dàng nên chúng ta sẽ bảo tồn tốt những cấu trúc cần giữ lại (động mạch, mạch bạch quyết…) và thắt những cấu trúc cần thắt lại (tĩnh mạch đã giãn hay chưa giãn), vì vậy, hạn chế sự tái phát và những biến chứng về sau.

Ngoài ra, phương pháp tắc mạch một kỷ thuật can thiệp nội mạch, thao tác bác sỹ được thực hiện ngoài da, không có vết mổ, bằng cách chích 1 mũi tiêm nhỏ vào tĩnh mạch đùi bên phải và luồn vào các tĩnh mạch lớn trong bụng và tiếp cận qua chỗ đổ của tĩnh mạch thừng tinh bên trái để bơm thuốc gây tắc ở đây. Phương pháp này được gọi là phương pháp thuyên tắc mạch để điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh.

9. Mổ giãn tĩnh mạch thừng tinh bằng vi phẫu có ưu điểm gì, tỷ lệ thành công cao không ạ?

Do tĩnh mạch thừng tinh rất nhỏ, khi không bị giãn, kích thước dưới 2mm, thậm chí có những tĩnh mạch nhỏ hơn. Nếu không sử dụng vi phẫu, trong lúc phẫu thuật chỉ có thể thắt được những tĩnh mạch đã giãn. Còn những tĩnh mạch giãn ở mức độ nhẹ hay chưa giãn, bác sĩ không thể thắt được vì không thể nhìn thấy chúng.

Đặc điểm của các tĩnh mạch này là chúng thông nối nhau tạo thành mạng lưới còn gọi là mạng lưới đám rối tĩnh mạch hình dây leo, hay còn gọi là đám rối tĩnh mạch thừng tinh. Vì thế, nếu không thắt hết các nhánh tĩnh mạch thông nối nhau thì tỉ lệ tái phát sau mổ là rất cao. Nếu phẫu thuật không có vi phẫu, chúng ta thường chỉ thắt được những tĩnh mạch bị giãn lớn. Sau đó máu sẽ đi bằng những đường khác, qua các tĩnh mạch giãn nhẹ hay chưa giãn và lại tiếp tục gây ra tình trạng giãn tĩnh mạch thừng tinh tái phát. Vì vậy phẫu thuật vi phẫu thường ít bị tái phát hơn.

Ngoài ra, vi phẫu giúp bảo tồn tốt động mạch tinh hoàn, đảm bảo tưới máu tinh hoàn tốt sau phẫu thuật đảm bảo chất lượng lượng sinh sản.

Đồng thời, vi phẫu gúp bảo tồn hệ bạch huyết tinh hoàn, tránh bị tràn dịch tinh mạc sau phẫu thuật.

10. Nếu sau khi phẫu thuật, tình trạng giãn tĩnh mạch thừng tinh tái phát thì các bước kiểm tra hay điều trị tiếp theo sẽ như thế nào, thưa bác sĩ? Làm thế nào để tránh tái phát ạ?

Những phương pháp điều trị bằng phẫu thuật bằng nội soi, thuyên tắc nút mạch, mổ mở hoặc mổ vi phẫu… tất cả các phương pháp điều trị đều có khả năng tái phát sau phẫu thuật. Vì đây là một đám rối tĩnh mạch, khi tắc mạch này vẫn sẽ còn những mạch khác.

Tùy theo phương pháp mà khả năng tái phát nhiều hay ít, không có phương pháp nào tránh khỏi tình trạng tái phát. Đồng thời tùy thuộc vào kinh nghiệm của phẫu thuật viên, cơ địa và những yếu tố tác động khác có thể ảnh hưởng đến tình trạng tái phát sau phẫu thuật. Tỷ lệ tái phát dao động từ 0,6 - 20%.

Khi có tái phát, bệnh nhân sẽ được thăm khám giống như ban đầu, theo dõi tĩnh mạch giãn như thế nào, mức độ ra sao, khi cần thiết, bệnh nhân có thể được điều trị lại từ đầu.

Nếu ta xác định được nguyên nhân chính xác gây ra giãn tĩnh mạch thừng tinh ở từng người bệnh, việc xóa bỏ những nguyên nhân này là biện pháp hiệu quả tránh bệnh tái phát.

Chúng ta cần hạn chế các yếu tố thuận lợi có thể dẫn đến giãn tĩnh mạch thừng tinh hoặc làm bệnh tái phát sau khi phẫu thuật. Chẳng hạn như thay đổi lối sống, giảm cân, bổ sung nhiều rau xanh, trái cây vào khẩu phần ăn nhằm bổ sung chất xơ để có chế độ dinh dưỡng cân đối giúp mạch máu có độ bền tốt hơn. Tránh táo bón, bệnh lý hô hấp gây ho, bệnh đường tiểu gây tiểu khó phải rặn…. vì chúng sẽ làm áp lực ổ bụng tăng lên, máu về ổ bụng khó khăn, làm ứ trệ bên dưới, dẫn đến giãn tĩnh mạch.

Và trong sinh hoạt, đối với nam giới, khi làm việc nặng cần mặc đồ lót nhằm nâng 2 tinh hoàn lên, giúp hệ thống mạch máu không bị căng giãn.

Ngoài ra, cần khám sức khỏe tổng quát định kỳ xem trong cơ thể có những bệnh lý như bướu chèn ép hay không  (gây giãn tĩnh mạch thừng tinh).

11. Sau khi phẫu thuật/can thiệp điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh, khoảng bao lâu bệnh nhân bình phục hoàn toàn và có thể sinh hoạt tình dục được ạ?

Tùy theo phương pháp can thiệp mà thời gian hồi phục sẽ khác nhau.

Với phương pháp nút mạch thuyên tắc, đây là kỷ thuật ít xâm lấn, không có vết mổ nên người bệnh có thể về trong ngày và sinh hoạt bình thường.

Đối với mổ mở, bệnh nhân cần nghỉ ngơi để vết thương mau lành. Mặc dù vết mổ không lớn, nhưng bệnh nhân cần thời gian để lành vết thương. Sau 1 tuần, người bệnh có thể sinh hoạt, tắm rửa bình thường. Còn về sinh hoạt tình dục, bệnh nhân cần nghỉ ngơi khoảng 1 tháng.

12. Chi phí các phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh?

Đây cũng là một trong những vấn đề sẽ được đề cập khi tư vấn cho bệnh nhân.

Về phương pháp nút mạch thuyên tắc, tức can thiệp bằng cách đi trong lòng mạch máu, cần sử dụng những phương tiện dụng cụ chuyên dụng và chỉ sử dụng một lần cho mỗi bệnh nhân. Đồng thời,  vật liệu gây nút mạch cũng rất nhiều tiền. Vì vậy, nếu điều trị nút mạch chi phí sẽ cao hơn, nhiều hơn mổ mở kinh điển gấp khoảng 10 lần.

Đối với chi phí mổ mở kinh điển, chi phí dao động chỉ vài triệu đồng.

~~~~~~~

Những chia sẻ của ThS.BS Trần Thanh Phong - Phó trưởng khoa Ngoại niệu-Ghép thận, Bệnh viện Nhân dân 115 đã giúp bạn đọc hiểu thêm về bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh, ảnh hưởng của bệnh này đến sức khỏe sinh sản nam giới, điều trị như thế nào... Thay mặt bạn đọc, xin chân thành cảm ơn bác sĩ!.

Hồng Nhung - Minh Khuê
Ảnh: Trung Úy, Hoàng Long

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X