Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS Trần Anh Tuấn tư vấn: Việc cần làm khi chuẩn bị mang thai

Chiều thứ sáu 29/3, ThS.BS Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc chuyên môn bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn sẽ trở lại với chương trình giao lưu trực tuyến cùng bạn đọc AloBacsi để tư vấn về chủ đề: “Việc cần làm khi chuẩn bị mang thai”.

ThS.BS Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc chuyên môn BV Phụ sản Quốc tế Sài Gòn - Ảnh: Hoàng Long

Có rất nhiều việc mà các cặp vợ chồng cần làm khi chuẩn bị mang thai, trong đó có khám tiền sản, chích ngừa, uống thuốc bổ, ngưng uống một số loại thuốc; chuẩn bị mang thai lần đầu và các lần sau có khác nhau nhiều không…? ThS.BS Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc chuyên môn BV Phụ sản Quốc tế Sài Gòn sẽ giải đáp thắc mắc xung quanh những việc cần làm khi chuẩn bị mang thai để giúp các cha mẹ chào đón bé con khỏe mạnh.

Phần sau của chương trình, ThS.BS Trần Anh Tuấn sẽ giải đáp những thắc mắc của chị em về kinh nguyệt, siêu âm thai, viêm nhiễm phụ khoa, hiếm muộn…

NỘI DUNG TƯ VẤN

Phần 1: VIỆC CẦN LÀM KHI CHUẨN BỊ MANG THAI

1. Thưa bác sĩ, để đứa trẻ chào đời khỏe mạnh, có rất nhiều việc mà các cặp vợ chồng cần làm khi chuẩn bị mang thai, trong đó có khám tiền sản. Xin bác sĩ cho biết, việc khám sức khỏe tiền sản mang lại lợi ích như thế nào đối với các cặp vợ chồng trẻ?

ThS.BS Trần Anh Tuấn

Khám sức khỏe tiền sản ở Việt Nam gần đây mới được chú ý. Tuy nhiên, khám sức khỏe tiền sản mang lại lợi ích to lớn vì biết được tình trạng sức khỏe hiện tại của mình. Cái thứ hai, mình biết được một số bệnh, mình có thể điều trị, phòng ngừa, tránh tác hại khi mang thai. Thứ ba, mình biết được cần tiêm ngừa bệnh gì để có một sức khỏe hoàn hảo khi mang thai.

2. Khám tiền sản cụ thể là làm những gì đối với nam và đối với nữ, thưa bác sĩ?

ThS.BS Trần Anh Tuấn

Nói chung nam nữ như nhau, đầu tiên khám để biết tình trạng sức khỏe của mình: cân nặng lý tưởng chưa, có thiếu cân không, cái này dựa vào chỉ số BMI, nếu chỉ số từ 20-25 là bình thường, nếu trên 25 là dư cân, trên 30 là béo phì, dưới 20 tức là thiếu cân, phải có chế độ ăn uống, tập luyện cho có chỉ số BMI lý tưởng.

Khám tiền sản cũng sẽ biết mình có những bệnh lý gì để điều trị trước khi mang thai. Ví dụ: tiểu đường, cao huyết áp, bệnh lý tuyến giáp. Nếu biết trước thì mình sẽ điều trị, khi mang thai em bé sẽ tốt hơn và cũng đỡ biến chứng cho mẹ hơn.

Và có một số bệnh có thể phòng ngừa ví dụ như viêm gan B, rubella, thủy đậu, cúm thì sẽ được bác sĩ tư vấn tiêm ngừa để có sức khỏe hoàn hảo trước khi mang thai.

Khi khám tiền sản có xét nghiệm máu, có thể phát hiện bệnh về máu như Thalassemia. Nếu cả 2 vợ chồng người lành mang bệnh α Thalassemia thì con bạn có thể mắc bệnh Thalassemia (tỷ lệ 25%), cần khám và chẩn đoán sớm khi có thai.

3. Trước khi mang thai phụ nữ nên tiêm ngừa những bệnh gì, và sau khi chích cần tránh thai bao lâu ạ? Nếu lỡ có thai khi chưa kết thúc thời gian chờ thì có ảnh hưởng đến thai nhi không ạ?

ThS.BS Trần Anh Tuấn

Phụ nữ mang thai, bệnh phổ biến nhất là viêm gan B, nên xét nghiệm để xem có tính miễn dịch hay chưa, nếu chưa có thì tiêm ngừa.

Những bệnh còn lại cần tiêm ngừa là sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, cúm. Những bệnh này nên được tư vấn và kiểm tra nếu chưa miễn dịch hoặc chưa mắc bệnh sẽ được tiêm ngừa khi mang thai.

Theo nhà sản xuất, ngừa ít nhất từ 1 -3 tháng, tất nhiên cũng có một số trường hợp khi tiêm ngừa xong mà mới phát hiện mà mình có thai thì những trường hợp này bạn cũng không cần quá lo lắng vì qua một số nghiên cứu, sởi, quai bị, rubella nếu được tiêm ngừa khi có thai, đang theo dõi cũng không thấy nguy cơ gia tăng bất thường.

4. Một số chị em thắc mắc: ngày trước các bác sĩ khuyên chích ngừa sởi, quai bị, rubella phải đợi 3 tháng mới được có thai, còn bây giờ chỉ phải đợi 1 tháng. Tại sao lại như vậy ạ?

ThS.BS Trần Anh Tuấn

Nói chung, sởi, quai bị, rubella, thủy đậu thì những trung tâm tiêm ngừa thường xuyên khuyến cáo đợi ít nhất 3 tháng. Theo nhà sản xuất thì ngừa thai ít nhất 1 tháng. Theo tôi, nếu có điều kiện, có thời gian chuẩn bị cũng nên ngừa thai 3 tháng, cùng lắm mình ngừa thai 1 tháng.

5. Việc tiêm ngừa ở phụ nữ chuẩn bị sinh con lần đầu và các lần sau có khác nhau không ạ, vì nhiều người băn khoăn không biết có cần tiêm lại hay không?

ThS.BS Trần Anh Tuấn

Tiêm ngừa lần đầu và lần sau khác nhau. Sởi, thủy đậu, quai bị, rubella chỉ cần tiêm ngừa 1 lần.

Mỗi năm nên tiêm ngừa cúm lại 1 lần vì cúm thay đổi theo mùa, theo năm, kháng nguyên thay đổi.

Tiêm ngừa uốn ván rốn cho em bé thì người mang thai lần đầu tiêm 2 mũi cách nhau 4-6 tuần, những lần mang thai sau chỉ tiêm 1 mũi thôi.


6. Các loại thuốc nên ngừng uống trước khi mang thai là những thuốc gì ạ?

ThS.BS Trần Anh Tuấn

Thuốc đầu tiên cần phải ngừng là thuốc ngừa thai. Theo khuyến cáo, nếu đang sử dụng thuốc ngừa thai mà có ý định có thai thì nên ngừng trước 3 tháng, còn một số trường hợp đang điều trị bệnh lý thì không nên ngừng đột ngột hoặc mình phải đến xin ý kiến bác sĩ chuyên khoa và có thể chuyển qua những loại thuốc ít có hại hơn khi mang thai, hoặc giảm liều đi.


7. Và các loại thuốc bổ nên uống trước khi mang thai gồm thuốc gì, liều lượng thế nào ạ? Những thuốc này chị em có thể tự mua uống không hay phải theo toa ạ?

ThS.BS Trần Anh Tuấn

Một loại thuốc bổ ít có hại mà rất cần thiết cho thai là thuốc chứa acid folic, có hàm lượng ít nhất là 400microgram. Chị em cần uống 1 viên acid folic (400-800microgram) trước khi có thai 2-3 tháng và kéo dài cho đến khi thai được 12 tuần thì có thể phòng ngừa được dị tật ống thần kinh cho thai. Thuốc  đa số là thực phẩm chức năng không cần kê toa, như: Prenatal, Obimin, Mamanatal, Ferfolic...

Chỉ khi nào thiếu máu thiếu sắt thì chị em mới cần bổ sung thuốc sắt, không cần bổ sung thường quy. Tức là nếu công thức máu bình thường thì không cần bổ sung sắt.

8. Vì sao phụ nữ dự định mang thai nên đi khám răng? Điều trị bệnh răng miệng trong thai kỳ có bất lợi gì thưa bác sĩ?


ThS.BS Trần Anh Tuấn

Thường khi có thai hay có bệnh viêm nướu, do đó chị em nên đi kiểm tra răng miệng trước khi có thai là tốt nhất.

Thứ hai, nếu bị đau răng (bị viêm tủy) khi có thai sẽ dễ gây chảy máu hơn, vì vậy người ta tránh điều trị khi có thai. Do đó, khám, điều trị bệnh răng miệng trước khi có thai là tốt nhất.


9. Qua những chia sẻ của bác sĩ, có thể thấy việc cần làm của phụ nữ khi chuẩn bị làm mẹ khá nhiều. Còn về phía các ông bố tương lai, họ cần chuẩn bị gì không, thưa bác sĩ?

ThS.BS Trần Anh Tuấn


Để em bé khỏe mạnh, ngoài việc người mẹ có sức khỏe, khỏe mạnh, khám thai định kỳ thì vai trò của bố rất quan trọng.

Thứ nhất, ông bố là người nâng đỡ tinh thần cho vợ, khi có thai dễ mệt mỏi, có nhiều bệnh nên cần sự giúp đỡ của người chồng.

Thứ hai, những ông bố cần chuẩn bị điều kiện, kinh tế, vật chất cho em bé sau này, vì rõ ràng khi có em bé sẽ tăng gánh nặng về kinh tế, trong khi đó người vợ cần có chế độ dinh dưỡng tốt hơn để có sữa nuôi em bé, đó chính là trọng trách của các ông bố.

Thứ hai, các ông bố cũng cần phải học, tìm hiểu những kênh thông tin, sách về nuôi dạy con từ khi có thai cho đến khi bé lớn lên hoặc tham gia những lớp tiền sản ở các bệnh viện cùng vợ để cùng hiểu biết, góp tay nuôi dưỡng một em bé từ trong bào thai cho đến khi lớn lên khỏe mạnh.


10. Ngoài những chia sẻ trên, bác sĩ có điều gì muốn dặn dò thêm không ạ?

ThS.BS Trần Anh Tuấn

Thực tế, quá trình mang thai gặp nhiều khó khăn, trắc trở, một cặp vợ chồng muốn có một em bé khỏe mạnh cần chuẩn bị:

- Thứ nhất, về không gian: khi dự định sinh em bé phải có điều kiện về nơi ở dành cho thành viên mới trong gia đình.

- Thứ hai cần chuẩn bị về kinh tế: rõ ràng, thêm một thành viên trong khi vợ mang nặng đẻ đau, thì cần có sự chuẩn bị trước.

- Thứ ba, về tinh thần: tôi có đề cập tìm hiểu kiến thức nuôi con trên sách vở, các buổi học tiền sản ở các bệnh viện.

- Thứ tư, cần tránh một số chất có hại cho thai nhi, chẳng hạn như rượu gây hại cho thai nhi với bất kỳ nồng độ nào, ít ảnh hưởng ít, nhiều ảnh hưởng nhiều. Như vậy khi mang thai, người mẹ không nên uống rượu, bia. Thêm nữa, vợ không hút thuốc lá nhưng chồng hút cũng gây hại cho em bé, cần cân nhắc những chuyện này.

- Thứ năm: đến những trung tâm chăm sóc sức khỏe hoặc Viện Pasteur tiêm ngừa trước khi có thai, uống thuốc có acid folic để phòng ngừa dị tật thần kinh cho thai, đây là điều tôi muốn nhấn mạnh.

s
Nếu là bạn đọc thân thiết của AloBacsi, bạn dễ dàng nhận thấy BS Tuấn thường dặn dò chị em chuẩn bị mang thai cần tiêm ngừa và uống thuốc có acid folic, dù bạn đọc không hỏi vấn đề này. Điều đó cho thấy sự tận tâm, chu đáo của bác sĩ trong từng câu tư vấn - Ảnh: Hoàng Long

Phần 2: CÂU HỎI CỦA BẠN ĐỌC

Phuong Huynh - Quận 8, TPHCM

Xin chào bác sĩ, em đang mang thai tuần 22 và bị chàm bội nhiễm chảy dịch vàng, em bị cả tay và chân nên rất khó chịu. Em đi khám được bác sĩ kê thuốc uống và thuốc eosine để bôi tuy đã ngừng lan nhưng vẫn chưa khỏi.

Cho em hỏi chàm bội nhiễm thai kì thì thường bệnh kéo dài bao lâu. Do em đang bị chàm và uống thuốc kháng sinh nên không được chích ngừa uống ván, liệu nếu em bị như thế tới lúc sinh thì em sẽ không được tiêm bất kì vacxin nào vào người hay sao ạ, vì em còn mũi lao với phổi vào mấy tuần cuối nữa.

ThS.BS Trần Anh Tuấn

Chào bạn,

Chàm là tình trạng dị ứng mạn tính, có những đợt cấp tính và có những đợt ổn định. Điều trị thuốc khi có đợt cấp tính, khi ổn định có thể ngưng thuốc. Trường hợp của bạn nếu chỉ bị chàm khi có thai thì có thể khỏi hẳn sau khi sinh.

Trường hợp của bạn thì hiện tại bệnh trong giai đoạn cấp nên bạn hãy trì hoãn đến khi ổn định. Tiêm ngừa uốn ván cần tiêm 2 mũi cách nhau từ 4 – 6 tuần. Mũi thứ 2 trước khi sanh 1 tháng.

Không nên tiêm ngừa những loại vắc xin khác khi có thai, trừ những trường hợp đặc biệt theo chỉ định của bác sĩ.

Thân mến.


Minh Thư - phamth...@gmail.com

Bác sĩ cho em hỏi. Em sinh con lần đầu tháng 12/2013 là sinh mổ do ối xấu. Đầu tháng 5 này em sinh lần 2 em muốn được sinh thường có được không ạ? Em cảm ơn bác sĩ.

ThS.BS Trần Anh Tuấn

Chào Minh Thư,

Tùy nguyên nhân của lần sinh mổ không còn tồn tại (ví dụ như ối xấu), còn các điều kiện khác thì bình thường như thai không lớn, khung chậu người mẹ bình thường thì vẫn có thể xem xét, theo dõi sinh thường.

Tất nhiên, bạn cần phải khám thai và sanh ở những bệnh viện lớn có điều kiện nếu cần mổ lấy thai cấp cứu.

Thân.


Hoàng Oanh - TPHCM

Chủ nhật vừa rồi em thử que 2 vạch (1 vạch mờ 1 vạch đậm) và sau đó đi siêu âm (chưa thấy túi thai), thử máu thì nồng độ là 235.5mUI/l. Bác sĩ bảo là có thai khoảng 2 tuần. Nên còn quá sớm, thai đang di chuyển vào tử cung. Sau đó em về nhà, cảm giác đau nặng bụng khoảng 2 ngày.

Đến ngày thứ 3 thì lại bị đi ngoài toàn hơi và phân lỏng. Và cơ bụng co lại khi đi ngoài. Bụng dưới hết đau, lưng còn chút it đau nhưng tay chân thì mỏi mệt. Tuy nhiên, âm đạo vẫn không tiết dịch gì cả, khô ráo. Cho em hỏi như thế thì có bình thường không bác sĩ? Khi thai vào tử cung thì sẽ có máu báo thai nhưng không phải ai cũng có đúng không ạ?


ThS.BS Trần Anh Tuấn

Chào Hoàng Oanh,

Trên lý thuyết, giai đoạn thai sớm Beta-hcG tăng gấp đôi mỗi 48 giờ, nếu bạn có đau bụng bất thường thì nên tái khám sớm hơn để được kiểm tra. Nếu bạn không ra huyết thì tốt hơn.

Chúc bạn sức khỏe!

 
Lê Hữu Nhật Yến - nhatyen...@gmail.com

Cho em hỏi. Em lỡ uống mấy lần thuốc rồi. Vậy thai có bị ảnh hưởng dị tật không bác sĩ. Em mang thai tháng thứ 3.

ThS.BS Trần Anh Tuấn

Chào bạn Nhật Yến,

Có nhiều loại thuốc không ảnh hưởng trong quá trình mang thai. Tuy nhiên, với những thuốc điều trị bệnh thì cần cho bác sĩ biết bạn đang có thai để được cân nhắc điều trị. Bạn cứ khám thai định kỳ để theo dõi sự phát triển của thai và được tư vấn thêm.

Thân mến.


Nguyễn Thị Mỹ Linh - Phú Yên

Bác sĩ cho cháu hỏi, cháu đi xét nghiệm soi tươi kết quả là: TBBM:+++ BC: + HC: Âm nấm: + _ Nhuộm gram trực khuển gram âm: ++ bác sĩ cho cháu hỏi kết quả như thế này thì cháu bị gì ạ.

ThS.BS Trần Anh Tuấn

Chào bạn Mỹ Linh,

Bạn bị viêm âm đạo do nấm, nếu có triệu chứng khó chịu thì cần được điều trị.

Bạn tái khám 1 tháng sau sạch kinh để được kiểm tra hoặc khi có bất thường.


Nguyễn Thị Phương - nguyenth...@gmail.com

Em chào bác sĩ, thai của em bị bóc tách 50% nhưng nằm viện được 5 ngày thì giảm được 30% trước lúc mới nhập viên thì chỉ có bóc tách, nhưng khi siêu âm lại giảm bóc tách, siêu âm bác sĩ có nghi là túi thai méo mó có ảnh hưởng đến thai không ạ? Thai hiện tại siêu âm là 7 tuần tim thai phôi có bình thường không? Mong bác sĩ trả lời dùm em ạ.

ThS.BS Trần Anh Tuấn

Chào bạn Phương,

Về vấn đề thai bạn bị bóc tách, nếu trên 40% thì tiên lượng xấu, có nguy cơ dọa sảy thai. Qua theo dõi định kỳ, tình trạng bóc tách giảm đi, thai phát triển bình thường thì sẽ không có gì đáng lo. Bạn cứ yên tâm.

Còn về kết quả siêu âm, bác sĩ nghi túi thai méo mó, không ảnh hưởng gì đến tim thai phôi. Tuy nhiên, bạn cũng cần tái khám để theo dõi, nếu thai phát triển bình thường thì không sao cả, bạn nhé.

Chúc bạn sức khỏe!

s
BS Trần Anh Tuấn luôn trong top bác sĩ "đắt show" của AloBacsi vì lượng câu hỏi sản phụ khoa rất nhiều và phong phú - Ảnh: Hoàng Long

Nguyễn Thị Minh Tân - Hải Dương

Mình thử que thấy lên hai vạch một đậm, một mờ, nhưng có hiện tượng ra máu, đi siêu âm thì chưa thấy túi thai nhưng thử máu thì thấy beta là hơn 472. Sau một tuần siêu âm vẫn chưa thấy thai, thử máu thì beta lên hơn 4 nghìn, vậy mình có bị chửa ngoài tử cung không ạ?

ThS.BS Trần Anh Tuấn

Chào bạn Minh Tân,

Với siêu âm đầu dò âm đạo, nếu nồng độ beta-hcG là 1500 -2500 mIU/ml thì thấy túi thai trong lòng tử cung. Với siêu âm đường bụng, nếu nồng độ beta-hcG là 5000-6000 thì có thể thấy túi thai trong tử cung.

Nếu trường hợp của bạn là siêu âm đầu dò âm đạo mà không thấy túi thai trong lòng tử cung thì cần loại trừ thai ngoài tử cung.

Nếu trường hợp của bạn là siêu âm bụng cần tái khám lại 2 ngày sau.

Thân mến.


Thị Nguyên - nthi...@gmail.com

Thai nhi bị thất não bên 6mm có nguy hiểm đến em bé không? Nguyên nhân dẫn đến bị thất não là gì? Có phải thai nhi nào cũng đều bị như vậy không ạ?

ThS.BS Trần Anh Tuấn

Chào bạn Nguyên,

Thông thường, đường kính não bên thai nhi dưới 10mm nếu trên mức này gọi là giãn não thất.

Như vậy, trường hợp đường kính não thất bên thai nhi của bạn là trong giới hạn bình thường, bạn cứ khám thai định kỳ.

Thân mến.


Thien Kim Phuong - Tiền Giang

Chào bác sĩ,

Em mang thai 36 tuần, siêu âm nước ối 50-60 mmm, ĐKLĐ: 32mm, CVĐ: 302mm, CVB: 2987mm, CDXĐ: 63mm, cân nặng: 2180 g, bách phân vị 3% bác sĩ bảo là rớt bách phân vị, như vậy bách phân vị 3% là gì và có sao không ạ? 36 tuần nước ối của em ở mức nào thì được? Cảm ơn bác sĩ.

ThS.BS Trần Anh Tuấn

Chào bạn,

Có thể bạn có nhầm lẫn về chỉ số ĐKLĐ. Ở tuổi thai 36, bách phân vị 5% là 82mm. Với trường hợp bách phân vị dưới 5% là thai chậm phát triển trong tử cung.

Nước ối bình thường theo cách đo xoang ối lớn nhất từ 3-8cm, như vậy nước ối của bạn là bình thường chỉ có bé là chậm phát triển.

Bạn cần nghỉ ngơi để tăng lượng máu nuôi thai, bồi dưỡng và theo dõi thai máy. Bạn nên tái khám theo hẹn để theo dõi sự phát triển của thai.

Thân.

 
Đỗ Nguyễn Thùy Dương - donguyen...@gmail.com

Xét nghiệm Hsg của em như vậy là sao, thưa bác sĩ?

Hình dáng buồng tử cung: tam giác

Kích thước: trong giới hạn bình thường

Bờ: trơn láng

Vòi trứng (p): thuốc vào vòi trứng (p).cotte (p): dương tính khu trú

Vòi trứng (t): ứ dịch. Cotte (t): âm tính

Ghi nhận khác: không có

Kết luận: vòi trứng (t) ứ dịch cotte(t) (-). Vòi trứng (p) vô thuốc cotte (p) (+) khu trú. Kết quả như vậy có phải bị tắc 1 vòi trứng không, thưa bác sĩ?

Không có bệnh phụ khoa.


ThS.BS Trần Anh Tuấn

Chào bạn Thùy Dương,

Kết quả như vậy đúng là tắc một bên vòi trứng bên trái. Bạn cứ tiếp tục theo dõi và điều trị chuyên khoa hiếm muộn.

Thân mến.


Nguyen Hong Kha - Long An

Em có thai tuần thứ 20 đi khám bác sĩ bảo đa ói xoang ói 100mm, bác sĩ cho em hỏi như vậy có sao không ạ... Em cần làm gì để khắc phục?

ThS.BS Trần Anh Tuấn

Chào bạn, đa ối có nhiều nguyên nhân, hay gặp là đái tháo đường thai kỳ, bệnh nhiễm trùng. Bạn cần khám tiền sản để chẩn đoán và theo dõi.

Chúc bạn khỏe!

 
Nguyen - nguyenj...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Kết quả siêu âm em có thai 5 tuần, 1 túi thai trong lòng tử cung và 1 khối echo bất thường cạnh phải tử cung. Vậy khối echo là gì và có ảnh hưởng gì đến thai không?


ThS.BS Trần Anh Tuấn

Chào bạn,

Echo là một khối bất thường trong cạnh tử cung, nếu là thai ngoài thì nguy hiểm nhưng nếu là 1 nang buồng trứng hoặc là 1 khối phân, nhìn chung không ảnh hưởng.

Trường hợp có thai trong tử cung kèm có thai ngoài tử cung rất hiếm gặp, tuy vẫn có thể xảy ra. Bạn cần tiếp tục theo dõi, nếu có đau bụng hay ra huyết thì đi khám ngay. Bạn cần tiếp tục theo dõi thai định kỳ.

Thân mến.


Ngo Lan Thanh - TPHCM

Vợ chồng lấy nhau 8 năm nhưng chưa có con thời gian sau này quan hệ hay bị ra máu, như vây có sao không bác sĩ?

ThS.BS Trần Anh Tuấn

Chào bạn,

Quan hệ hay bị ra máu có thể gặp như lộ tuyến cổ tử cung, polyp cổ tử cung, ung thư cổ tử cung. Bạn cần đi khám phụ khoa để tầm soát ung thư cổ tử cung.

8 năm không có con, nếu kiểm tra không có gì bất thường, hai vợ chồng bạn cũng nên đi khám hiếm muộn để được chẩn đoán và điều trị.

Thân mến.

 
Trần Thị Cẩm Hằng - vanphuong...@gmail.com

Cho em hỏi vợ chồng em cưới nhau nay đã hơn 5 năm rồi mà chưa có thai, em muốn bơm tinh trùng tỉ lệ đậu có cao không, cho em xin ý kiến với ạ.

ThS.BS Trần Anh Tuấn

Chào bạn Cẩm Hằng,

Trước hết, hai vợ chồng bạn cần đi khám hiếm muộn để được chẩn đoán nguyên nhân gây hiếm muộn. Tùy nguyên nhân sẽ được tư vấn điều trị thích hợp. Nếu trường hợp của bạn, hai tai vòi bình thường, tinh dịch đồ của chồng trong giới hạn bình thường thì mới cân nhắc bơm tinh trùng vào buồng tử cung.

Tỉ lệ thụ thai mỗi chu kỳ khoảng 25%.

Chúc vợ chồng bạn sớm có thai.


Lê Mỹ Ái - Hậu Giang

Em và chồng cưới được 3 tháng quan hệ bình thường không dùng biện pháp tránh thai, 2 tháng đầu kinh em đều khoảng 28- 29 là có kinh, nhưng tháng này em bị trễ 5 ngày rồi ạ, trễ 1 ngày em có thử que thấy có 1 vạch thôi, trễ ngày 3 em có thử mà em nôn có con quá nên thử đại buổi tối thì thấy cũng 1 vạch nản quá em bỏ que đó sáng xem lại thì thấy 1 gạch mờ lắm ạ nhìn kĩ mới thấy được.

Em cũng hay đau đầu với xung quanh ngực và đầu ti em đụng vào khá đau ạ, vậy em có hy vọng có thai không, tại em thấy 1 gạch mờ quá không chắc ạ.

ThS.BS Trần Anh Tuấn

Chào bạn Mỹ Ái,

Bạn phải theo đúng hướng dẫn khi thử thai bằng nước tiểu, thường tốt nhất vào buổi sáng. Thời gian nhúng que vào nước tiểu không được quá lâu sẽ gây dương tính giả. Nếu có điều kiện bạn nên đi khám chuyên khoa sản phụ khoa. Khi đó sẽ được chẩn đoán chắc chắn hơn bằng xét nghiệm máu beta-hcG.

Thân mến.

 
Hồ Thị Nga - ngaqt...@gmail.com

Thưa bác sĩ, chồng con lúc nhỏ bị quai bị làm tinh dịch đồ thì không có tinh trùng, mào tinh hoàn kém phát triển kích thước tinh hoàn 11mm chỉ số FSH là 22, LH 16. Xin cho con hỏi có cách nào để chữa trị không ạ?

ThS.BS Trần Anh Tuấn

Chào bạn Nga,

Chồng bạn cần đi khám chuyên khoa nam khoa, để được chẩn đoán và tư vấn. Nếu không có tinh trùng của chồng thì chỉ có cách làm thụ tinh ống nghiệm xin tinh trùng.


Lê Công Quí - An Giang

Chào bác sĩ,

Vợ em mang thai 15 tuần 2 ngày đi xét nghiệm BS cho kết quả nguy cơ hội chứng down cao hơn ngưỡng 1/250, còn các cái khác thì thấp khi siêu âm thì bình thường, cho em hỏi vậy có sao không?


ThS.BS Trần Anh Tuấn

Chào bạn Quí,

Xét nghiệm sàng lọc bất thường nhiễm sắc thể thai nhi, trong quý II (thai từ 15-20 tuần) gọi là tripple test. Với xét nghiệm này có thể sàng lọc được khoảng 70% trường hợp này ở mức nguy cơ 1/250, với sai số 5%. Nếu kết quả trên mức 1/250 thì cần chọc ối để chẩn đoán xác định.

 
Bùi Thị Vân - buivan...@gmail.com

Chào bác sĩ

Cháu mới đi xét nghiệm máu để chuẩn bị sinh em bé, các chỉ số của cháu AMH:4,08 ng/mL, FSH:7,90 mU/mL, LH:8,18 mU/mL, prolactin:696.3 uU/mL, E2:146,9 pmol/L, kinh nguyệt của cháu các tháng không đều, khoảng 40-60 ngày, lượng kinh ra bình thường ạ, cháu thả được 3 tháng rồi.


ThS.BS Trần Anh Tuấn

Chào bạn Vân,

Các xét nghiệm nội tiết của bạn trong giới hạn bình thường. Bạn có kinh thưa có khả năng rối loạn rụng trứng (hội chứng buồng trứng đa nang)

Bạn nên tiếp tục theo dõi thêm, cần lưu ý sau rụng trứng nếu không thụ thai thì đúng 2 tuần sẽ ra kinh.

Nếu bạn theo dõi trong 3 tháng nữa vẫn không có thai thì nên khám chuyên khoa hiếm muộn để được tư vấn và điều trị.

Thân mến.


Zalo Thuy Tien

Alobacsi ơi cho con hỏi, thai con bị bóc tách 15% con nên làm gì. Ăn gì để hết ạ?

ThS.BS Trần Anh Tuấn

Chào bạn,

Bạn có bóc tách 15% là có tình trạng tụ máu quanh túi thai, cần nghỉ ngơi và tái khám theo dõi quá trình phát triển của thai, kết hợp nghỉ ngơi. Tiếp tục dùng thuốc bác sĩ đã cho, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn thêm rau và trái cây để tránh táo bón.

Chúc hai mẹ con khỏe.

 
Nguyễn Hằng - nguyenth...@gmail.com

Cháu gái nhà em 17 tuổi bị kinh từ lúc 13 tuổi. Chu kỳ kinh của cháu không đều có lúc 45 đến 50 ngày thậm chí 2 tháng mới bị lại. Mỗi lần bị thì kéo dài 10 ngày mới hết. Tóc thì rụng rất nhiều. Không biết cháu có bị buồng trứng đa nang không ạ? Bây giờ phải làm sao, cháu có phải đi bác sĩ sản để khám không ạ ? Bệnh này có cần phải chữa sớm không? Xin bác sĩ cho em lời khuyên!

ThS.BS Trần Anh Tuấn

Chào Nguyễn Hằng,

Bạn nên cho cháu đi khám chuyên khoa sản phụ khoa để được chẩn đoán và tư vấn điều trị. Trong trường hợp buồng trứng đa nang, cần chú ý tránh tăng cân vì thường kèm rối loạn dinh dưỡng. Nếu kinh nguyệt kéo dài, nhiều thì cần điều trị. Còn vấn đề rụng tóc có lẽ bạn nên đi khám da liễu để biết nguyên nhân chính xác.

Thân mến.


Trần Nguyễn Kim Anh - 21 tuổi

Em đang mang bầu được 36-37 tuần rồi ạ... mà hồi chiều em nôn ra dịch màu nâu có xíu máu có ảnh hưởng tới thai nhi không bác sĩ?

ThS.BS Trần Anh Tuấn

Chào bạn Kim Anh,

Trường hợp nôn ra máu do viêm họng thì ít ảnh hưởng, còn nếu nôn do dạ dày thì cần thận trọng.

Bạn cần đi khám chuyên khoa tai-mũi-họng.


Nguyễn Thị Thúy Loan - thuyloan...@gmail.com

Em bị trễ kinh và có dấu hiệu đau âm ỉ bụng dưới là bị bệnh gì vậy bác sĩ? Lần kinh gần nhất là ngày 30/1. Trước giờ kinh nguyệt em cũng khá ổn định, và em mới kết hôn. Bác sĩ tư vấn giúp em với ạ. Em cảm ơn bác sĩ.

ThS.BS Trần Anh Tuấn

Chào bạn,

Nếu bạn có điều kiện, nên đi khám chuyên khoa sản để xác định có thai hay không. Nếu không có điều kiện khám thì mua que thử nước tiểu xem có thai hay không.

Trễ kinh 2 tuần thì cũng nên đi khám sản phụ khoa.


Dinh The Duy - Binh Duong

Em khám tinh dịch đồ mà không lấy được tinh trùng bằng cách thủ dâm bằng tay. Vậy có cách gì lấy được tinh trùng cho kết quả xét nghiệm chính xác không, thưa bác sĩ?

ThS.BS Trần Anh Tuấn

Chào bạn Duy,

Bạn có thể đến khoa hiếm muộn đang điều trị để xin dụng cụ đựng tinh dịch, về nhà lấy tinh dịch rồi quay trở lại nơi đó trong vòng 1 tiếng thì sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng.

Thân mến,

s

AloBacsi trân trọng cảm ơn ThS.BS Trần Anh Tuấn đã dành thời gian quý báu chia sẻ những thông tin hữu ích giải đáp những thắc mắc của chị em về những việc cần làm khi chuẩn bị mang thai, chuyện gặp phải trong thai kỳ, hiếm muộn…

Xin hẹn gặp lại bác sĩ vào lần tư vấn tiếp theo!


Nếu có thắc mắc về sức khỏe, kính mời bạn đọc gửi câu hỏi về chương trình thông qua:

Fanpage: AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Hộp thư: tuvan@alobacsi.vn

Zalo: 08983 08983

Hoặc trò chuyện trực tiếp với bác sĩ trong thời lượng của các buổi tư vấn trực tuyến qua số điện thoại: 08983 08983

Ngoài ra, quý bạn đọc có thể theo dõi nhiều buổi trò chuyện của các bác sĩ - chuyên gia, chia sẻ những thông tin thiết thực về việc bảo vệ sức khỏe tại kênh: AloBacsi - video.

Trân trọng!

Thực hiện: Yến Thi
Ảnh: Hoàng Long
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X