Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan: Làm sao để giảm đau do bệnh gai cột sống?

Theo thời gian và tuổi tác, các đốt sống dần bị thoái hóa gây ra bệnh gai cột sống. Vậy bệnh này nên chữa trị như thế nào, làm sao để giảm các triệu chứng do gai cột sống gây ra... ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan sẽ giải đáp những thắc mắc này trong bài giao lưu sau.

Thưa bác sĩ, đầu tiên, nhờ bác sĩ giải thích làm thế nào mà cột sống có thể “mọc gai” được ạ?

Để hiểu về vấn đề này, chúng ta nên nhắc sơ qua về chức năng và cấu trúc của cột sống. Như chúng ta đã biết, cột sống giống như là “cột chính” của ngôi nhà, là trục của cơ thể, có trách nhiệm chịu hết sức nặng của cơ thể, đồng thời bảo vệ tủy sống ở chính giữa cột sống.

Để làm được những chức năng này, cột sống có những đốt sống cổ, ngực, thắt lưng; những đốt sống này hoạt động, trượt lên nhau nhờ cấu trúc đĩa đệm gồm có nhân nhầy ở bên trong, bao xơ phía bên ngoài. Cột sống và đĩa đệm được giữ vững nhờ hệ thống dây chằng gân cơ chặt chẽ để cho cấu trúc không bị di lệch.

Chúng ta đều biết gân của đốt sống có ống tủy, nhưng nếu cấu trúc di lệch hay bất thường có thể chèn vào dây thần kinh đi từ tủy sống ra. Theo thời gian, tuổi tác, nếu như có những yếu tố phụ họa thêm như chấn thương cột sống hoặc hoạt động thường ngày sai tư thế sẽ làm cho cấu trúc của đốt sống, đĩa đệm cũng như hệ thống dây chằng gân cơ xuống cấp và lỏng lẻo.

Trong trường hợp này, độ vững của đốt sống không còn, cơ thể phản ứng lại bằng cách làm rộng diện tích thân đốt sống ra bằng cách phát triển xương ở rìa đốt sống, đồng thời hệ thống dây chằng gân cơ dày lên với mục đích giữ vững cấu trúc đốt sống. Khi dày lên như vậy theo thời gian có thể bị đóng canxi. Cả 2 hiện tượng xương phát triển ở rìa và dây chằng dày lên đóng vôi sẽ xuất hiện trên hình ảnh Xquang giống như những gai xương, và người ta gọi cột sống “mọc gai” là vì thế.

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan - Nguyên Trưởng khoa Nội Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Nhân dân 115

Còn gai đôi cột sống là như thế nào ạ?

Gai đôi cột sống là bệnh lý hoàn toàn khác với gai cột sống. Gai cột sống là biểu hiện của bệnh lý thoái hóa ở cột sống, thường gặp ở người lớn tuổi, quá trình phát triển rất chậm và gai xuất hiện nhiều nhất ở độ tuổi sau 60.

Ngược lại, gai đôi là khiếm khuyết bẩm sinh, xảy ra ngay trong bào thai. Chúng ta biết từ trong bào thai có cấu trúc gọi là ống thần kinh, và từ ống thần kinh này phát triển thành não, tủy sống và các bộ phận bọc xung quanh là cột sống. Ống thần kinh này đóng lại vào khoảng 28 ngày ở trong thai kỳ.

Các nghiên cứu cho thấy có một số yếu tố như di truyền, mẹ bị thiếu acid folic, các bệnh lý như tiểu đường, béo phì sẽ làm tăng nguy cơ ống thần kinh đóng không kín. Kéo theo đó, những đốt sống bị ảnh hưởng sẽ không kín lại và tùy theo mức độ khiếm khuyết này nặng nhẹ mà có nhiều biểu hiện khác nhau.

Trong trường hợp nhẹ nhất chỉ có đốt sống khép không kín, biểu hiện trên Xquang có 2 nhánh mọc và chồi ra phía ngoài, hoặc ở hai bên của cột sống thì được gọi là gai đôi và nếu được phân loại gai đôi ẩn thì bệnh nhân hoàn toàn không có một biểu hiện hay triệu chứng nào.

Nhưng trong trường hợp đóng không kín kèm theo thoát vị màng tủy thì có thể là có khối dịch ở phần trên đốt sống của đứa bé. Trong trường hợp nặng nhất, cả màng tủy lẫn tủy sống bị thoát vị qua chỗ không kín ra ngoài sẽ có túi nhìn rõ mạch máu thần kinh ở trên lưng của em bé mới sinh ra. Đây là trường hợp rất nặng nề, nếu phẫu thuật không thành công, trẻ sẽ tử vong.

Gai đôi cột sống ẩn bệnh nhân sẽ không có biểu hiện hay triệu chứng nào. Vậy bệnh nhân không điều trị thì ảnh hưởng sức khỏe như thế nào?

Do bệnh không có biểu hiện và cũng biến chứng gì nên không có ảnh hưởng gì đến sức khỏe, tức là bệnh nhân chỉ phát hiện gai đôi đột sống khi tình cờ hoặc do bệnh lý khác có chụp Xquang cột sống.

Đối tượng của gai đôi cột sống thường là những bệnh nhân có di truyền. Vậy đối tượng của gai cột sống bao gồm những ai?

Đối tượng bệnh nhân gai cột sống khác với gai đôi cột sống, trong nhóm này cũng có yếu tố di truyền, tuy nhiên những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất: tuổi tác, có thể trọng lớn (những người béo phì), hoạt động sai tư thế và chấn thương.

Thưa bác sĩ, nhiều người nói “do tôi ngồi lâu nên bị gai cột sống”, điều này có đúng không ạ?

Điều này thiếu mất một phần, để có cái nhìn đầy đủ thì chúng ta xem xét vấn đề “sai lầm trong tư thế sinh hoạt”.

Trước hết, khi không hoạt động thường xuyên, ngồi quá nhiều… thì hệ thống dây chằng gân cơ để giữ vững trục cột sống bị yếu và mất tính đàn hồi. Trong trường hợp lỏng lẻo như vậy, tình trạng thoái hóa cột sống, thoái hóa đĩa đệm xảy ra nhanh.

Ngược lại, nếu chúng ta căng cột sống hoặc để cột sống chịu lực quá lớn như khiêng vác quá nặng hoặc cúi lưng xuống để chịu lực vác lên… góp phần làm tình trạng thoái hóa cột sống tiến triển nhanh, gai xương phát triển nhanh.

Bệnh nhân gai cột sống có những triệu chứng nào để nhận biết?

Ngay từ đề cập ban đầu, quá trình suy yếu của cột sống kích thích xương phát triển ở bờ rìa. Vì vậy quá trình này tiến triển chậm, từ từ, rìa xương phát triển này trên Xquang thấy như gai, nhưng thật ra không có gai nào cả. Có thể rìa xương đã diễn ra quá trình tiến triển này, dây chằng dày và đóng vôi, bệnh nhân hoàn toàn không có triệu chứng nào hết, chứ không có nghĩa vừa có gai thì bệnh nhân phải đau. Chỉ khi rìa xương và dây chằng dày phát triển ở những vị trí không thích hợp, đưa đến hẹp ống sống, chèn rễ thần kinh, lúc đó mới cảm thấy đau (có biểu hiện trên lâm sàng).

Đa số các trường hợp biểu hiện lâm sàng do bản thân bệnh lý thoái hóa cột sống, tức là khi thoái hóa cột sống, hệ thống dây chằng gân cơ lỏng lẻo, kém đàn hồi, cột sống mất vững, chỉ cần ở một tư thế sai đã bị đau lưng, và tình trạng đau lưng không liên quan đến gai.

Thưa bác sĩ, khi bị gai cột sống, thì cơn đau như thế nào? Có liên quan đến đau thần kinh tọa hay đau thần kinh liên sườn không?

Trong phần trên chúng ta có đề cập, chỉ khi những gai này phát triển ở những vị trí bất thường mới gây viêm khớp xương, hẹp ống sống, chèn vào rễ thần kinh thì bệnh nhân mới đau. Hội chứng thần kinh tọa, đau rễ thần kinh tọa là tình trạng chèn ép các rễ ở L4, L5, S1, phụ trách cảm giác và vận động ở chi dưới. Vì vậy, nếu gai xương chèn vào những rễ này gây ra triệu chứng của đau thần kinh tọa. Lúc đó bệnh nhân đau ở vùng hông lưng và lan dọc theo xuống mông, đùi, cẳng chân kèm tình trạng tê rần chân và đầu chi.

Nếu bệnh nhân xảy ra tình trạng thoái hóa đốt sống ngực, thì 12 dây thần kinh ngực chi phối vùng ngực, dọc theo xương sườn, khi đó có những biểu hiện đau tê vùng ngự clan ra sau lưng hoặc phía trước. Trong những trường hợp này, gai cột sống có thể gây ra triệu chứng đau của hội chứng thần kinh tọa hoặc đau thần kinh liên sườn.

Thưa bác sĩ, bệnh gai cột sống được các bác sĩ chẩn đoán như thế nào?

Gai cột sống là biểu hiện của thoái hóa cột sống, và thoái hóa cột sống có rất nhiều giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân chỉ đau âm ỉ ở cột sống thoáng qua như ngồi quá lâu hoặc làm những động tác quá mạnh ở cột sống. Trường hợp này, chúng ta chỉ cần nghỉ ngơi, giữ đúng tư thế.

Chỉ khi đau kéo dài hoặc đau do chèn rễ thần kinh (đau dọc theo chi), hoặc đau do chèn ép tủy (chân vừa đau vừa yếu, hạn chế đi lại, có thể xảy ra ở chi trên), tình trạng gai cột sống xảy ra ở đốt sống cổ, thì bệnh nhân cần đến đơn vị y tế. Ở đây, các bác sĩ sẽ cho làm các xét nghiệm đơn giản, chụp Xquang thẳng nghiêng để phát hiện tình trạng gai, thoái hóa cột sống để đánh giá có sự chèn ép rễ thần kinh cột sống hay không.

Trong trường hợp biểu hiện trên lâm sàng chèn ép rễ, chèn ép tủy nặng thì nên chụp cộng hưởng từ MRI của cột sống và vùng tổn thương để thấy rõ các mức độ tổn thương ở rễ và tủy này.

Bệnh nhân bị gai cột sống được điều trị như thế nào?

Đa phần các trường hợp gai cột sống không gây đau, chỉ khi nào gây chèn ép rễ tủy mới đau. Để điều trị bệnh lý này, chúng ta cần phân loại:

- Nếu đau đơn thuần, âm ỉ ở cột sống do tư thế không đúng thì trước tiên, cần giữ tư thế sinh hoạt đúng. Thứ hai, dùng các biện pháp chườm nóng, chườm lạnh 4-5 lần/ngày (mỗi lần 15 phút); các biện pháp hỗ trợ như massage, châm cứu… có thể giải quyết được vấn đề.

- Nếu đau dai dẳng có thể dùng các loại thuốc giảm đau thông thường, dễ dàng mua ở các hiệu thuốc như Paracetamol…

Trong trường hợp bệnh nhân đau có chèn ép rễ cũng nên điều trị bằng thuốc, chưa cần đến bệnh viện can thiệp sâu. Những thuốc giảm đau thần kinh như nhóm chống động kinh có thể hỗ trợ.

Tập vật lý trị liệu có tác dụng thế nào trong điều trị gai cột sống?

Vật lý trị liệu là biện pháp điều trị rất quan trọng với bệnh lý thoái hóa cột sống. Nó có 2 tác dụng:

- Phòng ngừa, không cho tình trạng thoái hóa tiến triển nhanh. Để đạt được mục đích này, chúng ta cần tập đều đặn hàng ngày, kéo dài.

- Với những bệnh nhân đã có triệu chứng, vật lý trị liệu giúp bệnh nhân đỡ đau.

Có phải tập vật lý trị liệu làm mòn gai nên đỡ đau hơn phải không, thưa bác sĩ?

Đây là quan niệm rất phổ biến trong cộng đồng nhưng nó hoàn toàn không đúng. Chúng ta đều biết, gai đốt sống thật ra là xương phát triển ở rìa thân đốt sống. Khi đã phát triển rồi thì không cách nào có thể mòn đi được. Nếu không tập luyện hay có biện pháp điều trị đúng mức thì nó sẽ tiếp tục phát triển hơn.

Tuy nhiên, khi tập vật lý trị liệu, những động tác được hướng dẫn nhằm vào mục đích làm mạnh hệ thống dây chằng gân cơ của cột sống, giữ vững cột sống đĩa đệm, như vậy sẽ không có tình trạng chèn vào rễ thần kinh, hạn chế tình trạng đau và sự phát triển của gai đốt sống. Nhờ đó, tập vật lý trị liệu giúp bệnh nhân đỡ đau chứ không phải gai mòn đi.

Khi bệnh nhân đau nhiều sẽ được kê những loại thuốc giảm đau nào? Làm sao tránh việc lạm dụng thuốc có chứa corticoid để giảm đau?

Thực tế, rất nhiều bệnh nhân bị thoái hóa cột sống nhưng không biết, không hiểu được căn bệnh và chỉ muốn chấm dứt cơn đau càng nhanh càng tốt. Trong những trường hợp đó dễ dàng đưa đến tình trạng lạm dụng corticoid. Corticoid được tuyền taivới nhiều hình thức với thuốc tàu, thuốc nam, thuốc gia truyền… Nhưng thật ra, đó là Dexamethason, thuốc này có tính kháng viêm rất mạnh, khi sử dụng vào đau bao nhiêu nó cũng sẽ cắt cơn rất nhanh và hiệu quả.

Tuy nhiên, nó chỉ là thuốc giảm đau, do đó, cơ chế bệnh và tổn thương bệnh còn nguyên, tình trạng thoái hóa tiếp tục diễn ra, hệ thống dây chằng gân cơ tiếp tục yếu, cấu trúc đốt sống đĩa đệm tiếp tục lỏng lẻo, bệnh nhân chỉ có hết đau mà thôi. Và như vậy, khi hết thuốc, bệnh nhân lại đau và tiếp tục sử dụng thuốc. Cứ như thế lặp đi lặp lại, đưa đến tình trạng lệ thuộc vào Dexamethason.

Đồng thời, Dexamethason có một loạt tác dụng phụ toàn thân, trong đó có ảnh hưởng xương khớp và dẫn đến bệnh loãng xương. Không chỉ như vậy, nó còn ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và rối loạn chuyển hóa cơ thể.

Do đó, bệnh nhân thoái hóa cột sống không nên tự ý sử dụng các thuốc giảm đau truyền miệng, mà cần phải được khám và tư vấn, điều trị bởi chuyên khoa để có thể phối hợp các biện pháp vừa hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn.

Người bị gai cột sống có cần phẫu thuật không? Nếu cần thì khi nào phải phẫu thuật?

Phẫu thuật là biện pháp xâm lấn nguy hiểm, nhất là ở những bệnh nhân thoái hóa khớp đa phần đều là người lớn tuổi. Khi lớn tuổi họ sẽ có kèm theo một loạt bệnh lý như tim mạch, đái tháo đường... những bệnh này làm cản trở quá trình lành sau khi phẫu thuật.

Do đó, các khuyến cáo hiện nay đều nhấn mạnh phẫu thuật chỉ được thực hiện khi biện pháp điều trị bảo tồn thất bại, tức là nếu bệnh nhân đã có điều trị nội khoa bằng thuốc tích cực nhưng triệu chứng không thay đổi hoặc không thuyên giảm, hoặc bệnh nhân có biểu hiện của chèn ép rễ thần kinh, chèn tủy sống quá nặng, có thể ảnh hưởng đến hoạt động và vận động, khi đó mới can thiệp phẫu thuật.

Người bị gai cột sống có nên tập yoga không? Những môn thể dục nào phù hợp với họ?

Thật sự Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng cho bệnh nhân thoái hóa cột sống chính là những môn thể thao hoặc động tác vận động giữ vững trục đốt sống và thân sống đĩa đệm. Như vậy, bất kỳ bộ môn nào có thể làm mạnh cơ vùng lưng, bụng, chân đều rất tốt, trong đó có yoga. Ngoài yoga có thể có một số môn thể thao khác rất được khuyến khích như đạp xe đạp, bơi lội, dưỡng sinh...

Ngược lại, có những môn thể thao làm hại cột sống đang bị tổn thương như đá banh, đánh tennis, cưỡi ngựa, trượt tuyết… thì bệnh nhân nên hạn chế.

Ngoại trừ trường hợp bẩm sinh, nhờ BS hướng dẫn cách phòng tránh gai cột sống?

Để phòng ngừa bệnh lý thoái hóa cột sống này, chúng ta cần có lối sống tích cực, không ngồi từ sáng đến chiều, càng vận động nhiều càng tốt; khi vận động cần giữ đúng tư thế: giữ tay, vai, chậu hông trên 1 đường thẳng khi ngồi, đi, nằm...

Có một số động tác nên tránh như nghe điện thoại (tránh nghiêng đầu, kẹp điện thoại giữa đầu và vai. Động tác này rất hại cho cột sống cổ.

Những người sử dụng máy tính thường xuyên nên kê máy tính cao ngang tầm nhìn, không nên ngồi cúi xuống làm hại cột sống cổ và cột sống lưng.

Chỉ bằng những động tác như vậy chúng ta đã bảo vệ bản thân mình hạn chế nguy cơ thoái hóa cột sống.

Xin cảm ơn BS!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X