Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan: Hội chứng ống cổ tay có thể chữa khỏi hẳn không?

Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nội - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, nếu không điều trị hội chứng ống cổ tay gây ảnh hưởng trầm trọng đến chất lượng sống, ngay cả những hoạt động đơn giản như viết, cầm đũa... cũng đều không thực hiện được.

Xin BS cho biết các bệnh thường gặp ở cổ tay là những bệnh gì? Có sự khác biệt giữa tay trái và tay phải (tay thuận và tay còn lại) không ạ?

Tay là bộ phận trên cơ thể được sử dụng nhiều nhất, đồng thời cổ tay một cách vô hình chung được sử dụng rất nhiều do đó có nhiều vấn đề có thể gặp ở ống cổ tay.

Ở cổ tay, chấn thương và một số bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp là những bệnh thường gặp và liên quan đến sử dụng nhiều của bàn tay, cổ tay. Ngoài ra, phải đề cập đến 2 hội chứng là hội chứng De Quervain - tổn thương của ngón cái, và thường gặp nhất là hội chứng ống cổ tay.

Hội chứng ống cổ tay có liên quan đến việc sử dụng cổ tay nhiều. Do đó, nếu bệnh nhân thuận tay nào thì tay đó sẽ sử dụng nhiều và lực mạnh hơn, dễ bị hội chứng ống cổ tay hơn tay còn lại.

Hội chứng ống cổ tay này thường gặp ở những nghề nghiệp nào ạ? Có phải ở thời đại công nghệ, số người bị bệnh này gia tăng do sử dụng máy tính nhiều?

Ở cổ tay là mạch máu, thần kinh, đặc biệt là dây thần kinh giữa và sẽ đi qua một vùng rất nông. Tại đây cơ thể sẽ bảo vệ bằng cách là tạo ra ống cổ tay, ở phía dưới là nền xương, phía trên là màng xơ bao lại.

Mục đích của ống cổ tay là bao bọc, bảo vệ dây thần kinh cũng như mạch máu. Tuy nhiên, khi có các tổn thương sẽ làm hẹp thể tích ống này lại, gây chèn ép lên dây thần kinh giữa và gây ra hội chứng ống cổ tay.

Những yếu tố tác động có thể dẫn đến hẹp ống cổ tay, như: các chấn thương sẽ làm cho sai lệch, biến dạng của vùng xương ở đây sẽ gây ra hẹp. Ngoài ra, bất kỳ bệnh lý nào có tình trạng viêm cổ tay cũng sẽ gắn liền với hội chứng ống cổ tay như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp.

Hoặc các tình trạng có thể gây ra phù nề, làm hẹp thể tích lòng ống như béo phì, suy gan, suy thận, suy tim, trong đó, phụ nữ có thai hoặc phụ nữ mãn kinh là đối tượng dễ mắc hội chứng ống cổ tay hơn do rối loạn nội tiết tố ở giai đoạn này.

Ngoài ra, hoạt động quá mức, sử dụng lặp đi lặp lại thì có thể làm cho những tổn thương tại vùng ống cổ tay, gây tổn thương dây thần kinh giữa.

Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra hội chứng ống cổ tay, đặc biệt có liên quan đến nghề nghiệp phải sử dụng ống cổ tay nhiều như nhân viên văn phòng do phải viết hoặc sử dụng con chuột nhiều mà không chú ý tới việc bảo vệ ống cổ tay, cũng như những tư thế chuẩn dành cho nhân viên văn phòng hạn chế hội chứng ống cổ tay. Đồng thời một số nghề nghiệp có động tác rung ở tay nhiều: dùng cưa, máy đầm đất, máy xay xát, các thao tác nhà bếp như đánh trứng, trộn bột… mà không nghỉ ngơi làm tăng nguy cơ hội chứng ống cổ tay.

Hội chứng ống cổ tay điển hình với triệu chứng tê bì, đau nhức các ngón tay, bàn tay hay cổ tay có thể lan rộng lên phía cẳng và cánh tay do dây thần kinh giữa bị chèn ép. Ảnh: Internet

Nhờ BS hướng dẫn cách nhận biết hội chứng ống cổ tay? Những dấu hiệu nào đặc trưng nhất ạ?

Rất may mắn hội chứng ống cổ tay có các biểu hiện lâm sàng, triệu chứng đặc hiệu. Do tổn thương chính của bệnh là dây thần kinh giữa chi phối cảm giác của các ngón tay. Vì thế, khi bệnh nhân bị hội chứng ống cổ tay, đầu tiên sẽ có cảm giác tê bì, tê rần ở ngón tay, đặc biệt là ngón tay giữa và ngón tay trỏ. Trong trường hợp nặng, bệnh có thể ảnh hưởng cả ngón áp út. Tuy nhiên, bệnh không bao giờ ảnh hưởng ngón út vì ngón này do thần kinh trụ chi phối.

Cảm giác tê bì khi mới xuất hiện sau khi có cử động tay nhiều chẳng hạn sử dụng con chuột, gõ máy, lái xe,...

Ở trường hợp nặng hơn, ban đêm khi ngủ, bệnh nhân bất động tay ở 1 phía trong thời gian dài cũng xuất hiện cảm giác tê buốt, thường làm cho bệnh nhân thức giấc.

Ở một số trường hợp nặng hơn nữa, cảm giác tê sẽ kéo dài suốt ngày, lúc nào cũng có cảm giác tê.

Điều trị hội chứng ống cổ tay gồm những phương pháp nào, thưa BS?

Tổn thương ống cổ tay là một tổn thương thực thể, vì vậy, rất ít trường hợp mà bệnh có thể tự khỏi. Trong trường hợp nếu bệnh nhân sử dụng tay nhiều quá, ngay sau khi phát hiện có những triệu chứng ban đầu thì ngưng các động tác, có thể làm bệnh tình thuyên giảm và hồi phục. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp đều phải can thiệp bằng những biện pháp như dùng thuốc hoặc không dùng thuốc, phẫu thuật.

Trong đó, những biện pháp không dùng thuốc gồm mang nẹp ở cổ tay sẽ làm hạn chế các hoạt động quá mức, làm ổn định cấu trúc ống cổ tay lại. Trong 1 số trường hợp nhẹ, khi sử dụng phương pháp này, bệnh có thể tự hồi phục.

Nếu như đã dùng nẹp cổ tay, đặc biệt sử dụng nẹp ban đêm mà vẫn không cải thiện được thì chúng ta sẽ dùng thêm 1 số thuốc nhằm giảm tình trạng viêm ở tại ống cổ tay như thuốc kháng viêm non-steroid.

Tuy nhiên, nếu đã sử dụng non-steroid nhưng không cải thiện được thì bệnh nhân sẽ được áp dụng phương pháp chích vào ống cổ tay bằng corticoid. Các nghiên cứu cho thấy phương pháp này cũng rất hiệu quả khi mà tổn thương của ống cổ tay chưa nặng lắm thì có thể sử dụng biện pháp này và có thể lặp lại 2-3 lần.

Nếu như vẫn không hiệu quả thì bắt buộc dùng phương pháp phẫu thuật mở hoặc nội soi, mục đích rạch màng chắn ở phía trên của ống cổ tay để giải áp ống cổ tay. Sau đó, bệnh nhân sẽ không còn đau do sự chèn ép của dây thần kinh.

Thuốc điều trị hội chứng ống cổ tay là những thuốc gì, có ảnh hưởng nhiều đến dạ dày, gan, thận không ạ?

Gần như những loại thuốc kháng viêm dùng để giảm đau trong điều trị hội chứng ống cổ tay đều có tác dụng phụ, đặc biệt ảnh hưởng lên dạ dày. Khi sử dụng trong thời gian dài có thể ảnh hưởng lên cả gan, thận hay tim mạch. Khi sử dụng các loại thuốc này, bắt buộc phải có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ.

Và khi nào hội chứng ống cổ tay cần phẫu thuật? Sau phẫu thuật, nếu tái phát thì sẽ điều trị bằng cách nào, thưa BS?

Phẫu thuật sẽ được chỉ định trong những trường hợp bệnh không đáp ứng điều trị nội khoa, bao gồm cả phương pháp chích corticoid. Một số trường hợp khi bệnh nhân đến giai đoạn nặng, tức trên lâm sàng, bệnh nhân sẽ đau cả ngày và khi khám sẽ thấy bắt đầu có ảnh hưởng như yếu cơ dẫn đến yếu trong các hoạt động, cầm nắm hay bị rơi, không cầm vật nặng được. Đồng thời khi khám sẽ thấy teo các cơ mô này. Trong những trường hợp nặng như vậy, chúng ta có thể can thiệp phẫu thuật ngay từ đầu, không cần trải qua các bước như là dùng thuốc hoặc chích corticoid.

Khi bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật rạch màng để giải áp. Và khi đã áp dụng thủ thuật này nhưng vẫn không hiệu quả, các bác sĩ sẽ điều trị hỗ trợ các triệu chứng và trong những trường hợp này, dùng nẹp cổ tay cũng như các bài tập có thể làm mạnh vùng cổ tay, chỉnh hình ở cấu trúc ống cổ tay có thể góp một phần nào cải thiện triệu chứng.

Hội chứng ống cổ tay nếu không phát hiện và điều trị thì có thể để lại hậu quả gì ạ?

Đối với hội chứng ống cổ tay, tổn thương quan trọng nhất là dây thần kinh giữa, nếu như không điều trị thì dây thần kinh giữa sẽ tổn thương nặng và biến chứng đầu tiên có thể thấy là tình trạng đau nhức mạn tính kéo dài, làm giảm chất lượng cuộc sống trầm trọng cũng như ảnh hưởng đến tinh thần của bệnh nhân.

Ngoài ra, bệnh không chỉ ảnh hưởng đến cảm giác mà còn ảnh hưởng đến vận động, dẫn đến tay bị yếu dần. Ngay cả những hoạt động tinh tế như viết, cầm đũa, cầm vật dụng hoặc các hoạt động nặng đều không thể thực hiện được.

Theo BS, hội chứng ống cổ tay có thể chữa khỏi hẳn không? Chúng ta có cách nào phòng tránh, hay là bài tập nào giúp ngăn ngừa hội chứng ống cổ tay không ạ?

Tùy theo nguyên nhân để đánh giá bệnh có thể chữa khỏi hẳn hay không. Nếu nguyên nhân do các bệnh lý đi sau như béo phì, thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp,... khi điều trị các bệnh chính ổn định thì ống cổ tay của bệnh nhân cũng ổn định.

Ngoài ra, nếu vận động quá mức, khi đó chúng ta sẽ điều chỉnh lại hoạt động hằng ngày sao cho đúng tư thế. Giả sử khi sử dụng chuột, cố gắng để cổ tay thẳng góc với cánh tay, đồng thời bàn tay thẳng góc với cẳng tay như sử dụng các vật kê tay khi làm việc sẽ làm ít tổn thương đến ống cổ tay.

Và trong hoạt động hằng ngày cũng phải có những khoảng nghỉ. Chẳng hạn khi làm việc khoảng 30 phút thì phải nghỉ ngơi khoảng 5-10 phút, đồng thời tập những động tác hỗ trợ. Những động tác này cũng rất đơn giản, độc giả có thể theo dõi trên video của AloBacsi. Chúng ta có thể tập giữa giờ làm việc sẽ giúp làm mạnh cổ tay hơn, giảm bớt nguy cơ bị hội chứng ống cổ tay hoặc làm giảm nguy cơ tái phát cho người đã bị mắc hội chứng ống cổ tay.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X